Saturday, 1 April 2023

THỜI VÀNG SON CỦA BẰNG ĐẠI HỌC ĐÃ QUA? (Lương Thái Sỹ / Saigon Nhỏ)

 



Thời vàng son của bằng đại học đã qua?

Lương Thái Sỹ
1 tháng 4, 2023

https://saigonnhonews.com/van-hoa-van-nghe/giao-duc/thoi-vang-son-cua-bang-dai-hoc-da-qua/

 

Theo một cuộc thăm dò mới nhất, phần lớn người Mỹ không còn nghĩ bằng đại học xứng đáng với chi phí bỏ ra, Wall Street Journal cho biết.

 

Đây là dấu hiệu về độ tin cậy thấp đối với bằng đại học, vốn được xem là “trang bị phải có” để tiến đến giấc mơ Mỹ. Cuộc khảo sát được WSJ hợp tác thực hiện với NORC, một tổ chức nghiên cứu phi đảng phái thuộc Đại học Chicago, cho thấy 56% người Mỹ nghĩ rằng kiếm được bằng cấp bốn năm là “sự đánh cược tồi vào tương lai” so với 42% người vẫn tin vào bằng cấp.

 

Năm 2013, theo cuộc khảo sát AAES của CNBC, 53% người Mỹ lạc quan về học đại học, 40% nói không. Đến năm 2017, cuộc khảo sát của WSJ/NBC qua điện thoại với 1,200 người trưởng thành cho thấy 49% người Mỹ tin bằng cấp bốn năm sẽ dẫn đến một công việc tốt và thu nhập cao hơn; 47% không nghĩ như thế.

 

Trong thăm dò mới, thái độ hoài nghi mạnh nhất ở giới trẻ từ 18-34 tuổi. Những người đã có bằng đại học cũng nằm trong số có quan điểm tiêu cực nhất về bằng cấp. Cuộc thăm dò báo hiệu sự thay đổi sâu sắc trong nhận thức của người Mỹ đối với giáo dục đại học trong thời gian tới. Ted Mitchell, chủ tịch Hội đồng Giáo dục Hoa Kỳ (American Council on Education), tổ chức có hơn 1,700 thành viên, nhận xét:

 

“Những phát hiện mới thực sự khiến tất cả những người tham gia giáo dục đại học phải tỉnh táo. Và nên xem đây là hồi chuông cảnh tỉnh. Chúng ta cần làm tốt hơn và cũng cần cải thiện cách làm. Theo tôi, đó là công thức duy nhất đúng để lấy lại niềm tin của công chúng”.

 

Mitchell nêu khoản nợ của sinh viên lên tới $1.7 ngàn tỷ và tỷ lệ tốt nghiệp thấp 60% tại các trường đại học bốn năm là hai trong số những nguyên nhân lớn nhất làm xói mòn niềm tin vào giáo dục đại học. Sự hoài nghi của công chúng đối với giáo dục đại học bắt đầu tăng sau cuộc suy thoái năm 2008 và tăng thêm trong đại dịch. Suốt thập niên qua, số ghi danh vào các trường cao đẳng Mỹ đã giảm khoảng 15% trong khi số chứng chỉ nghề được cấp tăng mạnh.

 

So với năm 2017, số nghi ngờ về giá trị của bằng đại học đông hơn ở nam giới, các đảng viên đảng Cộng hoà và những người sống ở vùng nông thôn. Nghi ngờ dẫn đến khoảng cách giới tính ngày càng lớn trong giáo dục đại học khi hàng trăm ngàn nam giới bỏ học đại học. Cuộc thăm dò mới cho thấy sự bất mãn đã lan rộng đến mọi nhóm tuổi, cả cư dân đô thị lẫn vùng ngoại ô.

 

Nhóm chiếm đa số mỏng manh giữ vững niềm tin vào giá trị của tấm bằng đại học là các đảng viên Dân chủ, những người có bằng đại học và những người kiếm được hơn $100,000 một năm. Nhưng số người có bằng đại học tin bằng đại học là “không đáng hy sinh” đã lên đến 42%, tăng 10% so với hai cuộc thăm dò trước. Phụ nữ và người Mỹ lớn tuổi ngày càng giảm sự tin tưởng vào bằng đại học. Chỉ còn 44% người trên 65 tuổi tin vào bằng đại học so với 56% của năm 2017. Phụ nữ từ 54% giảm xuống còn 44%.

 

Wall Street Journal thuật, trong những phụ nữ mất niềm tin vào sức mạnh của mảnh bằng đại học dù đã tốt nghiệp có Danielle Tobias, một kỹ thuật viên lọc máu 50 tuổi sống tại Lorain thuộc tiểu bang Ohio. Cha bà làm việc trong một nhà máy thép ở Cleveland, mẹ làm việc trong một tiệm bánh. Cả hai đều khuyến khích bà ghi danh vào đại học và bà đã tốt nghiệp trường Lake Erie College năm 2003 với khoản nợ vay sinh viên $85,000.

 

Làm việc tại một trại dạy cưỡi ngựa chỉ vài năm, bà nhận ra không thể kiếm đủ tiền nuôi thân và trả các khoản nợ sinh viên. Hiện Tobias đã chuyển sang làm kỹ thuật viên lọc máu và kiếm được 36,000 một năm tại một cơ sở y tế, nơi bà được đào tạo lại miễn phí. Tobias chỉ có thể trả $125 mỗi tháng (thấp nhất) cho các khoản vay sinh viên nên hiện khoản vay đã tăng vọt lên $145,000. Bà chấp nhận thực tế là “cho đến lúc chết vẫn chưa trả hết nợ!”.

 

Patsy Williams, 70 tuổi, làm nghề giúp việc tại Anderson thuộc tiểu bang South Carolina cho biết bà ít quan tâm đến chính trị được dạy trong trường đại học hơn là làm sao cho bảy đứa cháu của bà học đủ những thứ cần thiết để vào đời kiếm sống. Bryan Caplan, nhà kinh tế tại Đại học George Mason, người từng viết nhiều về giáo dục đại học, tin rằng học sinh trung học vẫn cần học lên đại học. Tiến sĩ Caplan nhận định: “Nhiều trường đại học đã đầu tư lãng phí vào các giáo trình quá chính trị”.

 

Kế hoạch xóa nợ sinh viên của Tổng thống Joe Biden không phải là kế hoạch duy nhất để giảm gánh nặng cho những người vay tiền đi học mà về cơ bản, kế hoạch cũng nhằm thay đổi cách trả các khoản vay và biến nhiều khoản vay thành trợ cấp đại học miễn phí.

 

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats