Monday 10 April 2023

VIỆT NAM : ỦY BAN ĐOÀN KẾT CÔNG GIÁO THẤT BẠI TRONG VIỆC CHIA RẼ GIÁO HỘI CÔNG GIÁO (Võ Ngọc Ánh, VOA)

 



Việt Nam: Uỷ Ban Đoàn Kết Công Giáo thất bại chia rẽ Giáo Hội Công Giáo

Võ Ngọc Ánh

10/04/2023

https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-uy-ban-doan-ket-cong-giao-that-bai-chia-re-giao-hoi-cong-giao/7042996.html

 

Khi tự do tôn giáo chưa trọn vẹn, UBĐKCG như ‘cây thánh giá’ mà Giáo hội Công giáo Việt Nam phải vác.

 

https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-5cf1-08db23c57503_w1023_r1_s.jpg

Chính quyền Việt Nam công bố sách trắng tôn giáo ngày 9/3/2023

 

Ủy ban Đoàn kết Công giáo (UBĐKCG) là tổ chức được chính quyền Việt Nam dựng lên với mục tiêu chi phối, kiểm soát đạo Công giáo.

 

Tổ chức này là kết quả của sự sáp nhập của hai nhóm Ủy ban Liên lạc Công giáo toàn quốc, thành lập tại miền Bắc năm 1955 và Hội những người Công giáo kính Chúa yêu nước, của Mặt trận Giải phóng miền Nam lập năm 1961.

 

Trái với tên gọi, UBĐKCG Việt Nam là tổ chức được lập ra để chia rẽ trong Giáo hội Công giáo.

 

UBĐKCG Việt Nam là sự bắt chước Hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc thần phục chính quyền và không hiệp thông với Đức giáo hoàng.

 

Tuy nhiên, từ khi thành lập tháng 11/1983 đến nay, UBĐKCG không thành công trong mục đích gây chia rẽ giáo hội Công giáo ở Việt Nam.

 

Gần như không có vị giám mục Công giáo nào công khai ủng hộ, tham gia vào UBĐKCG.

 

Việc cho phép các linh mục tham gia vào tổ chức này, cũng như ra ứng cử đại biểu quốc hội, tùy thuộc vào quan điểm của các giám mục. Có vị cấm, có vị làm lơ. Điều này phụ thuộc vào tương quan tôn giáo và nhà nước trong mỗi giáo phận.

 

Một số viên chức chính phủ cũng nhìn nhận sự thất bại của UBDKGG. Trong một bài viết đăng trên tờ Tạp chí Mặt trận, ông tổng biên tập tờ Người Công giáo Việt Nam ở Hà Nội đã nhận định: Khó khăn lớn nhất là do tổ chức này không phải là tổ chức của Giáo hội Công giáo. Đa phần tín hữu Công giáo xem đây là tổ chức “quốc doanh” do Đảng và Nhà nước lập ra, nên có cái nhìn thiếu thiện cảm.

 

Người trong cuộc cũng không tin vào UBĐKCG

 

Linh mục Benedictô Nguyễn Tấn Khóa (1935 – 2015), lúc sinh thời từng là Phó chủ tịch, rồi Chủ tịch UBĐKCG trong hai nhiệm kỳ từ 1997 – 2008, và ông cũng từng là đại biểu quốc hội khóa XI (2002 - 2007) tự nhìn nhận về việc tham giao vào ủy ban UBĐKCG.

 

“Tôi cũng như cái bình hoa, khi cần thì người ta bưng ra chưng, hết việc thì người ta lại cất vào”. Ông nói điều này một cách công khai chứ chẳng giấu giếm.

 

Bản thân ông không tin tưởng vào UBĐKCG, và nhận diện đây là tổ chức gây chia rẽ Công giáo. Mà ở đó chính quyền chọn linh mục làm lãnh đạo cũng chỉ là công cụ để nghe ngóng, theo dõi giáo hội Công giáo.

 

Tại Hà Nội, linh mục Khóa được chuẩn bị sẵn một phòng cho ông nghỉ mỗi khi ra đó làm việc. Trong một lần có thầy chủng sinh (người đang được đào tạo làm linh mục) đi cùng, ông đã nhắc nhở, “Vào đó chỉ ngủ thôi không nói bất cứ chuyện gì, vì máy nghe lén có thể đặt khắp nơi”.

 

Việc linh mục Khóa tham gia vào UBĐKCG nhận sự tấn công của không ít người Công giáo bên ngoài giáo phận Đà Nẵng. Những người này không biết hơn ngoài việc linh mục Benedictô Nguyễn Tấn Khóa tham gia vào UBĐKCG nhưng họ sẵn sàng ra tay ‘ném đá’.

 

Điều này tôi vẫn đang chứng kiến hiện nay. Không ít linh mục, giáo dân và cả không cùng tôn giáo nhân danh bảo vệ Công giáo, sẵn sàng tấn công các linh mục tham gia vào UBĐKCG. Số người này không biết gì ngoài cái tên có trong ủy ban của chính quyền lập ra.Họ cũng chẳng ngại thêm thắc, đặt điều để câu chuyện thêm tính ly kỳ, mà mục đích không ngoài việc thu hút thêm người ném gạch, đá tấn công.

 

Tại giáo phận Đà Nẵng, bốn đời giám mục, luôn tin tưởng chọn Benedictô Nguyễn Tấn Khóa làm hạt trưởng hạt Tam Kỳ trong 37 năm phần nào cho thấy được sự tín nhiệm đó.

 

Thái độ thân thiện, không ngại đối thoại, làm việc cùng chính quyền mà ông giữ được một xứ đạo thưa thớt trải rộng trên ba huyện với đầy khó khăn của hai chục năm đầu sau biến cố 30/4/1975. Giáo xứ Tam Kỳ ngày đó, trong 15 năm trở lại đây được tách ra và nâng lên thành 7 giáo xứ và giáo họ biệt lập.

 

Giáo hội Công giáo ‘mắt nhắm mắt mở’ với UBĐKCG

 

Giáo hội Công giáo Việt Nam không công nhận UBĐKCG. Do đó, khi một linh mục nào đó trong giáo phận tham gia vào ủy ban này sẽ bị gọi về tòa giám mục để được nhắc nhở.

Nhưng Giáo hội Công giáo Việt Nam cũng không có luật cấm các linh mục tham gia vào UBĐKCG. Trên thực tế, thái độ của giáo hội với việc này là ‘mắt nhắm mắt mở’.

 

Việc một linh mục tham gia vào ủy ban này thường phụ thuộc vào nhu cầu của xứ đạo nơi các vị ấy đang phụ trách.

 

Bởi hơn ai hết các linh mục trực tiếp là người hiểu rõ nhu cầu, công việc của giáo xứ. Vì để thuận lợi hơn trong công việc có liên quan đến chính quyền với các thủ tục hành chính, một số linh mục chấp nhận tham gia vào UBĐKCG để việc được giải quyết thuận lợi hơn. Chứ các linh mục này cũng không thêm được chút thế quyền.

 

Tôi đã hỏi không ít linh mục tham gia vào Mặt trận Tổ quốc ở các cấp và UBĐKCG, lời chia sẻ của các vị ấy có điểm chung, đại ý: “Vào đó lâu lâu được mời thì đi họp. Họ có nói hưu nói vượn gì thì kệ, mình vẫn biết đâu là trách nhiệm trước Giáo hội và niềm tin”.

 

40 năm qua cho thấy, các linh mục tham gia vào UBĐKCG ít khi chống lại Giáo hội Công giáo. Trường hợp chống lại giáo hội nổi cộm, là UBĐKCG đã không đồng ý việc Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 phong thánh cho 117 vị tử đạo tại Việt Nam trong năm 1988 ở Vatican.

 

Không phải cứ linh mục tham gia vào UBĐKCG đều trở thành công cụ của chính quyền, nhưng cũng có không ít linh mục dù không tham gia vào ủy ban này lại gây cho giáo hội nhiều đau đớn.

 

Dù vậy, một linh mục khi tham gia vào ủy ban do chính quyền dựng lên đã tự chặn đường mình để được chọn nắm giữ những chức vụ quan trọng trong giáo phận, kể cả việc được chọn cử đi du học.

 

Giáo hội Công giáo có lý do chính đáng để đề phòng, lo lắng các vị này sẽ bị chi phối làm theo chính quyền.

 

Thực tế chính quyền và đảng cộng sản luôn tìm cách lôi kéo, thỏa thuận để cài người vào bên trong các tôn giáo nhằm gây ra chia rẽ và tạo khó khăn.

 

Đầu những năm 2000, tôi có một người em trước khi nhập vào chủng viện được công an tỉnh Quảng Nam gọi lên. Công an tỉnh đưa ra đề nghị, đồng ý vào đó học và cung cấp thông tin cho họ thì sẽ được cho đi học và mọi việc sau này sẽ thuận lợi hơn.

 

UBĐKCG như nơi mặc cả của chính quyền với các linh mục

 

Thực tế tại các xứ đạo xin sửa chữa, xây dựng các công trình mới thường bị chính quyền ‘ngâm’ rất lâu.

 

Khó xin phép, nên sau khi gởi hồ sơ đến các cơ quan chức năng của chính quyền, không ít linh mục quản xứ tổ chức thi công khi chưa có phép. Rất nhanh chóng, chính quyền sẽ đến thể hiện quyền hành.

 

Vụ việc tại giáo họ Phaolô, bị cán bộ chính quyền xã Đắk Nông, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum bị quấy phá trong thánh lễ vào lúc hơn 6 giờ chiều ngày 22/3 vừa rồi là một minh chứng như thế.

 

Chính quyền thường dùng chiêu liên quan đến các thủ tục hành chính bắt chẹt các linh mục, giáo xứ để lôi kéo vào UBĐKCG.

 

Bởi thực tế thời gian qua cho thấy, với linh mục có tham gia vào các tổ chức do nhà nước dựng lên thường có sự ưu ái, dễ dàng, nhanh chóng hơn với các thủ tục, công việc liên quan đến chính quyền.

 

Do đó, một số linh mục tham gia vào UBĐKCG có thể hiểu như chấp nhận kiểu mặc cả của chính quyền.

 

Trong 30 năm trở lại đây Giáo hội Công giáo Việt Nam không còn cái nhìn quá khắt khe về UBĐKCG. Bởi ủy ban này không thực sự gây nguy hiểm cho Công giáo. Hiện nay đa số các giáo phận, cũng như tỉnh, thành đều có UBĐKCG và có linh mục, giáo dân tham gia.

 

Ngay cả tờ báo Công giáo và Dân tộc, tại Sài Gòn, trên danh nghĩa là thuộc UBĐKCG của chính quyền. Dù vậy, những gì tờ báo này thể hiện suốt thời gian qua cho thấy, vẫn truyền tải được thông tin giáo hội muốn loan báo và một chút những tin ‘cúng cụ’.

 

Tại Hoa Kỳ quốc gia có tự do tôn giáo thật sự, tôi không thấy có các các tổ chức do chính quyền lập ra để ‘nhúng tay’ vào các tôn giáo như ở Việt Nam.

 

Hội đồng Giám mục Hoa kỳ có 18 ủy ban đều thuộc về giáo hội.

 

Công giáo là tôn giáo có tín đồ lớn nhất ở Mỹ với gần 62 triệu người, nhưng không có linh mục nào trong hai viện tại quốc hội Mỹ.

 

Khi tự do tôn giáo chưa trọn vẹn, UBĐKCG như ‘cây thánh giá’ mà Giáo hội Công giáo Việt Nam phải vác.

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats