Saturday 12 August 2023

KHÓ KHĂN BẤT NGỜ CỦA NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ (BIO) CỦA PHÁP SAU CHỤC NĂM PHÁT TRIỂN MẠNH (Thùy Dương / RFI)

 



Khó khăn bất ngờ của nông nghiệp hữu cơ - BIO - của Pháp sau chục năm phát triển mạnh

 Thùy Dương  -  RFI

Đăng ngày: 11/08/2023 - 15:59

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-x%C3%A3-h%E1%BB%99i/20230811-kh%C3%B3-kh%C4%83n-b%E1%BA%A5t-ng%E1%BB%9D-c%E1%BB%A7a-n%C3%B4ng-nghi%E1%BB%87p-h%E1%BB%AFu-c%C6%A1-bio-c%E1%BB%A7a-ph%C3%A1p-sau-ch%E1%BB%A5c-n%C4%83m-ph%C3%A1t-tri%E1%BB%83n-m%E1%BA%A1nh

 

Sau một thập niên phát triển mạnh, ngành nông nghiệp hữu cơ - BIO - của Pháp từ 1-2 năm nay lại bất ngờ vấp phải khó khăn do nhu cầu của người tiêu dùng giảm. Theo bộ Nông nghiệp Pháp, năm ngoái, khoảng gần 3.400 trang trại nông nghiệp hữu cơ (6%) đã phải ngưng hoạt động, con số này nhiều hơn gần 1.000 so với năm 2021.

 

https://s.rfi.fr/media/display/9f98492e-a73e-11eb-815f-005056a9b1a7/w:980/p:16x9/bio-1.webp

(Ảnh minh họa) - Súp lơ trắng và cải thảo được bày bán trong một siêu thị hữu cơ ở Saintes, miền tây nước Pháp, ngày 23/10/2018. AFP - GEORGES GOBET

 

200 cửa hàng kinh doanh sản phẩm BIO phải đóng cửa chỉ riêng trong năm 2022. Giá nông phẩm BIO vốn dĩ cao hơn 30% so với các thực phẩm thông thường, tình hình càng đáng lo ngại trong bối cảnh lạm phát do chiến tranh Ukraina. Theo báo kinh tế Les Echos ngày 22/06/2023, Biocoop, một trong những chuỗi cửa hàng kinh doanh nông phẩm hữu cơ đi đầu tại Pháp, đã phải đóng khoảng 40 cửa hàng trong tổng số 700 cửa hàng thuộc hệ thống.

 

Năm 2023, xu hướng này vẫn tiếp diễn, nhất là với việc giá cả năng lượng tăng cao. Ông Bertrand Pérot, chủ tịch hệ thống cửa hàng Le grand panier bio, báo động trên kênh truyền thông « Reporterre » là « nếu không có gì thay đổi, khoảng 80% số cửa hàng bán sản phẩm BIO sẽ ‘chết’».

 

Trả lời câu hỏi của RFI tiếng Việt về cuộc khủng hoảng BIO tại Pháp, bà Laure Verdeau, giám đốc Cơ quan phát triển và quảng bá nông nghiệp hữu cơ (Agence BIO) của Pháp, nhận định :

 

« Mức tiêu thụ các sản phẩm hữu cơ đang giảm : giảm nhẹ 1,3% vào năm 2021 và giảm mạnh hơn - khoảng 4,6% - vào năm 2022. Bản thân ngành nông nghiệp hữu cơ không bị khủng hoảng, do nông dân vẫn muốn chuyển sang canh tác hữu cơ, nhưng khủng hoảng là ở chỗ có những nông dân muốn chuyển sang canh tác hữu cơ nhưng không thể chuyển đổi vì họ được thông báo là không có thị trường đầu ra, do sức tiêu thụ đã chững lại. Vì vậy, vấn đề thực sự là làm thế nào để tìm được thị trường đầu ra cho những nông dân muốn chuyển đổi sang nông nghiệp hữu cơ và để họ có thu nhập, có thể sống được ».

 

Cũng như giám đốc Agence BIO, ông Philippe Camburet, chủ tịch Liên hiệp các nhà sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Pháp nhấn mạnh đến sự sụt giảm nhu cầu mua nông sản hữu cơ :

 

« Lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ đang gặp những khó khăn mà chúng tôi dường như chưa từng vấp phải. Ngành nông nghiệp hữu cơ đã phát triển mạnh từ khoảng 10 năm nay, nhu cầu tăng cao và cung khó đáp ứng cầu. Thế rồi, rất đột ngột, xu hướng đảo chiều : sản lượng vẫn cao trong khi nhu cầu thì không còn nhiều nữa. Và từ một năm rưỡi nay, khoảng cách giữa cung và cầu ngày càng gia tăng, khiến các sản phẩm hữu cơ rớt giá, hàng được bán ra như hàng thông thường chứ không phải sản phẩm hữu cơ. Nhiều nông dân nghĩ rằng họ không còn khả năng tiếp tục canh tác nông nghiệp hữu cơ và đang tính đến việc trở lại sản xuất nông nghiệp thông thường ».

 

 

So sánh với láng giềng châu Âu

 

Nhìn lại sự phát triển nhanh chóng trong vòng chục năm trước đó của ngành nông nghiệp hữu cơ Pháp và so sánh với các nước láng giềng Liên Âu, giám đốc Agence BIO cho biết :

 

« Để xác định vị trí của nông nghiệp hữu cơ của Pháp ở châu Âu, cần phải dựa đồng thời vào nhiều tham số, cả về tổng giá trị tuyệt đối và tỉ lệ phần trăm, cả về sản xuất và tiêu dùng. Nhìn về diện tích canh tác, nông nghiệp hữu cơ chỉ chiếm 10%, ở giữa bảng xếp hạng của Liên Hiệp Châu Âu, bởi có rất nhiều quốc gia có tỉ lệ diện tích canh tác hữu cơ nhiều hơn thế, như Áo hoặc Estonia. Nhưng vì Pháp là một quốc gia nông nghiệp lớn, nên mặc dù chỉ với 10% diện tích dành cho canh tác hữu cơ, nhưng tính theo tổng diện tích nông nghiệp hữu cơ thì Pháp vẫn là nước đứng đầu Liên Âu, với 2,8 triệu ha. Theo tỷ lệ phần trăm, Pháp đang ở giữa bảng xếp hạng.

 

Nhưng khi đánh giá một thị trường thì không thể chỉ nhìn vào diện tích canh tác hay lượng sản phẩm mà người tiêu dùng mua, chúng ta cần nhìn vào cả sản lượng nông nghiệp và lượng tiêu thụ. Nhìn vào mức tiêu thụ, theo tổng giá trị tuyệt đối, thị trường nông nghiệp hữu cơ của Pháp đạt khoảng 12 tỷ euro, đứng thứ hai Liên Âu, chỉ sau Đức với khoảng 15-16 tỉ euro.

 

Còn nếu tính theo tỉ lệ tiêu thụ, thì chỉ gần 6% mức mua sắm thực phẩm hàng ngày của người Pháp là dành cho sản phẩm hữu cơ, ngang với Hoa Kỳ, và đó là một tỉ lệ thấp. Tuy nhiên, ở châu Âu, có những quốc gia làm tốt hơn Pháp rất nhiều, chẳng hạn như Đan Mạch với tỉ lệ 13%, hay Thụy Điển, Áo, Luxembourg là những quốc gia đạt tỉ lệ 10-13%. Đó là bằng chứng cho thấy Pháp có thể cải thiện. Chúng ta có thể dễ dàng tăng gấp đôi mức tiêu thụ sản phẩm hữu cơ lên cùng cấp độ như Đan Mạch hay một số nước khác có tỉ lệ tiêu dùng hàng hữu cơ cao ».

 

Tại Pháp, dường như khi nói đến nông nghiệp Bio, trồng trọt BIO được nói nhiều hơn đến chăn nuôi hữu cơ. Về mảng này, bà Laure Verdeau cho biết thêm : 

 

« Quả thực tại Pháp, chúng tôi không đánh giá tỉ lệ chăn nuôi hữu cơ, mà đánh giá tỷ lệ diện tích dành cho nông nghiệp hữu cơ. Mục tiêu của Pháp là đến năm 2027 sẽ có 18% diện tích dành cho nông nghiệp hữu cơ. Đối với chăn nuôi, trứng bio và gà nuôi hữu cơ đã đẻ trứng phát triển nhiều hơn là nuôi lợn hay bò BIO. Bò nuôi hữu cơ chỉ chiếm 5-6% trong tổng số bò được chăn nuôi ở Pháp. Heo BIO thì chỉ dưới 2%. Trong chăn nuôi hữu cơ, phát triển nhất là trứng BIO, thịt gà BIO và các chế phẩm sữa BIO. Hơn 15% sữa bò tại Pháp là sữa BIO. »

 

Trở lại với những khó khăn mà nông nghiệp BIO Pháp đang vấp phải, sau chừng đó năm phát triển ấn tượng, đâu là những lý do dẫn đến tình hình hiện nay ? Ông Philippe Camburet, chủ tịch Liên hiệp quốc gia về nông nghiệp hữu cơ của Pháp (FNAB), phân tích tiếp :

 

« Từ vài năm nay, các nhà công nghiệp và phân phối thực phẩm đã lao vào thực hiện việc chứng nhận sản phẩm của họ đạt lợi ích môi trường, sinh thái. Họ đã tìm cách nâng cao khía cạnh giá trị đó của sản phẩm thông qua các hệ thống ghi nhãn trên bao bì, với những sự nghiêm túc và tham vọng nhất định và dường như cũng có những tác động tốt hơn đối với sự đa dạng sinh học, khí hậu hoặc điều kiện sống của vật nuôi. Thế nhưng, tất cả những điều đó chưa đạt đến tầm cao như của nông nghiệp hữu cơ.

 

Tuy vậy, các nhà công nghiệp và phân phối đó có rất nhiều phương tiện quảng bá và sự quảng bá như hiện nay đã khiến người tiêu dùng mất phương hướng và khó có thể phân biệt được những khác biệt của các sản phẩm đó với sản phẩm hữu cơ. Họ không thể hiểu thực sự một sản phẩm hữu cơ có gì khác so với các sản phẩm khác được quảng cáo là nhiều ưu điểm và tốt tương tự như các sản phẩm hữu cơ.

 

Như vậy, nguyên nhân trước hết gây ra cuộc khủng hoảng này chính là sự mất phương hướng của người tiêu dùng và sự nhầm lẫn giữa các sản phẩm hữu cơ và các sản phẩm phi hữu cơ nhưng cũng lại được bán với nhãn hàng ghi nhiều ưu điểm. Và đó chính xác là những điều cần có sự xác minh, hoặc là cần tìm kiếm những điểm khác biệt ».

 

 

Lòng tin của người tiêu dùng

 

Gắn liền với sự nhầm lẫn, bối rối trong lựa chọn của người tiêu dùng khi đứng trước nhiều sản phẩm đều được ghi nhãn với rất nhiều ưu điểm, là sự mất lòng tin của người tiêu dùng vào các sản phẩm hữu cơ. Ông Philippe Camburet giải thích :

 

« Vâng, chính xác là như vậy. Chính sự mất phương hướng đó kéo theo sự mất lòng tin hiện nay. Và đó là lý do tại sao chúng tôi cần quảng bá nhiều hơn. Chúng tôi đã đề nghị chính phủ Pháp cung cấp đủ phương tiện để quảng bá với người tiêu dùng, để nói lại với họ rằng nông nghiệp hữu cơ là loại hình, mô hình nông nghiệp tốt nhất về mặt sinh thái. Hiện nay, nông nghiệp hữu cơ là loại hình nông nghiệp được kiểm soát nhiều nhất. Mỗi năm, các trang trại canh tác hữu cơ đều được kiểm tra ít nhất là một lần. Tất cả các cơ quan, kể cả Liên Hiệp Châu Âu, đều công nhận rằng canh tác hữu cơ là giải pháp tốt nhất cho quá trình chuyển đổi môi trường trong ngành lương thực, nhưng cho đến nay chúng tôi vẫn chưa có đủ phương tiện để nói như vậy. Vì thế mà chúng tôi cần các phương tiện truyền thông, quảng bá để chống lại sự ngờ vực đang dần ăn sâu vào tâm trí người tiêu dùng ».

 

Trong bối cảnh ngành nông nghiệp hữu cơ gặp nhiều khó khăn như vậy, chính phủ Pháp cũng đã có những đề xuất, những biện pháp hỗ trợ để có thể tái thúc đẩy lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ ? Chủ tịch Liên hiệp quốc gia về nông nghiệp hữu cơ của Pháp (FNAB) cho biết :

 

« Chúng tôi đã báo động với chính phủ và Nhà nước Pháp từ gần 2 năm nay về tình trạng và những nguy cơ đối với nông nghiệp hữu cơ hiện nay. Mục tiêu của chúng tôi là sau 5 năm sẽ tăng gần gấp đôi diện tích canh tác hữu cơ, nhưng đáng tiếc là điểm xuất phát lại rất tệ. Vì thế chúng tôi đã báo động và chính phủ đáp ứng từng chút một các yêu cầu của chúng tôi. Hiện tại thì chúng tôi vẫn chưa trông thấy nhiều kế hoạch hiệu quả. Từ tháng 09 đến nay, chúng tôi được thông báo là có các biện pháp được triển khai để tái thúc đẩy nhu cầu, nhưng ở giai đoạn này, thì vẫn khó tin là sẽ được như vậy. Hiện vẫn chưa có bất kỳ tác động cụ thể nào và thật đáng tiếc là thời gian càng trôi đi thì càng có nhiều trang trại nông nghiệp hữu cơ có nguy cơ phải chuyển đổi và quay trở lại phương thức sản xuất nông nghiệp thông thường ».

 

Về phía giám đốc Agence Bio, bà Laure Verdeau giải thích cụ thể hơn :

 

« Hồi mùa xuân vừa qua, bộ trưởng Nông Nghiệp Marc Raynaud đã công bố một kế hoạch gồm nhiều phần. Có một quỹ tài trợ khẩn cấp trị giá 10 triệu euro, sau đó thêm khoản bổ sung 60 triệu euro để giúp các nhà sản xuất BIO có thể vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng mà không cần phải quay lui trở lại lại phương thức canh tác thông thường.

 

Bên cạnh đó, do Pháp vẫn chưa đạt được chỉ tiêu mà luật EGALIM đề ra là 20% thức ăn phục vụ tại căng-tin phải là thực phẩm hữu cơ, nên chinh phủ cấp 120 triệu euro để phần nào đáp ứng chỉ tiêu nói trên, vì hiện tại mới chỉ có 7% thực phẩm được phục vụ tại cang-tin là thực phẩm BIO.

 

Ngoài ra, về quảng bá, chính phủ cũng dành 3,5 triệu euro để quảng bá thông tin đến người dân. Chúng tôi biết rằng khi cung cấp đủ thông tin cho người dân thì sẽ thúc đẩy họ sẽ mua thực phẩm hữu cơ. Cần phải nói với người dân về 3 điều : thực phẩm hữu cơ là gì, chẳng hạn đó là sản phẩm được bảo đảm. Sau đó là những lợi ích của nông nghiệp hữu cơ. Không phải vô cớ mà chính phủ ủng hộ phương thức canh tác hữu cơ, vốn dĩ có lợi cho tất cả chúng ta. Ngoài ra cũng cần nói để người dân hiểu là họ cũng nên dùng thực phẩm hữu cơ như thế nào, cho dù khả năng tài chính của họ ra sao : có thể bổ sung thêm thực phẩm hữu cơ mỗi ngày, đưa thực phẩm hữu cơ Pháp vào thực đơn ăn uống, với điều kiện thay đổi một chút việc đi chợ, thay đổi một chút thực đơn hàng ngày. Đây là một thách thức về giáo dục và dài hạn ».

 

------------------------------------

Các nội dung liên quan

Nông trại đô thị : Paris và tham vọng « tự cung, tự cấp » rau quả

 

Pháp : Tự cung tự cấp rau sạch nhờ phương pháp thủy canh

 

Người Pháp ngày càng chuộng mua nông phẩm "tận gốc"

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats