Thursday, 10 August 2023

BỐ TRÍ QUÂN Ở HỒNG HẢI : "CUỘC CHIẾN TÀU CHỞ DẦU" MỚI CỦA HOA KỲ Ở VỊNH BA TƯ? (Minh Anh / RFI)

 



Bố trí quân ở Hồng Hải : « Cuộc chiến tầu chở dầu » mới của Mỹ ở Vịnh Ba Tư?

Minh Anh  -  RFI

Đăng ngày: 09/08/2023 - 14:20

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20230809-b%E1%BB%91-tr%C3%AD-qu%C3%A2n-%E1%BB%9F-h%E1%BB%93ng-h%E1%BA%A3i-cu%E1%BB%99c-chi%E1%BA%BFn-t%E1%BA%A7u-ch%E1%BB%9F-d%E1%BA%A7u-m%E1%BB%9Bi-c%E1%BB%A7a-m%E1%BB%B9-%E1%BB%9F-v%E1%BB%8Bnh-ba-t%C6%B0

 

Thứ Hai, 07/08/2023, hải quân Mỹ thông báo điều 3.000 binh sĩ đến Hồng Hải cùng với hai tầu chiến đổ bộ trong khuôn khổ kế hoạch ngăn chặn Iran sách nhiễu tầu hàng các nước đi qua khu vực. Nhiều nhà phân tích cho rằng quyết định này của chính quyền Biden gợi lại chính sách cứng rắn của Donald Trump đối với Teheran và có nguy cơ dẫn đến một vòng xoáy leo thang « xung đột » vũ trang giữa Mỹ và Iran tại vùng Vịnh.   

 

https://s.rfi.fr/media/display/9c96ff76-36ad-11ee-8903-005056bfb2b6/w:980/p:16x9/AP23212339988767.webp

Hải quân Mỹ trên chiếc tàu USS Paul Hamilton tại eo biển Hormuz. Ảnh minh họa chụp ngày 19/05/2023. AP - Jon Gambrell

 

Quân đội Mỹ cáo buộc Iran có các hành động sách nhiễu và cưỡng chiếm khoảng 20 tầu hàng mang cờ hiệu quốc tế tại Vùng Vịnh trong hai năm gần đây, gây bất ổn cho khu vực và làm ảnh hưởng đến các lợi ích của Mỹ. Hãng tin Pháp nhắc lại vào cuối tháng 4 đầu tháng 5/2023, trong vòng một tuần, quân đội Iran đã bắt giữ hai tầu chở dầu, một chiếc mang cờ hiệu quần đảo Marshall ở ngoài khơi vịnh Oman và chiếc khác mang cờ hiệu Panama đang di chuyển qua eo biển Hỏrmuz.  

 

Quyết định này của Mỹ gợi nhắc lại « cuộc chiến tầu dầu » trong cuộc xung đột giữa Iran – Iraq những năm 1980. Đôi bên tìm cách triệt hạ nguồn thu của đối phương khi tiến hành tấn công vào các cơ sở hạ tầng khai thác, chế biến và chuyên chở dầu. Lúc đó, Hoa Kỳ đã đạt được một thỏa thuận hộ tống các tầu dầu của Koweit, đồng minh của Irak và là mục tiêu bắn phá của chế độ Teheran.  

 

Tuy nhiên, theo quan điểm của nhà phân tích Paul R. Pillar, cộng tác viên cho Trung tâm Nghiên cứu An ninh trường đại học Georgetown trên trang mạng Responsible Statecraft, chính quyền Biden đang đi ngược lại với ý định của nhiều chính phủ tiền nhiệm, mong muốn giảm can dự quân sự của Hoa Kỳ ở Trung Đông để tập trung nguồn lực sang Đông Á và Thái Bình Dương.   

 

Việc gia tăng can dự quân sự vào khu vực này đặt binh sĩ Mỹ trong thế dễ thành mục tiêu hỏa lực của đối thủ thù địch, và Hoa Kỳ có nguy cơ bị lôi kéo vào các cuộc xung đột vũ trang nguy hiểm với Iran. Những hành động ngăn chặn và chiếm giữ tầu biển của Iran thời gian gần đây ngày càng mang nhiều tính chất « ăn miếng trả miếng », nhằm trả đũa Hoa Kỳ bắt giữ một tầu dầu của Iran hồi tháng 4/2023.  

 

Trong khi những vụ ngăn chặn trước đây chỉ là một phản ứng chung, đáp trả chính sách gây « áp lực tối đa » của chính quyền Trump – một chính sách mà nhà nghiên cứu Sina Toossi, Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Quốc tế ở Washington trên trang mạng Al Jazeera đánh giá là « không hiệu quả » - nhưng vẫn được ông Biden tiếp tục thông qua các biện pháp mới trừng phạt kinh tế. Chế độ Teheran gởi đi một thông điệp rất rõ ràng rằng họ không thể bỏ qua. Nếu Iran không thể xuất khẩu dầu, thì các nhà sản xuất và xuất khẩu khác cũng sẽ gặp khó khăn.   

 

Trước những rủi ro này, liệu Hoa Kỳ có thể đi xa hơn nữa khi cho bố trí binh sĩ trên các tầu chở dầu quốc tế hay không ? Nhà nghiên cứu người Mỹ Paul R. Pillar tin rằng là Không. Trải nghiệm trong Đệ Nhị Thế Chiến cho thấy hàng trăm tầu buôn đã bị đánh chìm làm thiệt mạng khoảng 2.000 binh sĩ.   

 

Nhưng những động thái này của Mỹ được đưa ra vào lúc Trung Quốc ngày càng hiện diện trong khu vực và trong bối cảnh Ả Rập Xê Út – một đồng minh của Mỹ nối lại bang giao với Iran. Phải chăng quyết định này còn là cách để Washington lấy lại niềm tin với các nước đồng minh ở Trung Đông ?   

 

AFP nhắc lại, hồi tháng 5/2023, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất đã thông báo rút khỏi Combined Maritime Forces, một chương trình đối tác hải quân quy tụ 38 nước tham gia do Hoa Kỳ dẫn đầu và có nhiệm vụ bảo đảm an ninh cho các tuyến hàng hải ở Vùng Vịnh.   

Torbjorn Soltvedt thuộc cơ quan tư vấn về kinh tế Verisk Maplecroft, nhận định với AFP, an ninh vẫn sẽ là điểm bất đồng giữa Mỹ với các nước Vùng Vịnh. Theo đó, « Hoa Kỳ làm chưa đủ để ngăn chặn các cuộc tấn công của Iran nhắm vào các phương tiện vận chuyển đường biển quốc tế » !  

 

--------------------------------

Các nội dung liên quan

HOA KỲ - IRAN

Mỹ điều máy bay và tàu chiến đến vùng Vịnh để răn đe Iran và bảo vệ tàu hàng

 

IRAN - HOA KỲ

Iran dọa đáp trả sau khi 3000 lính Mỹ được điều đến Hồng Hải

 

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats