Ai
sẽ giúp Việt Nam nếu bị Trung Quốc uy hiếp trực tiếp trên Biển Đông?
Diễm Thi, RFA
2023.08.10
Hôm 5 tháng 8 năm 2023, tàu hải cảnh Trung Quốc đã phun vòi rồng vào các
tàu Philippines chở hàng tiếp tế cho toán thủy quân lục chiến đồn trú trên chiếc
tàu mắc cạn trên Bãi Cỏ Mây. Phía Philippines tố hành động của Trung Quốc là
nguy hiểm và phi pháp. Phía Trung Quốc tố ngược lại là Philippines đã vi phạm
chủ quyền của Trung Quốc, đã không thực hiện lời hứa trục kéo chiếc tàu mắc cạn
ra khỏi bãi ngầm.
Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines lên án mạnh mẽ
các hành động nguy hiểm của Lực lượng Hải cảnh Trung Quốc và nhận được sự ủng hộ
từ Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản, Đức và Canada. Trong một tuyên bố vào ngày 5 tháng 8
năm 2023, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ khẳng định nước này sát cánh cùng đồng minh
Philippines và khẳng định “một cuộc tấn công vũ trang nhắm vào các tàu công vụ,
máy bay và lực lượng vũ trang của Philippines, sẽ kích hoạt các cam kết phòng
thủ chung theo điều IV Hiệp ước phòng thủ chung của Mỹ và Philippines năm
1951”.
Hồi tháng 5 vừa qua, Hoa Kỳ đưa ra bản “Hướng dẫn phòng thủ song phương”
với Philippines, trong đó ghi cụ thể rằng các cam kết theo hiệp ước song phương
sẽ được kích hoạt nếu một trong hai bên bị tấn công ở trong chính Biển Đông và
kể cả khi các tàu tuần duyên bị nhắm mục tiêu.
Vụ việc vừa xảy ra tại bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường
Sa giữa tàu hải cảnh Trung Quốc và tàu tiếp tế Philippines làm dấy lên câu hỏi,
nếu Việt Nam bị Trung Quốc ức hiếp với hành động tương tự thì quốc gia nào sẽ đứng
về phía Việt Nam, ủng hộ Việt Nam chống lại Trung Quốc?
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu và phân tích chính trị Việt Nam thuộc
Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) của Singapore, nêu nhận định của ông với
RFA:
“Nếu xảy ra với Việt Nam thì Liên Hiệp Quốc và một số
nước bạn bè như Nhật Bản hay Liên Minh Châu Âu sẽ can thiệp bằng cách lên tiếng.
Trong ASEAN thì có thể có Philippines, Indonesia, nhiều lắm là có thêm
Malaysia. Còn những nước khác trong ASEAN sẽ không lên tiếng, ví dụ như
Campuchia, Lào hay Singapore. Mỹ cũng sẽ lên tiếng nhưng Việt Nam và Mỹ chưa phải
là đồng minh cho nên phản ứng của Mỹ chỉ trong giới hạn nào đó hết mức của pháp
lý quốc tế cho phép mà thôi.
Nếu Việt Nam có quan hệ đồng minh với một nước nào
đó thì chắc chắn lúc đó họ mới giúp Việt Nam bằng cách can thiệp trực tiếp bằng
quân sự. Hiện Việt Nam không có quan hệ đồng minh với ai cả.
Nếu Trung Quốc xâm lược Việt Nam chắc chắn sẽ có những
nước gần đấy ủng hộ Việt Nam. Thậm chí họ sẽ có những sự giúp sức trực tiếp bằng
quân sự. Nước đó có thể là Nhật Bản. Mà khi Nhật Bản giúp Việt Nam đánh kẻ xâm
lược, mà kẻ xâm lược đó đánh Nhật Bản thì họ lọt bẫy đồng minh giữa Nhật và Mỹ.”
Nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc nêu quan điểm của ông:
“Có một điều đặc biệt là Mỹ lên tiếng rất mạnh mẽ,
các nước Phương Tây cũng ủng hộ Philippines nhưng ASEAN chưa lên tiếng chính thức
về hành động của Trung Quốc. Điều đó gây ngạc nhiên cho giới quan sát trên thế
giới. Nếu như Việt Nam bị Trung Quốc có hành động giống như với Philippines vừa
qua thì liệu có ai lên tiếng ủng hộ Việt Nam hay không?
Nên nhớ rằng, Việt Nam nhiều lần tố cáo Trung Quốc
xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển
Đông thì Mỹ và các nước phương Tây đều kêu gọi Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc
tế, tuân thủ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982, nhưng không ai lên tiếng
bảo vệ hay ủng hộ chủ quyền của Việt Nam. Họ quan niệm rằng, vấn đề chủ quyền của
Việt Nam với Trung Quốc hay với các nước khác cần đem ra tòa án quốc tế để giải
quyết.”
Tàu hải cảnh Trung Quốc sử dụng vòi rồng tấn công
tàu tiếp tế của Philippines ở khu vực Bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa vào
ngày 5/8/2023. Reuters
Bãi Cỏ Mây cách đảo Palawan của Philippines 105 hải lý, nằm ở quần đảo
Trường Sa mà Việt Nam đòi chủ quyền toàn bộ. Philippines tuyên bố bãi Cỏ Mây nằm
trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của nước này. Trung Quốc ngang nhiên
tuyên bố chủ quyền trái phép hầu hết Biển Đông thông qua yêu sách đường chín đoạn
và nói bãi Cỏ Mây là một phần lãnh thổ Trung Quốc.
Trong năm 2020, ngoài một vài quốc gia ASEAN gửi công hàm lên Tổng thư ký
Liên Hiệp Quốc phản đối chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, một số
các quốc gia Phương Tây cũng có những động thái tương tự.
Đầu tháng 6 năm 2020, Hoa Kỳ gửi một công hàm lên Liên Hiệp Quốc bác bỏ
yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông với lý do yêu sách của Bắc Kinh không phù
hợp với luật pháp quốc tế được phản ánh trong Công ước về Luật Biển năm 1982.
Úc hôm 23 tháng 7 năm 2020 cũng gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc bác bỏ bất kỳ
yêu sách nào của Trung Quốc trái với Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển năm
1982 và thể hiện lập trường ủng hộ Mỹ.
Giữa tháng 9 năm 2020, Pháp, Đức và Anh đệ trình lên Liên Hiệp Quốc một
công hàm chung bác bỏ “các quyền lịch sử” của Trung Quốc ở Biển Đông, lập luận
rằng những quyền này không phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.
Về việc nâng cấp mối quan hệ với Hoa Kỳ, hôm 29 tháng 7 năm
2023, Reuters đã dẫn nguyên văn lời Tổng thống Biden rằng: “Tôi nhận
được cuộc gọi từ người đứng đầu Việt Nam, hết sức mong muốn gặp tôi khi tôi đến
dự hội nghị thượng đỉnh G20. Vị này muốn nâng quan hệ với chúng tôi lên làm một
đối tác quan trọng, cùng với Nga và Trung Quốc”.
Hội nghị thượng đỉnh khối các nước G20 sẽ diễn ra vào tháng 9 năm 2023 tại
Ấn Độ.
Mới đây hôm 9 tháng 8 năm 2023, tại một buổi gây quỹ cho Đảng Dân Chủ ở
tiểu bang New Mexico, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cho biết ông sẽ sớm đến thăm
Việt Nam vì Việt Nam muốn nâng tầm quan hệ và trở thành một đối tác lớn với Hoa
Kỳ.
Nhận định về việc này, Nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc nói với
RFA:
“Đây là một cơ hội thuận tiện, bây giờ hoặc không bao
giờ, Việt Nam phải nâng cấp quan hệ với Mỹ để tìm chỗ đứng bảo vệ an ninh cho
mình. Tôi thấy rằng, không phải Nhà nước Việt Nam chủ trương theo Mỹ, dựa
vào Mỹ hay liên kết với Mỹ để chống lại Trung Quốc, hay chống lại bất cứ nước
nào trên thế giới. Mà Việt Nam đang thấy quyền lợi song trùng giữa Mỹ và Việt
Nam.
Mỹ có quyền lợi ở vùng Đông Nam Á và Châu Á Thái
Bình Dương để triển khai Ấn Độ Dương Thái Bình Dương rộng mở. Việt Nam thì có
nhu cầu bảo vệ an ninh của mình trước sức ép của Trung Quốc.
Tôi thấy rằng, cái mà Việt Nam cần làm là cái quan hệ
với Mỹ trong tháng 9 này như thông tin Tổng Thống Mỹ Biden tuyên bố. Và đó cũng
là mong muốn của bao người dân Việt Nam.”
Hồi tháng 4 năm 2023, tại một cuộc gặp ở Hà Nội, Thủ tướng Việt Nam Phạm
Minh Chính và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã bày tỏ mong muốn thắt chặt
quan hệ để cùng các đối tác của Hoa Kỳ ở Châu Á đoàn kết chống lại một Trung Quốc
ngày càng quyết đoán ở Biển Đông.
Mong muốn cam kết và một hiệp ước phòng thủ chung như của Philippines và
Hoa Kỳ là một cách biệt khá lớn.
--------------------
Tin,
bài liên quan
THỜI SỰ
Tại
sao ASEAN khó đoàn kết trước sự hung hăng của Trung Quốc?
Thủ
thuật "dư luận chiến" trong vụ Manila Times nói Việt Nam quân sự hóa
Biển Đông
Biển
Đông: Xịt vòi rồng tàu Philippines, Trung Quốc muốn thử phản ứng, Việt Nam cần
ứng phó thế nào?
Thái
độ của giới tinh hoa chính trị và công chúng Philippines đối với Việt Nam về
vấn đề Biển Đông
No comments:
Post a Comment