Monday, 28 August 2023

NGƯỜI VIỆT NAM, DÂN TỘC KINH, TÔN GIÁO LƯƠNG? (Kim Văn Chính)

 



Người Việt Nam, dân tộc Kinh, tôn giáo Lương?

Kim Văn Chính

27/08/2023

https://baotiengdan.com/2023/08/27/nguoi-viet-nam-dan-toc-kinh-ton-giao-luong/

 

1. Từ hồi nhỏ, khi khai trong các thứ gọi là lý lịch, tôi vẫn thắc mắc, không biết tại sao dòng dân tộc mình phải khai là người Kinh, dòng tôn giáo phải khai là Lương?

 

Sau dần dần biết được, ghi tôn giáo lương tức là không theo tôn giáo có tổ chức nào cả, nó cũng không phải là vô thần. Thực chất, tôn giáo Lương là tôn giáo truyền thống Việt Nam, theo đa thần giáo, thờ cúng ông bà tổ tiên, Phật và linh tinh các totem mà người dân thấy thiêng và cần thờ cúng…

 

Nhưng dân tộc Kinh, mãi tôi vẫn không hiểu. Dường như các diễn đàn khoa học lịch sử cũng né tránh chủ đề này. Chỉ biết người được cho là “KINH” chiếm 93%, còn lại là Hoa, Thái, Khmer, H’Mong, Tày, Mường, Nùng… Người Kinh gần như đồng nghĩa với “NGƯỜI VIỆT” trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

 

2. Vậy nguồn gốc người Kinh – Việt?

 

Người ta cố dựng lên huyền thoại 18 đời vua Hùng, rồi truyền thuyết mẹ Âu Cơ 100 trứng, lại có truyền thuyết ông Kinh Dương Vương nữa… cứ như thật. Nhưng tôi không thấy có cứ liệu khảo cổ và lô gich về các truyền thuyết đó… Nó cũng không giải thích về giống người KINH.

 

3. Hóa ra tên gọi người Kinh xuất hiện rất muộn: Khoảng đầu TK 11 khi Lý Công Uẩn rời đô ra Thăng Long. Kinh có nghĩa là người kinh kỳ, tức thủ đô. Kinh để chỉ dân sống quanh Thủ đô, khác với dân sống xa trong các vùng sơn cước, được gọi là Trại …

 

Người Kinh là người bản địa, cộng người Hán di cư sống gần thủ đô, thần phục nhà vua hay thái thú Nam Việt, cũng tức là thần phục Nhà Hán (trong các thời kỳ bắc thuộc).

 

Người Trại bao gồm: a/Nhóm người giống hệt người kinh về dân tộc học, nhưng sống ở vùng sơn địa, có xu hướng chống lại triều đình, thích tự do (dù dưới chế độ bắc thuộc)… ; b/nhóm các dân tộc thiểu số như Mường, Thái, Tày…

 

Tại sao gọi người TRẠI? Nhiều giả thuyết cho rằng, người trại là họ sống không theo quy định triều đình. Ngay ngôn ngữ họ dùng (nếu ban đầu xuất thân nguồn gốc họ là người KINH) họ cũng nói trại đi (giống hệt người xứ Thanh Hóa – Nghệ An miền núi hiện nay vẫn dùng, cái gì cũng nói trại đi thành một phương ngữ rất quái). Tiếng Việt, “trại” có nghĩa là xa trung tâm.

 

4. Khi Pháp vào cai trị, họ thấy vấn đề KINH – TRẠI quá phức tạp, họ ép tất cả dân trại nói tiếng Việt, đều phải khai dân tộc mình là KINH. Kinh trở thành đồng nghĩa với VIỆT.

 

Chính quyền đương đại vẫn kế thừa tên gọi của Pháp, tất cả người Việt, dù là KINH hay Trại, đều phải khai là KINH…

 

Tôn giáo Lương thì đã bỏ rồi, thay vào đó khai là Không (không theo tôn giáo nào). Nhưng Kinh thì vẫn để đó. Và 95% người Việt (Kinh) chả hiểu nghĩa chữ KINH là gì.

 

5. Ai muốn hiểu đọc thử vài đoạn tài liệu dưới đây xem có bị loạn óc không nhé.

 

                                                          ***

 

Nguồn gốc dân tộc Kinh ở Việt Nam

 

Giới thiệu

 

Lịch sử dân tộc Kinh tại Việt Nam có nhiều nét tương đồng với người Hán ở phía Nam Trung Quốc (ví dụ như phía Nam sông Trường Giang). Ta có thể chia dòng chảy lịch sử thành 4 làn sóng nhập cư của người Hán để hiểu rõ hơn.

 

Đợt nhập cư đầu tiên (214 – 110 TCN) – Thời đại dựng nước

 

Đợt nhập cư đầu tiên của người Hán xảy ra khi Hoàng đế triều Tần gửi 500,000 quân lính và 30,000 phụ nữ Hán tới chinh phạt Lĩnh Nam (Gồm Quảng Đông, Quảng Tây, miền Bắc Việt Nam).

 

Triệu Đà là một vị tướng võ triều Tần được lệnh của triều đình tới cai quản Việt Nam. Ông là người Hán, sinh tại tỉnh Hà Bắc. Khi nhà Tần sụp đổ, ông lợi dụng cơ hội, lập nên vương quốc độc lập tại phía nam – đặt tên là Nam Việt, Ông khuyến khích việc hôn phối giữa quân lính Hán và phụ nữ Tai-Kadai người bản địa. Trong “Đại Việt sử ký” do Lê Văn Hưu biên soạn năm 1272, Nam Việt được coi là quốc gia độc lập đầu tiên và Triệu Đà được coi là Hoàng đế đầu tiên của Việt Nam.

 

Đợt nhập cư thứ 2 (111TCN – 938 SCN) – Một tỉnh của Trung Quốc

 

Đợt nhập cư thứ 2 diễn ra khi nhà Hán chiếm được Nam Việt năm 111 TCN và Việt Nam trở thành Quận Giao Chỉ của Trung Quốc (VN gọi là thời kỳ 1000 năm Bắc thuộc). Đợt nhập cư này có quy mô lớn hơn với số lượng cư dân người Hán thông thường đổ vào Việt Nam nhiều hơn so với lượng binh lính người Hán chiếm đa số trong đợt nhập cư đầu tiên.

 

Xi Guang là quan cai quản Giao Chỉ từ năm 1-25 SCN. Khi Xi Guang từ chối công nhận sự soán ngôi nhà Hán của Vương Mãn, Giao Chỉ trở thành nơi trú ngụ lý tưởng của người Hán di cư, bao gồm quan chức và thương nhân người Hán.

 

Hai bà Trưng – Trưng Trắc và Trưng Nhị (dân tộc Tai) khởi nghĩa chống lại nhà Hán từ năm 40 và chiếm được đa phần miền Bắc Việt Nam từ năm 40-43.

 

Tướng Mã Viện được nhà Hán chỉ đạo mang quân quay lại dập tắt cuộc khởi nghĩa vào năm 43. Khi cuộc khởi nghĩa bị dập tắt, Mã Viện xử tử hàng ngàn quân Hán và người ủng hộ Hai Bà Trung để thị uy và đảm bảo cho sự thống trị của Trung Quốc trên mảnh đất xung quanh Hà Nội.

 

Hai Bà Trưng

 

Vua Hán Vũ Đế nhà Hán còn ra lệnh cho người Hán từ những vùng khác di cư tới đây để giảm thiểu sức mạnh của dân tộc Tai tại Việt Nam – một chiến thuật vẫn đang được Trung Quốc sử dụng tại Tây Tạng và Tân Cương.

 

Một lượng lớn dân nhập cư người Hán đổ về Việt Nam trong thời Đường (618-907). Tới cuối thời Đường – sau 1100 năm di cư, người Hán trở thành dân tộc chiếm đa số ở Đồng bằng Sông Hồng tại Bắc Việt Nam.

 

Đợt nhập cư thứ 3 (939 – 1857) – Giành được độc lập khỏi Trung Quốc

 

Đợt di cư thứ 3 bắt đầu sau sự sụp đổ của nhà Đường. Nhà Đường sụp đổ kéo theo nhiều cuộc nội chiến, Trung Quốc bị chia thành nhiều vương quốc nhỏ – một trong số đó là Nam Hán (917 – 971) bao gồm Quảng Đông, Quảng Tây và Việt Nam.

 

Ngô Quyền – con rể của vua Nam Hán quyết định tạo lập vương quốc riêng và đánh bại quân Nam Hán tại sông Bạch Đằng năm 938. Tổ tiên của Ngô Quyền là người Hán thuộc tỉnh Hà Bắc.

 

Tổ tiên của nhà Lý (1009-1225) cũng có nguồn gốc từ Hà Bắc. Lý Thuần An từ Phúc Kiến tới Việt Nam trong thế kỷ 10. Sau khi cha Li Song bị xử tử cùng cả họ tộc, Lý Thuần An trốn thoát khỏi Phúc Kiến – một thánh địa – từ Hà Bắc.

 

Tổ tiên của nhà Trần (1225 – 1400) có nguồn gốc từ tỉnh Phúc Kiến khi Trần Kinh cùng lượng lớn người Hán di cư về Việt Nam trong thế kỷ thứ 11. Họ “Trần” là một trong 8 họ lớn tại Phúc Kiến.

 

Nhà Trần khuyến khích người Hán di cư vào Bắc Việt Nam. Xuyên suốt thời Lý và Trần, rất nhiều người Hán nhập cư vào Việt Nam từ Mông Cổ. Trong số đó, có những người đã giúp nhà Trần đánh bại quân Nguyên Mông khi chúng xâm lược Việt Nam.

 

Tổ tiên nhà Hồ (1400 – 1407) tới từ Tân Cương khi Hồ Hưng Dật tới Việt Nam vào cuối thời nhà Hán (947-951).

 

Khi nhà Minh chiếm được Việt Nam vào năm 1407, một bộ phận người được gọi là “người Kinh” từ đồng bằng sông Hồng đã ủng hộ và hỗ trợ quân Minh. Thời đó, Nguyễn Trãi – người dân tộc Kinh đã lựa chọn gia nhập lực lượng của người Trại (Mường) để trả thù quân Minh đã bắt và giải Nguyễn Phi Khanh, cha ông, tới Nam Kinh – thủ đô cũ của Trung Quốc.

 

Trong sách “Gia Định Thành Thông Chí” có chép, rất nhiều người Hán đã bỏ trốn tới Việt Nam sau khi người Mãn xâm lược Việt Nam năm 1644. Năm 1679, tướng cũ nhà Nam Minh Dương Ngạn Địch chạy tới Việt Nam cùng gia quyến và 3000 binh lính.

 

Năm 1802, hoàng đế Việt Nam – Gia Long (Nguyễn Phúc Ánh) – người khai sinh ra triều Nguyễn, muốn đổi tên đất nước thành Nam Việt thay cho Văn Lang, nhưng nhà Thanh từ chối công nhận. Thay vào đó, đất nước được đổi tên thành Việt Nam để không bị trùng với quốc gia của Triệu Đà xưa kia.

 

Trong đợt nhập cư thứ 3 này, một dân tộc mới mang tên “Kinh” được tạo ra.

 

Kinh là từ Hán Việt để chỉ thủ đô của một đất nước. Thủ đô của Việt Nam thời đó là Hà Nội và khu vực Đồng bằng Sông hồng xung quanh – cũng là khu vực trung tâm của dân nhập cư người Hán. Cư dân sống ở vùng kinh thành (xung quanh Hà Nội) được gọi là Kinh.

 

Những người sống xa Trung tâm được gọi là Trại.

 

Đợt nhập cư thứ 4 (1858 – 1945) – Sự xâm lược của Châu Âu

 

Làn sóng nhập cư trỗi dậy trong thời kỳ Pháp thuộc (1858-1945) và sau Chiến tranh Nha phiến tại Trung Quốc.

 

Rất nhiều người Trung Quốc từ phía Nam (Quảng Đông và Phúc Kiến) rời Trung Quốc tới Việt Nam (và những vùng khác tại Đông Nam Á) bởi chiến tranh và sự nghèo đói của Trung Hoa. Người Pháp khuyến khích những người Hoa nhập cư buôn bán giao thương và phát triển công thương nghiệp tại Việt Nam.

 

Nhóm người này được gọi là người Hoa và tới nay vẫn nhớ và khai báo nguồn gốc Trung Quốc của họ. Họ có thể nói được tiếng Trung ở nhiều vùng miền khác nhau, tuy nhiên tiếng phổ thông họ dùng là tiếng Quảng Đông.

 

Rất nhiều người Hoa lại rời khỏi Việt Nam như “thuyền nhân” sau khi Cộng Sản Bắc Việt chiếm được Nam Việt Nam năm 1975 – sự kiện này khiến lượng người Hoa tại Việt Nam suy giảm mạnh. Họ chủ yếu di cư tới Pháp, Úc, Canada và Mỹ.

 

Kết luận

 

Người Kinh dù đã địa phương hóa khá mạnh, vẫn tôn trọng các lễ hội chính của người Hán, theo tôn giáo và văn hóa của người Hán – bởi thực ra họ đang thừa hưởng lại phong tục của tổ tiên. Thêm nữa, người Kinh sử dụng ngôn ngữ Hán Việt (Annamese Chinese language) – ngôn ngữ mẹ đẻ ban đầu của họ.

 

Người Kinh tại Việt Nam cũng như người Hán ở Đài Loan và Singapore – nơi người Hán trở thành dân tộc đa số tại một quốc gia độc lập sau vài đợt sóng di cư. Ba đợt di cư đầu tiên của người Hán được gọi là Kinh trong khi những người Hoa mới di cư trong đợt thứ 4 được gọi là Hoa.

 

Người Kinh là một nhóm phụ trong nhóm người Hán cũng như người Quảng Đông, Phúc Kiến, Khách Gia, Ngô,… – những nhóm người di cư tới miền Nam Trung Quốc bởi chiến tranh tại miền Bắc và trở thành dân tộc đa số tại miền Nam Trung Quốc vào cuối thời Đường. Nói cách khác, hiện tượng này không chỉ ở riêng Việt Nam mà còn diễn ra ở miền Nam Trung Quốc.

 

                                                               ***

 

NGUỒN GỐC NGƯỜI KINH – THEO K.W. TAYLOR

 

“Người Kinh- Người trại”. Người Kinh từ đâu ra?

 

K. W. Taylor ghi lại nhận xét lạnh lùng trong tác phẩm “A History of the Vietnamese”, Một quyển sử về người Việt Nam, như sau:

 

“Cư dân đồng bằng sông Hồng có xu hướng ủng hộ chính quyền nhà Minh. Người vùng thấp ở các phủ Thanh Hóa, Nghệ An phía nam nói chung cũng hưởng ứng chính quyền này. Tuy nhiên, đặc tính dân cư vùng chân núi và cao nguyên các phủ miền nam là đề kháng sự cai trị bởi Minh triều. Nói cách khác, theo sự phân biệt đầu tiên được tường trình dưới thời Trần, nhiều người Kinh cảm thấy có giá trị khi họ là một phần của vương quốc phương bắc, riêng người Trại thì không. Vì thế, vào thập niên 1420, sau khi Chu Đệ băng hà, hoạt động kháng Minh tích cực trong nhóm người Trại tại các phủ phía nam phát triển nhanh chóng nhất, đặc biệt nơi các thung lũng thấp thuộc vùng ven núi nam sông Hồng và vùng phía tây bình nguyên duyên hải. Thời Trần, thuật ngữ Kinh – Trại biểu trưng hai xu hướng khác nhau trong lĩnh vực thực hành văn hóa và ngôn ngữ, điểm khác nhau mà thời hiện đại cảm nhận như sự khác biệt giữa người Việt và các nhóm người mệnh danh Mường.

 

Theo Toàn Thư, sự phân biệt khu vực “trại” với các xứ khác đầu tiên xuất hiện vào năm 1010, ngay sau khi Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long. Nguyên văn Toàn Thư : “改十道為二十四路愛州驩州為寨 cải thập đạo vi nhị thập tứ lộ ái châu hoan châu vi trại”, Đổi 10 đạo thành 24 lộ, hai châu Hoan Ái thành trại. Như vậy, Hoan-Ái được xem như khu vực quân sự ngoài biên. Dân Hoan Ái không phải Man Lão, cũng không phải người sống ở “kinh” hay ở các “lộ” đồng bằng. Các thủ lĩnh theo truyền thống Lạc như Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn chưa bao giờ có quan điểm tương tự. Qua “Chiếu dời đô”, người “kinh” đầu tiên Lý Công Uẩn, vốn quê Phúc Kiến, xác định giá trị của Ngài cũng là của triều đại mới, ở việc thừa kế truyền thống cai trị Hoa Hạ. Ngài mạnh dạn biến triều đình Mân-Việt của mình thành trung tâm đồng thời ngoại vi hóa thế lực giàu tính bản địa. (

 

Việc hủy bỏ tên gọi “đạo” thực tế xuất hiện từ triều đại trước. Năm 1002, Lê Hoàn đã có lệnh đổi mười đạo làm lộ, phủ, châu. Vua Lê dù dùng nhiều người Hán hay gốc Hán trong bộ máy đồng thời chú tâm khai thác trung châu nhưng không có khái niệm kinh-trại. Dường như công việc cải tổ hệ thống hành chánh bị dang dở nên Lý Thái tổ phải tái thực hiện, tiện thể hạ thấp vai trò tiền triều bằng cách xếp loại quê quán và cộng đồng người của vua cũ vào diện “trại”.

 

Như vậy, những người sinh sống ở kinh thành mới và khu vực quanh đó có căn cước như thế nào?

 

Năm 866, sau khi đánh bại Nam Chiếu và chiếm lại Đại La, Cao Biền xây thành mới đồng thời làm 40 vạn căn nhà. (9) Dễ suy đoán số nhà cửa lớn lao được xây dựng dành cho người Hán hay trung thành với Hán đã bị xiêu tán trong 10 năm chiến tranh với Nam Chiếu. Cao Biền chủ ý lập khu dân cư quanh phủ thành như một hàng rào bảo vệ từ xa. Vành đai dân cư ủng hộ chính quyền phương Bắc phát huy tác dụng khi Dương Đình Nghệ, thủ lĩnh quê Ái châu, chủ quan đóng quân trong thành sau khi đuổi Thứ sử Lý Tiến về xứ. Ông dễ dàng bị Kiều Công Tiễn, người ngưỡng mộ Nam Hán, tiếp cận và sát hại trước sự bất lực của bộ thuộc (937). Đó là chưa kể đến Khúc Thừa Mỹ, bị Nam Hán đánh bắt năm 930 mà sử ký không ghi nhận dân sở tại có phản ứng gì.

 

Ai đã đến cư trú trong các căn nhà do Cao Biền dựng lên? Trong trận quyết chiến giữa Đường và Nam Chiếu tại phủ Đô hộ vào năm 863, các tướng Đường như Sái Tập, Nguyên Duy Đức chống trả kịch liệt đến mức toàn thể gia đình, bộ thuộc đều chết. Nam Chiếu lần thứ hai chiếm phủ thành. Qua hai lần thành công, họ vừa bắt vừa giết gần 150.000 người. Với số lượng nạn nhân như vậy, dễ hiểu là không còn đủ nông dân để canh tác. Năm 865, Cao Biền tiến quân sang An Nam bắt gặp 50.000 người Man đang thu hoạch lúa trên vùng nay thuộc Bắc Ninh. Rõ ràng, Nam Chiếu có kế hoạch định cư lâu dài tại An Nam nên tiến hành tàn sát quy mô lớn để thay đổi thành phần dân cư. (10) Ruộng đất cung cấp lương thực cho phủ Đô hộ đã có chủ mới. Họ Cao đánh giết những người gặt lúa, phá tan viện binh rồi tiến chiếm châu trị. Riêng trận phá thành, Biền tiêu diệt 30.000 quân Man, sau đó bắt 17.000 thổ dân ủng hộ Nam Chiếu. Qua mười năm chiến loạn, tổn thất sinh mạng quân dân cả hai bên đều lớn. Như thế, có thể đoán rằng Cao Biền phải mời gọi không chỉ dân phủ Đô hộ cũ vốn đã bị tiêu hao nặng nề, mà còn gồm cả người Đường mới đến cư trú quanh châu thành. Quan hệ giữa nhóm “tân dân” với các triều đình phương Bắc đương nhiên bền chặt hơn quan hệ của nhóm “cựu dân” đã An Nam hóa ít nhiều.

 

Năm 939, Ngô Quyền rút kinh nghiệm Đình Nghệ, lập triều đình bên ngoài vùng đất thù địch Đại La. Việc định đô tại Cổ Loa cho thấy quê Đường Lâm của họ Ngô không thuộc Giao châu. Ông là vị đầu lĩnh gốc Phúc Lộc châu thống trị một vùng đang nghiêng ngửa giữa thế lực bản địa Hoan Ái và thế lực mang bóng dáng chủ cũ từ Hưng Vương Phủ. Vương quốc mới ra đời có vẻ là tập hợp nhiều lãnh thổ tự trị nhỏ hơn là một thể chế có hệ thống hành chánh đến từng địa phương. Sử cũ không thể hiện hành động phân bổ quan lại nào của Ngài. Có thể Ngô vương dựa vào đạo quân mạnh của mình để áp đặt phú thuế, sưu dịch lên các lãnh chúa tự quản sau này trở thành các sứ quân. Khi Dương Tam Kha vận hành chính quyền trung ương, ông muốn bắt Xương Ngập tại lãnh địa Trà Hương (nay thuộc Hải Dương) của Phạm Lệnh công nhưng ba lần đều thất bại. Sự việc cho thấy quyền lực Cổ Loa vô cùng giới hạn, đặc biệt đối với vùng duyên hải là vùng mà Xương Ngập cảm thấy an toàn khi ẩn nấp.

 

Theo thần phả thần tích còn lưu hành đến nay, hơn phân nửa số thổ hào khu vực trung du và đồng bằng sông Hồng là người gốc Hán vào thời 12 sứ quân. Các vị hào trưởng đó gồm: Nguyễn Khoan, Nguyễn Thủ Tiệp, Nguyễn Siêu, Đỗ Cảnh Thạc và Trần Lãm. (không kể thủ lĩnh chiếm cứ miền núi Ngô Nhật Khánh, Ngô Xương Xí, Kiều Thuận). Họ chính là nhóm người kiểm soát nguồn hàng hóa từ đầu nguồn theo sông Hồng, sông Thái Bình xuống cửa biển phục vụ hệ thống hải thương nhộn nhịp đương thời. Dưới quyền sứ quân đa số là thổ dân ở nhiều mức độ phát triển khác nhau, vẫn còn các cộng đồng hoang dã khiến Toàn thư nhắc đến họ bằng danh xưng “bộ lạc” khi Đinh Bộ Lĩnh bình định Đỗ Động giang (năm 967). Thời điểm đó, dân cư phía đông nam và nam sông Hồng hẳn rất thưa thớt vì người Lạc cổ chủ yếu sống dựa theo đồi gò ven chân núi và việc canh tác đất thấp trũng chưa thuận lợi do hệ thống đê chưa hình thành.

 

Đinh Bộ Lĩnh dẹp 12 sứ quân, vẫn tránh định đô tại Đại La hay tại một địa điểm thuộc đồng bằng sông Hồng. Có thể nơi này dân cư vẫn chưa hồi phục đông đúc như trước, cũng có thể vua Đinh cảm thấy đó chẳng phải là không gian thân thiện.

 

Uy vũ của Tiên Hoàng tuy áp đảo các lãnh chúa nhưng khi Ngài băng, chưa chắc người con nào đó đương nhiên kế vị. Xét kỹ lá thư do Lê Hoàn giả danh Đinh Toàn gửi hoàng đế Tống, chúng ta thấy rõ điều kiện cần và đủ để được làm vua Đại Cồ Việt.

 

Nhà thần sắp sụp đổ, chưa bỏ áo tang thì quân dân tuớng lại trong hạt, nguời già lão ở núi rừng cùng đến chỗ nằm rơm gối đất của thần, bảo thần tạm giữ việc quân lữ. Thần cố từ ba bốn lần, nhưng bọn họ thỉnh cầu nài ép càng khẩn thiết. Thần muốn đợi tâu bày, nhưng lại lo chậm trễ; nguời núi rừng hung ác, dân khe động tráo trở, nếu không chiều ý họ, sợ có khi tai biến xảy ra.” (Toàn Thư I, 223-224).

 

Có hai nhân tố chính tác động đến việc lên ngôi của vua mới, một là “quản nội quân dân tướng lại 管内軍民將吏, quân dân tướng lại trong hạt, hai là “phiên duệ kỳ điệt 番裔耆耊, người già lão nơi biên viễn. Đứng đầu Hoa Lư thì chỉ cần sự ủng hộ của quân dân tướng lại, tức những người trực thuộc hệ thống hành chánh của tiểu vương quốc trung tâm, nhưng muốn làm vua Đại Cồ Việt thì phải thêm điều kiện đủ là sự đồng thuận của các thủ lĩnh bên ngoài khu vực đô thành.

 

Tiếng nói của những tù trưởng nơi núi non , đồng ruộng , hang động và ao ngòi đủ mạnh để chủ động Hoa Lư phải cân nhắc hết sức nếu muốn làm điều gì trái ý họ. Đặc tính “hung ác”, “tráo trở”, sẵn sàng ép uổng cả nhà vua cho thấy họ là những chúa đất có tiềm lực quân sự. Điểm này khiến ta liên tưởng đến nhận xét của Tomé Pires vào đầu thế kỷ 16 về hòn đảo nay thuộc Philippines, Pires thấy Lữ Tống được quản lý bởi một nhóm trưởng lão chứ không có quốc vương. Tổ chức chính trị Đại Cồ Việt, dưới ảnh hưởng trung nguyên, chỉ vừa vượt qua giai đoạn thô sơ này và còn quãng đường rất xa mới đạt đến kiểu cấu trúc phong kiến tập quyền. Cách trình bày với vua Tống của Lê Hoàn cũng thật khéo, bằng cách nhấn mạnh ảnh hưởng của cừ súy địa phương trong việc suy tôn vua mới, Ngài đã hạn chế tác động từ hoàng đế Trung Hoa lên qui trình truyền ngôi tại nước Nam. Thời Đinh, có vẻ cộng đồng người tại trung lưu sông Hồng chưa đóng vai trò chính trị đáng kể nên không được đề cập riêng.

 

Người Quảng hay Mân đến Giao châu sinh sống là điều rất bình thường vào thế kỷ X. Vị vua thừa kế nhà Đinh là Lê Hoàn từng nói với sứ Tống Lý Nhược Chuyết rằng (996): “Việc cướp trấn Như Hồng là do bọn giặc biển ở ngoài, Hoàng đế có biết đó không phải là quân của Giao Châu không? Nếu Giao Châu có làm phản thì đầu tiên đánh vào Phiên Ngung, thứ đến đánh Mân Việt, há chỉ dừng ở trấn Như Hồng mà thôi? ” (Toàn Thư II, 234).[5] Câu nói ít nhiều phản ánh sự luân chuyển con người, ý tưởng và hàng hóa giữa ba xứ tham gia buôn bán trên biển Đông, đồng thời cho thấy vua Lê có kiến thức nhất định về hoạt động phồn thịnh này.

 

Từ năm 991 đến năm 995, Toàn Thư ghi nhận Lê Đại Hành phân phong 8 trong số 9 hoàng tử về địa bàn châu thổ sông Hồng, đặc biệt ở vùng nay là Hưng yên, Hải phòng. Hành động đó cho thấy khu vực đồng bằng có sự phục hồi về dân số và kinh tế nên vấn đề an ninh hay thu thuế trở nên quan trọng hơn trước. Quan tâm tột độ của Lê Hoàn đối với trung nguyên hé lộ sự tái hình thành có thể vượt tầm kiểm soát của một cực chính trị khác đủ khả năng đương đầu với Hoa Lư.

 

Lý Thái tổ dời đô về Đại La, trong bản chất, là sự quay về không gian văn hóa của chính mình, tránh xa phản ứng bất trắc của tập hợp bản xứ rất mạnh từ Hoan Ái. Cộng đồng “kinh” xuất hiện sớm nhất trong lịch sử Việt chính là gia tộc Lý và nhóm công khanh người Mân, có thể cả Quảng, cùng gia đình họ. Vây quanh là lớp thổ hào quen thuộc với lối sống và cách cai trị kiểu Trung Hoa, họ có mối quan hệ thương mại cả bằng đường bộ lẫn đường biển với phía Bắc từ trước. Thổ hào không chỉ là người địa phương mà còn có thể là người Hoa bản địa hóa hay người lai. Nền tảng của cộng đồng “kinh” là thần dân cũ của đế quốc Đường tập trung ở trung lưu sông Hồng, họ từng sống bên trong hệ thống hành chánh phủ Đô hộ hàng trăm năm.

 

Nhóm dân “sống ở kinh đô” đầu thời Lý là một sắc tộc mới đang tượng hình, khác biệt với các cộng đồng chung quanh, chiếm thiểu số so với tổng dân số trên vùng lãnh thổ nay là bắc bộ và bắc trung bộ. Họ bắt đầu sử dụng ngôn ngữ khác, dần hoàn chỉnh trong triều đình Lý vốn chủ đạo bởi vua quan nói tiếng Mân hoặc một thứ tiếng Hoa miền biển. Tiếng nói mới hẳn chịu tác động mạnh mẽ bởi tiếng nói của lớp lãnh đạo tại chỗ vốn bắt đầu ngừng sử dụng tiếng Hoa sau khi Ngô Quyền từ chối các Tiết độ sứ phương Bắc. Sự lan tỏa của ngôn ngữ này kèm theo văn hóa hỗn tạp nhưng tiên tiến đã chuyển hóa nhóm người bản địa hợp tác với ngoại tộc thành người “kinh”, đồng thời biến dân số bất khuất còn lại thành “dị tính”, “trại” hay tệ hơn, thành “mường mán”.

 

Sự khác biệt giữa dân ở “kinh” với dân “trại” có thể được phát hiện qua lịch sử chinh chiến của hai đời vua đầu triều Lý.

 

Năm 1011: đem sáu quân đánh man Cử Long ở Ái châu (thuộc Thanh Hóa nay).

 

Năm 1012: vua thân đi đánh Diễn châu (thuộc Nghệ An nay) vì người ở đấy không theo giáo hóa, ngu bạo làm càn, tàn ngược chúng dân…Cuối năm này, bắt người Man và hơn 10.000 con ngựa tại châu Vị Long (thuộc Tuyên Quang nay)

 

Năm 1013: vua thân đi đánh châu Vị Long do dân châu hùa theo người Man làm phản. Thủ lĩnh Hà Án Tuấn cùng bộ thuộc trốn vào rừng núi.

 

Năm 1014: Dực Thánh vương chống người Man xâm nhập ở châu Bình Lâm (thuộc Tuyên Quang nay), chém hàng vạn người.

 

Năm 1015: Vũ Đức vương và Dực Thánh vương đánh người Man ở Vị Long, Đô Kim, Thường Tân, Bình Nguyên (thuộc Tuyên Quang nay); bắt được Hà Án Tuấn, chém bêu đầu ở chợ.

 

Năm 1020: Khai Thiên vương và Đào Thạc Phụ đánh Chiêm ở trại Bố Chính, chém tướng giặc Bố Linh tại núi Long Tỵ (nay thuộc Quảng Bình).

 

Năm 1022: Dực Thánh vương đánh Đại Nguyên Lịch, thâm nhập trấn Như Hồng thuộc Tống.

 

Năm 1024: Khai Thiên vương đánh Phong Châu, Khai Quốc vương đánh châu Đô Kim.

 

Năm 1025: lập trại Định Phiên ở phía nam Hoan Châu (khoảng Hà Tĩnh nay)

 

Năm 1026: Khai Thiên vương đánh giặc ở Diễn Châu.

 

Năm 1027: Khai Thiên vương đánh châu Thất Nguyên, Đông Chinh vương đánh châu Văn (nay thuộc Lạng Sơn).

 

Năm 1028: vua mới Thái tông đánh phủ Trường Yên (Ninh Bình nay) do Khai Quốc Vương trấn trị làm phản.

 

Năm 1029: đánh giáp Đãn Nãi ở châu Ái.

 

Năm 1031: vua thân đi đánh châu Hoan.

 

Năm 1033: vua thân đi đánh châu Định Nguyên, sau đó là châu Trệ Nguyên.

 

Năm 1035: vua thân đi đánh châu Ái.

 

Năm 1036: đặt hành dinh ở châu Hoan, đổi tên thành châu Nghệ An.

 

Năm 1037: vua đánh đạo Lâm Tây, Khai Hoàng vương đánh Đô Kim, Thường Tân, Bình Nguyên. Dựng hơn 50 kho tàng thuộc Nghệ An.

 

Năm 1039: vua đi đánh Nùng Tồn Phúc.

 

Năm 1041: cho Uy Minh hầu Nhật Quang làm Tri châu Nghệ An. Đánh bắt được Nùng Trí Cao.

 

Năm 1042: Khai Hoàng vương đánh châu Văn.

 

Năm 1043: Khai Hoàng vương đánh châu Ái, Phụng Càn vương đánh châu Văn. Đào Xử Trung dẹp giặc biển Chiêm Thành.

 

Năm 1044: vua thân chinh Chiêm Thành, chém vua Chiêm Sạ Đẩu tại trận. Trên đường về, Vua ban tiết việt và gia tước vương cho Trấn thủ Nghệ An Nhật Quang.

 

Năm 1048: Phùng Trí Năng đánh Ai Lao, Quách Thịnh Dật đánh động Vật Ác của Nùng Trí Cao.

 

Năm 1050: dẹp loạn ở Vật Dương.

 

Năm 1051: Thánh tông lên ngôi, đặt quốc hiệu là Đại Việt.

 

Ngoài ba lần đối phó Chiêm Thành, đối tượng của các cuộc chinh phạt từ năm 1010 đến 1052 là các bộ tộc nói tiếng Tai-Kadai phía Bắc và người trại phía Nam. Riêng vùng đồng bằng rất yên ả. Bản chất chiến tranh phía Bắc và phía Nam khác nhau. Nhà Lý buộc phải ngăn chặn sự xâm nhập của “người lạ” từ phương Bắc. Đối với phương Nam, nhiều khả năng chiến tranh mang tính chất trừng phạt việc từ chối nộp cống thuế. Dưới triều trước, thủ lĩnh Hoan Ái còn định thần phục vua Chiêm thay vì vua tiền Lê. Đến triều Trần, khi Thăng Long suy yếu, Toàn Thư ghi chép rõ dân Tân Bình Thuận Hóa ủng hộ quân Chiêm, dân Nghệ An thì ăn ở hai lòng. Dường như dân trại chọn ngả theo vị vua thu thuế nhẹ hơn và gần gũi hơn về mặt văn hóa.

 

Triều đình Lý cũng không hoàn toàn yên tâm với các xứ đang an bình. Năm 1043, khi Lý Thái Tông hỏi ý các quan về cách đối xử với Chiêm Thành vì xứ này đã 16 năm không tiến cống thì được tâu trình như sau: “Bọn thần cho rằng đó là vì đức của bệ hạ tuy có đến nhưng uy thì chưa rộng. Sao thế? Vì từ khi bệ hạ lên ngôi đến giờ, họ trái mệnh không đến chầu, bệ hạ chỉ ban ơn đức để vỗ về, chưa từng ra oai dùng võ để đánh phạt. Bọn thần e rằng các chư hầu khác họ trong nước đều như Chiêm Thành cả, há chỉ riêng người Chiêm mà thôi đâu”. (Toàn Thư I, 279)[7]

 

Nghĩa là hệ thống cai trị trên toàn vương quốc của nhà Lý vẫn chưa mang tính tập quyền. Bên ngoài bộ máy trực trị vẫn tồn tại các chư hầu cùng họ và khác họ. Việc nộp phú thuế như thế nào từ các khu tự trị hoàn toàn tùy thuộc vào sức mạnh của tập đoàn trung ương. Cuộc xâm lược thành công Chiêm Thành năm 1044 dĩ nhiên đã ngăn ngừa hiệu quả manh động có thể có từ các chư hầu. Nhưng vì sao quan tướng nhà Lý đặt “hải nội dị tính chư hầu 海内異姓諸侯, chư hầu khác họ trong nước, ngang với Chiêm Thành? Phải chăng văn hóa Đại Việt thời điểm đó do mới hình thành chỉ lan tỏa quanh Thăng Long và phủ Thiên Đức? Còn nhiều vùng ngay trong châu thổ vẫn theo truyền thống Đông Nam Á, được điều hành bởi các hào trưởng tự lập? Thời trung đại, “dị tính” có nghĩa gần như tương đương với “tộc người khác.”

 

Dân “kinh” thời Lý không thể đông hơn các cộng đồng mệnh danh “trại” hay “mường mán”. Họ chỉ là nhóm dân có văn hóa đặc thù, không là Hán nhưng đủ khác với cư dân xung quanh để chiến tranh bùng phát dai dẳng. Sự áp đảo về quân sự của triều đình trên các nhóm người ngoài vùng hạt nhân là sự áp đảo của một xã hội có tính tổ chức lên các cộng đồng riêng lẻ chưa có cơ cấu liên kết nhau sâu sắc. Tuy nhiên, có thể thấy chỉ đến đời thứ hai nhà Lý, triều đình đã cử Nhật Quang cai trị Nghệ An bên cạnh các thổ hào. Riêng châu Ái, nhà vua còn cử Khai Hoàng vương đánh dẹp vào năm 1043, nhưng đến năm 1105 khi Lý Thường Kiệt qua đời, đã thấy sử ghi việc Kiệt được Thánh tông phong chức Thái Bảo kèm tiết việt để thăm hỏi “lại dân” ở Thanh Hóa, Nghệ An. Như vậy, tầng lớp ưu tú nhà Lý bản địa hóa rất nhanh và các địa phương miền nam cũng mau chóng hòa hợp với trung châu. Trong vòng 100 năm, phân chia kinh-trại đã nhòa nhạt. Các trại, hay châu, Hoan và Ái đã trở các phủ Nghệ An và Thanh Hóa.

 

Tuy vậy, khi văn hóa miền biển lấn ngược chiều sông Cái, các nhà lãnh đạo duyên hải dù cảm thấy gần gũi với quý tộc trung lưu sông Hồng, lại thấy mình khác với người Thanh Nghệ. Điều này dễ hiểu, vì vùng duyên hải dưới quan sát của các tác giả Trung Hoa, thổ dân chỉ chiếm một nửa nhân khẩu. Năm 1256, nhân kỳ thi nho học, vua Trần chia làm Kinh Trạng nguyên và Trại Trạng nguyên, Kinh Thái học sinh và Trại Thái học sinh. Tống nho đã thâm nhập đồng bằng sớm sủa hơn khu vực phía nam nhiều. Chính nhà Trần dung nạp di thần Tống để kháng cự Mông Cổ xa lạ đến từ thảo nguyên. Liên kết chặt chẽ với Hoa tộc cả về quân sự lẫn văn hóa khoét sâu sự ngăn cách giữa tầng lớp thượng lưu Mân-Hán và đa số bình dân địa phương, khoảng cách tưởng đã phai nhạt vào cuối đời Lý. Thời bình, vấn đề giữa các tộc người có thể là thứ yếu nhưng trước đe dọa đòi hỏi huy động tổng lực của vương quốc, ủng hộ từ đa số bị trị trở thành yếu tố quyết định sự tồn vong của triều đại. Tính chất mong manh của một vương triều ngoại tộc được vua Trần hóa giải bằng hai hành động vô tiền khoáng hậu trong lịch sử Đại Việt: đuổi cá sấu trên sông Lô và họp hội nghị tại thềm điện Diên Hồng.

 

Về việc nhà vua sai Nguyễn Thuyên đuổi cá sấu, chúng ta dễ hào hứng với thông tin gợi mở rằng Thuyên viết bài văn bằng quốc ngữ, tức chữ Nôm, nên thường hiểu sai về mục đích của thao tác này. Nhằm tìm hiểu động cơ của triều đình, phải đặt sự kiện vào trong dòng chảy căng thẳng của thế cuộc đương thời:

 

Mùa đông năm 1278, Trần Thái tông băng. Nguyên đế sai Sài Xuân sang sứ dụ vua vào chầu. Vua cự tuyệt. Sứ giả Đại Việt sang Nguyên bị bắt giữ.

 

Năm 1279, người Nguyên đánh trận quyết định với nhà Tống ở Nhai Sơn, quan quân Tống gồm cả hoàng gia chết đuối hơn 100.000 người.

 

Năm 1280, xét duyệt sổ đinh và các sắc dịch. Trịnh Giác Mật ở Đà Giang làm phản, Trần Nhật Duật thu phục được.

 

Năm 1281, nhà Nguyên phong chức tước cho vài người thuộc sứ đoàn nhà Trần, cử Sài Xuân sang Đại Việt hành xử khiêu khích.

 

Năm 1282, Lạng Châu báo tin Toa Đô chuẩn bị 50 vạn quân mượn đường nước ta đi đánh Chiêm Thành. Lúc ấy, có cá sấu đến sông Lô, vua sai Hình bộ Thượng thư Nguyễn Thuyên làm bài văn ném xuống sông để xua đuổi. Mùa đông, vua họp vương hầu và trăm quan tại Bình Than, cử Trần Khánh Dư làm Phó Đô tướng quân. Lấy Thái úy Trần Quang Khải làm Thượng tướng thái sư.

 

Năm 1283, mùa thu, sứ giả Đại Việt thu được thông tin về đạo quân 50 vạn sắp vào cướp. Mùa đông, vua thân chỉ huy tập trận thủy bộ, cử Trần Hưng Đạo làm Quốc công Tiết Chế, bổ nhiệm nhiều tướng hiệu có năng lực.

 

Năm 1284, mùa thu, Hưng Đạo vương duyệt binh lớn ở Đông Bộ Đầu, bố trí phòng thủ các điểm xung yếu. Mùa đông, vua sai Trần Phủ sang Nguyên xin hoãn binh. Trần Phủ báo tin Thoát Hoan sẽ tấn công với lý do mượn đường đánh Chiêm Thành. Thượng hoàng triệu tập bô lão ở thềm điện Diên Hồng, ban yến và hỏi ý kiến. Tất cả đều quyết chiến. Chỉ vài ngày trước Tết Nguyên đán, Mông Cổ vi phạm biên cảnh.

 

Trước Nguyễn Thuyên (1229 – ?), Hàn Dũ (768 – 824) từng làm việc tương tự khi bị biếm truất làm thứ sử Triều Châu, miền đất đương thời hãy còn là biên địa của đế quốc Đường. Họ Hàn vốn mộ Nho bài Phật, khổ nỗi, dân địa phương chắc chẳng “mộ” cũng chẳng “bài” cả hai. Để thu phục tập đoàn mông muội đa thần giáo, Hàn Dũ đã tạo nên sự kiện đuổi cá sấu bằng “Ngạc ngư văn”, qua đó, ông hành xử như một thầy mo bản thổ. Liam C. Kelley nhận xét rằng hành động của Hàn Dũ là thủ thuật cai trị phổ biến trong nhiều nền văn hóa khác nhau.

 

Toàn Thư không nói rõ Nguyễn Thuyên làm bài văn bằng thứ chữ gì, nhưng ngay sau lời kể vua ban họ Hàn cho ông, tác giả sử ký xác nhận Thuyên giỏi làm thơ phú quốc ngữ. Như vậy, có thể đoán rằng ông làm bài văn bằng chữ Nôm, đọc cho cá sấu nghe bằng loại tiếng Việt mà dân quanh vùng sông Lô nghe, hiểu được. Ở đây, vị vua gốc Phúc Kiến đã đóng vai “thầy mo” của các bộ tộc Lạc để dễ dàng huy động họ trong cuộc đại chiến sắp xảy ra. Vị phù thủy này vô cùng tế nhị vì đã không buộc cá sấu hay dân địa phương phải nghe tiếng nước ngoài. (15)

 

Hội nghị Diên Hồng mang dấu ấn cơ cấu Kuriltai của người Mông Cổ, chủ nhân trung nguyên lúc bấy giờ. Hội nghị trưởng lão tương tự vẫn thấy ở Afghanistan ngày nay dưới danh xưng Loya Jirga. Riêng Đại Việt, nơi hệ thống hành chánh phát triển hơn trên địa bàn chật hẹp, vua có thể trao đổi với lãnh đạo các phủ lộ để nắm tình hình địa phương nhưng vẫn triệu họp phụ lão, điều đó chứng tỏ hệ thống chính quyền không chặt chịa bao trùm toàn vương quốc. Nhiều khu vực vẫn tự chủ ở các mức độ khác nhau nên vua chỉ có thể trao đổi với thủ lĩnh địa phương thông qua cuộc họp này.

 

Hội nghị Bình Than dành cho tập đoàn cầm quyền bao gồm vương hầu người gốc Mân và trăm quan Hán hóa cao độ gắn kết với hoàng gia. Hành động đuổi cá sấu hay họp phụ lão là những nỗ lực tác động đến mọi ngóc ngách của khối dân bản địa. Hai thao tác chuẩn bị chiến tranh này cho thấy người Việt gốc vẫn chiếm đa số áp đảo mặc dù nhân số đồng bằng đã được bổ sung đáng kể bởi người Mân Quảng kinh dinh ven biển hoặc bởi di dân Tống.

 

Không còn báo cáo dân số thuở ban đầu, lúc nhà Lý phân chia kinh-trại. Li Tana tích hợp nhiều nguồn chứng minh một cách thuyết phục rằng dân cư thời Lý rất thưa thớt và chưa bao gồm dân số khu vực phía đông đồng bằng. Bà cũng đồng ý dân số tăng đột biến vào quãng thời gian 1200 – 1340. (16) Để suy đoán tương quan giữa dân số kinh và dân số các cộng đồng khác vào thời Lý, chúng ta thử xem xét tường trình Trương Phụ gửi về Kim Lăng năm 1408:

 

Chiêu an hơn 3.120.000 người, bắt được dân Man hơn 2.087.500 người (Minh Thực Lục I, 298)[8]

 

Sau khi Lý thái tổ chia Hoan Ái thành trại gần 400 năm (1010 – 1408), dân số nằm trong hệ thống hành chính trung ương, tức người chấp nhận văn hóa và sự cai trị từ Ty Bố Chính Giao Chỉ, chỉ chiếm 60% tổng dân số trên vùng đất nay là bắc bộ và bắc trung bộ (tỉ lệ khoảng 6/4). Con số “3.120.000 người” năm 1408 chắc chắn chủ yếu là dân “kinh lộ” và một ít dân “trại” vùng duyên hải Hải Tây mà người Minh trực tiếp thu thuế được. Dân số lên đến mức đó chỉ sau kỳ bùng nổ nhân khẩu tại đồng bằng xảy ra dưới thời Trần khi hệ thống đê điều toàn khu vực được xác lập và giống lúa Chiêm được phổ biến rộng rãi. Như vậy, có thể suy đoán tỉ lệ giữa dân số vùng trung lưu sông Cái với dân số các vùng Hoan Ái, vùng duyên hải, vùng đồi núi đầu thời Lý là con số rất khác tỉ lệ 6/4. Không đủ cơ sở để xác định tỉ lệ đó chừng 5/5, 4/6 hay 3/7…,(17) nhưng có thể xác định một điều : người nói các thứ tiếng Mường hay Tai-Kadai chưa trở thành dân tộc ít người vào thời điểm đó. Họ chỉ trở thành thiểu số khi nhiều thành viên trong số họ rời bỏ cộng đồng để hòa nhập vào người “kinh” hay “lộ”. Chính chiếu chỉ năm 1042 cho thấy các phụ nữ làm vợ hay thiếp của nhà quyền thế còn mang đậm tập quán của các bộ tộc sống cách biệt, bị ám ảnh bởi hôn nhân cận huyết. Dòng chảy nhân lực từ miền cao xuống còn thấy rõ vào cuối đời Trần qua bài thơ “Đề Tư Đồ Trần Nguyên Đán từ đường 題司徒陳元旦祠堂, Đề thơ tại nhà thờ quan Tư Đồ Trần Nguyên Đán, của Trần Nghệ tông. Thượng hoàng cho biết đội khiêng kiệu cho Ngài là “山僮 sơn đồng”, nô lệ người miền núi. Đối sánh số “nhân dân” 3.120.000 với số 2.087.500 “man nhân”, có thể nói rằng người man là các cộng đồng văn hóa khác biệt trên lãnh thổ An Nam, do điều kiện địa lý và trình độ phát triển, họ còn thuộc về nhiều bộ tộc khác nhau, nói ngôn ngữ không hoàn toàn giống nhau, nhưng chưa thật sự trở thành thiểu số trên chính quê hương mình.

 

Cần chú ý khái niệm kinh-trại chỉ được nhắc đến trong chính sử khi quyền lực thuộc về các gia tộc gốc Mân. Đến thời Hồ – Lê, không thấy Toàn Thư nhắc lại khái niệm này. Các vua Hồ lập đô ở Thanh Hóa, biến khu vực nay là Thanh Hóa và bắc Nghệ An thành “tứ phụ”, tức vùng lõi. Bộ phận điều hành lộ Đông Đô được đặt tên Phủ Đô hộ, một hàm ý ngoại vi hóa vùng kinh thành xưa. Từ đó, người trung châu được gọi là dân “kinh lộ”, ý chỉ người thuộc các lộ đồng bằng bao gồm cả lộ Đông Đô.

 

Taylor có lý của ông khi cho rằng khái niệm kinh-trại sẽ phát triển thành Việt-Mường sau này. Tuy nhiên, cũng có thể hiểu theo cách khác: Kinh gồm người Hán vùng duyên hải bản địa hóa và người địa phương Hán hóa chấp nhận sự lãnh đạo của nhóm gốc Bắc; Trại là người địa phương Hán hóa mức độ thấp, còn gần gũi với các tộc bản xứ. Thổ dân đóng vai trò tương đối thụ động trong tiến trình Hán hóa của nhóm kinh, ngược lại, người bản địa vùng trại chủ động tiến trình này. Dưới mắt kinh, dân trại phong hóa tầm thường. Dưới mắt trại, dân kinh quá ngả về Bắc không đủ tư cách làm chủ nước.

 

Xét riêng cộng đồng “kinh” hay “kinh lộ” thời Lý Trần, chúng ta thấy tầng lớp ưu tú chủ yếu là người Hán vùng ven biển đông nam hoặc người lai miêu duệ của họ; tầng lớp dưới là dân bản địa gốc Mường được bổ sung bởi tù binh nói tiếng Nam đảo hoặc tiếng Tai-Kadai. Dĩ nhiên có tầng lớp trung gian đến từ nhiều nguồn, họ có thể là thầy thợ người Bắc, hoặc thành viên các gia tộc lớn, hoặc người bình dân tiến thân bằng chiến công hay học vấn. Cơ cấu dân số như vậy đóng vai trò quyết định thái độ chính trị của khu vực. Nó giải thích vì sao những “người có chút ít tiếng tăm” nhanh chóng hợp tác với quân Minh, trái lại, “quân nhân đinh nam” lúc cùng đường lại sẵn lòng phục vụ vua Giản Định. Xu hướng chính trị này ảnh hưởng sâu đậm, bền bỉ và góp phần quan trọng định hình lịch sử Đại Việt – Đại Nam – Việt Nam.

 

Chất Hán vùng kinh lộ thẩm thấu trong giới tinh hoa đến mức độ nào? Đến các đời vua đầu Trần, ảnh hưởng Hán thấy rõ là bộ máy vương quyền được tổ chức kiểu Trung Hoa. Triết học Nho, Lão và Thiền tông ảnh hưởng mạnh chủ yếu trong tầng lớp biết chữ. Tuy vậy, những gì có nguồn gốc ngoại lai sau một thời gian hoạt động ở An Nam đã trở nên rất khác.

 

Năm 1293, sứ thần Nguyên Mông Trần Phu nhận xét hoàng tộc Trần như sau:

 

Hạ tục kiêu phù thậm,

 

Trung Hoa lễ nhạc vô.

 

Húy hiềm ngoa thị Nguyễn,

 

Thác chế tiếm xưng cô.

 

Tế tự tông phường tuyệt,

 

Hôn nhân tộc thuộc ô.

 

(Phong tục của tầng lớp dưới[9] hết sức bạc nẽo nông nổi,

 

Ở đây không có lễ nhạc của nước [Trung-quốc] văn minh.

 

Kiêng tên, nên đã mạo nhận là họ “Nguyễn”,

 

Mượn cớ có tang để tiếm xưng là “cô”.

 

Trong nơi tông miếu, việc tế tự mất hẳn,

 

Người cùng họ hàng lấy nhau thật xấu xa.)(18)

 

Vị sứ giả người Hán đại diện vua Mông Cổ không tìm thấy văn minh Trung Hoa tại triều đình Đại Việt. Ông phân biệt Hoa – Di không dựa vào đặc điểm sinh học của cộng đồng người, mà dựa vào thực hành văn hóa của giới thống trị. Dưới mắt Trần Phu, sự “khác” với thượng quốc thể hiện tính thấp kém.

 

Hơn 80 năm sau, Trần Nguyên Đán lại thấy sự “khác” giữa hai vương quốc ở góc cạnh “văn vận”, ông cho rằng đó là do tầm vóc văn hóa Đại Việt đã vượt qua Trung nguyên. (19) Dù tự hào đến vậy, Nguyên Đán vô tình vẫn dùng tiêu chuẩn cân đo phương bắc. Hẳn vì ngoài hệ giá trị đã am tường, ông không còn biết hệ nào khác.

 

Cả Trần Phu lẫn Trần Nguyên Đán đều là văn nhân đại thần. Phát biểu của họ hình thành từ cơ sở tri thức và học vấn đỉnh cao của mỗi xứ nên có thể xem như ý kiến điển hình. Chính sự “khác” cảm thấy bởi cả hai bên là nền tảng để người phương Nam tạo nên, và người phương Bắc nhìn nhận, thực thể Đại Việt. Thực thể này theo cách hiểu của Trần Hưng Đạo trong “Dụ chư tỳ tướng hịch văn” là tài sản thuộc họ Trần; công chúa Thiên Ninh cũng hiểu thiên hạ là “của tổ tông mình” nên không nhường họ khác. Tuy nhiên, sau mười năm giao chiến với quân Minh, Lê Lợi qua “Bình Ngô đại cáo” lại cho rằng thực thể đó thuộc về người Đại Việt dù nó bị cai trị bởi bất kỳ dòng tộc nào. Do vậy, Bình Định vương không chấp nhận quyền chọn chủ phương Bắc của nhóm ưu tú sinh sống bên trong cương vực nước Nam. Sau khi điểm lại tình hình lòng dân oán phản bởi chính sách triều Hồ, Ngài định danh nhóm hợp tác đồng thời định nghĩa việc họ làm nhân buổi rối ren một cách minh bạch:

 

Ác đảng hoài gian cánh dĩ mại ngã quốc 惡黨懷奸竟以賣我國, Bọn bất lương mưu cấu kết với giặc để bán nước ta.

 

Trong bối cảnh cái gọi là “dân tộc” theo định nghĩa phương Tây chưa hình thành, nhận xét của Lê Thái tổ cho thấy Ngài vươn trước thời đại mình rất xa.

 

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats