Monday, 14 August 2023

THƯỢNG ĐỈNH MỸ - HÀN - NHẬT, MỘT ĐỘT PHÁ NGOẠN MỤC (Lê Tây Sơn / Saigon Nhỏ)

 



Thượng đỉnh Mỹ-Hàn-Nhật, một đột phá ngoạn mục

Lê Tây Sơn  -  Saigon Nhỏ
14 tháng 8, 2023

https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/thuong-dinh-my-han-nhat-mot-dot-pha-ngoan-muc/

 

Các lãnh đạo Mỹ, Nhật, Hàn đang chuẩn bị gặp nhau và thống nhất cuộc tập trận thường niên. Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của Tổng thống Joe Biden tại Trại David cũng sẽ gắn kết hơn nữa với các đồng minh châu Á trước mối đe dọa hiện hữu từ Trung Quốc (TQ)

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/08/GettyImages-1485606962.jpg

Tổng thống Joe Biden và Tổng thống Yoon Suk-yeol tại Tòa Bạch Ốc (ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images)

 

Ba quốc gia đã thực hiện xong những bước vận động ngoại giao và xây dựng niềm tin. Giờ đây, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục làm cho mối quan hệ ba bên bền vững hơn, đặc biệt là về hợp tác quân sự với các cuộc tập trận chung hàng năm. Đây là bước nhảy vọt ấn tượng so với cách nay hai năm, khi Tokyo và Seoul hầu như không nói chuyện với nhau!

Những thay đổi sẽ được thể hiện vào ngày thứ Sáu, 18 Tháng Tám khi Tổng thống Biden chuẩn bị tiếp đón Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại Trại David. Đối phó TQ và Bắc Hàn là mục tiêu chính của cuộc gặp ba bên, mà điểm nhấn là hai điều xảy ra “lần đầu tiên”.

 

“Lần đầu tiên” thứ nhất là Biden chào đón hai lãnh đạo đồng minh tại nơi nghỉ dưỡng của tổng thống ở vùng nông thôn Maryland, và “lần đầu tiên” thứ hai các lãnh đạo của ba quốc gia tham gia một hội nghị thượng đỉnh riêng rẻ, thay vì “ăn theo” một sự kiện khác.

 

Dự kiến, ba nhà lãnh đạo sẽ ra tuyên bố chung về việc tổ chức các cuộc tập trận quân sự chung hàng năm với nhiều lực lượng khác nhau. Họ cũng có kế hoạch biến hội nghị thượng đỉnh thành một sự kiện độc lập và diễn ra hàng năm. Cụ thể, các cố vấn an ninh quốc gia của ba quốc gia sẽ gặp nhau hai lần một năm và một đường dây nóng dành cho ba nhà lãnh đạo đang được thiết lập. Ba quốc gia cũng lên kế hoạch hợp tác kinh tế chặt chẽ hơn và cố gắng bảo vệ chuỗi cung ứng khỏi bị ảnh hưởng bởi TQ.

 

Rahm Emanuel, đại sứ Mỹ tại Nhật Bản nhận định: “Khi Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc sát cánh bên nhau, cục diện chiến lược sẽ thay đổi một cách cơ bản”. TQ, Bắc Hàn và Nga đang củng cố mối quan hệ quân sự chặt chẽ hơn của riêng họ, gồm cả cuộc tuần tra hải quân chung Trung-Nga gần đây gần Alaska. Bắc Hàn đang thúc đẩy chương trình hạt nhân của mình với các vụ phóng thử thường xuyên.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/08/GettyImages-1529218945.jpg

Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Fumio Kishida (ảnh: Beata Zawrzel/NurPhoto via Getty Images)

 

Mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa Seoul và Tokyo, có đóng góp của Tổng thống Yoon, đã mở ra cơ hội cho hai đồng minh lâu năm của Hoa Kỳ hợp tác chặt chẽ với nhau hơn. Yoon và Kishida cùng xu hướng bảo thủ đã có chuyến thăm qua lại và hàng chục cuộc gặp tay ba liên quan đến các quan chức hàng đầu đã diễn ra. Đây là bước tiến vượt bậc khi mối quan hệ hợp tác giữa Hàn Quốc và Nhật Bản bị trượt dốc đột ngột cách nay vài năm.

 

Tongfi Kim, giáo sư địa chính trị châu Á tại Trường Quản trị Brussels, xem “Việc xác định các lợi ích chung vào lúc này để giữ mối quan hệ ba bên bền chặt sẽ là mục tiêu quan trọng tại hội nghị thượng đỉnh Trại David. Về cơ bản, giữ cho các bên không thể chia tay trong tương lai phải là ưu tiên”. Các cuộc tập trận quân sự hàng năm sẽ bao gồm huấn luyện theo dõi và tiêu diệt hoả tiễn đạn đạo bằng việc kết hợp các hệ thống radar, vệ tinh và vũ khí được ba đồng minh sử dụng trong thời gian thực. Theo truyền thống, quân đội Hoa Kỳ đã hợp tác chặt chẽ nhưng riêng biệt với quân đội của Nhật Bản và Hàn Quốc, dù cả hai đều là đồng minh của Mỹ.

 

Tháng Bảy qua, Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân đã có những cuộc gặp với những người đồng cấp Hàn Quốc và Nhật Bản; mở đầu là cuộc gặp ba bên ở Hawaii, sau đó là cuộc gặp riêng rẽ ở Seoul và Tokyo. Theo các quan chức biết về vấn đề này, Mỹ đã thúc đẩy hai nước hợp tác với nhau và các bên đã đạt được thỏa thuận về nguyên tắc cho các cuộc tập trận chung.

 

Nhiều người Hàn Quốc cảnh giác vai trò của quân đội Nhật Bản trong khu vực vì họ bị ám ảnh bởi sự xâm lược của Nhật Bản vào đầu thế kỷ 20. Nhật Bản đô hộ Bán đảo Triều Tiên từ 1910 đến 1945, và đã có bất đồng trong vài năm gần đây liên quan đến những tồn tại lịch sử. Theo các chuyên gia an ninh, quan hệ đối tác quốc phòng trực tiếp giữa Hàn Quốc và Nhật Bản hiện chưa phát triển lắm. Hệ thống phòng thủ tên lửa của hai bên không được liên kết chặt chẽ và không có hiệp ước chia sẻ nguồn cung cấp như đạn dược, nước và nhiên liệu nếu một trong hai bên bị tấn công.

 

Theo Emanuel, đại sứ Hoa Kỳ tại Nhật Bản, “Điều quan trọng là Nhật Bản và Hàn Quốc phải làm việc trực tiếp với nhau. Ba bên ngồi cùng bàn đã là rất thành công và sẽ được thể chế hóa nhưng Nhật-Hàn không chỉ nói chuyện qua trung gian chúng tôi mà cần nói chuyện trực tiếp với nhau”.

 

Trại David, cách Washington, DC 60 dặm là nơi nghỉ dưỡng nông thôn của các tổng thống Hoa Kỳ. Biden đã đến đó hơn hai chục lần, nhưng vẫn chưa đón tiếp nhà lãnh đạo nước ngoài nào ở đó, giống như cựu Tổng thống Barack Obama từng làm. Đầu tháng này, tờ Thời báo Hoàn cầu (Global Times), cái loa tuyên truyền của Đảng Cộng sản TQ, đã chỉ trích hội nghị thượng đỉnh Trại David và cảnh báo “Việc Hoa Kỳ có ý đồ tạo ra một liên minh kiểu Minh ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong khu vực sẽ gây nguy hiểm cho cả Nhật Bản lẫn Hàn Quốc”.

 

Tháng Bảy qua, Wang Yi (Vương Nghị), một quan chức hàng đầu của TQ đã cảnh báo Nhật Bản và Hàn Quốc “không nên xích lại gần phương Tây. Vì cho dù bạn có nhuộm tóc vàng thế nào hay làm mũi nhọn ra sao, bạn sẽ không bao giờ biến thành người châu Âu hay người Mỹ được”. Về phần mình, Bắc Hàn tố cáo sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa Washington, Tokyo và Seoul là “một phần trong các âm mưu thâm độc mới”.

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats