Saturday, 12 August 2023

CHÍNH GIỚI NHẬT BẢN BẤT ĐỒNG TRONG HỒ SƠ ĐÀI LOAN (Thanh Hà / RFI)

 



Chính giới Nhật Bản bất đồng trong hồ sơ Đài Loan

Thanh Hà  -  RFI

Đăng ngày: 11/08/2023 - 15:55

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20230811-ch%C3%ADnh-gi%E1%BB%9Bi-nh%E1%BA%ADt-b%E1%BA%A3n-b%E1%BA%A5t-%C4%91%E1%BB%93ng-trong-h%E1%BB%93-s%C6%A1-%C4%91%C3%A0i-loan

 

« Bảo hoàng hơn vua » ? Vào lúc Hoa Kỳ còn rất thận trọng trên vấn đề Đài Loan, cựu thủ tướng Nhật, Aso Taro hôm 08/08/2023 tuyên bố Mỹ-Nhật và Đài Loan cần hướng tới việc thành lập một « lực lượng răn đe » để đương đầu với Trung Quốc, bảo vệ Đài Loan trước tham vọng của Bắc Kinh muốn thôn tính hòn đảo này. Lập trường cứng rắn và « hiếu chiến đó » liệu có là một mối đe dọa trước tiên là đối với an ninh của Nhật Bản hay không ?

 

https://s.rfi.fr/media/display/dbef3622-35e3-11ee-a165-005056bfb2b6/w:980/p:16x9/2023-08-08T023346Z_1065895074_RC2DJ2AUEOLR_RTRMADP_3_TAIWAN-JAPAN.webp

Cựu thủ tướng Nhật Bản, phó chủ tịch Đảng Tự Do Dân Chủ, phát biểu tại diễn đàn Ketagalan, Đài Bắc, Đài Loan, ngày 08/08/2023. REUTERS - CARLOS GARCIA RAWLINS

 

Thái độ hung hăng của Trung Quốc, những tham vọng về địa chính trị của Bắc Kinh cộng thêm với sức mạnh về quân sự, về kinh tế của quốc gia đông dân nhất địa cầu, rồi đe dọa hạt nhân Bắc Triều Tiên và gần đây hơn là chiến tranh Ukraina khiến Nhật Bản điều chỉnh « chiến lược an ninh ». Ai cũng biết chiến tranh trong khu vực eo biển Đài Loan đe dọa trực tiếp đến an ninh của nước Nhật. Nhưng « khiêu khích » Trung Quốc hay « lao vào một cuộc chạy đua vũ trang không hồi kết với Bắc Kinh » vì Đài Loan lại là một chuyện khác.

 

Cho đến nay công luận Nhật Bản ít tham gia vào các cuộc tranh cãi liên quan đến « chiến lược mới về an ninh quốc gia » được công bố hồi tháng 12/2022. Mọi người cũng tương đối dễ dàng chấp nhận việc Tokyo đẩy mạnh liên minh quân sự với Hoa Kỳ hay nhân lên gấp đôi ngân sách quốc phòng.

 

Nhưng công luận Nhật đã « giật mình » vì phát biểu của ông Aso Taro tại Đài Bắc. Phó chủ tịch đảng cầm quyền -Đảng Tự do và Dân Chủ, cho rằng đã đến lúc Tokyo và các nước đồng minh cần « thức tỉnh » và phải « tỏ quyết tâm chiến đấu ». Điều đó có nghĩa là trang bị « khả năng răn đe » không thôi chưa đủ mà còn phải « chứng minh với các đối thủ » rằng Nhật và đồng minh « sẵn sàng sử dụng những khả năng răn đe đó ».

 

Phe diều hâu ở Nhật Bản có vẻ hài lòng về lời lẽ này. Trái lại một số khác thì xem đây là một tuyên bố mang tính « khiêu khích không cần thiết » nhắm vào Bắc Kinh. Nhật Bản đang « càng lúc càng rời xa thuyết chủ hòa mà Tokyo đã theo đuổi từ sau Thế Chiến Thứ Hai ».

 

Chánh văn phòng của thủ tướng Nhật, là ông Matsuno Hirokazu, được báo mạng The Diplomat trích dẫn nhắc lại  « hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan quan trọng không chỉ đối với an ninh Nhật Bản mà còn cả đối với toàn thể cộng đồng quốc tế ».

 

Lãnh đạo đảng đối lập chính ở Nhật, nguyên ngoại trưởng Okada Katsuya chỉ trích cựu thủ tướng Aso Taro « bất cẩn »  khi muốn rời xa con đường ngoại giao. Nhật báo Ryukyu Shimpo phát hành trên đảo Okinawa số ra ngày 10/08/2023 thì lấy làm tiếc là một quan chức hàng đầu của đảng cầm quyền lại « chỉ tập trung vào vế quốc phòng ».

 

Tuy nhiên đằng sau những tranh cãi về khả năng một cuộc đối đầu giữa Nhật Bản với Trung Quốc là cả một bài toán nan giải về an ninh quốc phòng đang đặt ra cho chính quyền Tokyo. Đành rằng để gìn giữ hòa bình trong khu vực và bảo đảm an ninh cho chính mình, Nhật Bản cần duy trì các phương tiện răn đe nhất định ở một mức độ nào đó. Nhưng tăng cường khả năng răn đe đồng nghĩa với việc Tokyo bắt buộc phải lao vào một cuộc chạy đua vũ trang, vừa tốn kém vừa « không có hồi kết ». Ai cũng biết rằng mục tiêu chính là nhắm vào Trung Quốc và đương nhiên là trong kịch bản này Nhật Bản lại càng lệ thuộc nhiều hơn vào Mỹ. 

 

Đây sẽ là một nước cờ đầy rủi ro. Như khoảng một chục chuyên gia Nhật lưu ý trong một nghiên cứu vừa được công bố cuối tháng 7/2023 (công trình khoảng 50 trang mang chủ đề « Asia’s Future at a Crossroads : A Japanese Strategy for Peace and Sustainable Prosperity » - Tương lai Châu Á trước một bước ngoặt : Chiến lược  của Nhật vì Hòa Bình và Thịnh Vượng bền vững) đã báo động.  

 

Theo các chuyên gia này, thay vì « theo chân Hoa Kỳ một cách mù quáng Tokyo có lẽ nên trở thành một mắt xích chủ chốt trong một liên minh giữa các quốc gia khu vực, và vận dụng vai trò ngoại giao của Nhật để giảm thiểu căng thẳng giữa Bắc Kinh với Washington thì hơn (...) chọn giải pháp đối đầu có nguy cơ đẩy khu vực vào một vùng nguy hiểm mà Nhật Bản sẽ là một trong những nạn nhân đầu tiên ».

 

Trong khi đó thì Nhật Bản có nhiều lá chủ bài để đóng vai trò trung gian thúc đẩy hòa bình. Bảo vệ quyền tự do lưu thông trên biển, bảo vệ các giá trị dân chủ, nhân quyền, … sẽ là những lợi thế giúp Tokyo dễ thuyết phục « những quốc gia trong khu vực không muốn rơi vào quỹ đạo của Trung Quốc ». Nhiều quốc gia hiện nay giữ khoảng cách cả với Bắc Kinh lẫn Washington không phải do họ thân Trung Quốc mà chỉ đơn giản là để « bảo vệ quyền lợi quốc gia ».

 

Xét cho cùng, làm thế nào để đối đầu với Bắc Kinh khi mà Trung Quốc là thị trường tiêu thụ 22 % xuất khẩu của Nhật, 25 % xuất khẩu của Hàn Quốc và hơn 20 % của các quốc gia Đông Nam Á ?

 

Đương kim thủ tướng Fumio Kishida, nguyên là ngoại trưởng Nhật Bản và là người có lập trường « ôn hòa » chắc chắn thấu hiểu được nỗi băn khoăn của các tác giả công trình nghiên cứu về chiến lược vì hòa bình nói trên. Vấn đề còn lại là trong liên minh cầm quyền, đảng Tự Do Dân Chủ phải kéo léo chiều lòng cánh hữu, luôn muốn « tìm lại hào quang trong quá khứ của nước Nhật ». 

 

----------------------------

Các nội dung liên quan

PHÂN TÍCH

Hậu thuẫn quân sự Đài Loan: Biden đang làm suy yếu chính sách "mập mờ" của Mỹ đối với Đài Bắc ?

 

HOA KỲ - NHẬT BẢN - TRUNG QUỐC

Mỹ - Nhật khẳng định hợp tác duy trì hòa bình, ổn định ở eo biển Đài Loan

 

TRUNG QUỐC - NHẬT BẢN

Nhật Bản tăng cường cảnh giác trước hoạt động của tầu sân bay Trung Quốc gần Đài Loan

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats