Friday, 11 August 2023

TRÍ TUỆ NHÂN TẠO, SÂN CHƠI MỚI CỦA TIN TẶC (Lê Tây Sơn / Saigon Nhỏ)

 



Trí tuệ nhân tạo, sân chơi mới của tin tặc

Lê Tây Sơn
10 tháng 8, 2023

https://saigonnhonews.com/doi-song/cong-nghe/tri-tue-nhan-tao-san-choi-moi-cua-tin-tac/

 

Nhờ trí tuệ nhân tạo (AI), tin tặc có thể tấn công đơn giản bằng cách chỉ cần tập kích những câu lệnh bậy bạ thông qua một phần mềm quấy rối nào đó để AI hoang mang và… tự lập trình lại!

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/08/joan-gamell-XmZ4GDAp9G0-unsplash-1024x683.jpg

Minh họa: joan-gamell-unsplash

 

 

Kỹ thuật đánh lừa AI

 

Sử dụng một kỹ thuật gọi là “prompt injection” (tập kích lời nhắc), tin tặc có thể phá vỡ các hệ thống AI như ChatGPT bằng những câu lệnh tiếng Anh. Khả năng phản hồi nhanh chóng và hiệu quả đối với các lệnh đơn giản của ChatGPT đã thu hút hơn 100 triệu người dùng nhưng cũng là “sân chơi mới” cho tin tặc. Chuyên viên nghiên cứu bảo mật Johann Rehberger đã thử tìm hiểu vấn đề này.

 

Sử dụng loại tiếng Anh đơn giản, gần đây ông đã thuyết phục chatbot của OpenAI làm điều một điều tồi tệ: Đọc lén email đến trong hộp thư của ông, tóm tắt nó và phát tán lên mạng internet. Rehberger cho biết nếu kỹ thuật “prompt injection” này nằm trong tay tội phạm, chúng có thể sử dụng để đánh cắp dữ liệu nhạy cảm từ hộp thư email đến của mục tiêu.

 

“ChatGPT đã hạ thấp rào cản đối với tất cả các loại tấn công vì tin tặc không thực sự cần phải viết mã và không cần phải có kiến thức sâu rộng về khoa học máy tính hay hacking” – ông nói. Cuộc tấn công thử nghiệm của Rehberger không ảnh hưởng nhiều vì ông chỉ mới sử dụng tính năng beta (chưa hoàn chỉnh) của phần mềm để dụ ChatGPT truy cập vào các ứng dụng như Slack, Gmail của ông. Một phát ngôn viên của OpenAI phản hồi:

 

“Chúng tôi đánh giá cao việc ông Rehberger chủ động thông báo cuộc thử nghiệm của mình và chúng tôi đã triển khai bản sửa lỗi ChatGPT để không cho nó tiến hành các cuộc tấn công như thế trong tương lai. Chúng tôi rất biết ơn cộng đồng mạng đã cung cấp cho chúng tôi những phát hiện quan trọng mà chúng tôi cần để làm cho ChatGPT an toàn hơn”.

 

Wall Street Journal cho biết, kỹ thuật “prompt injection” của Rehberger là một trong những loại tấn công mạng ngày càng được quan tâm khi các công ty công nghệ đưa thế hệ phần mềm AI mới vào hoạt động kinh doanh và các ứng dụng của họ. Sự phổ biến của AI như ChatGPT đang định nghĩa lại ý nghĩa của hoạt động tin tặc, và các nhà nghiên cứu bảo mật đang chạy đua để vá các lỗ hổng trước khi các hệ thống AI phổ biến hơn.

 

Các chuyên gia về thông tin sai lệch dự báo sẽ có các cuộc tấn công “đầu độc dữ liệu” (tin tặc can thiệp vào các dữ liệu được sử dụng để đào tạo một hệ thống AI, khiến các câu trả lời của nó bị sai lệch). Nói rõ hơn, tin tặc sử dụng kỹ thuật tập kích lời nhắc để AI hoang mang và tự điều chỉnh câu trả lời theo hướng xấu.

 

Một số nhà nghiên cứu lo lắng tin tặc sẽ biến những câu trả lời “chuẩn” của AI thành lệch lạc, đánh lừa người dùng. Các chuyên gia bảo mật quan tâm đến nguy cơ bí mật của các công ty sẽ bị rò rỉ khi AI được tin tặc điều khiển để chọc thủng tuyến phòng thủ an ninh. Loại tấn công vào “hàng rào bảo vệ cuối cùng” đã là một mối lo ngại trong nhiều thập niên (năm 2004, một nhà nghiên cứu tên là John Graham-Cumming đã dạy được một hệ thống AI cách vượt qua bộ lọc thư rác do ông xây dựng) nhưng chưa bao giờ trở thành thách thức lớn như hiện nay.

 

 

Các công ty sử dụng AI chủ động đối phó

 

Các hệ thống AI (như ChatGPT) được xây dựng bởi các công ty như OpenAI, Google và Anthropic sẽ được mở ra cho những người tham dự hội nghị hack DEFCON hàng năm ở Las Vegas (năm nay là ngày 10 đến ngày 13 Tháng Tám) thi tài tấn công.

 

Khoảng 150 tin tặc được mời tiến hành cùng lúc cuộc tấn công vào các hệ thống này và giải thưởng sẽ dành cho những cuộc tấn công “nguy hiểm” nhất. Những hệ thống như ChatGPT sử dụng công nghệ Generative-AI để tạo câu trả lời, giống như một công cụ tự động điền trên giấy. Đằng sau hậu trường, những hệ thống này được điều khiển bằng các hướng dẫn bằng ngôn ngữ đơn giản (được gọi là lời nhắc-prompt) để giúp chúng xây dựng các câu trả lời suôn sẻ.

 

Các hệ thống AI được hướng dẫn không được làm những điều xấu, như tiết lộ thông tin nhạy cảm hoặc nói những điều xúc phạm, nhưng các chuyên gia mạng như Rehberger đã tìm ra cách ghi đè lên các hướng dẫn này. Kết quả là hệ thống mất phương hướng và tự vận hành nên câu trả lời sẽ đi ra ngoài các hướng dẫn. Cách Rehberger lừa ChatGPT là “hét” vào hệ thống các mệnh lệnh dồn dập khiến nó lúng túng và cuối cùng là làm bậy vì không còn hướng dẫn.

 

Đã có sự gia tăng các cuộc tấn công “prompt-injection” kể từ khi ChatGPT được phát hành vào Tháng Mười Một năm ngoái. Nhiều người sử dụng kỹ thuật này để đánh lừa chatbot, làm cho nó lúng túng đến nỗi quên mất những gì nó phải trả lời, và kết quả là tự học lại theo… hướng xấu.

 

Arvind Narayanan, giáo sư khoa học máy tính tại Đại học Princeton nhận định: “Tính năng prompt-injection hoạt động tốt vì các hệ thống AI không phải lúc nào cũng áp dụng chính xác các hướng dẫn vào các dữ liệu chúng được học”.

 

Những nhà sản xuất các hệ thống như ChatGPT cố gắng hết sức để dự đoán cách chúng có thể bị lạm dụng, và tại hội nghị hack DEFCON tuần này ở Las Vegas, họ muốn tìm hiểu thêm các kỹ thuật tấn công mới với sự góp sức của hàng ngàn tin tặc.

 

Các tin tặc sẽ cạnh tranh và ban giám khảo sẽ xếp hạng các phát hiện tốt nhất về an ninh. Những tin tặc dự tranh có nhiều cách khác nhau để kiếm điểm, từ prompt-injection đến tìm ra những thiếu sót của hệ thống hoặc phá vỡ cơ chế an toàn được tích hợp bên trong.

 

“Với AI, bạn cần chú ý đến nhiều thứ khác hơn thay vì chỉ các lỗ hổng bảo mật” – Sven Cattell thuộc ban tổ chức nói. Vào Tháng Tư, Google đã thêm AI vào dịch vụ phân tích phần mềm độc hại VirusTotal của mình, trong đó bất kỳ phầm mềm nào được tải lên hệ thống cũng được phân tích và AI sẽ mô tả tóm tắt về chúng.

 

Nhưng chỉ sau vài giờ, một hacker ẩn danh tên Eatscrayon đã chỉnh sửa một số mã trong một phần mềm độc hại thường được hacker sử dụng và tải nó lên VirusTotal. Thay đổi này đã đánh lừa hệ thống AI khiến nó không biết đó là phần mềm độc hại và cho qua. Một phát ngôn viên của Google giải thích: “Hệ thống AI của chúng tôi ban đầu bị nhầm lẫn nhưng nó đã nhanh chóng học được cách phát hiện tốt hơn một phần mềm xấu đã bị sửa mã”.

 

Tóm lại, khi các ứng dụng sử dụng hệ thống AI nhiều hơn, tin tặc có thể tìm ra những cách mới để truy cập dữ liệu cá nhân hoặc hệ thống máy tính. Càng có nhiều ứng dụng trên thiết bị dùng các mô hình ngôn ngữ như ChatGPT để đưa ra câu trả lời thì càng có nhiều cách đánh lừa những mô hình ngôn ngữ để câu trả lời không đúng với yêu cầu.






No comments:

Post a Comment

View My Stats