Wednesday, 23 August 2023

MƯỜI TÁM THÁNG CHIẾN TRANH CỦA NGA Ở UKRAINE VÀ NHỮNG BĂN KHOĂN – PHẦN 1 (Phúc Lai GB)

 



MƯỜI TÁM THÁNG CHIẾN TRANH CỦA NGA Ở UKRAINE VÀ NHỮNG BĂN KHOĂN – PHẦN 1   

Phúc Lai GB

22-8-2023  10:14   

https://www.facebook.com/phuc.lai.07/posts/pfbid02GJsC7Q4Ev88zXN4Xryh4FGRrKX4abfQqTYbrDudJDkbaEL5vC6qPnVuh6CGf6to3l

 

1. Tại sao nước Nga bị tấn công bởi UAV, thậm chí vào Mátxcơva?

Đã nói “thậm chí” thì phải nói rằng, nếu không tính cú tấn công vào điện Kremlin mà đến nay vẫn chưa rõ ràng, thì cú tấn công mới nhất vào ngày 18/8, mảnh vỡ của UAV đã rơi xuống trung tâm Triển lãm Expocentr (Экспоцентр) ở trung tâm thành phố Mátxcơva và nó chỉ cách điện Kremlin có hơn 4 ki-lô-mét theo đường chim bay.

 

Liên quan đến những đợt tấn công của UAV vào lãnh thổ Nga và cả thủ đô Mátxcơva làm xuất hiện câu hỏi: “Hệ thống phòng không của Nga ở đâu?” và thậm chí có nhiều ý kiến cho rằng vũ khí của Nga vẫn bị thổi phồng năng lực như mọi khi, và chúng là vô dụng. Điều này có điểm đúng, nhưng cũng có điểm chưa đúng lắm. Vũ khí của Nga thực sự là tốt với những yêu cầu cơ bản chứ không tồi tệ. Điều mà dẫn đến việc vũ khí Nga dễ bị nhận xét là “nổ quá đà” là do, thường khi đặt ý tưởng cho dự án các công trình sư và thành viên nhóm thiết kế thường muốn tích hợp những yếu tố tân kỳ nhất, ưu việt nhất nhưng cuối cùng những thiết kế này vượt quá năng lực sản xuất hàng loạt của nền công nghiệp quốc phòng nên chúng bị lược bỏ.

 

Ví dụ như chiếc tiêm kích phổ biến nhất của Liên Xô thời Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Yak-9 với số lượng sản xuất hơn 16.000 chiếc, ban đầu có thiết kế 2 khẩu pháo và 2 súng máy, rồi rút xuống 1 pháo và 1 súng máy. Cuối cùng nó được trang bị đại trà với tiêu chuẩn 1 pháo 20 mm ShVAK, (120 viên đạn) và 1 súng máy 12,7 mm “UBS”, cơ số 170 viên đạn. Trong khi đó chiếc tiêm kích nổi tiếng nhất được giao cho Liên Xô theo hợp đồng thuê mượn (lend-lease) P-39 Aira Cobra, nó được trang bị 1 pháo M4 37 mm lắp đồng trục trong lõi rỗng của trục cánh quạt với cơ số 30 quả đạn nổ, 4 súng máy 12,7 mm trong đó 2 khẩu gắn nắp trước với 200 viên đạn mỗi khẩu, 2 khẩu gắn cánh (1 khẩu mỗi bên cánh) cơ số 300 viên đạn mỗi khẩu. Ngoài ra nó có thể đem theo 230 kg bom ở ngoài cánh. Nếu so sánh sâu thêm, tốc độ của Yak-9 đạt 700 ki-lô-mét/giờ còn Cobra chỉ có hơn 600 ki-lô-mét/giờ, nhưng bù lại khả năng chịu đựng tốc độ bổ nhào của Cobra tốt hơn do có độ bền khung thân cao hơn rất nhiều. Những đặc tính trên đây làm cho Cobra mặc dù là tiêm kích nhưng lại có thể đóng vai trò cường kích rất tốt không thua kém quá nhiều so với IL-2 nhưng lại cơ động và tự bảo vệ tốt hơn vì dù sao nó vẫn là máy bay tiêm kích. Đồng thời tầm bay của Cobra là gần 1.800 ki-lô-mét, trong khi tầm bay của Yak-9 chỉ non 700 ki-lô-mét, điều này làm hạn chế thời gian hoạt động của Yak trên chiến trường, phi công hay phải quay về và do vậy, Liên Xô phải tăng số lượng sản xuất máy bay lên.

 

Viết thêm: khi giao cho Liên Xô, người ta đã tháo bớt hai khẩu súng máy ở ngoài cánh để mong tăng khả năng cơ động của máy bay và dồn đạn cho hai khẩu còn lại, đồng thời đồng bộ cò súng của pháo và súng máy làm một, đây là một việc làm rất thông minh. Thực tế hỏa lực thiết kế gốc của P-39 là rất mạnh và chỉ thua chiếc “Messerschmitt” Bf-109 phiên bản có thêm hai cụm pháo 20mm ở ngoài gắn dưới bụng.

 

Quay lại với câu chuyện “tăng tích hợp tính năng khi thiết kế”, chiếc Yak-9 nói riêng và vũ khí Liên Xô nói chung (và sau này là Nga) có một đặc điểm là, ngoài các mục tiêu quân sự các nhà thiết kế luôn luôn phải chay theo các mục tiêu chính trị. Ví dụ, khi thiết kế máy bay tiêm kích họ phải căn cứ trên các thông số kỹ thuật của chiếc “Messerschmitt” Bf-109 về tốc độ, tầm bay và khả năng mang theo vũ khí, nhưng về chính trị thì phải cố vượt được tất cả từ Đức đến phương Tây và tìm cách chê bai các vũ khí của họ cung cấp. Stalin khi nhận xét về vũ khí phương Tây, nói rằng: “Chiến sĩ của chúng ta không thích xe tăng Mỹ vì nó chạy xăng, cháy quá nhanh.” Điều đó đúng, nhưng mới chỉ là một nửa: nó bắt cháy ngay lập tức nhưng khả năng cô lập đám cháy từ khi được thiết kế đã rất tốt. Trong khi đó xe tăng Liên Xô chạy dầu diesel cháy chậm hơn nhưng từ khi bắt đầu cháy cho đến khi nổ tung rất nhanh (chủ yếu là do đạn pháo xe tăng Liên Xô thuốc đạn thiếu tinh khiết, nổ mạnh và phát nổ rất nhanh theo nhiệt độ). Do thiết kế chật chội nên việc thoát hiểm của lính xe tăng trên xe tăng Liên Xô cũng chậm hơn rất nhiều so với xe tăng Mỹ và Đức. Đó là do cách tiếp cận của tư duy khác nhau, chứ không có cái nào tốt hơn cái nào.

 

Với máy bay cũng vậy, chiếc Yak mà làm toàn bộ bằng kim loại có cả bọc thép như Cobra, thì thậm chí còn không mang được pháo – một phần vì động cơ yếu hay Liên Xô không thể làm được động cơ với tiêu chuẩn của Anh, Mỹ hoặc Đức, nhất là về tỉ số công suất/khối lượng. Nhưng có những thời gian rất dài, người Nga thường hay đưa những thông số thiết kế ra để tuyên truyền (và bây giờ để quảng cáo bán hàng) còn bản được trang bị đại trà cắt giảm đi rất nhiều, thậm chí còn không đạt tiêu chuẩn đưa ra về chất lượng, độ bền… thì rất khó đánh giá. Ngược lại với xe tăng, Yak là loại máy bay tiêm kích được đánh giá là cháy nhanh nhất trên chiến trường khi bị trúng đạn.

 

Vấn đề với hệ thống phòng không Nga cũng vậy thôi, vũ khí của họ rất tốt, nhưng với những bàn tay khối óc sáng tạo và thông minh thì còn… tốt hơn. Trong những năm chống chiến tranh phá hoại của không quân Hoa Kỳ vào miền Bắc, bộ đội tên lửa Việt Nam cùng chuyên gia Liên Xô nhiều lúc tưởng chừng đã bó tay với các chiêu trò của người Mỹ. Theo lời kể của các cựu chiến binh tên lửa, chuyên gia Liên Xô đã có lúc nhận định rằng “không thể đánh được” vì khả năng phương án chiến tranh điện tử của Mỹ phát triển quá nhanh. Tuy vậy đến khi “chỉ có người Việt với nhau” thì bộ đội Việt Nam đã tìm được chìa khóa “vạch nhiễu tìm thù” làm nên “Điện Biên Phủ trên không 12 ngày đêm,” thế giới này đúng là mấy ai bắn rơi được nhiều B-52 như người Việt.

 

Có thể nói hiện nay ai đó đang thả UAV vào Mátxcơva đã tìm ra được những “điểm mù” hay vùng tối giữa các khu vực phòng thủ phòng không của Nga – nhất là trong điều kiện chiến tranh hiện nay, rất có thể họ đã phải dồn khá nhiều hệ thống phòng không ra chiến trường để chống tập kích đường không của người Ukraine, cũng sẽ làm “mỏng” đi hệ thống phòng không của Nga. Cuối cùng là công nghệ vật liệu, càng ngày các UAV càng dễ tàng hình trước sóng radar, trong khi bị cấm vận/trừng phạt Nga không có khả năng nâng cao được trình độ công nghệ, cũng sẽ là một yếu tố quan trọng cho việc hệ thống phòng không kém hiệu quả trong bảo vệ trước các cuộc tấn công vào nước Nga bằng UAV và cao hơn, nhiều loại vũ khí tập kích đường không khác.

 

Một nguyên nhân nữa của sự yếu kém, như vụ phi công trẻ tuổi và nghiệp dư Mathias Rust ;ái chiếc Cesna hạ cánh xuống quảng trường Đỏ ngày 28/5/1987 đã cho thấy, điểm yếu của hệ thống phòng không Liên Xô hồi đó nằm ở thể chế. Tư lệnh các khu vực phòng không không dám quyết định bắn hạ mục tiêu vì bản thân nó không rõ ràng trên màn hình radar là cái gì, nên “để cho nó đi qua” với hi vọng là “người ở phía sau sẽ quyết định.”

 

Câu hỏi tôi nhận được thường là “tại sao người Ukraine dùng UAV tấn công vào nước Nga, thậm chí vào Mátxcơva?” nhưng tôi xin sửa thành “tại sao nước Nga, thậm chí cả Mátxcơva bị tấn công bằng UAV?” và có một câu hỏi phụ là “liệu điện Kremlin có bị tấn công hay không?”. Theo tôi thì nếu người Ukraine đứng sau chuyện này (đứng sau nhé) thì điện Kremlin sẽ không bị tấn công, vì họ (người Ukraine) là những người tôn trọng lịch sử. Vì vậy cuộc tấn công trước đây vào Kremlin, tôi không cho rằng người Ukraine làm việc đó mà đó chỉ là một “cờ giả” của Putin và bộ sậu mà thôi. Vậy những mục tiêu sẽ là gì? Là cơ sở quốc phòng trên toàn nước Nga, mà bây giờ với tình trạng hệ thống phòng không như vậy sẽ đẩy tình hình lên căng thẳng hơn nữa. Về chính trị, các mục tiêu ví dụ như ở Mátxcơva là những tòa nhà ít giá trị lịch sử – toàn nhôm và kính nhưng mỗi lần có vụ tấn công là ngừng trệ hoạt động của thành phố. Ví dụ như các sân bay của Mátxcơva thường xuyên phải đóng cửa nhanh cũng vài giờ đồng hồ, đó là đòn đánh kinh tế nhưng lại tác động tâm lý rất mạnh. Nó cho người dân Nga “ngấm” dần với thực tế, là Putin không thể bảo vệ được họ. Vì vậy thực chất đó là những đòn đánh vào uy tín của Putin.

 

Mới đây nhất, ngày 19/8 sân bay Solti ở vùng Novgorod cách biên giới Ukraine khoảng 700 ki-lô-mét là căn cứ mà lực lượng hàng không vũ trụ Nga bố trí máy bay ném bom chiến lược Tu-22M4, bị UAV tấn công và hai chiếc máy bay bị tiêu hủy.

 

2. Có đúng là Nga xây dựng lại thành phố Mariupol mặc dù họ không có hi vọng ở lại đó lâu dài?

 

Đúng, và như những người Việt Nam ủng hộ Putin ca ngợi, tốc độ xây dựng là “thần kỳ” với những tòa nhà lắp ghép lòe loẹt và mỏng mảnh. Họ làm như vậy để nhằm che giấu những tội ác trong thời gian đánh chiếm thành phố. Với những hành động tấn công tàn bạo có tính diệt chủng của mình, đã có những ngôi mộ tập thể chôn rất nhiều người Ukraine ở thành phố này.

 

Ngày 12/1/2023, ông Thị trưởng thành phố Mariupol Vadym Boychenko đã báo cáo rằng hơn 1.500 ngôi mộ mới đã xuất hiện trong thành phố do quân đội Nga chiếm đóng.

 

Theo ông, người Nga đã chôn thi thể của những cư dân đã chết ở Mariupol trong những ngôi mộ tập thể. Đó là lý do con số chính xác của những người thiệt mạng hiện vẫn chưa xác định được, chỉ có một điều rõ ràng là đã lên đến hàng vạn người thiệt mạng. Đã có 2.600 căn hộ chung cư trong thành phố không còn tồn tại. Nếu chúng ta tưởng tượng rằng 30 – 50 người ẩn náu trong mỗi tòa nhà thì số người thiệt mạng là hàng chục nghìn người.

 

Vadym Boychenko nói thêm rằng hiện nay đây là thành phố có tỷ lệ tử vong cao. Người dân không được tiếp cận với nguồn thuốc men hoặc được chăm sóc y tế đủ tiêu chuẩn, thậm chí còn không có quyền tiếp cận ngay cả với việc cung cấp thực phẩm thiết yếu.

 

Để đề phòng những tội ác của mình bị phát giác, quân Nga đã học cách làm của người Đức – trồng cây lên trên những ngôi mộ tập thể, mặc dù tình yêu môi trường của những kẻ xâm lược rất đáng được nghi ngờ. Bây giờ quân Nga ngoài trồng cây thì còn xây nhà, nhưng với số lượng mộ tập thể rất lớn đó thì còn lâu mới xây đủ nhà và trồng đủ cây. Người Ukraine đang tiến hành thu thập chứng cứ để truy tố những tên tội phạm chiến tranh ra trước pháp luật sau khi hòa bình lập lại.

 

Vậy có căn cứ nào để cho rằng “người Nga không có hi vọng ở lại Mariupol lâu dài?” – vì ngoài những trò trên, họ chẳng có các hành động thực sự được gọi là “khôi phục cuộc sống bình thường thời không có chiến tranh” ở thành phố: những cư dân của thành phố vẫn thiếu nước, thiếu điện, mùa đông đến vẫn thiếu phương tiện sưởi ấm và các dịch vụ công ích vẫn chỉ ở mức tối thiểu, nếu như không muốn nói là không có ở nhiều nơi.

 

3. Nhân câu hỏi về việc “tại sao người Ukraine không tấn công vào cây cầu trên đường M-14 ở Mariupol?”

 

Chúng ta sẽ tìm hiểu xem nó là cầu gì – đó là cây cầu trên sông Kalmius (Кальміус) nối từ thành phố Mariupol sang Tổ hợp thép Azovstal (Комбинат “Азовсталь”). Thực ra ở đây có hai cầu, một cầu Post và một vòm cung (cầu “Mặt Trăng” bên Trung Quốc và Nhật Bản) bắc qua sông ở phố Shmidta. Cầu Post là cách chính cho các phương tiện đi qua sông trên đường M-14 tức E-58.

 

Sau đây là bản tin và các ảnh chụp của cái gọi là “Thông tấn xã Donetsk” ( DAN – thuộc chính quyền ly khai thân Nga) thực hiện ở Mariupol ngày 17 tháng 11 năm 2022:

 

“Một cầu vượt tạm thời qua sông Kalmius ở Mariupol, nằm giữa cầu Post và cầu Vồng đi bộ, đã bắt đầu hoạt động hết công suất. Đây là báo cáo chính xác của DAN từ hiện trường. Vận chuyển hành khách và hàng hóa bắt đầu được tiến hành trên nó.

 

Trước đó, “thị trưởng Mariupol” Konstantin Ivashchenko cho biết các chuyên gia của công ty EuroTransStroy của Nga đã hoàn thành việc xây dựng một cây cầu tạm bên cạnh cây cầu chính đã bị “những người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine” cho nổ tung. Sau khi được thử nghiệm, vận chuyển hàng hóa và hành khách theo hướng sang tả ngạn sông Kalmius đã đạt công suất mong đợi.”

 

Cây cầu tạm này sẽ giải tỏa giao thông giữa các quận của thành phố, và cái cũ sẽ được khôi phục trong vòng một năm rưỡi đến hai năm.”

 

Ai là “những người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine?” Chính là những người lính Ukraine bảo vệ thành phố Mariupol hồi tháng Ba năm 2022, và nòng cốt của họ là Trung đoàn Azov. Hồi đó chúng ta đã hồi hộp theo dõi trận đánh bảo vệ thành phố, rồi bảo vệ khu Liên hợp Thép Azov (Azovstal) mất cả tháng còn gì. Việc cho phá nổ cây cầu chắc hẳn là một hành động làm chậm bước tiến của quân Nga sang tả ngạn sông Kalmius.

 

Ngược dòng thời gian một chút – ngày 27 tháng Hai năm 2022, trang tin Bryansk của Nga đã đưa tin “những người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine” này đã cho nổ một cây cầu khác - nó quá một chút về phía đông, cách cầu Post khoảng 15 ki-lô-mét theo đường chim bay và cũng bắc qua sông Kalmius, giữa hai phường – hay làng, khu dân cư… gì đó của Mariupol là Sartana ở phía tây và Talakivka ở phía đông. Bản tin này do tay nhà báo người Smolensk, Semyon Pegov đưa tin và bình luận: mặc dù cầu đã bị phá, “nhưng những chiến binh Cộng hòa nhân dân Donetsk vẫn dũng mãnh vượt sông trên xe bọc thép. Nồi hầm đông nam Mariupol đã đóng lại.”

 

Tôi bổ sung tin phá cây cầu trên con đường nhỏ này để chúng ta cùng hình dung rằng ở thời điểm khó khăn đó, quân Nga đã ép dần các đơn vị Ukraine bảo vệ thành phố sang phía đông, hay về phía biển và sông Kalmius cũng đóng góp một phần nào vào công cuộc phòng thủ thành phố.

 

Quay lại với cây cầu Post trên xa lộ M-14 qua sông Kalmius, bây giờ nếu xem những tấm ảnh tôi gửi kèm theo đây thì chúng ta có thể nhận thấy, cây cầu tạm do Nga dựng không thể đáp ứng được nhu cầu vận tải thời chiến để đáp ứng cho một mặt trận lớn trên 100.000 quân lính và hơn thế nữa, nếu đúng là trong thời gian này Nga không thể xây dựng lại được cây cầu cũ thì thêm một căn cứ khẳng định rằng họ không có kế hoạch ở lại Mariupol lâu dài.

 

Sau những thông tin về mấy cây cầu của Mariupol, chúng ta có thể phát triển từ nó ra thành câu chuyện lớn hơn:

 

Thứ nhất. Hệ thống hậu cần của Nga vẫn nặng về sử dụng sức người (không có đủ pallet, bốc dỡ bằng tay là chủ yếu…), phụ thuộc quá nặng nề vào đường sắt và tập trung vào trục chính là các trục đường sắt, từ đó hình thành nên các trung tâm hậu cần lớn cũng loanh quanh trục đường đó. Do vậy, khi có một áp lực tác động lên hệ thống này, nó sẽ bộc lộ sự yếu kém vốn có: Quân đội Nga không có khả năng về trí tuệ và vật chất trong việc phân phối lại các kho tiếp liệu và thay thế đường sắt bằng vận tải đường bộ – đặc biệt là thiếu xe tải. Năm nay, khoảng tháng Năm chúng ta đã thấy xuất hiện trên mạng video bộ trưởng quốc phòng Liên bang Nga S.Shoigu đi thăm một đơn vị quân đội Nga và họ xếp hàng phía trước khoảng vài chục đến một trăm chiếc xe tải Zil-131 chuyên dụng thùng kín rất mới. Từ thông tin này, chúng ta có thể nhận xét rằng quân đội Nga đã bắt đầu vét đến kho dự trữ chiến lược, vì thông thường quân đội Nga sử dụng những loại mới hơn như năm ngoái thấy họ sử dụng chủ yếu là Ural và KamaZ.

 

Việc hệ thống hậu cần của Nga suy giảm năng lực đồng thời bị tấn công một cách có kế hoạch từ phía Ukraine, đã dẫn đến sự sụt giảm đáng kể hỏa lực pháo binh ở phía đông là nơi Nga được hưởng lợi nhiều nhất từ mạng lưới đường sắt dày đặc và ở phía nam với đặc điểm là các tuyến hậu cần dài hơn nhiều.

 

Thứ hai. Những hạn chế về nhân lực và hậu cần ngăn cản quân đội Nga giành lại thế chủ động trong tác chiến và khiến quân đội này dễ bị tổn thương nghiêm trọng trước áp lực thậm chí chỉ ở mức vừa phải của Ukraine. Đến nay, áp lực đó ngày một gia tăng – mặc dù nó không thể hiện ra là một chiến dịch phản công ồ ạt với tốc độ tiến quân nhanh chóng, thần tốc như mọi người mong muốn, nhưng nó gia tăng ở các khía cạnh khác. Sau đợt tấn công “nháp” theo các chiến thuật được huấn luyện từ phương Tây, người Ukraine đã thay đổi và gia tăng sức ép lên quân Nga một cách đa dạng: thời gian, hướng đánh và mục tiêu hướng tới. Chuyển sang tấn công ngày đêm bằng các đơn vị luân phiên nhau, trên những hướng đánh cách nhau với một khoảng cách đủ xa để cho quân Nga liên tục phải di chuyển sau mặt trận tới các vị trí tiền tiêu, từ đó đạt mục tiêu dùng pháo binh tiêu diệt từ xa những lực lượng này của Nga.

 

Tính từ tây sang đông, tuyến đường M-14 hay E-58 chạy qua những thành phố quan trọng như Melitopol, Berdyansk và Mariupol. Ở xung quanh hai thành phố đầu tiên tôi vừa đề cập ở trên, có rất nhiều hoạt động du kích. Ngoài ra, ở thời điểm hiện tại cuộc tấn công chính của Ukraine đang diễn ra ở chính hướng này: Melitopol và Berdyansk. Vì những yếu tố đó, cả ba thành phố lớn này đều nằm ở mặt trận phía nam và do có tuyến đường tiếp tế M-14 quan trọng cắt ngang, trong suốt một thời gian dài quân Nga đã cho hình thành các trung tâm tiếp tế chính trong khu vực. Trước đây, vì chúng nằm cách mặt trận hơn 80 ki-lô-mét, nên các kho tàng của Nga có thể được phân tán ở xa hơn tầm HIMARS, nhưng với các cuộc tấn công gần đây của quân Ukraine xuống phía biển Azov, thì việc các trung tâm hậu cần của Nga nằm trong tầm HIMARS đã thành hiện thực.

 

Cuối cùng, có một câu hỏi thường thấy như không quá lớn: tại sao trong vấn đề vận tải quân sự chiến lược, Nga không chú trọng đường bộ mà lại quá phụ thuộc đường sắt như vậy? Điều này căn cứ trên điều kiện địa lý: đất nước quá to lớn mà các khu vực tác chiến chiến lược lại toàn là ở những vùng có khí hậu khắc nghiệt, việc phát triển đường bộ cũng như duy tu bảo dưỡng chúng sau mỗi mùa tuyết, là cực kỳ vất vả. Do vậy đường sắt Nga rất phát triển và đảm nhận phần lớn nhu cầu vận tải trong nước. Đến mùa đông, khả năng vận tải đường bộ giảm đi rất nhiều so với mùa hè nhất là vận tải đường dài, do không có khả năng dọn tuyết được ở những đoạn đường xa.

 

Vào mùa hè với những điều kiện thông thường – thuận lợi, vận tải đường bộ của Nga có thể đáp ứng được 30 đến 35% tổng nhu cầu, nhưng vào mùa đông con số này chỉ còn 15%. Với điều kiện chiến trường thì con số đó còn không đạt, chỉ vào khoảng dưới 10%. Đó là lý do mà con đường M-14 dù quan trọng nhưng lại vẫn chưa bị HIMARS và tên lửa Ukraine hỏi thăm là như vậy.

 

4. Có đúng kế hoạch tấn công của Ukraine ở Robotyne làm họ thương vong đến 40.000 binh lính chỉ trong một thời gian ngắn cỡ hai đến ba tuần?

 

Những thông tin này là bí mật, về phía Ukraine không cho phép những thông tin đó lọt ra ngoài. Vì vậy kể cả các hãng truyền thông phương Tây hay thậm chí, cơ quan tình báo phương Tây cũng không nắm được vấn đề này. Đó là lý do mà chúng ta không nên tin tưởng vào những nhận định của các “nhà quân sự vỉa hè” tung ra những tin tức “động trời” kiểu như vậy.

 

Nhưng những tuyên bố của các quan chức quân sự Ukraine về tỉ lệ thương vong giữa hai bên, mà từ đầu tháng Sáu đến nay nghiêng hẳn về phía Ukraine, có đáng tin cậy hay không hay họ bịa ra? Chúng ta không có cách nào khác ngoài việc phân tích các số liệu, chẳng hạn cập nhật đến ngày 21 tháng Tám năm 2023 theo phía Ukraine họ đã phá hủy 5264 hệ thống pháo của quân Nga. Về chỉ số này ngày 4 tháng Sáu năm 2023, ngày được cho là bắt đầu chiến dịch phản công của người Ukraine ở phía nam là 3555 hệ thống pháo binh, như vậy trong 78 ngày họ đã tiêu diệt của Nga 1709 hệ thống. Năm ngoái khi bắt đầu chiến tranh, Nga đưa vào chiến trường Ukraine khoảng 4000 hệ thống pháo binh và từ đó đã bổ sung nhiều lần – theo nguồn Forbes.

 

Ở giai đoạn hiện tại, không có căn cứ nào cho thấy Bộ chỉ huy Nga dù có cố gắng cũng có thể đạt được con số ban đầu, mặc dù con số bị tiêu diệt đã vượt quá số lượng 4000 đó từ lâu.

 

Tại sao tôi lại nói đến pháo binh của Nga ở đây? Bởi vì theo lời của một sĩ quan Ukraine nói từ mùa thu năm ngoái, đỉnh điểm của sử dụng pháo binh một các dữ dội của Nga là trong giai đoạn chiếm hai thành phố Sievierodonetsk và Lysychansk (nhiều nhất là 70.000 quả đạn một ngày) và đây là một chỉ số quan trọng: 70% thương vong của lính Ukraine bị gây ra bởi pháo binh Nga. Nếu đến thời điểm hiện tại khả năng của pháo binh Nga sa sút cả về số lượng hệ thống pháo và đạn dược đến như vậy thì không có lý gì để đưa ra nhận định được rằng “quân Ukraine phải hứng chịu tổn thất lớn về người” cả.

 

5. Vậy tại sao vẫn xuất hiện những ý kiến cho rằng cuộc phản công của người Ukraine là “dậm chân tại chỗ?” thậm chí từ những người từ trước đến nay vẫn ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất?

 

Chúng ta sẽ điểm qua một số khu vực chính của mặt trận.

 

Ở phía đông, khó có thể xảy ra cuộc tấn công của quân Ukraine trên chiến tuyến kéo dài từ phía nam Bakhmut đến bên dưới thành phố Donetsk. Khu vực Donbas tập trung nhiều khu đô thị, điều này mang lại lợi thế lớn cho quân phòng thủ. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai nhiều cuộc tấn công đã thất bại ở đây và cả người Đức cũng như Hồng quân Liên Xô phải tiến hành các cuộc tấn công “đi vòng” ra xung quanh rìa của các khu tập trung dân cư.

 

Trong 8 năm nội chiến, cả hai bên đã tăng cường xây dựng các tuyến phòng thủ có chiều sâu ở đây. Ngay cả khi cuộc chiến tranh xâm lược toàn diện của Liên bang Nga đã diễn ra, hệ thống này vẫn tỏ ra rất hiệu quả và khu vực xung quanh thành phố Donetsk quân Nga không tiến thêm được bao nhiêu. Điều này cũng đúng với thị xã Bakhmut, nhờ có hệ thống công sự phòng ngự mà quân Ukraine đã cầm cự với quân Nga rất lâu và quân Nga chỉ có thể chiếm được gần hết khu nội đô của thị xã với một giá rất đắt. Mặt trận của quân Nga chỉ có thể vỡ trong trường hợp có sự đổ vỡ ở một trọng điểm nào đó, chẳng hạn Bakhmut. Ngoài ra chúng ta cũng cần phải tính đến việc, quân Nga sẽ không tử thủ bảo vệ thành phố, chẳng hạn như Donetsk mà trong trường hợp bị phong tỏa giống như ở Kherson thì chúng sẽ rút khi tình hình trở nên nguy ngập. Hiện nay các tiền đề của việc này đã hội đủ vì quân Ukraine đã áp sát thành phố từ phía tây rồi.

 

Ở mặt trận phía nam.

Ở khu vực này của mặt trận, hầu hết các nhà quan sát đều nhận định rằng Nga có vị trí vững chắc hơn, nhưng cá nhân tôi thì cho rằng chính ở hướng này quân Nga lại rất dễ bị tổn thương. Lại quay lại với vấn đề hậu cần: các tuyến hậu cần của khu vực mặt trận này quá dài, đồng thời Bộ chỉ huy Nga phải bảo vệ các mục tiêu quan trọng trước sự đe dọa của hoạt động của các lực lượng đặc biệt Ukraine và du kích của Ukraine trong vùng. Trong khi đó, bên kia chiến tuyến, quân Ukraine được phép hoạt động trên các tuyến đường nội địa, do đó họ có thể di chuyển lực lượng nhanh hơn nhiều và do đó, chủ động quyết định tốc độ hoạt động chiến đấu.

 

Một yếu tố nữa, là những hạn chế về nhân lực của Nga trong khu vực. Tổng diện tích của lãnh thổ do Nga chiếm đóng khu vực này là khoảng 18.000 ki-lô-mét vuông, và họ đã có khoảng gần một năm để xây dựng các công sự. Nhưng thực chất, ban đầu quân Nga có tương đối ít quân ở đây cho một chiến tuyến dài như vậy: khoảng 180 đến cỡ 200 ki-lô-mét chiều dài với quân số ban đầu chỉ dưới 40 BTG (nhóm chiến thuật cấp tiểu đoàn). Do vậy họ đã cố gắng để bổ sung quân số này nhưng các chuyên gia quân sự ước tính, dù có tăng lên gấp ba lần (khoảng gần 100.000 quân trên toàn bộ khu vực) thì vẫn là một mật độ rất mỏng trên một diện tích lớn như thế.

 

Vì vậy, một khi cuộc tấn công của người Ukraine ở miền Nam đã có những tiền đề để phát triển thuận lợi, thì quân Nga sẽ không đủ quân số để ổn định tình hình, đó là chưa nói đến nhu cầu tổ chức phản công.

 

Cuộc phản công của Ukraine hiện nay – thời điểm tháng Tám đã qua được 2/3 vẫn đang trong giai đoạn “định hình.” Nhận thức được sự “thiếu quân” của Nga ở khu vực (điều này còn được thể hiện qua những nỗ lực tấn công ở đông bắc, hướng Kupyansk của tỉnh Kharkiv mong hút được bớt quân Ukraine về ứng cứu), quân Ukraine như trên đây tôi đã viết, tiến hành hoạt động “bào mòn” lực lượng của Nga một cách chậm rãi, từ từ và có kế hoạch. Các đợt tấn công ở cách xa nhau đã làm cho Bộ chỉ huy Nga phải điều quân từ chỗ này sang chỗ khác và lại làm mồi cho pháo binh tầm xa của Ukraine.

 

Việc quân Nga ở trục đông – tây của Mặt trận phía Nam thuộc tỉnh Zaporizhia: Vuhledar – Velyka Novosilka – Hulyaipole – Orikhiv – Kamyanske bị tấn công đều đặn và liên tục, kết hợp với việc tấn công vào các trung tâm phía sau (doanh trại, sở chỉ huy, kho đạn, hệ thống pháo và phòng không…) đã khẳng định nhận định “quân số của Nga ở khu vực là không đủ” là đúng, vì họ đã bắt đầu phải rút quân từ tỉnh Kherson vùng tả ngạn sang Zaporizhia rồi. Điều này tạo ra cơ hội cho các hoạt động của quân Ukraine ở đây.

 

Các hoạt động của quân Ukraine ở tỉnh Kherson vùng tả ngạn như vậy cũng đang được tiến hành. Kế hoạch định hình khá rõ: đang chia bờ sông ở phía bắc sông Dnipro chỗ quân Nga đang chiếm thành các đoạn và cũng sử dụng hỏa lực tầm xa để phá vỡ hậu cần. Theo thời gian, hoạt động này cũng lại làm suy giảm sức mạnh chiến đấu của Nga. Kết quả đã bắt đầu thấy được: quân Ukraine đổ bộ với số lượng nhỏ sang bên này sông, chiếm một số “bàn đạp” có thể sử dụng làm đầu cầu, nhưng quân Nga tỏ ra khá bị động và yếu kém trong tổ chức phản kích để thủ tiêu những “bàn đạp” đó của quân Ukraine.

 

Tất cả những hành động này của người Ukraine sẽ gặp phải một trở ngại rất lớn: hy vọng theo kiểu trước đây của người Ukraine là Bộ chỉ huy Nga sẽ “cắt lỗ” nhằm giảm tổn thất và rút quân, giống như họ đã làm xung quanh Kyiv, ở đảo Rắn và tả ngạn Kherson... sẽ khó diễn ra. Tại sao vậy? Vì lúc đó quân Nga còn nhiều sức mạnh hơn bây giờ vì vậy, chẳng hạn theo quyết định của Surovikin quân Nga rút rất sớm khỏi tả ngạn Kherson để bảo toàn lực lượng, vì còn hi vọng phản công lật ngược thế cờ. Còn bây giờ, nếu chỉ còn một tướng Nga tỉnh táo thì anh ta cũng sẽ nhận ra về sức mạnh quốc gia, Nga không còn có hi vọng nào để tổ chức tấn công chiếm thêm đất nữa, vì vậy chỉ còn lựa chọn duy nhất là cố bổ sung lực lượng vào chiến trường để phòng thủ.

 

Vì vậy, chúng ta sang một câu hỏi tiếp theo, xin gặp lại bạn đọc ở phần thứ hai của bài viết.

 

Bài trên Fanpage tại đây:

https://www.facebook.com/thelastvagabond/posts/pfbid0TRyGNYY2PYXwSnPC4hWuy88HhKmpYErUMRRbqSR1e1Pco6xtkNR9aPC8QmFCTmapl

 

Bài trên Nhịp cầu thế giới tại đây

 

Bài trên Blog tại đây:

https://www.nguoilangthangcuoicung.net/.../muoi-tam-thang...

 

#Bình_loạn_của_Phúc_Lai

#Nga_xâm_lược_Ukraine

#bưng_bô_cho_hòa_bình

#Slava_Ukraine

 

 

.

48 BÌNH LUẬN   

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats