Saturday 8 April 2023

TRUNG QUỐC CÔ LẬP PHƯƠNG TÂY VỚI PHẦN CÒN LẠI CỦA THẾ GIỚI NHƯ THẾ NÀO (Trọng Thành / RFI)

 



Trung Quốc cô lập Phương Tây với phần còn lại của thế giới như thế nào

Trọng Thành  -  RFI

Đăng ngày: 07/04/2023 - 16:56

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230407-trung-qu%E1%BB%91c-c%C3%B4-l%E1%BA%ADp-ph%C6%B0%C6%A1ng-t%C3%A2y-v%E1%BB%9Bi-ph%E1%BA%A7n-c%C3%B2n-l%E1%BA%A1i-c%E1%BB%A7a-th%E1%BA%BF-gi%E1%BB%9Bi-nh%C6%B0-th%E1%BA%BF-n%C3%A0o

 

Nước Nga không đơn độc trong thế đối đầu toàn diện với phương Tây khi tiến hành cuộc xâm lược Ukraina. Giới chuyên gia ngày càng chú ý nhiều hơn đến quan hệ ‘‘đối tác chiến lược toàn diện giữa Trung Quốc và Nga’’, chỗ dựa lớn cho nỗ lực chiến tranh của Matxcơva. Can thiệp quân sự của Nga từ hơn một năm nay trùng khớp với một giai đoạn mới trong chiến lược đối ngoại của Bắc Kinh, nhằm khẳng định như một thế lực toàn cầu, cạnh tranh trực tiếp với Hoa Kỳ và các đồng minh.

 

https://s.rfi.fr/media/display/0f6f1904-7ce6-11eb-8f31-005056bf87d6/w:980/p:16x9/000_8ZH424.webp

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khai mạc Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos trực tuyến, từ Bắc Kinh, ngày 25/01/2021. © AFP

 

Chính sách ngoại giao và chiến lược toàn cầu của Trung Quốc hiện nay có điểm gì mới ? Mục Theo dòng thời sự của RFI xin giới thiệu bài phân tích của chuyên gia về Trung Quốc đương đại Emmanuel Véron, đăng tải trên trang mạng chuyên về thời sự châu Á Asialyst. Bài viết nhan đề ‘‘Comment la Chine travaille à isoler l'Occident du reste du monde’’ (‘‘Trung Quốc hành động như thế nào để cô lập phương Tây với phần còn lại của thế giới’’). Nhà nghiên cứu Emmanuel Véron là thành viên Viện Pháp về Nghiên cứu Đông Á (IFRAE).

 

                                                       ***

 

Điểm gì được Emmanuel Véron nêu bật trong bài viết ?

 

Thách thức trực diện ‘‘trật tự quốc tế’’ hiện hành, với vai trò trụ cột của Hoa Kỳ, trên cơ sở dựa chắc vào khối các quốc gia láng giềng thuộc vùng lục địa Âu – Á, trước hết là khu vực Trung Á và các vùng lân cận là nhận định nổi bật của chuyên gia Emmanuel Véron. Tác giả đặc biệt chú ý đến đến việc lãnh đạo tối cao Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên (sau gần ba năm đại dịch), hồi tháng 9/2022, là đến hai quốc gia Trung Á, Kazakhstan và Uzbekistan, để tham dự thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, mà Trung Quốc là thành viên sáng lập và trụ cột, cùng với Nga.

 

Emmanuel Véron so sánh chuyến công du này của Tập Cận Bình với chuyến công du gần 10 năm trước. Năm 2013, Tập Cận Bình ngay khi lên cầm quyền đã có chuyến công du Kazakhstan. Tại Đại học Nazarbaiev, Kazakhstan, lãnh đạo Trung Quốc đã khai trương dự án ‘‘Những Con đường Tơ lụa Mới’’, một trục chính trong chiến lược quốc tế của Trung Quốc. Mục tiêu của nền ngoại giao Trung Quốc là tăng cường ảnh hưởng về dài hạn đối với khu vực Trung Á, và tiếp đó là vùng Trung Đông, cho đến tận châu Âu.

 

.

Từ ‘‘Những Con đường Tơ lụa Mới’’ đến ba ‘‘Sáng kiến Toàn cầu’’

 

Từ tháng 9 năm ngoái 2022 đến hiện tại, Bắc Kinh có hàng loạt ‘‘nỗ lực tấn công mới về ngoại giao’’, có thể coi như ‘‘các xu hướng dài hạn có khả năng in đậm dấu ấn’’ trong nhiều năm, thậm chí nhiều thập niên. Từ thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ở Samarcande, Uzbekistan (tháng 9/2022) đến nay, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, lãnh đạo ngoại giao của đảng Cộng Sản Vương Nghị và ngoại trưởng Tần Cương đã công du tổng cộng gần một trăm nước, từ châu Âu, đến châu Phi, Trung Đông, châu Á và châu Mỹ Latinh. Chuyến đi của ông Tập Cận Bình đến Trung Đông được coi đã tạo một bước ngoặt trong việc thúc đẩy các đàm phán giữa Iran và Ả Rập Xê Út, hai cường quốc Trung Đông, cũng là hai quốc gia thù địch.

 

Giữa tháng 3/2023 vừa qua, Iran và Ả Rập Xê Út thỏa thuận khép lại quá khứ thù địch sau hai năm vận động ngoại giao kín đáo và bí mật. Thỏa thuận được ký kết tại Bắc Kinh. Tháng 3/2023 là một thời điểm có ý nghĩa biểu tượng với chính quyền Trung Quốc. Lãnh đạo tối cao Tập Cận Bình chính thức được bầu làm chủ tịch nước thêm một lần thứ ba. Và đây cũng là lúc Trung Quốc công bố một số sáng kiến ngoại giao mới.

 

Theo chuyên gia Emmanuel Véron, giai đoạn mới trong chiến lược đối ngoại mới của Bắc Kinh được đánh dấu với ba sáng kiến : Sáng kiến An ninh Toàn cầu (Toàn cầu An toàn Xướng nghị), Sáng kiến Phát triển toàn cầu (Toàn cầu Phát triển Xướng nghị) và Sáng kiến Văn minh toàn cầu (Toàn cầu Văn minh Xướng nghị). Từ chính sách ‘‘Những Con đường Tơ lụa mới’’ liên quan chủ yếu đến thương mại và hạ tầng cơ sở, với các chính sách nói trên, nhà cầm quyền Trung Quốc đã tự đặt mình ở vị thế của một lãnh đạo toàn cầu.

 

.

Vừa hậu thuẫn nước Nga xâm lược, vừa đóng vai một trung tâm ‘‘hòa giải’’ toàn cầu

 

Chiến lược mang tên ‘‘Sáng kiến An ninh Toàn cầu’’, được Bắc Kinh công bố ngày 21/02, trước thềm Hội nghị An ninh quốc tế Munich thường niên, được coi là cơ sở cho kế hoạch 12 điểm tìm giải pháp cho ‘‘khủng hoảng Ukraina’’.  Tuy nhiên, đây là một kế hoạch mà ngay từ khi xuất hiện, một mặt đã bị Hoa Kỳ về đông đảo các đồng minh chỉ trích bởi tính chất thân Nga nổi rõ, không lên án xâm lược Nga, không khẳng định chủ quyền của Ukraina, nhưng mặt khác, không ít quốc gia phương Tây vẫn nuôi hy vọng nào đó vào vai trò ‘‘trung gian’’ của Trung Quốc.

 

Ngay sau khi công bố Sáng kiến Văn minh toàn cầu, lãnh đạo tối cao Trung Quốc đã có chuyến công du Nga, đúng vào lúc tổng thống Nga Putin bị Tòa án Hình sự Quốc tế phát lệnh truy nã, vì ‘‘nhiều tội ác chiến tranh’’ (Tờ Hoàn Cầu Thời Báo, một cơ quan phát ngôn của ĐCS TQ ca ngợi Sáng kiến Văn minh Toàn cầu là ‘‘một món quà khác của Trung Quốc gửi đến thế giới’’, tiếp theo hai sáng kiến trước, về Phát triển và về An ninh). Tại Matxcơva, Tập Cận Bình và Putin, người chủ trương xâm lược Ukraina, đã ra tuyên bố chung, khẳng định ‘‘một kỷ nguyên mới’’ trong quan hệ song phương, tiếp theo tuyên bố chung hồi năm ngoái cổ vũ cho ‘‘tình hữu nghị không giới hạn’’, đưa ra chỉ ít tuần trước khi điện Kremlin quyết định nổ súng tấn công Ukraina. Lệnh truy nã của Tòa án Hình sự Quốc tế, một định chế được coi là khá căn bản của trật tự quốc tế hiện hành, rõ ràng đã không hề được Trung Quốc đếm xỉa.

 

.

Quyến rũ và gây áp lực

 

Một mặt công khai siết chặt quan hệ với Nga (tuy chưa đến mức công khai cung cấp vũ khí cho Nga), mặt khác Bắc Kinh tiếp tục được coi là một đối tác thân thiện với nhiều quốc gia châu Âu, về nhiều mặt chính là nạn nhân của cuộc chiến Nga xâm lược Ukraina. Đầu tháng 4 này tổng thống Pháp Emmanuel Macron và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen công du Bắc Kinh, với một chủ đề chính là thúc đẩy Trung Quốc đóng vai trò tích cực trong việc tìm ra lối thoát cho cuộc chiến tranh tại Ukraina, đã bước sang năm thứ hai. Trước chuyến công du của hai lãnh đạo châu Âu, hồi cuối tháng 3, thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cũng đi Bắc Kinh. Theo chuyên gia Emmanuel Véron, thủ tướng Tây Ban Nha, chủ tịch luân phiên Liên Âu trong 6 tháng cuối năm nay, đã có những lời lẽ hòa dịu với Trung Quốc.

 

Emmanuel Véron nhấn mạnh, ‘‘trọng lượng đối với nền kinh tế thế giới và tầm vóc về ngoại giao’’ của Trung Quốc đang gây ra những căng thẳng và những rạn nứt trong trật tự quốc tế hiện hành. Nỗ lực của Trung Quốc, cùng với Nga, ‘‘đang khoét sâu các chia rẽ giữa thế giới phương Tây với phần còn lại của thế giới, hơn là giữa khối các quốc gia dân chủ với khối các quốc gia độc tài’’. Mục tiêu của Bắc Kinh là nhằm ‘‘vô hiệu hóa’’ các giá trị dân chủ mà phương Tây cổ vũ, ‘‘với việc cô lập phương Tây’’. Tóm lại, theo chuyên gia Emmanuel Véron, Bắc Kinh đang tiếp tục ‘‘chính sách ngoại giao quyến rũ’’ đối với từng quốc gia thành viên Liên Âu, cũng như các quốc gia đang phát triển, nhằm tranh giành ảnh hưởng với Mỹ nhờ một phần căn bản ở thế mạnh áp đảo về kinh tế, cùng với nhiều chiến lược ngoại giao mới.

 

.

Tư tưởng thời Mao, chính trị cổ đại và ‘‘tam chủng chiến pháp’’

 

Theo chuyên gia Emmanuel Véron, chính sách ngoại giao hiện tại của Trung Quốc kế thừa và phát triển nhiều chiến lược thời Mao, cũng như trong di sản chính trị thời cổ đại. Chính sách của Tập Cận Bình hiện nay là sự nối tiếp của lý thuyết Ba Thế Giới của Mao Trạch Đông, trong đó Trung Quốc được coi là trụ cột của ‘‘Thế giới Thứ Ba’’, tức các nước nằm ngoài khối các quốc gia tư bản phát triển, và các nước nằm trong quỹ đạo của Liên Xô trước đây. Giờ đây Tập Cận Bình tiếp tục chủ trương một chính sách ngoại giao đa cực, khẳng định vị thế dẫn đầu các nước Thế giới Thứ Ba cũ hay khối Không Liên Kết, giờ đây ngày càng được gọi nhiều hơn với cái tên Global South (‘‘các nước phía Nam’’).

 

Việc Bắc Kinh nỗ lực mở rộng Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, việc lãnh đạo tối cao Trung Quốc đích thân tham dự Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh là nằm trong chủ trương gia tăng ảnh hưởng nói chung trong ‘‘các nước phía Nam’’, mở rộng số lượng các quốc gia phụ thuộc vào Trung Quốc, thu hẹp tầm ảnh hưởng của các khối cường quốc truyền thống như G7, G20, vốn là các cơ chế đa phương, nằm dưới sự chi phối của phương Tây và Nhật Bản. 

 

Chuyên gia Emmanuel Véron đặc biệt nhấn mạnh đến việc nhà cầm quyền Trung Quốc hiện nay đã cố gắng tiếp nối của các chiến lược đối ngoại thời cổ đại, những chiến lược từng mang lại nhiều kết quả trong việc khẳng định sức mạnh của đế chế Trung Hoa, được coi là ''trung tâm của Thiên Hạ''. Xây dựng liên minh, cạnh tranh giữa các nước là chuyện ở đâu cũng có, thời nào cũng có, nhưng Trung Quốc là một hiện tượng độc nhất. Theo chuyên gia Emmanuel Véron, chế độ Trung Quốc hiện thời phần nào đang phát triển trở lại một hệ thống chính trị quốc tế, theo mô hình Trung Quốc là trung tâm, xung quanh là các khu vực ngoại vi chư hầu, phần nào giống như thế giới của đế chế Trung Hoa trước thế kỷ 20. Điểm khác là các nước chư hầu xưa kia nằm sát biên giới của đế chế, còn giờ đây là cả một mạng lưới các nước lệ thuộc vào Trung Quốc nhiều nơi trên địa cầu, nhưng trước hết vẫn là trong ‘‘không gian châu Á Khổng giáo, và vùng ngoại vi lịch sử nơi sinh sống của các cộng đồng dân cư thần phục Thiên triều’’.

 

Nước Trung Hoa, trung tâm của Thiên Hạ, cũng là một thế giới mà chế độ tự quyết định về mức độ đóng mở với thế giới bên ngoài. Tác giả ghi nhận việc Trung Quốc đóng cửa trong gần ba năm vừa qua do đại dịch Covid như sự nối tiếp ‘‘một phản xạ lâu đời nổi tiếng thời đế chế’’ (với chính sách bế quan tỏa cảng được áp đặt nghiêm ngặt trong một số thời kỳ). Tự đóng cửa một cách độc đoán, rồi mở cửa trở lại với một ‘‘chính sách ngoại giao năng động’’ là các biện pháp tạo nên uy lực cho chế độ. Sức mạnh của đế chế Trung Hoa thời cổ đại dựa trên khả năng chinh phục thế giới trước hết về mặt tâm lý (hay ‘‘tâm công’’), ngoại giao, trước khi dùng sức mạnh quân sự. Không đánh mà thắng là chiến lược nổi tiếng của chiến lược gia Tôn Tử, mà Đảng và Nhà nước Cộng sản Trung Quốc hiện đang tiếp nối.

 

Theo chuyên gia Emmanuel Véron, kể từ đầu năm 2023, Ủy Ban Trung Ương ĐCS Trung Quốc và Quân Ủy Trung Ương Trung Quốc ‘‘chính thức phê chuẩn tam chủng chiến pháp’’ (hay ba hình thức chiến tranh). Chiến tranh tâm lý, chiến tranh công luận và chiến tranh pháp lý.  Chi phối tâm lý đối phương, gây ảnh hưởng đến công luận của quốc gia đối thủ, và sử dụng luật pháp quốc tế, hoặc luật pháp Trung Quốc để khẳng định quyền lợi của Trung Quốc. Các chiến lược quốc tế, ngoại giao mới của Trung Quốc là những điều còn tương đối ít được biết đến. Cùng với việc gia tăng đầu tư cho quân sự, cho các lĩnh vực công nghệ, khoa học trọng điểm, việc Bắc Kinh vận dụng các chiến lược này vào việc ‘‘chia rẽ phương Tây với phần còn lại của thế giới’’, làm xói mòn các hệ giá trị vốn là nền móng của các cơ chế hợp tác đa phương quốc tế từ gần một thế kỷ nay, là điều rất cần được làm rõ thêm.

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats