Thursday, 17 August 2023

VÀI GẠCH ĐẦU DÒNG VỀ CUỘC CHIẾN TRANH CỦA PUTOX Ở UKRAINE – 17/8/2023 (Phúc Lai GB)

 



VÀI GẠCH ĐẦU DÒNG VỀ CUỘC CHIẾN TRANH CỦA PUTOX Ở UKRAINE – 17/8/2023   

Phúc Lai GB

17/08/2023  05:45   

https://www.facebook.com/phuc.lai.07/posts/pfbid0z1efKtzEqhMsCZ4GVnZyfTiorrk1KT8gkXyWJGwdsFP26U7VWthQWkrpmNB5zCsYl

 

1.  Tin chiến sự.

 

• Đánh giá của Mỹ về cuộc chiến tranh của Nga ở Ukraine:

 

- Các lực lượng Ukraine đã tiến hành các hoạt động phản công trên ít nhất ba khu vực của mặt trận vào ngày 15 tháng 8 và được cho là đã tiến công ở tỉnh Luhansk và phía tây tỉnh Zaporizhia. Đoạn phim đã được định vị địa lý đăng vào ngày 14 tháng 8 cho thấy các lực lượng Ukraine đã tiến vào Robotyne và các báo cáo khác của Nga và Ukraine được công bố vào ngày 15 tháng 8 cho thấy các lực lượng Ukraine đã triển khai thêm các lữ đoàn tấn công tới khu vực phía tây tỉnh Zaporizhia.

 

• ISW báo cáo:

 

- Các lực lượng Nga đã tiến hành một cuộc tấn công bằng tên lửa quy mô lớn nhằm vào các mục tiêu chủ yếu ở các khu vực sâu trong hậu phương của Ukraine vào đêm ngày 14 rạng sáng ngày 15 tháng 8. Các nguồn tin của Nga có thể đang thổi phồng tuyên bố về cuộc tấn công vào Tỉnh Khmelnytskyi nhằm làm cho người đọc tin rằng Nga đang nhắm và tiêu diệt hiệu quả các mục tiêu của Ukraine có liên quan đến khả năng phản công của lực lượng vũ trang nước này.

 

- Điện Kremlin đang sử dụng diễn đàn Army 2023 tại Mátxcơva (từ ngày 14 đến ngày 20 tháng Tám) để thúc đẩy quan hệ quân sự và chính trị song phương với các quốc gia khác và thể hiện mình là một đối tác đáng tin cậy và công nghệ tiên tiến.

 

- Putox và Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã đưa ra những bình luận chủ yếu là soạn sẵn nhằm định hình nhận thức rằng “chính phủ Nga đáp ứng hiệu quả các nỗ lực tạo lực lượng của Nga,” đồng thời miêu tả các nguồn lực của phương Tây và Ukraine là hạn chế, nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế chống lại phương Tây.

 

#Bình_loạn_của_Phúc_Lai:

 

Hôm qua có bác đặt câu hỏi và băn khoăn kinh khủng rằng, tại sao Robotyne… vẫn là Robotyne? – nôm na là đã nghe thấy chiếm được từ đời nào rồi mà bây giờ vẫn đang đánh nhau ở đấy? Từ hôm được xem tấm ảnh anh lính Ukraine nào đó selfie ở cổng làng tôi đã có ý thận trọng về những tuyên bố dạng chiếm được làng này, làng khác… Đến sự kiện Urozhaine vừa rồi, cô thứ trưởng Malyar đã thận trọng đến mức công bố muộn ít nhất hai ngày.

 

- Thứ nhất, dạng chiến trường như thế này việc chiếm được rồi bị chiếm lại là bình thường.

 

- Thứ hai, thói quen của giới quân sự Nga thường xuyên là phải chiếm được chỗ nọ chỗ kia, như trong bài tuyên bố của Prigozhin đã lột trần tất cả những đặc tính cố hữu của họ: trận đánh là những mũi tên xanh đỏ trên bản đồ, và khoanh thật to những vùng đã chiếm được.

 

- Thứ ba. Trong cuộc chiến tranh này, mà nói chính xác hơn là trong chiến dịch phản công lần này người Ukraine đã lựa chọn phương án “tạo vùng xám” nghĩa là tiêu diệt hoặc đánh bật quân địch khỏi một địa điểm nào đó, nhưng vẫn không tiến quân chiếm lấy nó để cho địch điều quân đến tái chiếm và tiêu diệt bằng pháo binh.

 

Từ những đặc điểm trên, cá nhân tôi cho rằng chính đánh nhau cù cưa như vậy mới đúng ý đồ và có lợi cho quân Ukraine, cứ khi nào nhận thấy bộ chỉ huy Nga không còn lực lượng dự trữ đưa vào tái chiếm một địa điểm nào đó, thì thế mới là chiếm điểm đó một cách dứt khoát và chắc chắn không có khả năng tái chiếm từ phía quân Nga nữa. Trên bản đồ của Chuck Pfarrer cho thấy, lần này anh bạn cũng thể hiện đồ họa khá đúng: quân Ukraine dùng pháo binh để tiêu diệt pháo binh Nga, tấn công tạo vùng xám ở Robotyne, rồi tiếp tục sử dụng pháo binh để tiêu diệt quân Nga đến tiếp viện từ xa. Phải có tình trạng nguy ngập (vùng xám được tạo) thì quân Nga mới tiếp viện và phải có tiếp viện thì mới tiếp tục đánh tiêu hao.

 

Ý đồ rất rõ ràng. Bài về Prigozhin ở đây:

https://www.facebook.com/MinhChungTa/posts/10227030800814984

 

2. Thượng tướng Nga Gennady Zhidko qua đời tại nhà riêng ở Mátxcơva ngày hôm qua, 16/8. Người này vào tháng 5 năm 2022 đã giữ chức Tư lệnh, chỉ huy toàn bộ nhóm chiếm đóng Nga ở Ukraine nhưng đến tháng 7 năm 2022 lão này đã mất chức.

 

Năm 2016, Zhidko là Tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Nga tại Syria. Năm 2018 lão được bổ nhiệm làm Tư lệnh Quân khu miền Đông. Năm 2021, lão được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Liên bang Nga, Trưởng ban Quân chính Tổng cục Chính trị của Lực lượng Vũ trang Nga.

 

Năm 2022, Zhidko một lần nữa trở thành chỉ Tư lệnh của Quân khu miền Đông và vào tháng 5 năm 2022, thay thế vị trí của Tư lệnh Quân khu miền Nam Alexander Dvornikov làm tư lệnh lực lượng Nga chiếm đóng ở Ukraine.

 

Vào thời điểm bị mất vị trí tư lệnh lực lượng Nga xâm lược Ukraine vào tháng Bảy năm 2022 của Zhidko, việc này không được báo cáo chính thức. Các phương tiện truyền thông, trích dẫn các nguồn thông tin, đã viết về những thất bại trong chiến sự. Khi quân Nga bắt đầu chiến dịch chiếm nốt phần còn lại của Donbas, họ được cho là nhận được sự kỳ vọng của lãnh đạo nước này, thậm chí từ Putox và Zhidko khi đảm nhiệm chức vụ cũng nhận được sự kỳ vọng như thế. Trận đánh chiếm thành phố Sievierodonetsk bắt đầu từ 31/5 và kết thúc vào 24/6 – khoảng 3 tuần đã làm tiêu hao của quân Nga một quân số rất lớn và cũng tiêu hao một lượng đạn dược khổng lồ. Tuy chiếm được thành phố nhưng với thời gian kéo dài không tương xứng với nguồn lực được sử dụng của hai bên, bất chấp truyền thông Nga vẫn tung hô nó là một chiến thắng thì Zhidko vẫn phải chịu trách nhiệm cho hiệu quả rất thấp của trận đánh đó.

 

Vì vậy cái chết của ông anh hùng Nga 58 tuổi này đã làm dấy nên những đồn đoán cho rằng nguyên nhân cái chết rất đáng nghi ngờ.

 

3. Hôm 15/7 tôi đã có báo cáo các bác về cách quân Ukraine phát hiện và phá mìn của Nga, mà hôm đó tôi còn gọi nó là cách “thủ công.”

 

“Hiện nay, Ukraine đang phá mìn bằng cách thủ công. Đầu tiên, họ dùng UAV với camera ảnh nhiệt đi quay chụp địa hình lúc xẩm tối, khi đó mặt đất bắt đầu nguội nhưng mìn thì khác chất liệu vẫn giữ nhiệt của ban ngày, sẽ sáng lên trên màn hình. Sau đó một UAV bay đến từ độ cao xác định đủ để không bị mìn nổ làm ảnh hưởng, thả đạn cối làm nổ quả mìn đó. Theo tiêu chuẩn, mìn chống xe cơ giới được gài với giãn cách 2x2m nhưng thường thì thưa hơn.”

 

https://www.facebook.com/phuc.lai.07/posts/934222084332516

thì cách đây vài ngày có phóng sự của CNN “theo chân những người lính phá mìn Ukraine” thì đúng đó là cách mà họ làm việc, tôi xin gửi theo bài hai tấm ảnh từ phóng sự. Một tấm là ảnh từ UAV chụp mặt đất, những chấm sáng là các quả mìn, những bãi mìn của Nga rải thường dài 1 ki-lô-mét và rộng 300 mét. Còn tấm ảnh kia là vụ nổ do tiến hành phá mìn. Trong phóng sự nói không rõ nhưng là họ phóng một thứ gì đó vừa kích thích bằng áp suất, vừa gây xung từ trường và kích nổ cả một đám mìn lớn.

 

Như vậy, quân Ukraine đã có cách xử lý bãi mìn của Nga, có thể chưa quá nhanh chóng nhưng để dọn đường cho tấn công thì theo tôi nhận thấy, khá là ổn.

 

4. Về câu phát biểu của ông Stian Jensen về việc Ukraine có thể phải đổi đất lấy hòa bình, nhưng sau đó ông này lại rút lại những lời đó của mình – tôi cũng nhận được câu hỏi từ hai hay ba bác bạn Facebook.

 

Ông Jensen, chánh văn phòng của Stoltenberg nói: “Những tuyên bố của tôi về tư cách thành viên NATO của Ukraine là một sai lầm. Nhận xét của tôi về vấn đề này là một phần của cuộc thảo luận lớn hơn về các kịch bản có thể xảy ra trong tương lai ở Ukraine.”

 

Trước đó, tuyên bố của Chánh văn phòng Tổng thư ký NATO, Stian Jensen, mà theo đó việc nhượng lại các vùng lãnh thổ sẽ là một giải pháp khả thi để Ukraine trở thành thành viên của Liên minh Đại Tây Dương. Bản thân Jenssen sau đó đã bác bỏ những tuyên bố mà ông đã đưa ra trong một cuộc thảo luận bàn tròn được tờ báo Na Uy “Đồng bọn Verdens” đưa tin lại.

 

“Tuyên bố của tôi về vấn đề này là một phần trong cuộc thảo luận rộng hơn về các kịch bản có thể xảy ra trong tương lai ở Ukraine,” quan chức này giải thích, đồng thời cho biết thêm rằng lẽ ra ông không nên đưa ra những tuyên bố như vậy. “Đó là một sai lầm,” Jenssen nói.

 

#Bình_loạn_của_Phúc_Lai

 

Về vấn đề chiếm lại Crimea, tôi đã có bài trước đây:

https://www.facebook.com/phuc.lai.07/posts/934222084332516

 

(mục số 5: “5. Khả năng chiếm lại Crimea có hay không, và vào lúc nào?”)

 

Bây giờ nếu cho phép tôi viết thêm, thì tôi sẽ đưa ra thêm một ý kiến nữa: không nhất thiết người Ukraine sẽ chiếm lại Crimea bằng cách tấn công trên bộ từ Kherson xuống phía nam, điều này là không cần thiết. Trong bài trước cách đây 2 ngày tôi đã viết về chiến lược của người Ukraine là chia cắt, chẳng hạn ở mặt trận miền nam thuộc các tỉnh Donetsk – Zaporizhia – Kherson chiến lược đó đã rất rõ bằng hai mũi tấn công, một theo hướng Berdyansk và một theo hướng Melitopol, ngoài ra khả năng đổ bộ qua sông Dnipro ở Kherson cũng rất cao… Về tổng thể mặt trận này lại dần bị chia cắt với hậu phương của nó là Crimea bằng các cú tấn công vào cầu Chongar, điều này nằm trong chiến lược đánh phá hậu cần ở sâu trong hậu phương của quân Nga.

 

Chưa hết, bản thân cái vùng gọi là “hậu phương” tức Crimea, cũng bị đánh phá thường xuyên và con đường độc đạo tiếp tế cho nó là cầu Kerch, thường xuyên bị làm gián đoạn hoạt động giao thông vận tải và nghiêm trọng nhất là tình hình trên bán đảo đang đi tới chỗ thiếu nước. Sau khi quân Nga phá đập thủy điện Nova Kakhovka thì quá trình cấp nước cho bán đảo đã coi như dừng lại, dự trữ nước của bán đảo được dự báo chỉ đủ đến khoảng tháng Mười năm nay.

 

Vì vậy, người Ukraine sẽ cần vũ khí tầm xa (ATACMS và Taurus) và không quân để tiêu diệt nốt các căn cứ trên bán đảo Crimea và thời điểm để làm việc đó vào khoảng cuối năm nay, sau khi hoàn tất quá trình chia cắt – bán bao vây mặt trận phía nam. Khi chưa có ATACMS và Taurus, quân Ukraine phải tiến đển khoảng cách đủ để dựng một – mà ở đây với hai mũi tấn công – sẽ là hai hàng rào thép từ chiến tuyến ra tận biển Azov. Sau đó là quá trình “giã mềm” các lực lượng Nga ở trong những khu vực bị chia cắt đó cho đến khi nào buộc phải bỏ chạy khỏi vị trí của chúng. Đây cũng là giai đoạn phải có ATACMS và Taurus để bắn phá các mục tiêu trên bán đảo Crimea và cầu Kerch sẽ bị bắn đến mức gần như hỏng hẳn, chỉ cho phép giao thông thật hạn chế, và không có khả năng phục hồi.

 

Các vũ khí tầm xa (ATACMS và Taurus) và không quân còn cần cho khu vực mặt trận Donbas, và khi quân Nga trên mặt trận phía Nam đã nguy ngập, cơ hội sẽ đến với người Ukraine ở mặt trận Donbas. Phải có ATACMS và Taurus, máy bay A-10 và F-16 để người Ukraine đi đến chiến thắng cuối cùng.

 

Đến đây thì chúng ta đã hình dung ra được rằng: người Ukraine đã có đủ nguồn lực cần thiết để chiến thắng, đuổi hết quân Nga khỏi lãnh thổ của mình đang bị chiếm đóng, và rõ ràng người Ukraine biết chiến thắng với nguồn lực tối thiểu. Đã có những nhận xét từ các nhà bình luận quân sự thế giới rằng: không cần F-16 thì người Ukraine đã đủ nguồn lực để đi đến thắng lợi cuối cùng rồi.

 

Đến đây, cho phép tôi bình luận sa đà thêm một chút. Quân đội hai nước tham gia chiến tranh Ukraine đang không áp dụng cùng một học thuyết. Nói chính xác, hai quân đội tham gia cùng một cuộc chiến tranh, nhưng với hai cách tiếp cận cực kỳ khác nhau.

 

Người Nga đang tiến hành một cuộc chiến tranh bằng vũ lực, chỉ dựa vào việc áp đảo đối thủ của họ một cách ồ ạt và đây là cách các cuộc chiến đã diễn ra cách đây 40, 60 thậm chí 80 năm. Từ đầu cuộc chiến đến nay, người Nga tỏ ra không có tư duy chiến lược, rất ít sử dụng trí thông minh cả trong lý thuyết quân sự lẫn trên thực tế. Những người lính của Nga được dùng làm bia đỡ đạn, chẳng khác gì trận Stalingrad cách đây 80 năm. Người Nga tham chiến mà hoàn toàn không đếm xỉa gì đến những điểm mạnh và điểm yếu của mình.

Người Ukraine như người ta vẫn nói: “được đào tạo ra từ cùng một cái nôi với người Nga” đã từ lâu nhận ra những hạn chế của người Nga. Họ nhận ra rằng họ không thể đối đầu với Nga và đang chiến đấu với cách này. Họ đang sử dụng vũ khí vượt trội của mình về công nghệ và độ chính xác để cắt đứt nguồn cung cấp của Nga. Họ làm việc này một cách cẩn thận, khoa học và từ tốn, từ lúc Nga còn đầy sức mạnh kinh người cho đến khi cán cân chiến lược nghiêng dần về phía họ.

 

Câu chuyện chiếm lại thành phố Kherson và vùng hữu ngạn là một ví dụ tuyệt vời cho chiến lược này. Người Ukraine đã cắt đứt nguồn cung cấp của Nga trong khi không cố gắng giao chiến, cho đến khi nguồn cung cấp của Nga đã cạn kiệt. Quân Nga phải bỏ chạy và Ukraine có thể chiếm Kherson mà không bị tổn thất đáng kể nào.

 

Đây là phương thức hoạt động của Ukraine trong suốt cuộc chiến. Quân Nga vì tức giận đã đánh vào cơ sở hạ tầng và dân thường của Ukraine. Ngược lại, người Ukraine chỉ sử dụng vũ khí để chống lại các mục tiêu của Nga có ý nghĩa quân sự.

 

“Ukraine đang chiến đấu trong cuộc chiến của tương lai. Nga đang chiến đấu trong cuộc chiến của quá khứ.” Sau cuộc chiến này, phương Tây có rất nhiều điều phải mang sách vở đến học người Ukraine.

 

^^^^^^^

Vậy tại sao người Ukraine phải nhường đất cho Nga – Putox để có hòa bình? Vớ vẩn. Hậu quả nghiêm trọng nhất của thứ hòa bình viển vông này, là chấp nhận nó cũng đồng nghĩa với chấp nhận mình là bên thua trận, và nếu như vậy thì nước nào là nước bị tàn phá do chiến tranh nhiều hơn – Ukraine! Khi đó nếu chỉ dựa vào các lệnh cấm vận và trừng phạt của phương Tây, có khả thi không hay đó là một phương án “thả gà ra đuổi?” Đời nào người Ukraine chọn phương án đó, đã bơi qua sông được hai phần ba rồi thì không ai bơi ngược lại hoặc dừng giữa dòng, phải bơi nốt sang bờ bên kia.

 

5. “Mỹ và phương Tây quá sợ Nga” “Mỹ và phương Tây quá nhút nhát” và cuối cùng, ý kiến cho rằng “Mỹ và phương Tây muốn Nga chảy máu từ từ đến chết.”

 

Cả ba ý kiến này đều liên quan đến quá trình cung cấp vũ khí cho Ukraine từ phương Tây hiện nay. Hai ý kiến đầu thường từ những người sốt ruột muốn nhìn thấy người Ukraine có vũ khí mạnh ngay. Ý kiến thứ ba, thường của những người thích thuyết âm mưu.

 

Về hai ý kiến đầu, tôi xin dẫn ra đây vài bộ phim của điện ảnh Hollywood như “Cuộc truy lùng tàu “tháng Mười Đỏ”,” 1990 “Nỗi sợ hãi tột cùng” (tựa do người Việt Nam ta đặt cho phim “The Sum of All Fears” 2002) và gần đây nhất, phim “Mật vụ giải cứu” tựa đề người Việt Nam ta đặt cho phim “Hunter Killer” 2018. Tất cả những phim được dẫn ở đây đều có cách tiếp cận là chính quyền Nga, tổng thống Nga nhìn chung là những người tốt và người Mỹ (mặc dù vẫn không ưa tổng thống Nga một cách đầy châm biếm) vẫn cộng tác tốt với người Nga để giải cứu thế giới. Từ cách nhìn đó, có thể có thể thấy phương Tây một mặt dành cho Nga một cái nhìn, một thái độ e dè, nể sợ… nhưng lại rất tôn trọng.

 

Chưa bao giờ trong phim Hollywood xuất hiện một tổng thống Nga là thằng khủng bố như hiện nay. Thật trớ trêu.

 

Còn về ý kiến thứ ba, “Mỹ và phương Tây muốn Nga chảy máu từ từ cho đến chết,” tôi đã nghe nhiều lần từ đầu chiến tranh, nhưng chưa bao giờ có ý định và có thời gian để viết về lập luận này. Ý kiến này từ khi có lý thuyết “luộc con ếch Putox” thì lại càng được củng cố vững chắc, bất chấp một điểm cực kỳ chông chênh về mặt lý luận mà nếu đưa nó ra, lập tức ý kiến này phá sản.

 

Điểm đó là: tự Nga của Putox bước vào cuộc chiến, nghĩa là họ tự nguyện lao vào nó để bị chảy máu, chứ không ai bắt họ cả. Không có phương Tây hay Hoa Kỳ nào làm được việc phi thường đó, ngoài Putox và bộ sậu của lão ta. Sau khi lao vào rồi, bị đánh thành thương rồi, thậm chí bị thương nặng rồi, bắt đầu bị “chảy máu từ từ” rồi, mà họ vẫn không chịu rút quân. Cái gọi là “quá trình chảy máu từ từ” này nó sẽ chấm dứt (stop bleeding) ngay lập tức khi họ rút quân và không có phương Tây hay Mỹ nào khống chế, điều khiển, xúi giục được điều đó.

 

Đã như vậy tại sao lại cho rằng “Mỹ và phương Tây muốn Nga chảy máu từ từ đến chết???” Chẳng ai muốn có chiến tranh, rồi phải đổ của cải vũ khí, cả tiền nữa chứ, quăng vào lò lửa để mà đốt cả. Đây là kiểu tư duy có thiên hướng đối đầu, và có lẽ chúng ta mờ mờ nhận thấy hình như nó (ý kiến thứ ba) đối lập với hai ý kiến trước, nhưng không, tất cả là mong muốn nhìn thấy sự đối đầu. Ở đây vẫn có những điều đúng: Mỹ và phương Tây đã hòa hoãn với Putox quá lâu, và dung túng con quỷ hiếu chiến bên trong hắn mà không có bất cứ một biện pháp hữu hiệu nào để hạn chế. Nói Mỹ và phương Tây hèn nhát và sợ hãi cũng không sai lắm: họ sợ đụng vào kho vũ khí hạt nhân của Putox.

 

Nói tiếp về ý kiến thứ ba, có người hỏi tôi rằng, tại sao lại có sự chần chừ trong cung cấp vũ khí cho người Ukraine như vậy? Tôi có hỏi lại: chẳng hạn trong quan hệ song phương chiến lược giữa Hoa Kỳ với nước khác chẳng hạn chỉ cần là Đài Loan hay Philippines thôi, chưa cần Hàn Quốc hay Nhật Bản, thì Ukraine có bằng các đối tác đó của Hoa Kỳ không? “Không!”, có phải không ạ?

 

Tôi nói với người hỏi rằng: “xin bác nhớ cho rằng, Ukraine vẫn là quốc gia Xô-viết cũ, trước 1991 nó là một phần của Liên Xô, là một bộ phận của Hiệp ước Vác-xa-va và ngay trước năm 2014 chính quyền của nó vẫn là một chính quyền thân Nga” (nếu như không muốn nói rằng đó là chính quyền do Nga thao túng lập nên và thao túng cả hoạt động).

 

Vì vậy việc e dè trong cung cấp vũ khí cho Ukraine hiện nay có hai mặt:

 

- Mặt thứ nhất, như trên đây đã nói – có thể ông Zelensky cùng nội các tỏ ra rất nhất quán, trung thành trong thái độ của mình với phương Tây, nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả những người Ukraine hiện nay, đều như vậy cả (mặc dù thực tiễn cuộc chiến tranh đã chứng minh sự mong mỏi của người Ukraine hướng tới thế giới văn minh của Liên minh châu Âu như thế nào). Chính quyền của ông Zelensky có thể gặp khó khăn trong nội bộ bất cứ lúc nào, và khi đó không có gì đảm bảo là những chính quyền tiếp theo có cùng một chính sách, một thái độ với chính quyền Zelensky.

 

- Mặt thứ hai, gần như đối lập với mặt thứ nhất – giả định là đúng, người Ukraine tất cả đều có mong muốn thoát khỏi cái gọi là “thế giới Nga” đi, nhưng những gì nước Nga của Putox đã làm từ đầu chiến tranh đến nay và mở rộng hơn, từ năm 2014 đến nay – nhất là những tội ác đau thương chúng gây ra cho người dân Ukraine, thì chắc chắn lòng căm thù của người Ukraine đối với những kẻ tội phạm chiến tranh “hàng xóm ngay sát nách” – là rất đáng gờm và không ai nên đùa với nó. Trang bị vũ khí công nghệ cao cho lòng căm thù sục sôi đó, thật là một điều rất đáng thận trọng. Để khống chế một lòng căm thù có vũ khí, vũ trang tốt đó chỉ có một cách tốt nhất – là Ukraine gia nhập NATO. Ukraine là thành viên của NATO, sẽ đảm bảo hòa bình cho cả Ukraine lẫn Nga. Thế nhưng quá trình gia nhập NATO của Thụy Điển đầy sóng gió trong thời gian qua đã cho thấy, câu chuyện không hề đơn giản và với Ukraine sẽ còn khó khăn hơn nhiều.

 

Bài học Afghanistan vẫn còn nguyên – chúng ta thử tưởng tượng một kịch bản rất xấu là Ukraine vì một biến cố gì đó, bị chia năm xẻ bảy, sa vào một cuộc nội chiến còn nghiêm trọng hơn nội chiến 2014 – 2022 giữa chính quyền trung ương Ukraine với bọn li khai Donbas, mà khi đó kho vũ khí của phương Tây không rõ số phận ra sao. Lúc đó thì chiến tranh mới thực sự là kéo dài và châu Âu thì chính thức ngồi cạnh thùng thuốc súng và thùng thuốc súng đó lại đặt cạnh một cái bếp lò…

 

• Vậy thái độ đúng đắn cần thiết của phương Tây và Hoa Kỳ là như thế nào?

 

- Thứ nhất là “như hiện nay,” đầu tiên phải căn cứ vào tình hình, vào khả năng giữ chính quyền chắc chắn của Zelensky và cộng sự của ông ấy, sao cho không có đối lập, không có những tư tưởng tả khuynh hữu khuynh nào hết, đặc biệt là các tư tưởng thân Nga, chủ hòa… là phải diệt trừ bằng hết. Sau đó là chống các biểu hiện làm yếu chính quyền, yếu quân đội… nhất là nạn tham nhũng. Chừng nào mà ông Zelensky làm tốt được những yêu cầu, nhiệm vụ đó thì hỗ trợ của phương Tây và Hoa Kỳ vẫn còn.

 

- Thứ hai, căn cứ tình hình diễn biến của cuộc chiến tranh, đầu tiên các hỗ trợ đó đảm bảo (1) Ukraine không mất chính quyền – đây là diễn biến hồi đầu chiến tranh, các hỗ trợ rất ít, tập trung vào tên lửa chống tăng Javelin và các đồ bảo hộ, an toàn, một số vũ khí nhẹ, vũ khí cá nhân, các suất ăn dã chiến… (2) đảm bảo quân Ukraine đuổi được quân Nga khỏi từng vùng lãnh thổ đã chiếm được – đây là diễn biến của giai đoạn hai của cuộc chiến, với những vũ khí nặng hơn như M-777 và đạn cho nó (3) đánh thất bại các âm mưu hình thành những cụm quân lớn, có tính chiến lược cho các chiến dịch tấn công lớn của Nga – đây là giai đoạn tham gia của HIMARS và sắp tới (4) sẽ là đuổi hẳn Nga ra khỏi đất nước Ukraine, đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ và hòa bình lâu dài cho nước này, sẽ là sự tham gia của ATACMS và máy bay chiến đấu như A-10, F-16.

 

Đến đây, chúng ta nhận thấy một “điểm xấu” hay tồi – nếu nước Nga mà tan vỡ thành nhiều mảnh nhỏ, sẽ rất khó khăn cho người Ukraine để đòi bồi thường chiến tranh ngoài khoản tiền của Nga đang bị giữ trong các Ngân hàng phương Tây. Đó là chưa nói đến kho vũ khí của Nga bị rơi vào tay các bên tham chiến, bên khởi nghĩa thậm chí bọn khủng bố… trong trường hợp nước này tan rã và sa vào nội chiến.

 

Vì vậy, tốt hơn cả là nước Nga của Putox bị đánh thua đến mức nào đó mà chúng nhận ra rằng, chúng không thể tiếp tục được nữa và phải rút tàn quân về nước. Khi đó, những vũ khí mà Ukraine đã nhận được là “vừa đủ” không bị thừa. Ai mà biết trước được tương lai sẽ như thế nào?

 

Điều cuối cùng tôi muốn nói là, cái quá trình “chảy máu từ từ” này của Nga, ngoài việc tự họ lao vào, còn do chính bản thân cỗ máy của họ như thế, và nó tất yếu dẫn tới hiệu quả như thế, chứ không có thế lực bên ngoài nào muốn mà được, không có phương Tây hay Hoa Kỳ nào quyết định được. Không ai bắt Nga phải đưa hàng nghìn cái xe tăng vào chiến tranh để bị đốt gần hết. Không ai bắt Nga phải tham chiến bằng hàng triệu quả đạn pháo để đến ngày kiệt quệ. Cũng không ai bắt Nga của Putox phải vét đến người lính cuối cùng để đẩy ra chiến trường làm bia thịt. Chỉ có học thuyết quân sự của họ và cỗ máy chiến tranh thời Chiến tranh Vệ quốc của họ, yêu cầu họ làm điều đó.

 

Nếu như họ thực hiện được một nửa lý thuyết cải tổ quân đội như chương trình 2008, thì đã chẳng bao giờ có chuyện “chảy máu” như bây giờ. Và lúc này thì chúng ta đang chứng kiến quân đội của họ chẳng phải chảy máu từ từ nữa, mà đã là ào ạt như thác rồi. Và kết luận cho phần này, tôi sẽ viết ở mục sau.

 

6. Chúng ta hãy tiếp tục câu chuyện trên đây với câu hỏi tiếp theo: đến thời điểm nào phương Tây và Hoa Kỳ sẽ phải ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine do hoạt động đó ảnh hưởng đến yêu cầu hoạt động phòng thủ của chính họ?

 

Nếu cuộc chiến kéo dài, thì hỗ trợ của phương Tây và Hoa Kỳ cho Ukraine sẽ không bao giờ dừng lại, nhất là Hoa Kỳ, dù sau ông Biden có ai đó khác làm tổng thống Hoa Kỳ, thì chính sách của quốc gia này vẫn giữ nguyên như thế. Báo chí Việt Nam có rất nhiều bài về chuyện “Mỹ và phương Tây cạn kiệt kho vũ khí hỗ trợ Ukraine” – các “nhà báo” giật tít một cách hào hứng, hí hửng cứ như quá trình này ngừng đến nơi, và Ukraine thua đến nơi.

 

Thực tế, Hoa Kỳ có rất nhiều lựa chọn. Chúng ta đang nhắc đến một quốc gia có một nền sản xuất công nghiệp không chỉ vĩ đại, không chỉ lâu đời đầy truyền thống mà còn hiện đại, nghĩa là họ có thể nghỉ, nhưng có thể chuyển sang sản xuất với công suất tối đa trong một thời gian ngắn nhất. Không chỉ thế, họ sở hữu những công nghệ tiên tiến nhất trong mọi lĩnh vực đời sống và đương nhiên là cả trong công nghệ vũ khí. Tôi hoàn toàn không hào hứng gì với điều này vì là người theo chủ nghĩa hòa bình, nhưng cũng phải công nhận điều đó.

 

Vậy đơn giản nhất với Hoa Kỳ, là bật công-tắc cho máy chạy, và có nhiều vũ khí được sản xuất hơn. Điều này cực đúng với các món như… đạn pháo. Nhưng họ cũng có nhiều lựa chọn khác, như cung cấp vũ khí cũ hơn cho Ukraine và thay thế chúng bằng vũ khí hiện đại hơn. Hoa Kỳ không phải chỉ lấy vũ khí từ kho dự trữ của mình để cung cấp cho Ukraine để đến mức bị cạn kiệt, mà lúc nào cũng có thể sản xuất ra gấp nhiều lần như thế.

 

Điều này hoàn toàn đối lập với một nền sản xuất công nghiệp như của Nga, khi mà bất cứ cái máy cái nào quan trọng cho dây chuyền sản xuất, Nga đều không làm được. Như Igor Girkin “Strelkov” lúc sinh thời, à nhầm, lúc còn được tự do đã viết: “nước Nga trải qua 30 năm của thời đại ĐẠI TÀN PHÁ NỀN SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP.”

 

Putox và nước Nga của hắn ta không hề nhận thức được hành động nào là đúng đắn, như con bạc càng thua càng cố gỡ cho đến khi cháy túi, hắn dấn sâu vào cuộc chiến, tung hết quân bài này đến quân bài khác mà quá trình này được mô tả là “chảy máu từ từ.” Thật tình cờ mà quá trình này diễn ra, có lẽ nó ngoài mong đợi của phương Tây và Hoa Kỳ. Nhưng bây giờ thì Hoa Kỳ đã biết rất rõ là, về lâu dài các hỗ trợ cho Ukraine sẽ rẻ hơn và dễ dàng hơn để đánh bại Putox “ngay lúc này” hơn là đợi cho đến khi hắn ta xâm lược Ukraine một lần nữa, hoặc tấn công một quốc gia nào đó khác vào một ngày nào đó khác trong tương lai.

 

Về mặt này, chẳng ai giỏi bằng người Mỹ. Người Việt Nam có câu “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn” và nó rất đúng với chiến lược “luộc ếch” mà người Mỹ đang tình cờ hưởng lợi hôm nay.

 

Lúc này đã là lúc thuận lợi cho việc đưa ra một kết luận. Với người Mỹ, chuyện Nga Putox có chảy máu từ từ hay ào ạt như thác, không quan trọng, đó là việc của Putox và nước Nga của hắn – mà điều quan trọng là hình thái địa chính trị của khu vực và thế giới sau chiến tranh như thế nào, có hình dung được hay không.

 

Chẳng hạn như với Tập Cận Bình hiện nay, việc hình dung bàn cờ địa chính trị sau chiến tranh là không dễ, thậm chí rất khó: nước Nga vỡ tan thành năm, bảy mảnh cũng có lợi; không vỡ mà suy yếu thê thảm, cũng có lợi; nhưng cả hai đều tiềm tàng những vấn đề nghiêm trọng và chưa lường được hết hậu quả.

 

Với Hoa Kỳ, trước hết là nhiệm vụ bảo vệ các nguyên tắc dân chủ, Putox vi phạm các nguyên tắc đó, đe dọa hòa bình thế giới và ổn định toàn cầu, xâm phạm trật tự luật pháp quốc tế thì việc hỗ trợ Ukraine tự bảo vệ là đương nhiên. Chiến thắng của người Ukraine trong cuộc chiến này là chắc chắn và không cần bàn cãi. Nhưng như trên đây tôi đã viết, nước Nga không tan rã thì tốt hơn cho hòa bình thế giới và điều đảm bảo cho chuyện này không phải là “chảy máu từ từ” – chảy máu từ từ sẽ dẫn đến một sự tan rã, đổ vỡ chắc chắn hơn. Nước Nga thua càng nhanh, thì sức mạnh nó còn giữ lại được càng nhiều và chính quyền trung ương nước này càng ít gặp rủi ro hơn. Người Ukraine chiến thắng càng nhanh, thì chi phí hỗ trợ cho họ cũng càng ít. Và quan trọng hơn cả là càng ít đổ máu.

 

Vì vậy khi chính quyền Zelensky đảm bảo được những đắn đo của phương Tây và Hoa Kỳ, những vũ khí họ yêu cầu để đi đến chiến thắng cuối cùng sẽ có. Và sẽ không bao giờ có cơ hội nào cho Putox cả. Vậy thôi.

 

• Tin tức bổ sung: một Kamov-52 “Cá sấu bay” vừa bị phòng không Ukraine bắn hạ đâu đó ngoại vi Robotyne, phi công được ghế phóng ra thoát hiểm và được biết là hắn đã được giải cứu, nhưng tên hoa tiêu bên cạnh thì không thoát, đã mất mạng. Đây là chiếc Ka-52 thứ ba của Nga bị bắn hạ trong tuần này, chiếc thứ hai đâu như là hôm qua ở gần Bakhmut. Với thông tin này, chúng ta thấy quá trình đánh tiêu hao lực lượng quân Nga của người Ukraine vẫn đang được tiến hành rất chắc chắn.

 

#Slava_Ukraine

#Nga_xâm_lược_Ukraine

#bưng_bô_cho_hòa_bình

 

HÌNH :

 

https://www.facebook.com/photo?fbid=949599462794778&set=pcb.949599756128082

Bản Đồ Chiến Sự

 

https://www.facebook.com/photo?fbid=949599629461428&set=pcb.949599756128082

https://www.facebook.com/photo?fbid=949599672794757&set=pcb.949599756128082

Ukraine sử dụng ‘Thermal Cameras’ tìm mìn Nga

 

 

.

128 BÌNH LUẬN   

 






No comments:

Post a Comment

View My Stats