Tuesday, 4 April 2023

NATO CHÍNH THỨC KẾT NẠP PHẦN LAN, ĐÁNH DẤU MỘT BƯỚC NGOẶT LỊCH SỬ (Trọng Nghĩa / RFI)

 



NỘI DUNG :

NATO chính thức kết nạp Phần Lan, đánh dấu một bước ngoặt lịch sử

Trọng Nghĩa  -  RFI

.

Phần Lan gia nhập NATO – thêm một khẩu súng đặt trước cửa Nga

Việt Bình  -  Saigon Nhỏ

===============================================

.

.

NATO chính thức kết nạp Phần Lan, đánh dấu một bước ngoặt lịch sử

Trọng Nghĩa  -  RFI

Đăng ngày: 04/04/2023 - 14:25

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230404-nato-ch%C3%ADnh-th%E1%BB%A9c-k%E1%BA%BFt-n%E1%BA%A1p.....8Bch-s%E1%BB%AD

 

Sau ba thập kỷ duy trì quy chế trung lập, không liên kết quân sự với bất kỳ nước nào, Phần Lan ngày hôm nay, 04/04/2023 đã chính thức gia nhập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO. Sự kiện này đánh dấu một bước ngoặt chiến lược của khối, một tiến trình được đẩy mạnh từ lúc Nga xâm lược Ukraina.

 

https://s.rfi.fr/media/display/f7c1f8f8-d2ce-11ed-80d9-005056bf30b7/w:980/p:16x9/AP23094344817937.webp

Cờ các nước thành viên trước trụ sử NATO, tại Bruxelles, ngày 04/04/2023. AP - Geert Vanden Wijngaert

 

Trong một buổi lễ đầy biểu tượng tại trụ sở của NATO ở Bruxelles, thủ đô nước Bỉ, với sự tham dự của ngoại trưởng các nước trong Liên Minh, quốc gia Bắc Âu có chung đường biên giới dài 1.300 km với Nga, trở thành thành viên NATO thứ 31, vào đúng ngày Liên Minh chính thức ra đời hồi năm 1949.

 

Sự kiện Nga xâm lược Ukraina cách nay hơn một năm đã khuấy động nền an ninh châu Âu và thúc đẩy hai nước Phần Lan và Thụy Điển tìm kiếm sự bảo vệ từ NATO.

 

Theo thông tín viên RFI Pierre Benazet tại Bruxelles, việc Phần Lan gia nhập NATO sẽ đánh dấu một thay đổi địa chính trị lớn đối với Nga:

 

"Sáng thứ Ba này, Thổ Nhĩ Kỳ chính thức nộp lên NATO văn kiện phê chuẩn “nghị định thư gia nhập” Liên Minh của Phần Lan. Sau đó, đến lượt Phần Lan nộp các tài liệu xin gia nhập, qua đó chính thức trở thành thành viên thứ 31 của Liên Minh Đại Tây Dương.

 

Các sự kiện nói trên diễn ra trong một buổi lễ đầy ý nghĩa biểu tượng tại Bruxelles vào lúc 15g30 giờ địa phương (13g30 giờ quốc tế), nơi lá cờ Phần Lan mang hình chữ thập Scandinavia màu xanh lam trên nền trắng được kéo lên, giữa quốc kỳ Estonia và Pháp.

 

Ý nghĩa biểu tượng lớn nhất của sự kiện Phần Lan gia nhập NATO liên quan đến cuộc đối đầu giữa phương Tây và Nga vì tư cách thành viên NATO của quốc gia Bắc Âu này đã kết thúc thời kỳ trung lập mà Phần Lan quyết định từ năm 1944 để giữ hòa khí với Liên Xô.

 

Cuộc xâm lược Ukraina, thái độ khẳng định uy lực địa chiến lược của Matxcơva đã có tác dụng ngược lại với ý đinh ban đầu, vì kể từ nay, Nga phải chia sẻ 1.340 km biên giới mới với một quốc gia NATO, với việc Phần Lan được cả khối bảo vệ căn cứ theo Điều 5 của Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương.

 

Theo cùng một logic, vào hôm nay, các thành viên NATO có kế hoạch thảo luận về việc tăng chi tiêu quân sự dài hạn, một hệ quả địa chiến lược khác của cuộc xâm lược Ukraina.”

 

Về mặt địa lý chiến lược, với việc Phần Lan được kết nạp vào NATO, các nước vùng Baltic láng giềng của Nga sẽ có thêm bảo đảm về an ninh. Vốn chỉ có đường biên giới đất liền vỏn vẹn 65 km với các đồng minh ở phía nam, giờ đây, các quốc gia Baltic đã có được một đồng minh ở biên giới phía bắc của mình, ngay bên kia biển Baltic.

 

Xa hơn về phía bắc châu Âu cũng vậy, việc Phần Lan gia nhập NATO sẽ giúp củng cố tuyến phòng thủ ở vùng biên giới Na Uy-Nga, và nói chung là tăng cường trọng lượng của Liên Minh ở khu vực Bắc Cực chống lại cả Matxcơva lẫn Bắc Kinh.

 

Phải nói là bất chấp quan điểm trung lập của họ trong 79 năm qua, Phần Lan chưa bao giờ lơ là khả năng quân sự của mình. Quốc gia này hiện có một kho vũ khí đáng kể trên lục địa châu Âu, với khoảng 1.500 khẩu pháo, một trăm xe tăng Leopard 2. Nước này cũng có khoảng 50 máy bay chiến đấu F/A 18 Hornet và đã đặt mua hơn 60 chiếc F-35 của Mỹ. NATO cũng sẽ có thể trông cậy vào 19.000 binh sĩ và khoảng 280.000 quân dự bị của Phần Lan.

.

===============================================

.

.

Phần Lan gia nhập NATO – thêm một khẩu súng đặt trước cửa Nga

Việt Bình  -  Saigon Nhỏ
4 tháng 4, 2023

https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/phan-lan-gia-nhap-nato-them-mot-khau-sung-dat-truoc-cua-nga/

 

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương chính thức chào đón Phần Lan với tư cách thành viên thứ 31 vào Thứ Ba 4 Tháng Tư 2023, đánh dấu một sự thay đổi lớn trong bối cảnh an ninh ở Đông Bắc châu Âu.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/04/GettyImages-1250743080.jpg

Kể từ ngày 4 Tháng Tư 2023, NATO có thêm thành viên thứ 31 (ảnh: Dursun Aydemir/Anadolu Agency via Getty Images)

 

Việc gia nhập của quốc gia Bắc Âu Phần Lan sẽ được thực hiện trong buổi lễ kết nạp chính thức được tổ chức tại trụ sở NATO ở Brussels vào ngày 4 Tháng Tư 2023. Việc Phần Lan chấp nhận tham gia liên minh an ninh do Hoa Kỳ lãnh đạo giáng một đòn mạnh vào Tổng thống Nga Vladimir Putin. Cuộc xâm lược Ukraine của Moscow đã khiến Phần Lan và Thụy Điển vốn chủ trương không liên kết phải từ bỏ vị trí trung lập và tìm kiếm sự bảo vệ trong NATO, dù nỗ lực gia nhập NATO của Thụy Điển bị các thành viên Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary ngăn cản.

 

Phản ứng trước việc Phần Lan “kết bè kết đám” với NATO, Nga cảnh báo rằng việc mở rộng NATO sẽ không mang lại sự ổn định hơn cho châu Âu. Ngày 3 Tháng Tư 2023, Kremlin cho biết họ sẽ tăng cường lực lượng gần biên giới Phần Lan nếu NATO gửi bất kỳ binh sĩ hoặc thiết bị nào đến quốc gia tân thành viên. “Chúng tôi sẽ tăng cường khả năng quân sự của mình ở phía Tây và Tây Bắc nếu các thành viên NATO triển khai lực lượng và thiết bị trên lãnh thổ Phần Lan”, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko nói với hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti.

 

Trước thời điểm Phần Lan gia nhập NATO, Nga có chung khoảng 1,215 km (755 dặm) biên giới đất liền với năm thành viên NATO. Sự gia nhập của Phần Lan đã giúp tăng gấp đôi biên giới đất liền của NATO với Nga.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/04/GettyImages-1249670109.jpg

Một đoạn biên giới Nga và Phần Lan (ảnh: Steffen Trumpf/picture alliance via Getty Images)

 

Tư cách thành viên NATO của Phần Lan bảo đảm cho quốc gia Bắc Âu này việc tiếp cận các nguồn lực của toàn bộ liên minh trong trường hợp bị tấn công. Phần Lan vốn không xa lạ gì trong việc hợp tác với NATO. Quân đội của họ thường xuyên tham gia các cuộc tập trận của NATO dưới tư cách đối tác.

 

Lực lượng Phòng vệ Phần Lan vận hành một số hệ thống vũ khí giống như các thành viên NATO khác, trong đó có máy bay chiến đấu F/A-18 do Mỹ sản xuất, xe tăng Leopard do Đức thiết kế và pháo K9 được Na Uy và Estonia sử dụng. Helsinki cũng đã ký kết chương trình sử dụng máy bay chiến đấu tàng hình F-35, cho phép lực lượng không quân nước này phối hợp nhịp nhàng với các thành viên NATO bao gồm Mỹ, Anh, Na Uy, Ý, Canada, Ba Lan, Đan Mạch và Hà Lan. Ngoài ra, Phần Lan có 900,000 quân dự bị được đào tạo bài bản, sẵn sàng hỗ trợ 280,000 quân chính quy một khi có yêu cầu.

 

Một báo cáo Tháng Mười Một 2022 từ Trung tâm Wilson có trụ sở tại Washington liệt kê ba lĩnh vực chính mà Phần Lan mang lại lợi ích cho NATO: Lực lượng dự bị, khả năng tiếp cận công nghệ và lực lượng pháo binh. Báo cáo cho biết:

 

“Lực lượng pháo binh của Phần Lan là lực lượng lớn nhất và được trang bị tốt nhất ở Tây Âu. Với khoảng 1,500 khẩu pháo, bao gồm 700 khẩu đại bác, 700 súng cối hạng nặng và 100 hệ thống phóng tên lửa, pháo binh Phần Lan có hỏa lực mạnh hơn sức mạnh tổng hợp của quân đội Ba Lan, Đức, Na Uy và Thụy Điển hiện có”. Báo cáo của Trung tâm Wilson cũng chỉ ra rằng quốc gia này là nơi khai sinh hãng Nokia, “nhà cung cấp cơ sở hạ tầng 5G chính” và là một trong ba nhà cung cấp cơ sở hạ tầng 5G lớn trên thế giới, cùng với Ericsson của Thụy Điển và Huawei của Trung Quốc.

 

Việc gia nhập của Phần Lan diễn ra vài ngày sau khi Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ bỏ phiếu phê chuẩn tư cách thành viên của nước này. Sự ủng hộ của công chúng Phần Lan và Thụy Điển đối với việc gia nhập NATO đã tăng lên sau cuộc xâm lược Ukraine. “Mọi thứ đã thay đổi khi Nga xâm chiếm Ukraine,” Thủ tướng Phần Lan sắp mãn nhiệm Sanna Marin cho biết vào Tháng Tư năm ngoái.

 

Việc Phần Lan gia nhập NATO trái ngược với vị thế và triển vọng của Ukraine trong liên minh. Thụy Điển cũng vẫn chưa thể gia nhập NATO do sự cản trở của Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Thổ Recep Tayyip Erdogan – muốn ghi điểm chính trị trong nước – đã ngáng đường Thụy Điển, với lý do Stockholm từ chối dẫn độ những người mà Thổ gọi là “những kẻ khủng bố” có liên kết với Đảng Công nhân người Kurd (PKK). Hungary cũng chưa bấm nút “OK” đối với Thụy Điển. Zoltan Kovacs, phát ngôn viên chính phủ Hungary, đã đưa ra một danh sách dài liệt kê những bất bình đối với Stockholm, cáo buộc họ “sử dụng ảnh hưởng chính trị để làm tổn hại lợi ích Hungary”.

 

Lễ kết nạp Phần Lan được thực hiện với nghi thức kéo cờ tại trụ sở NATO, đúng vào sinh nhật của tổ chức này, dịp kỷ niệm lần thứ 74 ngày ký kết Hiệp ước Washington thành lập NATO vào ngày 4 Tháng Tư 1949.

 

Trong rất nhiều hậu quả từ cuộc xâm lược Ukraine của Vladimir Putin, việc NATO được mở rộng thêm thành viên, trong trường hợp này là Phần Lan, có thể được xem là thất bại chính trị tệ hại nhất đối với Putin bởi ảnh hưởng lâu dài của sự kiện. Điều đó chẳng khác gì Putin gián tiếp mở cửa biên giới trong khi NATO hoàn toàn có “lý do chính đáng” để đặt thêm một khẩu súng chĩa vào lãnh thổ Nga.

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats