Monday 3 April 2023

PUTIN ĐANG CỐ GẮNG HẾT SỨC ĐỂ NGĂN CHẶN MỘT NƯỚC NGA MỚI (Margarita Lyutova phỏng vấn nhà xã hội học Nga Grigory Yudin)

 



Putin đang cố gắng hết sức để ngăn chặn một nước Nga mới

02.04.2023 09:26

Phỏng vấn nhà xã hội học Nga Grigory Yudin do Margarita Lyutova , cổng thông tin điện tử Mezura thực hiện.

Nguyên bản 24.02.2023: Grigory Yudin & Margarita Lyutova

Bản dịch rút gọn, tiếng Đức 06.03.2023: Ruth Altenhofer & Jennie Seitz

Bản dịch, tiếng Việt (từ bản tiếng Đức): Ninh Dương

 

Một số người muốn xây một bức tường khổng lồ bao quanh nước Nga, trong khi những người khác thầm hy vọng rằng mọi thứ sẽ sớm trở lại bình thường như một năm về trước, khi mà Nga chưa xâm lược Ukraine. Sự chung sống ở châu Âu sẽ diễn ra như thế nào nếu không chừng Putin này lại được tiếp nối bằng một Putin khác? Làm thế nào xã hội Nga có thể vượt qua nỗi sợ hãi và bất lực và sự suy xét có tính phê phán về nền văn hóa của chính mình đóng vai trò gì trong việc này?

 

Đó là nội dung phần thứ hai cuộc phỏng vấn lớn của Meduza với nhà xã hội học Matxcơva Grigory Yudin, trong đó ông cũng đã bày tỏ niềm hy vọng mong manh về một “nước Nga mới không thể tránh khỏi”.

 

                                                                *

 

Phần II: Putin đang cố gắng hết sức để ngăn chặn một nước Nga mới

 

Margarita Lyutova: Hình ảnh của Putin và Nga ở phương Tây đã thay đổi như thế nào trong năm vừa qua? Ông có nghĩ rằng người ta đã nhận thức được quy mô của mối đe dọa, điều mà cho đến năm 2022 đã bị đánh giá không đúng mức?

 

Grigory Yudin: Đến nay người ta đã thừa nhận rằng những ý tưởng chủ đạo trước đây [về Nga] trên cơ bản là sai. Hãy chờ xem những gì sẽ xảy ra. Phải nhớ rằng không ai trong chúng ta có một chuẩn bị cho chiều hướng phát triển này và do đó lối ứng xử theo phản ứng vẫn chiếm ưu thế.

 

Thật dễ để phát hiện ra rằng có một “Phe phái 23 tháng 2”: Đây là những người lên án cuộc xâm lược, nhưng lại mong muốn rằng, bằng cách nào đó, tất cả sẽ trôi qua và rồi sau đó mọi sinh hoạt lại trở nên bình thường như trước. Trước nhất, đó là giới tư bản toàn cầu chẳng hiểu tại sao họ lại phải mất tiền vì một nước Ukraine nào đó. Một bộ phận đáng kể trong cộng đồng doanh nghiệp Tây Âu không ngần ngại cho rằng đây sẽ là một kịch bản tối ưu và chờ đợi Ukraine rốt cuộc sẽ nhượng lại một phần lãnh thổ của mình.

 

Những lời kêu gọi đàm phán hiện nay chỉ là vô ích vì Vladimir Putin tin là sẽ giành được thắng lợi trong cuộc chiến.

 

Một số đang cố gắng công khai gây áp lực lên Ukraine (những sáng kiến ​​như vậy cũng có tại Đức, cho dù không nắm phần chủ yếu), trong khi những người khác chỉ đơn giản chờ cho khả năng kháng cự đến hồi kiệt quệ. Những lời kêu gọi đàm phán hiện nay chỉ là vô ích vì Vladimir Putin tin là sẽ giành được thắng lợi trong cuộc chiến này và không có ý định đối thoại với bất kỳ ai. Tuy nhiên, một khi đến lúc ông ta phải đảm bảo các vùng đất mình đã xâm chiếm, thì tình hình sẽ rẽ sang một hướng khác – và ông ta dư biết về những tâm trạng này [ở phương Tây – dek], ông ta biết rằng ông có thể sử dụng chúng cho mục tiêu của mình vào bất cứ lúc nào nếu cần thiết.

 

Putin dư biết về những tâm trạng này, ông ta biết rằng ông có thể sử dụng chúng cho mục tiêu của mình vào bất cứ lúc nào nếu cần thiết.

 

Nhiều chính trị gia nhìn nhận nó theo cách khác và nhận thức được sự nguy hiểm của một kịch bản như vậy. Tuy nhiên, để đưa ra một giải pháp thay thế, người ta cần có một dạng tầm nhìn về tương lai, không chỉ cho Ukraine mà còn cho cả Nga và toàn bộ lục địa. Chính điều này làm nảy sinh ra những khó khăn. Bộ phận châu Âu tham gia nhiều nhất vào cuộc chiến khẳng định rằng Nga không thể có một tương lai nào khác – đối với họ, đó là một quốc gia “bị tổn hại di truyền”, đáng bị coi như là một mối hiểm nguy. Sau Putin lại đến Putin – về điểm này, những người đại diện cho lập trường đó đồng ý với [người phát ngôn của Duma Quốc gia] Vyacheslav Volodin. Những hình ảnh về sự tàn bạo đầy thú tính của những người lính Nga củng cố thêm quan điểm này.

 

Nhưng điều gì sẽ diễn ra tiếp theo? Tất nhiên, có thể xây một bức tường bao quanh nước Nga và canh chừng nó bằng súng máy. Nhưng sau đó, nền an ninh sẽ bị phá vỡ trên toàn khu vực, vì nó sẽ dẫn đến chủ nghĩa phục thù không thể tránh khỏi hoặc một cuộc nội chiến kéo dài, và không thể nói trước được cái nào trong số này tồi tệ hơn cho tất cả chúng ta.

 

Tất nhiên, có thể xây một bức tường bao quanh nước Nga. Kết quả sẽ là một chủ nghĩa phục thù không thể tránh khỏi hoặc một cuộc nội chiến kéo dài

 

Những người suy nghĩ hợp lý như [Tổng thống Pháp] Emmanuel Macron cho rằng không thể đạt được an ninh mà không cân nhắc đến quyền lợi của Nga. Nhưng vì Macron cũng tin rằng nước Nga sẽ luôn có một Putin, nên ông đi đến một kết luận logic nhưng hoàn toàn vô vọng rằng người ta phải đàm phán với Putin. Và thực sự, chừng nào không ai muốn xóa sổ Nga khỏi bản đồ và có một dấu bằng giữa Nga và Putin, thì người ta phải đi đến một thỏa hiệp với Putin. Những kẻ sùi bọt mép cố gắng thuyết phục mọi người rằng nước Nga sẽ phải chịu số phận vĩnh cửu của Putin, và do đó cuối cùng trở thành các chính trị gia hàng đầu muốn đàm phán với Putin – mặc dù dường như họ muốn đạt được điều hoàn toàn ngược lại.

Sẽ không thể tháo gỡ nút thắt này khi nào câu hỏi về việc đại diện cho quyền lợi của Nga vẫn còn bỏ ngỏ. Giống như bất kỳ quốc gia nào khác, Nga có quyền được đảm bảo an ninh – Mọi thứ khác đều dẫn đến sự bất ổn. Tất nhiên, việc thảo luận đề tài này với Putin là vô nghĩa. Vì vậy, để tìm ra một chiến lược, người ta phải có một hình dung rõ ràng về một nước Nga không có Putin – một nước Nga mà người ta có thể đối thoại, như Volodymyr Zelensky đã tỉnh táo xác định.

 

Để tìm ra một chiến lược, người ta phải có một hình dung rõ ang về một nước Nga không có Putin – một nước Nga mà người ta có thể đối thoại.

 

Hơn nữa, rốt cuộc điều này sẽ tạo điều kiện cho giới tinh hoa hèn nhát Nga hành động. chính họ phải nhớ lại rằng tương lai của mình không phụ thuộc vào chỉ một người, rằng nước Nga cuối cùng sẽ tiếp tục tồn tại mà không có Putin. Cho đến khi nào nước Nga còn bị đánh đồng với chính phủ hiện tại của mình (hay chính xác hơn, thậm chí không phải chính phủ mà với một người đã gây sốc cho Hội đồng Bảo an của mình khi tấn công Ukraine), thì sẽ không có lối thoát. Vì lợi ích của mọi người, ta phải tách cái này ra khỏi cái kia. Kẻ duy nhất quan tâm đến sự đồng nhất hóa này là Vladimir Putin.

 

.

Có thể làm gì để phá vỡ sự đồng nhất hóa này? Người ta nghĩ ngay đến Belarus, quốc gia mà sau các cuộc biểu tình quần chúng, không còn ai đánh đồng nó với Lukashenko. Vậy chúng ta có cần biểu tình quần chúng không? Hay một chính phủ lưu vong nào đó đưa ra phác họa về một nước Nga mới với thế giới?

 

Hai điều này không loại trừ lẫn nhau. Lẽ dĩ nhiên, một phong trào nghiêm túc như phong trào ở Belarus, cuối cùng đã vạch trần bản chất chuyên chế của chính phủ này, chắc chắn sẽ hữu ích. Một phong trào như vậy cũng có thể được kích động bằng cách phác thảo một nước Nga khác. Nhất là, theo tôi, các điều kiện tiên quyết cho việc này dường như không quá tệ: Vladimir Putin, với cái nhìn hoàn toàn viển vông, kỳ quặc, hoang tưởng của mình về lịch sử, tất nhiên là không đại diện cho toàn thể nước Nga. Nga là một quốc gia khá rộng lớn, có đủ nguồn lực, có những lớp trẻ năng động nhìn thế giới bằng con mắt hoàn toàn khác. Putin đang cố gắng hết sức để ngăn chặn một nước Nga mới không thể tránh khỏi, nơi mà sẽ không có chỗ đứng cho ông ta.

 

Vladimir Putin, với cái nhìn hoàn toàn viển vông, kỳ quặc, hoang tưởng của mình về lịch sử, tất nhiên là không đại diện cho toàn thể nước Nga.

 

Dĩ nhiên, sau hai thập kỷ dưới thời Putin, người Nga đánh mất khả năng tưởng tượng một sự việc gì đó khác hơn. Nhưng cuộc sống sẽ đốc thúc chúng ta nâng cao trí tưởng tượng của mình lên đôi chút. Đất nước chúng ta đã rơi vào bế tắc, đã đến lúc chúng ta không thể không hiểu điều này. Chỉ đơn giản là vì chúng ta còn có vài mét ở phía trước, cho nên chúng ta tiếp tục di chuyển. Nhưng đó là một ngõ cụt, nó chẳng dẫn đến đâu cả.

 

.

Khi chúng ta xác định chủ đề trò chuyện trước cuộc phỏng vấn, ông đã nói về vấn đề thực trạng xã hội Nga hiện nay, sự nguyên tử hóa của nó, sự bất lực hành động tập thể và cho rằng trò chuyện về cảm giác bất lực tập nhiễm sẽ chỉ củng cố nó, đó chính là điều mà ông muốn tránh. Có phương cách nào để nói chuyện với xã hội mà không nuôi dưỡng cảm giác bất lực này không?

 

Trong khi cảm xúc cơ bản ở Nga là bị tổn thương, thì trạng thái tình cảm mạnh nhất mà mọi thứ ngày nay xoay quanh là nỗi sợ hãi. Nỗi sợ hiện hữu – sợ cơn thịnh nộ của một người cụ thể hoặc sợ chiến tranh, và nỗi sợ trừu tượng về sự hỗn loạn. Nỗi sợ hãi được nhân lên với sự khẳng định tên bạo chúa có đầy quyền năng và luôn nhận được những gì hắn ta muốn: Cho đến nay, hắn đã luôn nắm bắt được, vì thế mọi việc sẽ được tiếp tục như vậy. Nỗi sợ hãi nhân với sự tuyệt vọng này cần một câu trả lời.

 

Nỗi sợ hãi nhân với sự tuyệt vọng cần một câu trả lời

 

Nỗi sợ sẽ bị xua tan bằng hy vọng. Đây là hiệu ứng ngược lại. Phải đem nguồn hy vọng đến cho mọi người. Như vậy thì, những cáo buộc có cơ sở, xác đáng [đối với người dân ở Nga] sẽ không có triển vọng chính trị. Một lần nữa: Chúng có thể hiểu được, có cơ sở và hợp pháp, nhưng vô vọng về mặt chính trị. Chúng ta đang đối đầu với những người tin chắc và hoảng sợ trước sự bất lực của mình, còn bạn lại muốn đặt thêm hai cân tội lỗi trên vai họ. Điều gì rồi sẽ đến?

 

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để mang lại hy vọng trong tình huống này. Nguồn hy vọng đó là vạch rõ ra rằng mọi thứ có thể khác đi, rằng nước Nga có thể có một bộ mặt khác. Và một sự thật: Cho đến khi nào người dân ở Nga chưa nhận ra rằng họ đang đứng trong một ngõ cụt, họ sẽ không có động lực để lắng nghe một chút gì về nó – bởi điều này thật đáng sợ, khi đó họ sẽ phải thay đổi đôi phần về hiện trạng, một điều đủ sức đe dọa để không bị đem ra mổ xẻ.

 

Cho đến khi nào người dân Nga chưa nhận ra rằng họ đang đứng trong một ngõ cụt, họ sẽ không có động lực để lắng nghe một chút gì về nó –  rằng mọi thứ có thể khác đi, rằng nước Nga có thể mang bộ mặt khác.

 

Ở Nga, mọi luận đàm chuẩn tắc đã bị bóp nghẹt từ trong trứng nước: Đã từ lâu, không thể đặt câu hỏi xã hội phải được xây dựng như thế nào, làm thế nào để nó có thể được thực hiện một cách công bằng, trung thực và tốt đẹp. Nhiều năm trước, mọi người [trong các cuộc thăm dò] đã trả lời tôi như thế này: “Ở Nga? Không thể có.” Điều này cho thấy rằng luận đàm chuẩn tắc đang bị kìm hãm, nhưng nhu cầu đó chắc chắn sẽ tăng lên khi mọi người nhận thức rõ hơn về sự bế tắc này. Điều quan trọng là họ có được niềm hy vọng.

 

.

Trong cuộc sống sợ hãi nhân với tuyệt vọng này, liệu có điểm không thể quay trở lại, có khoảnh khắc nào mà hy vọng không còn đến với con người? Khi ai đó trình bày một kế hoạch cho một “tương lai tuyệt vời” không còn được lắng nghe?

 

Tôi không biết được. Khi chúng ta nói về trạng thái tình cảm – chúng không bao giờ là vĩnh cửu. Nhưng chúng ta có thể tưởng tượng rằng khi một trạng thái tình cảm được đẩy đến tình trạng cực đoan, nó sẽ phá hủy môi trường xã hội đến mức không còn gì có thể được xây dựng từ nó nữa không?

 

Tôi tin rằng nền văn hóa Nga có những đơn thuốc để vượt qua cuộc khủng hoảng sống còn này.

 

Tôi tin vào nước Nga. Tôi tin vào văn hóa Nga theo một ý nghĩa cụ thể – tôi tin rằng nó có những đơn thuốc để vượt qua cuộc khủng hoảng sống còn này. Sức mạnh của nó nằm ở đó. Không phải vì Pushkin là một nhà thơ vĩ đại. Nhưng mà vì nó là một kho tàng trí tuệ và những lời khuyên bảo, là giải đáp cho những câu hỏi mà chúng ta quan tâm ngày nay. Tôi tin rằng các nhà tư tưởng, nhà văn, các nguồn lực trí tuệ mà chúng tôi có, truyền thống và tập quán của chúng tôi có câu trả lời cho thách thức này.

 

.

Chắc hẳn ông ghi nhớ các cuộc đàm luận, phần lớn liên quan đến văn hóa Nga diễn ra vào lúc này: rằng nó mang tính đế chế, đã gây giống và nuôi dưỡng tâm tính nô lệ, v.v…

 

Tôi tin rằng thực sự có một yếu tố đế quốc mạnh mẽ trong văn hóa Nga và đã đến lúc phải xử lý nó. Sự sụp đổ của đế chế là một thời điểm tốt cho việc này. Nền văn hóa Nga có bị cạn kiệt trong đó không? Không, không hề. Điều tương tự cũng áp dụng cho [tác phẩm của một] tác giả cụ thể. Có thể tìm thấy ý tưởng đế quốc trong một tác giả cụ thể không? Bạn có thể và bạn nên làm. Nhưng liệu người ta có phải khước từ hay chấp thuận nó như một tổng thể không? Bạn không cần phải kết hôn với người đó với tất cả những sai sót của họ.

 

Tôi tin rằng thực sự có một yếu tố đế quốc mạnh mẽ trong văn hóa Nga và đã đến lúc phải xử lý nó.

 

Văn hóa phát triển bằng cách tự biến đổi, và cũng bằng cách tự phê bình. Nhưng phê bình không có nghĩa là phủ nhận chính mình. Lẽ giản đơn là khi đó bạn không còn biết bạn là ai và bạn chỉ trích điều gì: Nếu bạn phủ nhận chính mình, thì bạn sẽ chỉ trích từ quan điểm nào? Một nền văn hóa không thể chỉ mang tính đế quốc, bằng không sẽ không còn sự phê phán chủ nghĩa đế quốc – Như vậy là phải có một cái gì trong đó tạo ra sự phê phán này.

Chính bản thân văn hóa tạo ra các quan điểm để tự phê bình. Không có gì đáng xấu hổ về điều mà có thể định vị chúng [những ý tưởng đế quốc] trong văn hóa Nga, nêu ra và phân tích tương quan của chúng với các yếu tố khác. Không, nó không cạn kiệt trong đó. Cũng như văn hóa Đức không cạn kiệt trong chủ nghĩa đế quốc Đức hay văn hóa Anh trong chủ nghĩa đế quốc Anh.

 

Nguồn: https://www.dekoder.org/de/article/judin-putin-ukraine-verhandlungen-angst-kultur

 

.

Bài liên quan:

 

Phần I: Cuộc chiến này sẽ không bao giờ dừng lại

28.03.2023 09:27

Phỏng vấn nhà xã hội học Nga Grigory Yudin do Margarita Lyutova, cổng thông tin điện tử Mezura thực hiện.

Nguyên bản 24.02.2023: Grigory Yudin, Margarita Lyutova
Bản dịch, tiếng Đức 02.03.2023: Ruth Altenhofer, Jennie Seitz
Bản dịch, tiếng Việt (từ bản tiếng Đức): Ninh Dương

https://diendankhaiphong.org/cuoc-chien-nay-se-khong-bao-gio-dung-lai/

 

Grigory Yudin hiện là một trong những tiếng nói được theo dõi nhiều nhất trên các phương tiện truyền thông độc lập của Nga, và điều này không phải là không có lý do: Rất ít chuyên gia về luận đàm ở đó đã dự đoán cuộc tấn công của Nga vào Ukraine một cách chính xác như Yudin, người đã viết trong một bài đăng với tư cách khách mời cho openDemocracy hai ngày trước cuộc tấn công lớn bắt đầu vào ngày 24 tháng 2 năm 2022, rằng Putin sắp khởi động “cuộc chiến vô nghĩa nhất trong lịch sử của chúng ta”. 

 

Một năm sau, nhà xã hội học Moscow đã nói chuyện với Margarita Lyutova thuộc cổng thông tin điện tử Meduza về đánh giá hiện tại của ông đối với tình hình. Phần đầu của bài đề cập đến cảm giác bị tổn thương trong xã hội Nga, mầm mống phát sinh ra một “cuộc chiến vĩnh cửu” không chỉ dừng lại ở Ukraine, và tại sao Putin tin rằng ông đã làm mọi thứ đúng đắn, bất chấp những thất bại.

 

Phần I: Cuộc chiến này sẽ không bao giờ dừng lại

 

“Khi nào Putin còn ngồi trong điện Kremlin, chiến tranh sẽ còn tiếp diễn”

 

Hình : https://diendankhaiphong.files.wordpress.com/2023/03/nd01-photo-1-1.jpg

Nhà xã hội học Grigory Yudin trong một cuộc phỏng vấn với Meduza / Ảnh chụp màn hình từ Skashi Gordeevoy/Youtube

 

Margarita LyutovaChính sách của Nga ngày nay được nhiều người hiểu là đối với Putin, chiến tranh là một cuộc vận hành vô cùng tận. Trong thông điệp gần đây nhất gửi tới Quốc hội Liên bang, ông ta đã tái khẳng định rằng: ông sẽ không nói  bất kỳ một lời nào để miêu tả chiến thắng của Nga sẽ thể hiện như thế nào và điều gì sẽ xảy ra sau đó. Theo ông, kế hoạch của Putin có thực sự là một cuộc chiến vĩnh cửu?

 

Grigory Yudin: Vâng, tất nhiên, cuộc chiến này sẽ không bao giờ kết thúc. Nó không có mục tiêu để có thể chấm dứt sau khi đã đạt được. Nó sẽ tiếp tục diễn ra vì “họ” [trong suy nghĩ của Putin] là kẻ thù và muốn giết chúng tôi – và từ phía chúng tôi, cũng thế. Đối với Putin, đây là một cuộc đối đầu mang tính sống còn với một đối thủ có ý định tiêu diệt ông ta.

Khi nào Putin còn ngồi trong điện Kremlin, chiến tranh sẽ còn tiếp diễn.

Chúng ta không được ảo tưởng:  Khi nào Putin còn ngồi trong điện Kremlin, chiến tranh sẽ còn tiếp diễn. Nó sẽ tiếp tục mở rộng.

Quân đội Nga đang được gấp gáp tăng cường, nền kinh tế đang được chuyển đổi thành sản xuất vũ khí, và giáo dục trở thành một công cụ cho hệ thống tuyên truyền và huấn luyện quân sự. Đất nước này đang chuẩn bị cho một cuộc chiến lớn, nghiêm trọng.

 

.

Và như thế ngay từ đầu, chiến thắng của Putin là không thể có được?

 

Tuyệt đối không thể. Không ai đặt đó là mục tiêu, không có định nghĩa về một chiến thắng sẽ diễn như thế nào.

 

.

Vậy thì, mục tiêu của chiến tranh chỉ đơn giản là để duy trì quyền lực của Vladimir Putin?

 

Đại khái là như vậy:  Putin hình dung triều đại của mình là một cuộc chiến trường kỳ. Putin và những người xung quanh ông đã nói với chúng tôi trong nhiều năm rằng chiến tranh đang được tiến hành chống lại chúng tôi. Một số người không thừa nhận điều này, nhưng [Putin và đoàn tùy tùng] thực sự tin rằng họ bị vướng vào một cuộc chiến tranh từ bấy lâu nay. Và cuộc chiến này hiện đang bước vào giai đoạn quyết liệt đến mức dường như không có lối thoát. Trong thế giới quan đó, về cơ bản, chiến tranh là chuẩn mực. Chỉ cần tạm ngưng suy nghĩ hòa bình là trạng thái bình thường – bạn sẽ nhìn thấy tình hình qua đôi mắt họ. Như [Natalya Komarova,] thống đốc của khu tự trị Khanty-Mansi  đã nói, “Chiến tranh là một người bạn.”

.

Vào ngày 22 tháng 2 năm 2022, hai ngày trước cuộc xâm lược Ukraine, một bài báo của ông xuất hiện trên trang mạng openDemocracy, trong đó ông mô tả cuộc chiến lớn sắp xảy ra và sự dửng dưng của Putin trước những biện pháp trừng phạt do các nước phương Tây sẽ áp đặt để đối phó với cuộc chiến. Trong phần thứ hai, ông lập luận rằng cuộc chiến chống Ukraine sẽ trở thành “một trong những cuộc chiến vô nghĩa nhất trong lịch sử.” Ông có nghĩ rằng xã hội Nga đã bắt đầu thấm hiểu điều này trong năm vừa qua?

 

Không, tôi không nghĩ vậy. Rất nhiều người đã nhận ra điều này ngay lập tức, nhưng số người đã không gia tăng kể từ đó. Ở nước Nga ngày nay, một cảm xúc mạnh mẽ đang được lan rộng, và chính tại đây, đặc biệt là Vladimir Putin đã có được cộng hưởng với các bộ phận rộng rãi trong xã hội. Mặc dù không phải toàn bộ xã hội chia sẻ những lý thuyết viễn vông của ông, nhưng ông ta đã gây được tiếng vang và cũng tự tạo cho chính mình cái cảm xúc này. Cảm xúc đó là sự tổn thương, một sự tổn thương to lớn, vô bờ bến. Một sự xúc phạm mà không gì có thể xoa dịu được. Trong tình huống này, không thể nghĩ đến sự định hình hiệu quả các mối quan hệ quốc tế.

 

Ở nước Nga ngày nay, một cảm xúc mạnh mẽ đang lan rộng: một sự tổn thương to lớn, vô biên

 

Bạn biết đấy, tương tự như một đứa trẻ mới biết đi, nó bị xúc phạm và làm hại người khác. Tổn hại này ngày càng lớn hơn, và đến một lúc nào đó, đứa trẻ bắt đầu phá hủy cuộc sống của người khác và đồng thời ngay cả chính mình. Thế nhưng đứa trẻ không nhận thức được điều này, nó không hề nảy ra ý tưởng rằng phải chăm sóc xây dựng các mối quan hệ.

Ở Nga, có một câu châm ngôn hay: “Kẻ bị xúc phạm thích hợp cho việc khuân nước”.

Một ngày nào đó chúng ta sẽ hiểu rằng sự tổn thương này chống lại chính chúng ta, rằng tự chúng ta đang làm hại mình. Nhưng quá nhiều người trong chúng tôi vẫn bám víu vào sự tổn thương của họ.

 

.

Putin và xã hội Nga cảm thấy bị xúc phạm bởi ai? Từ khắp nơi trên thế giới? Từ phương Tây? Từ Hoa Kỳ?

 

Từ trật tự thế giới nói chung, một trật tự dường như không được công bằng, và vì vậy từ người chịu trách nhiệm về thế giới với tư cách là một đối tác cao cấp, có nghĩa là từ phía Hoa Kỳ. Đây là những lời buộc tội chống lại toàn thế giới – trong ý nghĩa cuộc sống của con người được xây dựng một cách tồi tệ.

 

Tôi luôn nhớ đến một lời tuyên bố của Putin vào giữa năm 2021. Vào thời điểm đó, ông vô cớ nói rằng, cuộc sống không có chỗ cho bất kỳ thứ hạnh phúc nào. Đó là một tuyên bố mạnh mẽ đối với một nhà lãnh đạo chính trị, người đúng ra nên cải thiện cuộc sống của người dân, mang đến cho họ mẫu mực lý tưởng và quan điểm. Và rồi người này nói [đại khái là]: “Không có bất kỳ một thứ hạnh phúc nào trong cuộc sống. Thế giới nói chung là một nơi tồi tệ, bất công và khó sống, nơi mà hình thức tồn tại duy nhất là không ngừng chiến đấu, ẩu đả và trong trường hợp cực đoan là giết chóc.”

 

Sự xúc phạm trên toàn thế giới này ăn sâu bám rễ ở Nga, và nó được quy chiếu vào kẻ được giả định chịu trách nhiệm với thế giới này: Hoa Kỳ. Thật vậy, bắt đầu từ một thời điểm nhất định, Hoa Kỳ đã đứng ra đảm nhận trách nhiệm toàn cầu –điều mà không phải lúc nào cũng thành công. Và chúng ta thấy rằng sự phẫn uất mà tôi đang nói đến bây giờ thực sự không chỉ có ở Nga (nơi nó diễn ra dưới những hình dạng khủng khiếp, đáng kinh sợ).

 

Các khu vực chịu tác động bởi sự phẫn uất này có xu hướng cảm thông Vladimir Putin hơn

 

Ở nhiều nơi trên thế giới, có một sự chỉ trích có cơ sở về trật tự thế giới hiện hành, về Hoa Kỳ là quốc gia đã nhận trách nhiệm, đã  trở thành bá chủ và, trên nhiều phương diện, là kẻ hưởng lợi từ trật tự đó. Chúng ta thấy, những khu vực chịu tác động của sự phẫn uất này có xu hướng cảm thông Vladimir Putin hơn. Đây là phía Nam bán cầu, nơi đã phải chịu đựng tình trạng bất bình đẳng ngày càng gia tăng trong nhiều thập kỷ và phần nào, ít nhất là về mặt biểu tượng, những cuộc phiêu lưu chính sách đối ngoại điên rồ mà Hoa Kỳ đã lao vào. Điều tương tự cũng có thể áp dụng được cho một số dân cư ở Bắc bán cầu, những người cũng cảm thấy bị xúc phạm và mình là nạn nhân. Hầu như ở đâu bạn gặp phải sự phẫn uất này, bạn cũng nhận rõ sự cảm thông cho hành vi của Putin ở đó.

 

Tôi không muốn nói rằng mối cảm thông này sẽ biến thành sự ủng hộ – bởi vì Putin không có gì để cung ứng. Ông ta liên tục tái tạo những sai lầm tương tự, trong một khuôn khổ ngày càng khủng khiếp hơn. Một trong những đồng nghiệp của tôi đã miêu tả nguyên tắc cơ bản trong chính sách đối ngoại của Nga rất chính xác: “Những gì người khác không được phép làm, chúng ta có thể làm.” Thật khó để bỏ qua thực tế là Putin đang tranh đấu cho chính những gì ông ta chỉ trích Hoa Kỳ. Vì vậy, rất khó lòng để hỗ trợ ông ta [ở nước ngoài], nhưng có nhiều người muốn đồng cảm với ông ta trong nỗi tổn thương này.

 

.

Có sự phẫn uất nào trong xã hội Nga trước Putin, vào những năm 1990? Hay nó chỉ được ươm giống dưới thời Putin?

 

Trong mỗi xã hội luôn có những cung bậc cảm xúc rất khác nhau. Một chính trị gia luôn phải tự tìm ra cái anh ta đặt cược. Tất nhiên, có một số lý do dẫn đến sự tổn thương này [trong xã hội Nga]. Chúng liên quan đến vai trò lên mặt giáo huấn của Hoa Kỳ và, ở một mức độ nào đó, của Tây Âu. Điều này được đóng gói về mặt ý thức hệ trong lý thuyết hiện đại hóa, theo đó có các nước phát triển và các nước đang phát triển. Và các nước phát triển dạy các nước đang phát triển – với  thiện chí nhân đạo và hỗ trợ: “Mọi người, hãy làm theo cách này và cách kia.”

 

Nói chung là không ai thích bị lên lớp. Nhất là một quốc gia rộng lớn mà bản thân nó có một quá khứ là đế quốc.

 

Nói chung, không ai thích được lên lớp.  Nhất là một quốc gia rộng lớn với một quá khứ đế quốc

 

Trên thực tế, tình hình phát triển vào những năm 1990 phức tạp hơn nhiều. Chúng ta không được phép quên rằng Nga [sau khi Liên Xô sụp đổ] đã được mời tham dự một loạt các diễn đàn quốc tế hàng đầu và đã có tác động đến các quyết định lớn trên toàn cầu. Chúng ta hãy nhớ sự quay đầu của Thủ tướng Yevgeny Primakov với Đại Tây Dương, nhớ đến việc Yeltsin ra lệnh triển khai quân đội đến Nam Tư – Nói một cách dễ hiểu, Nga cần phải được lắng nghe.

 

Dù sao, trong mọi trường hợp, có những nguồn lực ngoại giao có thể và cần được củng cố.

Nhưng giọng điệu giáo huấn này [đối với Nga], chắc chắn là có. Đó là kết quả của một sai lầm về ý thức hệ nghiêm trọng. Đối mặt với dự án xã hội chủ nghĩa thất bại, nhiều người tin rằng chỉ còn có một con đường thẳng tắp: thuyết “kết thúc của lịch sử” nổi tiếng. Về mặt này, vâng, các nhân tố cho sự phẫn uất là có, nhưng cũng có một số tiền đề cho những cảm xúc khác.

 

Có một số tường thuật tương khắc nhau về sự phân rã. Một trong đó là cuộc cách mạng nhân dân.

 

Ngoài ra, việc mô tả và trải nghiệm sự sụp đổ của Liên Xô như một thất bại thảm khốc chắc chắn đã không được soạn sẵn, có một số câu chuyện tương khắc nhau [mô tả tầm quan trọng của sự tan rã đối với dân chúng]. Một trong số đó nói về cuộc cách mạng nhân dân, một khoảnh khắc huy hoàng trong lịch sử của người Nga và các dân tộc khác vì họ đã lật đổ được chế độ chuyên chế kinh tởm. Tất nhiên, đúng ra quan điểm này sẽ không dẫn đến sự xúc phạm.

 

 

Nhưng Putin đã chọn con đường bị tổn thương. Ông tiếp tục thúc đẩy cảm xúc này ngày càng gia tăng.

Nhưng Putin đã chọn con đường bị tổn thương, điều phần nào liên quan đến cá tính của ông. Cũng không phải ngẫu nhiên mà một người  đã vượt lên vị trí dẫn đầu lại mắc chứng bệnh bẩm sinh. Để rồi Putin tiếp tục nuôi dưỡng cảm xúc này. Và sự tổn thương lại dễ lây nhiễm. Đúng là một cảm xúc tiện lợi: thứ nhất, bạn luôn cảm thấy rằng mình đúng, thứ hai, bạn cảm thấy bị hạ thấp một cách không xứng đáng.

 

.

Ông đã nhiều lần nói rằng ông không nghĩ  Putin sẽ dừng lại ở Ukraine. Nói một cách chính xác thì ý ông là gì? Moldova, các nước vùng Baltic hay một cuộc chiến tự hủy diệt với Mỹ?

 

Loại thế giới quan này về cơ bản không có biên giới. Trên thực tế, “Nước Nga không dừng lại ở bất kỳ nơi nào” là công thức chính thức. Đây là định nghĩa tiêu chuẩn của một đế chế, vì một đế chế không công nhận là có biên giới.

 

Các biên giới đầu tiên ở châu Âu được thiết lập vào năm 1648, với hòa ước Westphalia, mở đường cho sự kết thúc của các đế chế.  Lần đầu tiên, ý tưởng vạch đường biên giới giữa các quốc gia nảy sinh: “Chúng tôi ở đây, bạn ở đó.” Một đế chế không công nhận lối tư duy này: “Chúng tôi ở đó, nơi chúng tôi đã đến. Và bạn đang ở nơi chúng tôi chưa đến. Ngay khi chúng tôi đến đó, bạn sẽ biến mất.”

 

Theo logic này, về nguyên tắc, không có biên giới và không phải ngẫu nhiên mà chúng ta chưa bao giờ nghe nói về việc Nga chính thức công nhận bất kỳ biên giới nào. Cùng lắm là chúng tôi có cảm giác mơ hồ rằng có một phương Tây ở đâu đó, và nó quả là xa lạ với chúng tôi. Không hẳn nó không thuộc về chúng tôi, nhưng đó là nơi bắt đầu một khu vực rất khó chiếm giữ. Tất nhiên, đó là phương Tây theo nghĩa [hệ tư tưởng] mà nó đã có trong thời kỳ Xô Viết.

 

Putin nói khá rõ ràng và nghiêm túc rằng toàn bộ Đông Âu nằm trong phạm vi ảnh hưởng của ông.

 

Tôi muốn nhắc các bạn về tối hậu thư [của Putin đối với cho Mỹ và NATO] vào tháng 12 năm 2021: Vào thời điểm đó, Vladimir Putin đã nói rất rõ ràng và nghiêm túc rằng toàn bộ Đông Âu thuộc phạm vi ảnh hưởng của ông ta. Về mặt hình thức điều đó sẽ như thế nào, giữ hoặc mất chủ quyền bề ngoài – có gì là quan trọng? Phạm vi ảnh hưởng này chắc chắn cũng bao gồm cả nước CHDC Đức cũ, đơn giản vì Vladimir Putin liên kết nó với những ký ức cá nhân. Tôi thấy rất khó tưởng tượng rằng ông ta không coi lãnh thổ này là của mình. Chắc chắn là Putin có ý định khôi phục khu vực hiệp ước Warsaw – và sau đó xem nó sẽ ra sao.

 

Tôi thường nghe: “Thật nhảm nhí, làm thế nào có thể tiến hành được? Phi lý, điên rồ, ông ta không có đủ tiềm năng để làm điều đó!” Tôi muốn nhắc bạn rằng điều tương tự đã được nêu lên đối với Ukraine cách đây không lâu. Hoặc về Moldova, và bây giờ chúng ta nghe nói rằng chính phủ Moldova, Ukraine và Hoa Kỳ coi Moldova là đối tượng bị đe dọa nghiêm trọng. Chúng ta đã thấy rằng cái tên Moldova nhiều lần xuất hiện trong các kế hoạch cho các chiến dịch quân sự hiện tại, chỉ có điều là nó vẫn chưa xảy ra. Chúng ta nên phân biệt hai lẽ: một là ước tính xác suất thành công của một việc khi người  X thực hiện. Hai là ước tính xác suất người X sẽ tiến hành việc này cao đến mức nào. Ta có thể nghĩ đúng rằng nó chắc chắn sẽ dẫn đến thất bại, nhưng điều đó cũng không có nghĩa là người ấy sẽ không làm. Không phải là vì người đó phi lý, mà chẳng hạn bởi vì họ nghĩ rằng họ không có sự lựa chọn nào khác.

 

Chiến lược nói chung  [của Nga] diễn ra như sau: chúng tôi chiếm lấy một mẩu, tuyên bố đó là hợp pháp và trong bước kế tiếp, chúng tôi chiếm thêm mẩu khác dựa trên tính hợp pháp đó.

 

Một thỏa thuận ngừng bắn có thể được sử dụng để đảm bảo thu hoạch và bổ sung dự trữ

 

[Theo logic của chiến lược này], nói một cách đại khái, chúng tôi sẽ chiếm miền đông Ukraine trước, bằng một thỏa thuận ngừng bắn nào đó. Cách làm này dẫn đến việc đảm bảo thu hoạch đã gặt hái được và có thể bổ sung nguồn dự trữ. Cùng lúc, nền kinh tế toàn cầu có lý do chính đáng để quay trở lại Nga (mà phần lớn các nước  thậm chí còn chưa rời đi), ngược lại, sẽ không ai muốn đầu tư vào Ukraine trong những tình huống như vậy. Điều này sẽ tạo tiền đề cho một bước tiến xa hơn (của Nga) ở Ukraine.

 

Putin tin rằng NATO sẽ tan rã vào thời điểm đưa Điều 5 vào thử nghiệm.

 

Lúc đó, ở châu Âu sẽ sớm có những tiếng nói rằng: “Cuối cùng thì đó là lãnh thổ của họ, bây giờ đã có một thỏa thuận và điều đó cũng ổn thôi.” Nhưng, khoan đã, nếu đó là lãnh thổ của “họ”, lãnh thổ của Nga, với lý do là vì người dân ở đó nói tiếng Nga, thế thì chẳng hạn miền đông Estonia thì sao? Người ta có thể trả lời: Nhưng Estonia thuộc khối NATO! Nhưng mà liệu NATO có chiến đấu vì Estonia? Putin tin chắc rằng nếu Điều 5 của NATO được đưa vào thử nghiệm đúng thời điểm, NATO sẽ tan rã. Và vì một lý do đơn giản: Về cơ bản, họ biết rõ rằng họ đã lấy đi thứ gì đó không thuộc về mình, vì vậy họ sẽ lùi bước và không tranh giành nếu nó bị đe dọa nghiêm trọng.

 

Nếu không ai ở Tây Âu sẵn sàng chiến đấu cho các lãnh thổ ở phía Đông (hãy nhớ rằng, tất cả những điều này xảy ra [trong kịch bản này] sau khi việc Nga sáp nhập các vùng lãnh thổ Ukraine đã được hợp pháp hóa bằng các văn bản đã ký), thì tất nhiên là còn có Hoa Kỳ. Nhưng Hoa Kỳ có thể đã có một tổng thống khác vào thời điểm đó, người không quan tâm nhiều đến Đông Âu.

 

Putin sẽ nhận được nhiều ở mức mà người ta đồng ý cho ông ta

 

Hãy để tôi nói rõ: Tôi không cho rằng những gì đã nói là kịch bản có khả năng xảy ra nhất. Nó mô tả chiến lược của Putin, nhưng Putin không thống trị thế giới – ông ta sẽ nhận được nhiều như mức ông ấy được cho phép. Nhưng không thể loại trừ tất cả những việc này. Tôi đang nói về những điều khá thực tế.

 

.

Người ta có thể tưởng tượng rằng Putin và nhóm thân cận nhất của ông đã nghĩ như vậy vào ngày 24 tháng 2 năm 2022. Nhưng một năm đã trôi qua – và phương Tây không bị phân mảnh, hơn thế nữa, họ đang hỗ trợ hữu hiệu cho Ukraine. Có thể hình dung rằng năm nay và kết quả của chiến dịch quân sự của Nga đã có tác động đến thế giới quan mà bạn vừa mô tả không?

 

Vâng, chắc chắn rồi. Tôi cho rằng Vladimir Putin bây giờ tin rằng ông ta đã làm mọi thứ đúng đắn. Ngay cả nếu ông từng có hoài nghi, [bây giờ ông ta biết rằng họ] đã sai trái. Năm vừa qua đã cho ông ta thấy rằng nếu phương Tây quá gắn bó với Ukraine, thì hiển nhiên chính đây là khu vực trọng điểm để tấn công. Hơn nữa, điểm tốt là [theo quan điểm của Putin] các vấn đề hiện thời đã bộc lộ rõ ràng qua cuộc chiến thật mà giới lãnh đạo Nga tin là không thể tránh khỏi. Sẽ tồi tệ hơn thế [theo logic của họ] nếu có tham gia vào cuộc chiến tranh lớn [trong tương lai] với đội quân hiện nay. Nghĩa là, mọi thứ đang xảy ra chỉ củng cố thêm quan điểm của Putin.

 

Kế hoạch tấn công Kyiv chớp nhoáng đã thất bại. Nhưng ai nói đó là kế hoạch duy nhất?

Có một cụm từ như vầy: “Putin đã tính toán sai”. Nhưng cuối cùng chúng ta nên ngừng đánh giá thấp Vladimir Putin. Chắc chắn, chúng ta đã thấy rằng cuộc tấn công chớp nhoáng vào Kyiv đã được lên kế hoạch và nó đã thất bại. Nhưng ai nói đó là kế hoạch duy nhất?

Cuộc chiến này đã được chuẩn bị trong nhiều năm. Sẽ thật là kỳ quặc nếu nó chỉ có một phương án. Đối với một người cai trị từ lâu nay đã không nghĩ gì khác ngoài việc chuẩn bị cho cuộc chiến này thì nó không như vậy. [Theo logic của Putin thì có vẻ như thế này:] “Vâng, nó không diễn ra hoàn hảo, nhưng điều đó không có gì là quan trọng, chúng tôi sẽ tiếp tục. Nếu cần, chúng tôi sẵn sàng đổ nhiều máu nhất – còn họ thì không. [Ukraine] là của chúng tôi và đến một lúc nào đó họ sẽ nhận ra điều đó và ngừng hy sinh các nguồn lực quý giá của họ”.
 

Theo logic của Putin, nghe có vẻ như thế này: Nếu cần, chúng tôi sẵn sàng đổ máu nhiều nhất – còn họ thì không.

 

Tôi không nói rằng chiến thuật này sẽ hiệu quả. Hơn nữa, tôi nghĩ rằng chính logic của Putin khiến ông ấy phải thất bại – ông ấy muốn thua một cách vô thức. Câu hỏi đặt ra là có bao nhiêu người sẽ chết trước khi điều đó xảy ra. Nhưng nếu chúng ta muốn đo lường tình hình, chúng ta cần hiểu logic của những người [đang nắm quyền ở Nga].

 

.

Theo ông, liệu có điều gì buộc Putin phải đặt câu hỏi về thế giới quan của mình không?

 

Không. Không có gì cả.

./.

Nguồnhttps://www.dekoder.org/de/article/krieg-ukraine-judin-ziel-putin-analyse

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats