Trò chuyện với nhà báo Đinh Quang
Anh Thái về sự kiện nhà văn Dương Thu Hương
Thứ Ba, 04/25/2023 - 13:02 — tuankhanh
https://www.rfavietnam.com/node/7612
Tháng Tư 2023, nhà văn Dương Thu
Hương nhận giải văn chương Cino Del Duca – một giải thưởng danh giá chỉ đứng
sau Nobel Văn Chương, với trị giá € 200,000. Tác phẩm được chọn là “Chốn Vắng”
(Terre des oublies), mà theo tuyên bố của Ban Chấm Giải Cino Del Duca, là để
tri ân một nhà văn lớn có tác phẩm và nhân cách cùng những thành tựu đặc biệt
mang thông điệp của chủ nghĩa nhân văn hiện đại, được giải thưởng thế giới này
công nhận.”, theo ViaBooks.
Nhà văn Dương Thu Hương, 76 tuổi, rất nổi tiếng, cả ở Việt Nam, và ở
ngoại quốc, và đặc biệt là ở Pháp, nơi từng xuất bản hàng chục tiểu thuyết, chủ
yếu từ nhà xuất bản Sabine Wespieser, tất cả đều được dịch sang tiếng Pháp, từ
“Terre des oublies” (2016), cuốn sách được đọc nhiều nhất của bà, đến
“Eucalyptus Hills” (2014), “Au zénith” (2009).
Nữ văn sĩ hiện đang sống tại Pháp, là tác giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng
như “Bên kia bờ ảo vọng”, “Những thiên đường mù”… Những tác phẩm thể hiện sự bất
mãn của bản thân bà đối với chế độ cộng sản. Năm 1994, tác phẩm của bà nhận được
Huân chương Văn hóa Nghệ thuật Chevalier des Arts et des Lettres do Bộ trưởng
Văn hóa Pháp, Jacques Toubon trao tặng. Cuốn tiểu thuyết “Chốn vắng” của bà nằm
trong danh sách đề cử giải Femina và nhận Giải thưởng lớn Độc giả của tạp chí
Elle (Grand prix des lectrices de Elle) năm 2007.
Nhà văn Dương Thu Hương được biết đến như một người
từng có thời hết mực tận tụy với đảng Cộng sản Việt Nam và tự nhận là “thuộc thế
hệ xẻ Trường Sơn đánh Mỹ”, nhưng trong lần trả lời phỏng vấn của The New York
Public Library (live) ngày 30 Tháng Tư, 2006, bà nói: “Sau ngày 30 Tháng Tư, mọi người tràn vào Sài Gòn, những
người phương Bắc cười như điên dại, vì sung sướng. Riêng tôi, đối với mọi người,
giống một con điên, vì họ thấy tôi khóc như cha chết. Tôi khóc vì cảm thấy cuộc
chiến tranh là trò đùa của lịch sử, toàn bộ năng lượng của một dân tộc dồn vào
sự phi lý, và đội quân thắng trận thuộc về một thể chế man rợ. Tôi cảm thấy tuổi
trẻ của tôi mất đi một cách oan uổng, gieo vào tôi trạng thái hoang mang và cay
đắng…”
Hiện nay, các tác phẩm văn chương của nhà văn Dương Thu Hương bị cấm tại
Việt Nam vì lý do chính trị. Bà cũng từng phải vào tù vì dám lên tiếng phát biểu
phê phán việc áp dụng chủ nghĩa Marx-Lenin vào Việt Nam, phản đối độc quyền của
Đảng Cộng sản.
Tháng Tư năm 2006, nhà văn Dương Thu Hương được mời sang Paris và New
York, dự một hội nghị Văn bút Quốc tế. Sau khi kết thúc chuyến đi, bà xin lưu
trú tại Pháp.
Có lẽ vì vậy mà sự kiện lớn của người Việt Nam lại im lặng kỳ lạ trên cả
ngàn báo, đài truyền hình, radio của nhà cầm quyền. Vinh dự này chỉ có riêng cho dân tộc Việt Nam.
Cuộc trò chuyện với nhà báo Đinh Quang Anh Thái, một người bạn thân thiết của
nhà văn Dương Thu Hương, mở ra thêm nhiều điều thú vị.
Theo
cách giải thích của mình, thưa anh nghĩ sao khi một giải thưởng văn chương lớn
được trao cho người Việt Nam - mà trước đó ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng
bày tỏ mơ ước - lại không được nhắc đến trên toàn bộ hệ thống truyền thông?
Chuyện khá dễ hiểu, bà Dương Thu Hương xuất thân từ chế độ cộng sản, hiểu
và dũng cảm tố cáo nó. Bà chọn sống và viết với tự do của bản thân mình chứ
không phải là nhà văn phục vụ. Vì vậy, nhà nước Việt Nam không thể nào dám đăng
bất kỳ một bản tin nào về chuyện này cả. Ông Nguyễn Xuân Phúc trước khi rời
khỏi chức vụ thủ tướng, đã từng nói rằng, mơ ước một ngày nào đó sẽ có một nhà
văn Việt Nam đoạt giải quốc tế, Dĩ nhiên ông ta nói như vậy là nói về nhà văn
đoạt giải quốc tế phải là người được nhà nước cộng sản Việt Nam chấp nhận. Giải
này là chỉ đứng sau Nobel văn chương thôi, và biết đâu có thể là mở đường cho
bà Dương Thu Hương trở thành nhà văn đoạt giải Nobel, thế thì nếu nhà nước cho
phép đưa tin, thì đâm ra phải nhìn nhận một thực tế là một người cầm bút một
khi dám bước ra khỏi được cái vòng kim cô của đảng, thì họ mới có thể sáng tác
tự do được, và nhận được những cái giải danh giá như thế.
Nói về người cầm bút, mà ai ai cũng tuân lệnh viết theo ý của một tổng
biên tập, thì sẽ khó mà có thể nhận được sự nhìn nhận nào cả. Lịch sử đã có đủ
các ví dụ về điều này. Chẳng hạn với Aleksandr Solzhenitsyn hay Boris Pasternak
của Nga chẳng hạn. Họ được vinh danh vì đã can đảm viết bằng lương tâm của
mình, chấp nhận cả việc phải trả giá. Thành ra mình trông mong gì một nhà nước
độc tài như Việt Nam lại dám loan tin này, nhất là đối với người cầm bút bị coi
là đối nghịch.
.
Nhà
văn đại tá Chu Lai mới đây có nói trên báo chí nhà nước, tiếc rằng lâu nay văn
chương Việt Nam (tức văn chương trong sự chấp nhận của đảng và nhà nước) chưa
có tác phẩm đúng tầm. Theo anh “tầm” ở đây được diễn giải như thế nào?
Ông nhà văn đó nói vậy, chứng tỏ là ông ta không hiểu biết gì về văn
chương quốc tế cả. Không bao giờ những nhà văn bị kềm tỏa trong chế độ độc tài,
chỉ biết viết đúng với quyền lợi của họ được hưởng, thì họ cũng chỉ loanh quanh
ở trong cái vòng kim cô thôi. Bản chất của văn chương là tự do, mà nhà văn là
những người được mô tả là những con chim báo bão, viết những cho những gì xảy
ra trong thế hệ của mình, và có thể thế hệ tương lai, thì làm sao những nhà văn
mà cầm bút theo sự chỉ đạo của đảng cộng sản có thể ngang tầm hiếu như sinh hoạt
văn chương văn minh và tự do. Còn ông đại tá đó nói vậy, chỉ có thể khẳng định
rằng ông ta không biết gì về sinh hoạt văn học, nghệ thuật của thế giới tự do cả.
.
Có ý
kiến cho rằng bà Dương Thu Hương đoạt giải vì bà may mắn có những tác phẩm được
dịch ra tiếng nước ngoài để được nhận biết trong văn đàn thế giới. Thưa anh
nghĩ gì về chuyện lâu nay nhà nước Việt Nam không tập trung tiền của để tổ chức
dịch thuật những tác phẩm mà nhà nước tự cho là “đúng tầm”, nhằm tham gia với
thế giới. Và nếu theo suy nghĩ đó, liệu nhà văn Dương Thu Hương chỉ là may mắn
so những nhà văn “đúng tầm” trong nước, chỉ vì các tác phẩm của bà sớm được dịch
ra tiếng nước ngoài?
Trước hết, phải nói Dương Thu Hương là một người có tài viết văn, đủ để
chạm được vào nền văn học tự do của thế giới nói chung. Còn nếu nói tại sao nhà
nước Việt Nam không nghĩ đến chuyện tổ chức những dự án dịch các tác phẩm “đúng
tầm” để giới thiệu với thế giới, thì tôi cho rằng đó là một câu hỏi cho thấy rằng
mình vẫn còn tưởng tượng là nhà nước Việt Nam yêu văn chương, và cởi mở. Họ chỉ
dùng các công cụ nghệ thuật để tuyên truyền và chỉ vậy mà thôi. Thành ra không
có lý do gì một cái đảng như thế mà lại bỏ tiền dịch những cái tác phẩm có giá
trị, nhất là với những nhà văn suy nghĩ bằng cái đầu của mình. Còn nói về chuyện
các tác phẩm “đúng tầm” ấy được dịch thuật, thì thật lòng tôi muốn hỏi là những
tác phẩm đó ai sẽ đọc, và phục vụ cho ai?
.
Không
quốc gia, không được nhìn nhận từ chính quyền hiện tại… việc đoạt giải của nhà
văn Dương Thu Hương, ngoài việc đem lại danh tiếng cho bản thân mình thì bà có
mang lại một thông điệp nào khác cho giới cầm bút hay không?
Tôi cho đang là một sự khích lệ lớn lao với những người cầm bút tự do,
từ chối kiểm duyệt đang sống im lặng trong nước, hay những người cầm bút ngoài
nước. Sự thành công của nhà văn Dương Thu Hương chứng minh rằng không chỉ thỏa
hiệp và cúi đầu trước kiểm duyệt của kẻ độc tài là cách chọn lựa tốt nhất. Cuộc
tranh đấu lớn nhất và dai dẳng trong đời của người trí thức là cố giữ được bản
lĩnh và tinh thần sáng tạo tự do của mình, mà cuộc đời của bà Dương Thu Hương
là một minh chứng. Không phải giữ để mộng mơ về giải thưởng, mà điều đầu tiên
là mình giữ được mình, là một con người. Một con người tự do.
No comments:
Post a Comment