Friday, 11 August 2023

THIẾT LẬP 'ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC VIỆT - MỸ', MỘT TÍN HIỆU TỐT VÀ LÀ CƠ HỘI CHO VIỆT NAM (Quốc Phương, RFA)

 




Thiết lập ‘Đối tác Chiến lược Việt – Mỹ’, một tín hiệu tốt và là cơ hội cho Việt Nam

Quốc Phương, cộng tác viên RFA Tiếng Việt từ London
2023.08.10

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-us-strategic-relationship-signal-opportunities-for-vn-08102023104552.html

 

Việc thiết lập quan hệ Việt – Mỹ ở tầm mức ‘đối tác chiến lược’ trong năm 2023, nhất là nếu sự kiện này diễn ra nhân một chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đến Việt Nam trong thời gian tới đây, như truyền thông quốc tế dẫn lời ông Biden đưa tin, sẽ là một ‘tín hiệu tốt’, ‘một cơ hội’ hứa hẹn nhưng không phải là ‘ngẫu nhiên’, khi đây có thể được coi là một sự ‘chủ động’, ‘không ngần ngại’ từ phía Hoa Kỳ, sau khi cũng đã có những ‘tín hiệu’ được gửi ra từ phía Việt Nam. Một cựu cố vấn về chiến lược hội nhập quốc tế và phát triển cho nhà nước Việt Nam nói với Đài Á Châu Tự Do từ Sài Gòn hôm 10/8/2023.

 

Cơ hội cần nắm bắt trong năm 2023

 

Đây cũng là cơ hội mà Việt Nam ‘sẽ nắm bắt’ nếu muốn thụ hưởng tốt hơn từ các hợp tác song phương, trong khuôn khổ mới được kỳ vọng, với Hoa Kỳ với các lĩnh vực an ninh, quốc phòng, kinh tế, thương mại, tài chính, nguyên, vật liệu quý, cho đến thúc đẩy những dự án mà Việt Nam đang quan tâm xây dựng, như một trung tâm tài chính quốc tế ở TP Hồ Chí Minh dự kiến có khả năng cạnh tranh cao so với trung tâm tài chính tại Singapore, hay một Cảng trung chuyển quốc tế ở Vân Phong, Khánh Hòa, kinh tế gia Bùi Kiến Thành nói với RFA Tiếng Việt hôm thứ năm trên quan điểm riêng.

 

“Đây là một tín hiệu tốt, nhưng không phải là ngẫu nhiên, sau cuộc viếng thăm của Bộ trưởng tài chính Mỹ bà Janet Yellen về báo cáo lại, Tổng thống Mỹ cũng nhận được một số tín hiệu từ bên phía Việt Nam muốn có sự hợp tác chặt chẽ hơn đối với Mỹ. Những câu chuyện đó sẽ được hiện thực trong cuộc viếng thăm của Tổng thống Biden. Chúng ta chờ đợi sẽ có những bước tiến triển mới trong việc hợp tác chặt chẽ hơn giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.” - ông Bùi Kiến Thành nói.

 

Ông Bùi Kiến Thành cũng cho rằng nếu sự kiện thiết lập bang giao Mỹ - Việt với cấp độ trên diễn ra trong hay sau chuyến viếng thăm của Tổng thống Hoa Kỳ tới Việt Nam, thì đây sẽ là một động thái mang tính ‘chủ động’ và ‘không ngần ngại’ của phía Hoa Kỳ, cũng như từ lãnh đạo cấp cao của Mỹ, ông nói tiếp:

 

Đây không phải là một quyết định đơn giản, mà phải có những yếu tố hết sức chặt chẽ và thiết thực thì Tổng thống Mỹ mới qua Việt Nam như vậy. Việc đó, chúng ta sẽ chờ đợi kết quả mà sẽ được tuyên bố sau kỳ viếng thăm Việt Nam, mà đây là sự chủ động về phía Mỹ, không ngần ngại để gặp phía Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam để bàn về việc hợp tác có thể là chiến lược đối với hai quốc gia.

 

Đây không chỉ là vấn đề hợp tác về kinh tế, ngoại giao, nhưng có thể đi xa một bước nữa về an ninh quốc phòng, vì Việt Nam đã tuyên bố không khi nào liên minh với một quốc gia nào để chống quốc gia nào, nhưng nếu việc bảo vệ chủ quyền Việt Nam là tâm điểm, thì Việt Nam vẫn có quyền chủ động tìm tới những đối tác chiến lược có thể giúp cho Việt Nam bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.”

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-us-strategic-relationship-signal-opportunities-for-vn-08102023104552.html/000_33l22qh.jpg/@@images/daeed0ba-bdc1-44c2-8a80-5fcf818dd119.jpeg

Tàu sân bay USS Ronald Reagan tại Đà Nẵng hôm 25/6/2023. AFP

 

 

Sẽ có chuyển biến gì về chính trị, an ninh và hợp tác chiến lược?

 

Trước câu hỏi từ chuyện tại sao Tổng thống Biden hé lộ sẽ đi thăm Việt Nam, cho tới bàn cờ chính trị khu vực sẽ như thế nào, đặc biệt vấn đề hợp tác an ninh, quốc phòng Việt – Mỹ sẽ ra sao, sau khi Việt Nam có thể trở thành ‘đối tác chiến lược’ với Hoa Kỳ, ông Bùi Kiến Thành đáp:

 

Cái mà Việt Nam và Hoa Kỳ có thể hợp tác chặt chẽ được là về vấn đề Biển Đông, Việt Nam rất quan tâm chủ quyền của Việt Nam trên thềm lục địa ở Biển Đông và vừa rồi có những hành động có thể nói là khiêu khích của một nước lớn mà trong đó có vi phạm chủ quyền của Việt Nam, và Mỹ sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để giải quyết vấn đề đó một cách hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhưng có những sự hậu thuẫn của các hành động về vấn đề an ninh. Chúng ta sẽ xem giữa Mỹ và Việt Nam sẽ có những thỏa thuận gì một cách thiết thực về vấn đề an ninh, quốc phòng ở trên Biển Đông đối với Việt Nam.

 

Tất nhiên là Trung Quốc sẽ đưa ra những sự răn đe này nọ đối với quan hệ chặt chẽ hơn giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, Việt Nam cũng rất đắn đo để tính toán những bước đi như thế nào để vẫn là một nước hoàn toàn độc lập, không bị một nước nào, cường quốc nào khống chế mình, giữa vấn đề làm bạn với một nước như Hoa Kỳ và làm bạn với một nước như Trung Quốc, hai nước ấy lúc bấy giờ đối với Việt Nam vẫn là bạn. Ví dụ như ‘16 chữ vàng’ đối với Trung Quốc hay những chuyện khác, Việt Nam không gây thù oán gì với ai cả, nhưng Việt Nam cần phải bảo vệ chủ quyền của mình, vậy thì có thể Việt Nam vận dụng quan hệ bạn bè thân thiết với hai cường quốc đó, để giải quyết vấn đề cốt lõi của Việt Nam, mà Việt Nam là một nước độc lập, tự do.”

 

Theo kinh tế gia Bùi Kiến Thành, việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Việt – Mỹ sẽ giúp hai nước có được một số hợp tác ‘đột phá’ so với giai đoạn trước đó trong một số lĩnh vực quan trọng, thậm chí mang tính ‘chiến lược’, ông chia sẻ:

 

“Có một số việc đột phá mà Việt Nam và Hoa Kỳ có thể đạt được, ví dụ vừa rồi đặt ra vấn đề là những chất bán dẫn, và Việt Nam đang có vị thế rất quan trọng là Việt Nam có nguyên liệu đất hiếm để phát triển vấn đề bán dẫn đó, và Việt Nam là số hai trên thế giới sau Trung Quốc về trữ lượng nguyên liệu đó v.v… Như vậy còn đặt ra nhiều vấn đề khác mà trong đó không phải Việt Nam chỉ có đất hiếm làm nguyên liệu…

 

Và giữa Việt Nam và Mỹ có nhiều chuyện có thể hợp tác với nhau được, từ những vấn đề về nguyên liệu, công nghệ, để đưa Việt Nam tiến lên một tầm cao mới. Và đây cũng ở trong một chiến lược chung là chiến lược phát triển của Bắc Á, Nam Á, từ Nhật Bản cho tới Ấn Độ, mà Việt Nam là trung tâm điểm, như vậy, vai trò của Việt Nam trong vấn đề phát triển cả vùng đó là việc Hoa Kỳ quan tâm, để xem thử có thể hậu thuẫn Việt Nam được tới đâu, để Việt Nam có thể phát triển bản thân và đồng thời tham gia trong sự phát triển của cả một khu vực chiến lược từ Bắc Á cho tới Nam Á, là việc mà cho tới bây giờ trong chiến lược của Hoa Kỳ đang hình thành các chiến lược dài hạn về vấn đề này.”

 

Về khả năng những cơ hội mới sẽ được tạo ra như thế nào cho riêng Việt Nam một khi quan hệ ‘đối tác chiến lược’ Việt – Mỹ được thiết lập và công bố, đặc biệt trên một số lĩnh vực như kinh tế, thương mại, tài chính, đầu tư, thị trường, khoa học & công nghệ, giáo dục & đào tạo, năng lượng, môi trường, vẫn trên quan điểm riêng của mình, ông Bùi Kiến Thành nhận định:

 

“Tất cả những điều vừa nói sẽ có cơ hội để phát triển, nhưng tất nhiên đối với Hoa Kỳ, tiềm năng phát triển, hợp tác kinh tế rất mạnh, nhưng cho tới bây giờ chưa tới đâu, bây giờ Hoa Kỳ vẫn chưa xếp được thứ hạng tới thứ mấy ở trong vấn đề hợp tác kinh tế với Việt Nam, điều đó chúng ta phải đặt câu hỏi tại sao vậy? Từ trước đến giờ, Đại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam vẫn thường nhắc nhở cho lãnh đạo của Việt Nam, rằng quản lý quan hệ nhà nước của Việt Nam có vấn đề. Mà vì vấn đề quan hệ nhà nước ‘chi phí không chính thức’ đó không hợp với luật pháp của Hoa Kỳ, nên Hoa Kỳ không thể nào phát triển mạnh được. Những điều đó là những điều mà Việt Nam đang xử lý và cố gắng xử lý và mong mỏi rằng việc đó thông thoáng hơn, thì Hoa Kỳ mới có thể trực tiếp đầu tư phát triển vào Việt Nam một cách mạnh mẽ hơn.”

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-us-strategic-relationship-signal-opportunities-for-vn-08102023104552.html/bui-kien-thanh-photo.jpeg/@@images/5442f6dd-033c-4c8b-9b6c-59b81d5953e1.jpeg

Kinh tế gia Bùi Kiến Thành, Hình do ông Bùi Kiến Thành cung cấp

 

 

Những lĩnh vực, dự án đặc thù nào mà hai nước có thể tận dụng ngay?

 

Vậy còn có lĩnh vực đặc thù nào mà có thể là tiềm năng tốt đối với Việt Nam, trong khuôn khổ hợp tác ‘đối tác chiến lược’ song phương Việt – Mỹ, mà Việt Nam có thể tận dụng được sự chia sẻ kinh nghiệm, hay hỗ trợ từ phía Mỹ, khi và nếu cấp độ đối tác trên được thiết lập chính thức? Kinh tế gia Bùi Kiến Thành đề cập vài ví dụ:

 

“Hiện bây giờ đang có những lĩnh vực mà Việt Nam rất quan tâm, mà vừa rồi có những thảo luận giữa trung ương với địa phương, ví dụ như làm sao xây dựng được một Trung tâm Tài chính Quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh, và nếu TP. Hồ Chí Minh trở thành một trung tâm tài chính quốc tế theo kiểu của Singapore, Việt Nam sẽ có cơ hội phát triển rất mạnh nữa, vì hiện nay xếp hạng trên thế giới đứng đầu là Trung tâm Tài chính Quốc tế London, sau là đến New York, sau là đến Singapore…, Việt Nam ở trong múi giờ mà hiện nay chưa có trung tâm tài chính quốc tế, mà tiềm năng của Việt Nam phát triển lớn hơn Singapore nhiều, nhưng Singapore hiện đứng thứ ba trên thế giới, thì việc Việt Nam trở thành một cường quốc về vấn đề trung tâm tài chính quốc tế là một việc đang được nghiên cứu. Điều đó rõ ràng tạo cho Việt Nam vị thế và có phương tiện để phát triển.

 

Ngoài ra nữa là vấn đề giao thông chiến lược, Việt Nam là một trung tâm của cả Bắc Á, Nam Á về đường hàng không, cũng như trung tâm của cả hai khu vực này về đường biển, mà giao thông vận tải là một vấn đề rất quan trọng cho phát triển kinh tế, thì đó là những mảng mà giữa Việt Nam và Mỹ có thể hợp tác với nhau được. Rồi ví dụ như Cảng Trung chuyển Quốc tế Vân Phong, Việt Nam đã có chương trình phát triển rồi, và một khu công nghiệp với diện tích 1.500 km vuông mà từ năm 2006 đến giờ chưa phát triển được, đó cũng là một việc mà nếu có sự hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, thì đó có thể là một điểm mà hai bên có thể hợp tác với nhau một cách hết sức mạnh mẽ, không chỉ là một cảng có thể nói là thương mại, đó là cảng trung chuyển và trong đó có những dịch vụ về hàng hải, về bảo dưỡng, bảo hành, cung cấp lương thực cho những đội thuyền quốc tế, kể cả hạm đội của Mỹ, ví dụ như vậy.”

 

Cuối cùng, trước câu hỏi liệu đây có phải là một cơ hội được đặt ra với Việt Nam, mà nước này cần ‘nắm bắt’ ngay trong quan hệ song phương Mỹ - Việt trong bối cảnh hiện nay để hướng tới một tương lai hợp tác hữu nghị, hiệu quả, thúc đẩy hòa bình, an ninh và thịnh vượng chung giữa hai bên, cũng như đóng góp cho hòa bình và phát triển ở khu vực hay không, ông Bùi Kiến Thành tiếp tục nêu quan điểm riêng và đặt ra một số vấn đề để cùng suy nghĩ, tham khảo:

 

Tất nhiên Việt Nam phải nắm bắt cơ hội, và nắm bắt cơ hội, đo lường tới mức như thế nào, sao cho có lợi cho Việt Nam, mà không có hại. Có nhiều việc có thể làm đối với hợp tác Việt Nam và Hoa Kỳ, ngoài vấn đề phát triển công nghệ, còn có khoa học, còn có vấn đề nhân sự… Ví dụ như ở Việt Nam bây giờ quản lý nhà nước yếu kém hay quản lý doanh nghiệp yếu kém là vì sao? Nếu như hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Mỹ phát triển, thì nhân sự lãnh đạo về vấn đề phát triển kinh tế phải như thế nào? Thành phần những người Việt Nam ở Mỹ có thể tham gia gì được trong vấn đề xây dựng đất nước?

 

Tất cả những chuyện đó cần phải được nghiên cứu và không có lý do gì mà Việt Nam có 3-4 triệu người ở trên thế giới và hàng bao nhiêu triệu nhân sự rất tốt ở bên Mỹ mà không sử dụng. Đó là một việc nữa mà giữa Hoa Kỳ và Việt Nam cần phải nghiên cứu để làm thế nào tạo điều kiện, để Việt Nam có thể tận dụng được tất cả những tài nguyên của trong nước, cũng như ngoài nước để cho đất nước phát triển… Và đồng thời Việt Nam phải nghiên cứu vị thế của mình như thế nào để không để xảy ra những lỗi lầm xưa nữa, vì luôn luôn chúng ta làm bạn với một người bạn lớn, làm bạn với một ‘con hổ’, làm bạn với một ‘con gấu’, chúng ta phải có sự thận trọng trong vấn đề quan hệ.”







No comments:

Post a Comment

View My Stats