24/04/2023
https://thuymyrfi.blogspot.com/2023/04/nguyen-hung-quoc-mot-lan-gap-duong-thu.html#more
Mấy ngày vừa qua, trên Facebook, nhiều người xôn
xao vì một tin vui: nhà văn Dương Thu Hương được giải Cino Del Duca trị giá
200.000 euro của Pháp.
Tôi cũng vui.
Tôi gặp Dương Thu Hương một lần ở Hà Nội vào
cuối năm 1996. Tối đó có cả nhà thơ Lê Đạt. Chúng tôi ăn tối trong một nhà
hàng, thú thực, đến nay, tôi hoàn toàn không nhớ tên. Cũng không nhớ đã ăn món
gì. Chỉ nhớ những lời Dương Thu Hương kể về cuộc đời của chị, về công việc viết
lách của chị.
Ấn tượng lớn nhất trong tôi là sự thẳng thắn của
chị. Dường như chị không e dè gì cả. Giữa nhà hàng khá đông khách, chị cứ oang
oang: “Bọn cộng sản” thế này, “bọn cộng sản” thế kia. Đó là lần đầu tiên tôi về
Việt Nam và lần đầu tiên tôi đến Hà Nội. Tôi rất ngại chuyện bị công an theo dõi.
Ăn xong, tôi định trả tiền, nhưng Dương Thu
Hương cương quyết từ chối. Chị dứt khoát: “Tôi trả!” Lê Đạt đưa mắt nhìn
tôi: “Tính cô ấy thế. Để cô ấy trả đi!”
Chúng tôi ghé lại một quán cà phê trên bờ hồ
Hoàn Kiếm để nói chuyện tiếp. Vẫn chuyện văn chương, và, thỉnh thoảng, chuyện
chính trị. Giọng Dương Thu Hương vẫn lớn và vẫn gay gắt về những biểu hiện độc
tài tại Việt Nam. Tôi lắng nghe là chính. Mãi đến gần khuya, khi quán chuẩn bị
đóng cửa, câu chuyện mới chấm dứt.
Tôi về nhà trọ của một người bạn, giáo sư Nguyễn
Xuân Thu, trên đường Nguyễn Khuyến. Anh đã ngủ nên tôi không kể chuyện gặp
Dương Thu Hương.
Sáng hôm sau, tôi bay vào Sài Gòn sớm. Anh Thu
bị công an gọi lên “làm việc”. Người ta hỏi anh: Sao gặp Dương Thu Hương? Gặp,
nói chuyện gì? Anh Thu phủ nhận. Anh khẳng định dứt khoát là không hề có chuyện
đó. Công an cũng dứt khoát: Người của chúng tôi đã theo dõi anh từ nhà hàng đến
quán cà phê và cuối cùng, đến tận nhà anh ở số 52B đường Nguyễn Khuyến. Anh Thu
vẫn chối. Mấy ngày sau, công an lại gọi anh Thu lên, xác minh lại: Không phải
anh, mà là người đàn ông ở chung với anh, cao lớn hơn anh, đã gặp Dương Thu
Hương. “Người đó là ai?”
Mấy ngày sau, tại Sài Gòn, tôi bị công an gọi
lên “làm việc”. Lúc ấy tôi ở tại nhà em trai của tôi, họa sĩ Nguyễn Hưng Trinh,
nhưng không khai báo tạm trú. Công an không biết tôi ở đâu. Họ bèn gửi giấy “mời”
đến Song Chi, lúc ấy là em dâu của tôi, đang làm việc ở báo Thanh Niên, nhờ
chuyển lại. Tôi đến Cục Xuất nhập cảnh ở số 254 đường Nguyễn Trãi, quận 1, để
“làm việc”. Người ta hỏi tôi về việc viết lách ở hải ngoại và, đặc biệt, về cuốn
“Văn học Việt Nam dưới chế độ cộng sản” tôi xuất bản năm 1991. Trong câu
chuyện, có một câu hỏi: “Ở Hà Nội, gặp Dương Thu Hương để làm gì?”
Mới thấy công an Việt Nam theo dõi Dương Thu
Hương kỹ đến độ nào.
NGUYỄN HƯNG
QUỐC 24.04.2023
Publié par Thụy My RFI à 18:08
No comments:
Post a Comment