Monday, 7 August 2023

PHIM 'BA! CON KHÔNG MUỐN LÀM NGƯỜI CỘNG SẢN' và SÁCH'NGÀY THÁNG BUỒN HIU' GÂY NHIỀU XÚC ĐỘNG (Văn Lan / Người Việt)

 



Phim ‘Ba! Con Không Muốn Làm Người Cộng Sản’ và sách ‘Ngày Tháng Buồn Hiu’ gây nhiều xúc động

Văn Lan/Người Việt

August 6, 2023

https://www.nguoi-viet.com/little-saigon/phim-ba-con-khong-muon-lam-nguoi-cong-san-va-sach-ngay-thang-buon-hiu-gay-nhieu-xuc-dong/

 

WESTMINSTER, California (NV) – Chiều Thứ Bảy, 5 Tháng Tám, Viện Việt Học và Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt đồng tổ chức công chiếu phim tài liệu “Ba! Con Không Muốn Làm Người Cộng Sản,” đồng thời ra mắt sách “Ngày Tháng Buồn Hiu,” tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, với đông người tham dự.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/08/chieu-phim-tran-ngoc-anh-1.jpg

Giây phút xúc động trong ngày ra mắt sách “Ngày Tháng Buồn Hiu” của Trần Ngọc Ánh. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

 

Cuốn phim nói về cuộc đời của bà Trần Ngọc Ánh, người trải qua 11 năm trong ngục tù Cộng Sản sau 1975 vì tội “âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân” và quyển sách “Ngày Tháng Buồn Hiu,” cũng của tác giả Trần Ngọc Ánh. Cả hai đều kể lại câu chuyện thật đời mình, khi bà Ánh có cha và chị đi theo Cộng Sản. Sau 1975, cha của bà khi đó là một cán bộ, đã ép bà đi theo con đường Cộng Sản mà thời đó mọi người đều lầm lẫn.

 

Sau những lần xung đột gia đình, bà dứt khoát bỏ nhà và thoát ly để theo chồng, ông Trần Thắng Tài, một quân nhân VNCH, và đã dứt khoát bồng con nhỏ mới 1 tuổi theo chồng vào tù.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/08/chieu-phim-tran-ngoc-anh-2-1536x1055.jpg

Bà Trần Ngọc Ánh kể về chuyện những ngày tháng trong tù. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

 

Lần đầu tiên, trong bộ phim, người xem được nghe và thấy những chuyện do chính bà Trần Ngọc Ánh kể lại, oái ăm thay bà lại chính là con gái của một gia đình cán bộ, cha mẹ và các em đều theo Cộng Sản.

 

Người tham dự cũng được xem triển lãm, từ những hiện vật của ông Trần Thắng Tài, chồng bà Ánh, cùng những trang nhật ký của bà, cùng với hình ảnh của đứa con trai Trần Thắng Vy Dân với căn bệnh đã tàn phá cuộc đời của em từ khi theo mẹ vào tù lúc 1 tuổi!

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/08/chieu-phim-tran-ngoc-anh-3-1536x1172.jpg

Từ trái, cô Từ Ái, giáo viên tiểu học De Mille; bà Trần Ngọc Ánh và ông Châu Thụy, giám đốc Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

 

Cuốn phim dài khoảng gần hai tiếng đồng hồ, do chính người nữ tù kể lại đời mình, từ một cô gái ngây thơ, cựu học sinh Hoàng Diệu, Sóc Trăng, sống và hít thở không khí miền Nam tự do thanh bình, đến sau ngày 30 Tháng Tư 1975 đầy nghiệt ngã, cả nước chìm đắm trong những đói khổ, bệnh tật, kinh tế bi thảm, đã khiến hàng triệu người Việt phải liều chết tìm đường vượt biển, nhưng bà cùng chồng chọn con đường ở lại chiến đấu cho tự do. Khi chồng bị bắt, bà thà bồng con thơ vào tù, chia sẻ những lao khổ tù đày cùng chồng cho đến khi ông bị tử hình, còn hơn là bị áp đặt một lý tưởng để sống an nhàn trong sự bảo bọc của cha và chị mình.

 

Cuốn phim này nằm trong dự án lịch sử qua chuyện kể của Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt, ghi lại những câu chuyện sống sót của những nhân chứng, kể lại biết bao nhiêu gian khổ trong lao tù Cộng Sản và trên bước đường đi tìm tự do, để làm chứng tích lịch sử cho hiện tại và mai sau.


https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/08/chieu-phim-tran-ngoc-anh-4-1536x1059.jpg

Ông Trần Chí Hồng Tiên, đại diện Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt và bà Trần Ngọc Ánh nhận bằng tưởng lục từ TNS Janet Nguyễn, do ông David Nguyễn trao tặng. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

 

Sau buổi chiếu phim, Viện Bảo Tàng Lịch Sử Người Việt có triển lãm những hiện vật của ông Trần Thắng Tài, cựu quân nhân VNCH, đã dấn thân vào con đường đấu tranh cho tự do dân chủ của tổ quốc Việt Nam cho đến ngày ông hy sinh dưới làn đạn của Cộng Sản, lúc 38 tuổi đời, ngày 14 Tháng Sáu năm 1982 tại Phan Thiết.

 

Cô Kim Ngân, giám đốc Viện Việt Học, chia sẻ: “Cô Trần Ngọc Ánh là người đơn giản, tính chất rất bình dị, ẩn chứa một ý chí và sự phấn đấu phi thường, tiêu biểu tinh thần của người phụ nữ Việt Nam. Lớn lên dưới chế độ Cộng Sản sau 1975, với những chuyện xảy ra trong gia đình cô cho chính cô và người chồng. Cô đã ở tù Cộng Sản và viết văn, quyển nhật ký của cô đã đi theo con đường của các trại tị nạn, theo các thuyền nhân ra tới hải ngoại, và có những người khi đọc lại tác phẩm ấy đã tìm lại được cô. Và cô tiếp tục viết câu chuyện đã xảy ra, đây là một sự hy sinh rất lớn, khi cô đã can đảm kể lại cho các thế hệ sau được nghe, và rút tỉa kinh nghiệm qua bài học của cô.”

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/08/chieu-phim-tran-ngoc-anh-5-1536x932.jpg

Một số hiện vật dưới đáy mộ ông Trần Thắng Tài, kế bên là cột xử bắn, và ngôi mộ của ông tại Phan Thiết. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

 

Ông Sơn Rotha, hội trưởng Hội Ái Hữu Tương Tế Sóc Trăng tại Hoa Kỳ, cho hay ông rất hãnh diện vì là đồng hương Sóc Trăng và cũng là đồng môn cựu học sinh Hoàng Diệu, Sóc Trăng.

“Tôi đã được đọc cuốn sách này, với nhiều cảm xúc khi một phụ nữ vì lý tưởng tự do dám hy sinh tất cả. Nếu chị chịu nghe theo lời khuyên của cha mình, có thể giờ này chị đã có một chức lớn rồi. Nhưng chị đã từ bỏ hết tất cả để đi theo công cuộc chiến đấu chống lại Cộng Sản. Đây là vị anh thư nước Việt thời hiện đại, tôi rất tự hào.”

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/08/chieu-phim-tran-ngoc-anh-6-1536x958.jpg

Nhóm hiện vật của bà Trần Ngọc Ánh, gồm những tập nhật ký trong tù, để sau này hình thành quyển “Ngày Tháng Buồn Hiu,” trong buổi ra mắt. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

 

“Những câu chuyện như thế này phải cần thiết lưu truyền bằng mọi phương tiện truyền thông, nếu có thêm bản dịch tiếng Anh càng tốt. Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt đã thực hiện chương trình này thật quý, để cho mọi người hiểu rõ được bản chất của người Cộng Sản Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ sau này hiểu thêm một góc nhìn khác của thời VNCH.”

Không khí như chùng xuống khi cuộn phim vừa khép lại, chấm dứt trong sự thổn thức nghẹn ngào của người xem.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/08/chieu-phim-tran-ngoc-anh-7-1536x1099.jpg

Giấy ra trại của bà Trần Ngọc Ánh, với tội danh “Âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân”. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

 

Tiếp đến, quyển hồi ký “Ngày Tháng Buồn Hiu” tác giả Trần Ngọc Ánh, được giới thiệu, với bút pháp rất đơn giản nhẹ nhàng nhưng đầy sức mạnh, biểu cảm của một phụ nữ với sức sống mãnh liệt, đứng lên tiếp nối cuộc chiến đấu của người chồng trên đường tìm tự do. Và tất cả tiền bán sách được tặng hết cho Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt, để làm công việc duy trì và bảo tồn những di tích của người Việt tị nạn sau 1975.

 

Bà Phương Lê, cựu nữ sinh Gia Long, chia sẻ: “Khi nghe cô Ngọc Ánh kể lại cuộc đời, đó là một chứng nhân của lịch sử, rất quan trọng khi đất nước đã đổi chủ sau năm 1975. Cô Ngọc Ánh là người chứng kiến cuộc sống của người Việt ở hai bên giới tuyến của hai miền Nam và Bắc. Cô nói thật chính xác khi miền Bắc xâm lược tấn công vô Nam, cướp lấy vùng đất trù phú giàu có và yên bình, trong khi miền Nam chỉ chiến đấu để bảo vệ quê hương, chứ không bao giờ tấn công ra miền Bắc.”

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/08/chieu-phim-tran-ngoc-anh-8-1536x1073.jpg

Tác phẩm “Ngày Tháng Buồn Hiu” sau bao năm trăn trở, nay được đến tay bạn đọc. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

 

“Tôi khâm phục cô là người dũng cảm khi trả lời trước phiên tòa rằng: Tôi yêu nước, yêu đồng bào tôi, đó không phải là tội!’ Câu trả lời đanh thép trước tòa án rất ít người dám nói và kết quả là án tử của chồng, và con trai phải chịu sống kiếp người không bình thường khi ở tù cùng mẹ. Tôi đã xem phim này hai lần, và đã không kìm được nỗi xúc động vô bờ với cô, người chiến sĩ can trường. Chỉ vì tham vọng của miền Bắc khiến xảy ra chiến tranh, thế rồi phe thắng cuộc với những chính sách trả thù tàn bạo khiến bao gia đình VNCH phải tan cửa nát nhà, tù đày giết chóc, mà trường hợp cô Ngọc Ánh là một điển hình. Những câu chuyện như thế này rất cần lưu truyền cho hậu thế, nhất là giới trẻ để hiểu biết người Cộng Sản là thế nào.”

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/08/chieu-phim-tran-ngoc-anh-9-1536x871.jpg

Toàn thể nhân viên Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt, cùng Viện Việt Học, trong ngày chiếu phim, ra mắt sách “Ngày Tháng Buồn Hiu”. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

 

Trong nhạc phẩm “Sầu Lẽ Bóng,” nhạc sĩ Anh Bằng nói lên tâm trạng của một cô gái đau khổ khi bước vào đường tình yêu, chỉ khác trong trường hợp này, người con gái Trần Ngọc Ánh đã chịu nhiều đau khổ khi bước vào tình yêu đất nước, yêu đồng bào, yêu dân tộc bị mất tự do! Và bà đã nói: “Nếu còn kiếp sau, tôi vẫn tiếp tục chiến đấu cho đến khi Việt Nam không còn Cộng Sản!” [kn]

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats