Wednesday, 16 August 2023

LIỆU HOA KỲ CÓ THỂ TỪ BỎ CÁC MỤC TIÊU TỐI ĐA CỦA MÌNH TẠI UKRAINA? (Minh Anh / RFI)

 



Liệu Mỹ có thể từ bỏ các mục tiêu tối đa của mình tại Ukraina ?

Minh Anh  -  RFI

Đăng ngày: 15/08/2023 - 15:16Sửa đổi ngày: 15/08/2023 - 15:22

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20230815-li%E1%BB%87u-m%E1%BB%B9-c%C3%B3-th%E1%BB%83-t%E1%BB%AB-b%E1%BB%8F-c%C3%A1c-m%E1%BB%A5c-ti%C3%AAu-t%E1%BB%91i-%C4%91a-c%E1%BB%A7a-m%C3%ACnh-t%E1%BA%A1i-ukraina

 

Cuộc phản công của Ukraina nhằm đẩy lui quân Nga khỏi các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng không đạt hiệu quả như mong muốn. Tổng thống Joe Biden có thể sẽ phải chuyển sang kế hoạch B cho cuộc chiến. Nhưng nguyên thủ Mỹ có thể làm được điều đó sau hơn một năm đưa ra những lập luận cường điệu khi luôn cho rằng tự do, trật tự toàn cầu đang bị đe dọa ?  

 

https://s.rfi.fr/media/display/72f97894-b208-11ed-8617-005056bf30b7/w:980/p:16x9/000_339N2CX.webp

Tổng thống Mỹ Joe Biden và đồng nhiệm Ukraina Volodymyr Zelensky trong buổi họp báo tại Kiev ngày 20/02/2023. AFP - DIMITAR DILKOFF

 

Nhà báo Branko Marcetic, trên trang mạng Responsible Statecraft trước hết nhắc lại, trước mùa hè năm nay, Washington đã phác thảo cho việc kết thúc cuộc chiến tại Ukraina như thế nào : Quân đội Ukraina sẽ được huấn luyện, rồi phát động cuộc tấn công mùa hè, giành lại càng nhiều lãnh thổ càng tốt sao cho có thể tham gia các cuộc đàm phán hòa bình trên thế thượng phong và kết thúc chiến tranh.  

 

Mùa hè kết thúc, hơn hai tháng phản công đã trôi qua, và kịch bản này ngày càng khó xảy ra. Đà tiến quân Ukraina chậm lại do binh sĩ kiệt sức, thiếu kinh nghiệm và được huấn luyện vội vàng nhưng phải đương đầu với những tuyến phòng thủ kiên cố, bị rải mìn dày đặc của Nga.   

 

 

Những lập luận cường điệu  

 

Giới truyền thông Mỹ sau một năm hậu thuẫn hết mình giờ bắt đầu tỏ ra lo lắng và ngờ vực. Bởi vì, Ukraina sử dụng trang thiết bị do Mỹ cung cấp với một tốc độ chóng mặt, vượt quá khả năng sản xuất của Mỹ hiện nay và khoảng 20% số vũ khí do NATO viện trợ đã bị hư hỏng hay bị Nga phá hủy ngay trong hai tuần đầu tiên.  

 

Trước những hiệu quả hạn chế của chiến dịch phản công, tổng thống Biden gần đây yêu cầu Quốc Hội chi viện thêm 20,6 tỷ đô la cho Ukraina khi nhấn mạng rằng « Hoa Kỳ phản đối mạnh mẽ cuộc chiến bất hợp pháp của Nga ».   

 

Nhưng tất cả những điều này rồi sẽ đi đến đâu và sẽ được kết thúc như thế nào ? Đây sẽ là một bài toán khó cho chính quyền Washington. Bởi vì trong vòng một năm, Washington cùng với các đồng minh NATO đã « ru ngủ » công luận về tính chất cấp bách của việc tiếp tục viện trợ quân sự, kết quả cuộc chiến không chỉ quan trọng đối với Kiev, cho việc tái chiếm lãnh thổ mà còn chứa đựng nhiều rủi ro cho sự sinh tồn đối với an ninh Hoa Kỳ cũng như là toàn bộ trật tự toàn cầu, thậm chí cả nền dân chủ.   

 

Giờ đây để đưa Hoa Kỳ thoát ra khỏi cuộc chiến, chính quyền Biden sẽ phải đột ngột từ bỏ luận điệu chủ trương « tối đa », rời xa ý tưởng cho rằng tương lai của chính nền hòa bình và nền dân chủ thế giới phụ thuộc vào sự bại trận của Nga, hay như những gì chính ông Biden tuyên bố trong chuyến thăm Ba Lan hồi tháng Hai, « không chỉ có Ukraina mà cả tự do cũng bị thách thức ».  

 

 

Nỗi sợ mất tín nhiệm  

 

Theo tác giả, tất cả những điều đó cho thấy rõ một ám ảnh lớn của Mỹ và NATO : Nỗi sợ mất uy tín và lòng tin. Bài học lịch sử trong quá khứ đã cho thấy Mỹ đã mất uy tín khi bị cuốn hút vào cuộc chiến tranh thảm khốc ở Việt Nam, và sau này là Irak, Afghanistan. Đối với Mỹ và NATO, một thắng lợi của Nga trên chiến trường Ukraina xem như là điều không thể chấp nhận trên bình diện chính trị thậm chí đó là một điều sỉ nhục.  

 

Nếu như kết quả trên chiến trường được cho là có tầm quan trọng cho cuộc tái tranh cử tổng thống của ông Biden, thì theo một cuộc thăm dò gần đây được trang mạng Responsible Statecraft trích dẫn, đa số người dân Mỹ, gồm 71% những người ủng hộ đảng Cộng Hòa và 55% số người trung lập, cho biết không ủng hộ chi viện cho Ukraina, trong khi những người theo đảng Dân chủ ủng hộ nhiều nhất.   

 

Điều này sẽ đặt Nhà Trắng trong thế lưỡng nan : Nếu quyết định chấm dứt chiến tranh với những điều kiện ít có lợi hơn cho Ukraina như đã hứa, chính quyền Biden có nguy cơ đối mặt với làn sóng chỉ trích gay gắt như sau lần triệt thoái quân khỏi Afghanistan. Nhưng nếu vẫn tiếp tục cuộc chiến trong hy vọng có được một thành công sau đó, tâm trạng của công chúng có thể trở nên tồi tệ hơn và có nguy cơ làm tổn hại đến các cơ may tái đắc cử của ông Biden.  

 

Hơn nữa, một cuộc chiến kéo dài có nhiều nguy cơ dẫn đến leo thang xung đột buộc các quốc gia thành viên khối NATO phải tuân thủ các cam kết theo điều khoản số 5.   

 

Nhà báo Branko Marcetic kết luận : Càng đợi để đặt nền móng cho việc kết thúc chiến tranh bằng con đường ngoại giao, cả công khai lẫn trong hậu trường, Hoa Kỳ càng khó kết thúc chiến tranh với cái giá đắt nhất mà người dân Ukraina phải gánh chịu. Nếu có một kế hoạch B, hy vọng rằng Nhà Trắng sẽ giữ kín nó !   

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats