Ai
cho anh cái quyền đùa giỡn với mạng sống con người?
Mười hai người đàn ông giận dữ (12 Angry Men)
là tên một bộ phim nổi tiếng của Mỹ nói về một bồi thẩm đoàn (BTĐ) trong cuộc
tranh luận của họ để quyết định số phận của một thanh niên 18 tuổi bị cáo buộc
giết cha và đang đối mặt với án tử hình. Xin giải thích một chút: trong nền tư
pháp của nhiều quốc gia văn minh, BTĐ là một nhóm thường dân gồm 12 người được
tòa án triệu tập ngẫu nhiên để tham gia xét xử. Sau khi nghe các bên trình bày
và tranh luận thì BTĐ sẽ vào một căn phòng riêng và tiến hành bỏ phiếu. Ý kiến
của nhóm người này sẽ giữ vai trò quyết định tuyệt đối đối với việc tuyên bị
cáo có tội hay không, bất chấp quan điểm của thẩm phán ra sao.
Trở lại với bộ phim. Không giống với hình dung
về một vụ án đã “hai năm rõ mười”, bất ngờ thay, có 1 phiếu “vô tội”, đó là của
Davis. Và thế là mâu thuẫn, tranh cãi, thậm chí xung đột nổ ra suốt bộ phim. 11
vị “có tội” chất vấn người còn lại rằng tại sao anh cho là hắn vô tội, câu trả
lời là “Tôi không biết!”.
Sau đó Davis bắt đầu đưa ra những nghi ngờ của
mình về vật chứng và nhân chứng. Nó làm cho những người còn lại bớt dần tự tin,
và trở nên do dự. Tỉ số bắt đầu thay đổi, từ 1/11 thành 2/10, rồi 3/9, 4/8… cho
đến khi là 11/1. Người cuối cùng, kiên định nhất, cũng đã phải thốt ra: “vô tội”.
Từ một người đơn độc, Davis đã khiến tất cả những
người còn lại phải thay đổi quyết định của họ, cuối cùng 100% biểu quyết rằng
người thanh niên sống trong khu ổ chuột với đầy “thành tích bất hảo” kia là vô
tội.
Bộ phim có nhiều tình tiết và lời thoại rất
hay và đầy ý nghĩa, cả về mặt pháp lý lẫn tính nhân văn. Xin nêu ra vài ví dụ:
Đây là lý do mà 1 trong số 12 người đã thay đổi
từ “có tội” sang “vô tội”, nghe có thể thật vớ vẩn nhưng nó đã được tôn trọng
và được sử dụng trong việc quyết định sinh mạng của một con người: “Điều gì khiến
ông đổi ý?”. “Chỉ là cảm thấy căn phòng đó có nhiều nghi vấn”. “Điều đó không
thuyết phục”. “Tôi không cảm thấy thế!”.
Còn đây là nguyên tắc suy đoán vô tội, là lời
nhân vật Davis nói sau một màn tranh cãi gay gắt của những người khác: “Luôn
khó khăn để tách bạch định kiến cá nhân trong những lúc thế này, vì bất cứ ở
đâu nó cũng luôn che phủ sự thật. Tôi thật sự không biết sự thật là gì. Tôi cho
rằng không phải ai cũng thật sự biết rõ về nó. Chín người chúng ta bây giờ cảm
thấy rằng bị cáo có vẻ như vô tội, nhưng vẫn tồn tại xác suất: có thể chúng ta
sai. Hoặc có vẻ chúng ta đang cố để 1 kẻ phạm tội được tự do, tôi không biết nữa.
Không ai có thể biết được. Nhưng chúng ta có những nghi vấn hợp lý. Và có vài
thứ rất có giá trị trong toàn bộ chuỗi sự kiện này. Không Bồi thẩm viên nào có
thể kết luận 1 người là phạm tội, trừ khi chắc chắn”.
“Hoài nghi hợp lý”. Chỉ cần còn có một điểm
hoài nghi hợp lý thì không ai có quyền kết tội người khác.
“Ai cho anh cái quyền đùa giỡn với mạng sống của
một người như thế?!”
Một nhân vật nói: “Chúng ta không được gì hay
mất gì khi ra quyết định”. Câu này tôi cho rằng tối quan trọng, nó phải được nhắc
lại để thấy rằng, một quyết định đưa ra trong tòa án là phải xuất phát từ những
người “không được gì hay mất gì”. Bất cứ ở đâu mà lợi ích bị xen vào, ở đó công
lý dễ bị đuổi cổ. Một nền tư pháp mà lấy thành tích phá án và xử án để “xếp loại
thi đua” thì việc oan sai là điều tất yếu phải trở nên phổ biến.
Để có cái kết quả ngoạn mục từ một sự đinh
ninh rằng “có tội” thành “vô tội”, tôi nghĩ điều quan trọng nhất nằm ở câu nói
của thẩm phán khi “dặn dò” các bồi thẩm viên trước lúc họ bước vào phòng bỏ phiếu:
“Bây giờ các anh ngồi xuống và dùng trí tưởng tượng cố gắng phân tích những sự
kiện trên. Một người đàn ông đã chết và mạng sống một người đàn ông khác đang bị
treo trên cột. Nếu các anh lóe lên sự nghi ngờ về tính đúng đắn đối với tội của
bị cáo, chỉ cần một lý do hợp lý, các anh phải đưa ra nhận định cho rằng vô tội”.
Cái bồi thẩm đoàn gồm 12 thường dân, trong đó
có chủ công ty, kiến trúc sư lẫn người làm thuê, già có, trẻ có, với đủ thứ
tính cách và tầm nhìn, dù không biết sự thật đã diễn ra như thế nào, nhưng chỉ
bằng một sự nghi ngờ hợp lý của mình, họ đã đi đến quyết định rằng: bị cáo vô tội.
Xin lưu ý, đây không phải chỉ là “chuyện trong
phim”, mà nó phản ánh rất trung thực những phiên tòa trong các nền tư pháp ở
nhiều nước như Anh, Pháp, Mỹ…
Bộ phim kết thúc, với 12/12 thường dân của BTĐ
bỏ phiếu “vô tội”, đồng nghĩa với việc bị cáo được phóng thích ngay tại tòa mà
không cần phải giải thích gì với chủ tọa. Nó đã lật ngược cái kết quả của suốt
6 ngày xử án mà ai cũng tưởng chẳng còn gì phải bàn cãi nữa. Không ai biết được
người thanh niên 18 tuổi kia có thật sự giết cha mình hay không, cũng chưa biết
hung thủ thật sự là ai, nhưng vì còn “một nghi ngờ hợp lý” mà bị cáo được tuyên
vô tội.
Với một nền luật pháp cẩn
trọng đến thế mà hàng năm ở nhiều nước vẫn có án oan sai, huống gì khi mà những
vụ án như của Nguyễn Văn Chưởng còn đầy rẫy mâu thuẫn và khuất tất nhưng quan
tòa vẫn cố khép cho tội chết? Chẳng lẽ những Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén,
Hàn Đức Long và bao nhiêu những tù nhân oan khốc suốt mấy chục năm qua, chưa đủ
để những người mặc áo quan tòa giật mình hay sao? Hay họ không còn biết giật
mình nữa?
“Thà bỏ sót chứ không giết nhầm”, đó phải là nguyên tắc pháp lý tối cao cần được
tuân thủ nếu muốn số phận con người không trở nên bèo bọt dưới cây búa của quan
tòa.
Hình: https://www.facebook.com/photo/?fbid=686107816729574&set=a.225469346126759
Một cảnh trong bộ phim
Thái Hạo
.
No comments:
Post a Comment