Saturday 1 April 2023

LÊ VĂN DUYỆT - CON NGƯỜI và SỰ HÌNH THÀNH CÁ TÍNH NAM BỘ (Nguyễn Đức Hiệp)

 



Lê Văn Duyệt – Con người và sự hình thành cá tính Nam bộ    

Nguyễn Đức Hiệp 

29/03/2023 21:29

https://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/le-van-duyet-2013-con-nguoi-va-su-hinh-thanh-ca-tinh-nam-bo

 

Lê Văn Duyệt (1764-1832) có ảnh hưởng đến miền Nam như thế nào và mặc dù là tướng cầm quân và là người nghiêm khắc nhưng ông lại được nhiều người trong vùng đất Gia Định (tức toàn vùng Nam bộ) nhớ ơn và kính trọng. Không những chỉ là người Việt lưu dân mà cả người Hoa, người sắc tộc bản xứ (Mạ và Stieng), người Chăm và Khmer đều kính trọng tưởng nhớ đến vị tổng trấn Gia Định thành trên vùng đất mà tất cả họ cư ngụ sinh sống. Những lý do gì mà nhiều người Việt gốc Hoa ở Chợ Lớn qua nhiều đời cho đến ngày nay vào dịp giỗ ông hay vào dịp những ngày Tết đều cất công đến lăng ông ở Bà Chiểu để cúng, tưởng nhớ đến vị tổng trấn mà họ ngưỡng mộ và nhớ ơn?

 

Bài này có mục đích phân tích những lý do trong đó vai trò lãnh đạo và tầm nhìn của Lê Văn Duyệt về kiến tạo một xã hội dung dưỡng đa văn hóa để phát triển vùng đất mới, tạo ra con người với cá tính mới, cởi mở đón nhận ý tưởng khác lạ miễn là thực dụng trong cuộc sống của một xã hội, dần kết tinh hình thành một nền văn hóa mới. Một văn hóa Nam bộ với tinh thần khai phóng trong đó con người chấp nhận sự khác nhau. Đó là tâm hồn người Nam bộ mà Lê Văn Duyệt một phần đã gầy dựng và tạo ra.


.

Tóm lược thân thế và con người

Tổ tiên Lê Văn Duyệt, gốc người Quảng Ngãi (huyện Chương Nghĩa). Ông nội Lê Văn Duyệt là Lê Văn Hiếu với con trai là Lê Văn Thoại đi vào Gia Định, đến làng Hòa Khánh, gần vàm sông Tòa-Lọt, hạt Định Tường (Mỹ Tho) lập nghiệp (Cao Hải Đề, 1924). Sau khi ông Hiếu mất, Lê Văn Toại (hoặc Thoại) sau đó rời hạt Định Tường đến định cư ở Rạch Gầm (Kim Sơn, làng Long Hưng) lập nghiệp mới. Lê Văn Toại sinh ra 4 người con trai mà ông Lê Văn Duyệt là lớn nhất, vóc vác ông lùn nhỏ nhưng mạnh mẻ và có tài lực. Theo sách về tiểu sử Lê Văn Duyệt in năm 1924 của Cao Hải Đề, người đã đi về quê Lê Văn Duyệt ở Rạch Gầm tìm hiểu, gặp người già cả kể chuyện lại, thì ông Lê Văn Toai chỉ có hai con trai Lê Văn Duyệt và Lê Văn Phong. Nhân khi chúa Nguyễn Ánh đang trốn quân Tây Sơn lùng bắt, đến ẩn trú tại nhà ông Lê Văn Toại, Lê Văn Duyệt được theo hầu chúa làm Thái giám thời gian đầu (Cao Hải Đề 1924).

 

Năm 1788, Nguyễn Ánh chia quân đội mình thành các dinh (hay quân) gọi là Tiền quân, Hậu quân, Trung quân, Tả quân và Hữu quân. Trung quân chủ yếu là thủy quân trong khi Tả quân là quân đoàn bộ binh lớn. Ông theo Nguyễn Ánh bắt đầu từ chức nhỏ trong Tả quân, lập nhiều chiến công từ Qui Nhơn (Bình Định), Diên Khánh (Khánh Hòa) đến Phú Xuân (Huế) và Bắc Hà. Năm 1802, trước khi Nguyễn Ánh mang quân ra Bắc Hà thống nhất đất nước, Lê Văn Duyệt được phong Chưởng Tả quân cầm đâu quân đoàn quan trọng nhất trong lực lượng của Nguyễn Ánh (Cao Tự Thanh, 2008). Lê Văn Duyệt được gọi là Tả quân Lê Văn Duyệt, và sau này khi giữ chức tổng trấn Gia Định thành thời Gia Long và Minh Mạng, ông cũng được gọi tổng trấn Lê Văn Duyệt. Tên chức vụ đầy đủ chính thức của ông là Vọng Các Công Thần, Chưởng Tả Quân Bình Tây Tướng-Quân Quận-Công Gia Định Thành Tổng Trấn.

Đối với thuộc hạ và binh lính dưới quyền, Lê Văn Duyệt rất nghiêm nhưng cũng thấu hiểu tình cảnh của họ. Năm 1803, năm Gia Long thứ hai, nhà vua ra lệnh đem các quân ra kinh đô Huế xây đắp kinh thành. Duyệt tâu rằng (Đặng Thúc Liêng, 1934):

 

Trước vua ở Gia-Định có tuyên dụ với tướng sĩ rằng nếu lấy được kinh thành rồi thời lập tức cho chúng trở về nghỉ ngơi. Nay kinh thành thâu phục được rồi, Bắc-hà cũng đã định xong, mà kẻ thời lại lưu thú, kẻ thời đi đấp sửa thành trì, hết năm nầy, tới năm khác, chừng nào mới tới kỳ được về mà nghỉ?. Vậy thời linh triều đình thủ tín ra sao? Và lòng người Gia Định trông đợi ra sao?

Vua xuống dụ dạy rằng: “Các tướng sĩ khó nhọc rất lâu, trẩm cũng nhớ vậy. Nhưng, kinh thành là chỗ cần bổn trọng yếu cần phải nhọc nhằn một lần cho xong mới để được về sau cái nền an đật lâu dài”

Vua dụ như vậy, nhưng Duyệt vẫn cố chấp, can vua nghĩ vậy không nên. Vua phải hiểu dụ tới đôi ba lần mới thôi.

Lê Văn Duyệt nổi tiếng nghiêm minh và công tâm, trọng công lý mà cho đến gần đây, người dân Sài-Gòn – Chợ Lớn – Gia Định thường nói thách nhau “vô lăng ông Bà Chiểu mà thề” khi có chuyện rắc rối, xích mích, lời qua tiếng lại, hoặc uất ức (Cao Hải Đề 1924).

 

 

https://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/le-van-duyet-2013-con-nguoi-va-su-hinh-thanh-ca-tinh-nam-bo/LVDuyet-H1-800.jpg 

Hình 1 – Đền thờ Lê Văn Duyệt (lăng ông ở Bà Chiểu, quận Bình Thạnh) (ảnh tác giả, 2018)

 

.
Tổng trấn Lê Văn Duyệt và người bản xứ

 

Như ta đã biết, vùng đất Sài-Gòn, Biên Hòa, Đồng Nai, Tây Ninh chạy đến Cần Giờ Bà-Rịa là nơi cư trú lâu đời của người bản địa, Mạ và Stieng trước khi lưu dân người Việt và Hoa đến định cư. Sau cuộc khởi nghĩa Tây Sơn 1772, chúa Nguyễn Ánh chạy vào Gia Định-Đồng Nai Saigon 1774. Năm 1789, sau khi chiếm lại Saigon, Gia Long xây thành bát quái với sự trợ giúp của người Pháp M. Ollivier, đá lấy từ Biên Hòa. Về phía đông bắc Saigon (Biên Hòa) và bắc (Thủ dầu một, Bình Dương, Tây Ninh) lúc này là đất của người Mạ và người Stieng vẫn còn cư ngụ rất đông (người Việt và sau này người Pháp gọi họ là mọi). Ở Saigon cũng có một đường người Pháp gọi là “rue des Moïs” (đường người Mọi, nay là đường Nguyễn Đình Chiểu). Sở dĩ gọi tên đường là đường người Mọi vì vẫn còn cư dân người Mạ ở đây mà John Crawfurd đã cho ta biết khi ông gặp tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt. Lê Văn Duyệt đã đối xử rất tốt và kính trọng họ vì chính họ là người chủ của vùng đất mới mà tổng trấn đang cai quản.

 

Trong năm 1823, theo John Crawfurd khi ông đến Saigon thì vào ngày 31/10/1823, sau khi hội kiến với tổng trấn Gia Định trước khi tổng trấn ra Huế trình với vua về việc đoàn sứ giả Anh cầm đầu bởi Crawfurd đến Saigon, một buổi trình diễn giải trí sau đó được tổ chức trong nguyên ngày với nhiều triễn lãm. Trong số khán giả đến dự, Crawfurd thấy có 8 người ít ăn mặc và diện mạo hoàn toàn khác với những người chung quanh. Vị tổng trấn cho họ mỗi người một bộ quần áo và nói cho Crawfurd biết là những người này mới chính là những thổ dân đích thực của miền Nam trước khi người Việt đến thống trị và dân họ đông hơn người Việt. Lê Văn Duyệt đối xử tốt với họ và không hề có thái độ khinh biệt, ông mời họ tham dự các buổi lễ và tiếp họ niềm nở.

 

Đầu thế kỷ 20 cho đến thập niên 1940, gần Sài-Gòn như Bình Dương (Thủ Dầu Một, Tân Uyên), Đồng Nai (Biên Hoà, Trị An, Chứa Chan) vẫn còn người Châu Mạ sinh sống. Họ là người bản địa sinh sống lâu đời ở lưu vực sông Sài-Gòn, sông Đồng Nai trước khi lưu dân người Việt đến định cư. Nhà văn Bình Nguyên Lộc sinh trưởng ở Đồng Nai, hồi còn nhỏ đã có tiếp xúc và học hỏi ngôn ngữ và văn hoá người Mạ. Sau này ông viết quyển sách nghiên cứu giá trị “Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam”. Các ảnh dưới đây từ thời Pháp cho thấy cách đây gần 100 năm, chung quanh Sài-Gòn còn hoang sơ và rừng nhiều và là địa bàn sinh sống của người Mạ.

 

https://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/le-van-duyet-2013-con-nguoi-va-su-hinh-thanh-ca-tinh-nam-bo/Hinh-3-880.jpg

Hình 2 – Người Mạ ở Biên Hòa, vùng núi Chứa Chan và Thủ Dầu Một
(nguồn: delcampe.net)

 


Lê Văn Duyệt và người phương Tây

 

Đối với người Tây phương đến thông thương buôn bán, ông cho phép tự do buôn bán và đối xử tử tế. Tàu Mỹ đầu tiên đến Gia Định do thuyền trưởng John White điều khiển đã viết nhiều về con người và tầm nhìn của Lê Văn Duyệt với thế giới bên ngoài, cho ta thấy rõ nét hơn về vị tổng trấn Gia Định có trình độ nhất hơn hẳng những người đương thời. Tư liệu của John White cho ta thấy về cuộc sống, con người và xã hội đầu thế kỷ 19 ở Gia Định rất chi tiết. Đặc biệt về con người Lê Văn Duyệt mà ông gặp nhiều lần.

 

John White sửa soạn đến Quảng Đông lấy hàng thay vì lấy ở Manila trên đường về Mỹ thì xảy ra một sự kiện may mắn hi hữu và không ngờ đã làm ý nghĩ viếng Đàng Trong của ông quay trở lại. Số là khi tàu ông được coi là tàu Mỹ đầu tiên đến Cần Giờ, mong đi ngược dòng sông Đồng Nai viếng Saigon nhưng đã phải ra đi Đà Nẵng, thì một tàu Mỹ khác vài ngày sau tình cờ cũng đến với cùng mục đích. Tàu này là tàu Marmion từ cảng Boston, một cảng gần Salem, do thuyền trưởng Oliver Blanchard điều khiển. Lúc bấy giờ, vị phó vương (tổng trấn Lê Văn Duyệt) nhận được tin truyền đến tai ông là tàu của John White đã có mặt ở sông, nên ông đã gởi một người thông dịch bản xứ, biết nói tiếng Bồ Đào Nha, đến Cần Giờ với mục đích là truyền thông bắt liên lạc được với bất cứ tàu nào của người phương tây sau đó đến.

 

Trước đó ở Manilla thuyền trưởng John White tàu Franklin cùng thuyền trưởng tàu Marmion bàn tính cùng đi trở lại Saigon. Sau vài ngày chờ đợi cuối cùng, John White được phép cho vào cảng buôn bán nhưng với điều kiện là ngoài tiền thuế phải trả do vua chỉ định, phải có tặng phẩm như là thông lệ bắt buộc (gọi là quà triều cống) cho ngài phó vương và các quan lại. Mặc dầu chấp nhận nhưng White muốn gợi lên vấn đề triều cống khi gặp phó vương vì ông không nghĩ là thông lệ tốt cho buôn bán có lợi cho hai bên.

 

Sau bao nhiêu thăng trầm tàu Franklin và Marmion cũng vào đến cảng Saigon. John White và đoàn tùy tùng lên bờ đi qua chợ giữa sự tò mò, bu quanh của dân cư, ồn ào đủ loại chó chạy rông vào thành qua cửa nam diện kiến vị phó tổng trấn (lúc đó là Huỳnh Công Lý, vì Lê Văn Duyệt phải ra Huế). Thành Saigon – Thành Quy (Gia Định thành) được xây dựng với sự giúp sức của một số sĩ quan Pháp theo giúp vua Gia Long trong đó có Jean-Marie Dayot (tên Việt là Đồng Nai) và người em Felix Dayot, Jean-Baptiste Chaigneau, Olliver de Puymaniel, Phillipe Vannier (Lê Văn Lang), Victor Ollivier (Ông Tín).

 

Đi qua cửa vào dinh tổng trấn, trong dinh, trên bục gỗ quí, giống như gỗ hoàng dương bóng loáng như gương là vị phó tổng trấn. John White không có ấn tượng gì về con người tầm thường Huỳnh Công Lý khi ông viết:

 

"Trên bệ cao này, vị phó tổng trấn ngồi chân xếp hai bên kiểu người Á, và vuốt râu trắng lưa thưa; ông là một người già ốm, da nhăn rất thận trọng mà điệu bộ, mặc dù có nở nụ cười không đáng tin cậy, không cho ta thấy một điều gì công chính và thành thật. Trên các bục hai bên là các quan, lãnh binh đủ chức tước được ngồi xa hay gần nhân vật oai phong đại diện đất nước tùy theo chức hạng."

 

Cuôi cùng sau khi tổng trấn Lê Văn Duyệt hoàn thành công tác ở Huế (năm sau 1820 thì vua Gia Long mất) trở về Saigon, John White cũng được diện kiến với Lê Văn Duyệt trong dịp bá quan văn võ nghênh đón ông tổng trấn và ngày hôm sau tại dinh thự ngài trong bữa tiếp chuyện và khoản đãi riêng cho đoàn ông John White. Ấn tượng của John White với tổng trấn Lê Văn Duyệt (John White gọi là phó vương) thật là khác hoàn toàn so với với Huỳnh Công Lý (phó tổng trấn).

 

“…Đúng thời điểm hẹn, chúng tôi đến dinh phó vương, ngài phó vương đã có chủ đích trong dịp này không tiếp khách bản xứ, chỉ có những nhân viên thân cận giúp việc trong dinh ông, độ khoảng 40 người và 4 thông dịch viên của chính quyền là Antonio, Mariano, Joseph và Vicente, họ là người bản xứ theo đạo. Chúng tôi được tiếp đón rất thân tình và chi li. Ngài phó vương lúc này đã bỏ qua tất cả những “hãnh diện, nghi lễ, nghi thức” của chức vụ ngài, ngài nói chuyện thoải mái tự do với chúng tôi; và sự háo hức tò mò của ngài, sự chọn lựa sáng suốt đúng đắn các đề tài trong sự tìm hiểu thẩm tra, chứng tỏ ông có một đầu óc mở rộng, thúc đẩy bởi một sự khao khát không nguôi về tri thức và thông tin; và những lời bình chính chắn của ông trong nhiều đề tài đã thuyết phục chúng tôi về khả năng thiên tư cao độ của ông. Chiến tranh, chính trị, tôn giáo, phong tục cách xử sự của các nước Âu châu là những đề tài mà ông rất chú trọng; và khi nghe là tôi từng phục vụ trong hải quân ở nước tôi, ông đặc biệt tập trung tìm hiểu hỏi tôi về các chiến thuật hải quân và chiến trận hàng hải. Khi sự tò mò của ông đã được thỏa mãn về các chi tiết này, ông vui vẻ khen ngợi sự thông minh, kỹ năng và năng lực của người “Olan” (Tây dương), và, với một cảm xúc buồn tủi, ông lấy làm tiếc phàn nàn về tình trạng còn thiếu văn minh của nước ông.

 

Sau hai giờ đàm đạo rất thích thú, ông thông báo chúng tôi là có một buổi tiệc giải lao đãi chúng tôi theo kiểu Âu, dưới sự điều hành của Antonio, thông dịch viên trước đây đã ở Macao. Trên một bàn nhỏ ở giữa sảnh đường có đầy các đĩa chén chứa đủ loại thức ăn Á châu, gà, vịt luộc, cơm, khoai, khoai lang, heo nướng, các bánh và cá giầm muối… Antonio đã tìm được ở đâu đó, có thể từ Pasqual, hai dao và nĩa cũ, để chúng tôi chia nhau dùng cắt thịt, và dùng các lông nhím ? để cắm bỏ vào miệng.

 

Ngay lúc đầu buổi tiệc, ngài phó vương đã thân tình chăm sóc chúng tôi, cầm chai rượu mà chúng tôi đã tặng ngài trong một tay còn tay kia cầm một ly, ông mời chúng tôi uống không ngưng nghỉ cho đến khi chúng tôi van xin được tha, lúc đó ông mới cho phép chúng tôi nghĩ mệt khỏi sự hiếu khách nhiệt thành, nhưng cản trở của ông. Tuy nhiên, vì sự băn khoăn muốn cho chúng tôi được tận hưởng tất cả những cao lương thú vui trước mắt chúng tôi, ông đã tiếp tục ép chúng tôi ăn uống, và ông đã tự tay cầm đưa vào miệng chúng tôi đủ loại thức ăn, cá, gà, cơm, cơm chiên, cà ri, thịt heo, khoai, kẹo bi, v.v… không cần thứ tự, cho đến khi mắt chúng tôi bắt đầu lồi ra khỏi tròng, và nước mắt chảy liên tục xuống má chúng tôi. 

Sự hiếu khách, luôn mong học hỏi, phát triển hiện đại đất nước của Lê Văn Duyệt lại là tương phản với hầu hết những quan lại, nhân viên viên chính quyền dưới quyền ông ở Gia Định. John White đã kể lại các chi tiết về hành xử của quan lại, nhân viên, cũng không khác như tình hình ngày nay là bao. John White than về chi phí tặng phẩm cho quan lại vua chúa, quà cáp cho đủ loại nhân viên từ thuế vụ đến lãnh binh. Riêng thuế lên đến 2700 dollars chỉ riêng tàu Franklin. Vào 9 giờ sáng, trước khi đo để trả thuế, nhân viên thuế đòi phải có rượu uống trước. Sau khi thâu thuế, nhân viên thuế vụ đòi hỏi được đãi ăn, nhậu. Đến 12 giờ trưa, sau khi đã say sưa họ ra về, để lại cho thủy thủ đoàn lau rửa dọn dẹp, mà khó rửa nhất là các bãi nước trầu đỏ ghê tởm mà họ phun từ miệng xuống đầy sàn tàu.

 

Những người đầu tiên muốn tiếp xúc và buôn bán hàng hóa với ông là những thương gia phụ nữ, ông gặp họ khi ông đến nhà của một người Tagal (gốc Phi Luật Tân, đảo Luzon) nói tiếng Tây ban Nha tên là Pasqual định cư ở Saigon khi lấy một người Việt. Pasqual trước đó đã lên tàu Franklin mời đoàn của ông John White đến thăm nhà. John White cho biết đa số các thương gia môi giới hàng là phụ nữ và họ giỏi hơn đàn ông.

 

Trong hồi ký của John White viết về vị tổng trấn (Lê Văn Duyệt) và phó tổng trấn (Huỳnh Công Lý), ta thấy rõ đặc tính, tư cách và tầm nhìn của hai người hoàn toàn khác nhau như một trời một vực. Về chức vụ, Lê Văn Duyệt là tổng trấn và là quan võ, trong khi Huỳnh Công Lý là phó tổng trấn và là quan văn. Lê Văn Duyệt rất chính trực, cai trị nghiêm minh đôi lúc có phần độc đoán thì Huỳnh Công Lý rất tham ô, ươn lẹo và hèn nhát. Lê Văn Duyệt hiểu rõ tình hình trong và ngoài nước (ông biết rõ diễn biến tình hình của Napoleon và chính trị ở Âu châu đương thời, hàng hải, khoa học kỹ thuật hiện đại... và thường đàm đạo với những người nước ngoài), mong muốn phát triển và khuyến khích thương mại, thường than phiền về sự yếu kém, suy nghĩ thấp và thiển cận nhưng vẫn tự mãn của người Việt trong khi Huỳnh Công Lý thì lại hoàn toàn ngược lại. Không lạ gì mà sau này Lê Văn Duyệt đã xử tử Huỳnh Công Lý, dù lúc đó Huỳnh Công Lý là cha vợ của vua Minh Mạng.

 

John White kể lại ngày cuối ở Saigon trước khi hai tàu Franklin và Marmion nhổ neo ra đi. Qua những gì ông viết trong nhật ký, ta thấy tình cảm quí trọng của ông cho vị tổng trấn Gia Định thành, Lê Văn Duyệt sau nhiều tháng sống ở đây, chứng kiến bao nhiêu thăng trầm và kinh nghiệm với nhiều tầng lớp trong xã hội:

 

Sau khi trả tiền hết các đòi hỏi, chúng tôi đến gặp phó vương để từ giã và lấy các chữ ký cho giấy tờ để chúng tôi ra đi cũng như biên nhận thuế tàu neo tai cảng Saigon, triều cống etc. Ngài phó vương bày tỏ rất hối tiếc về những gì chúng tôi đã gặp khó khăn khổ sở ở đây, và than phiền về sự mong muốn ông có được quyền lực để diệt hết những nguyên cơ của sự than van của chúng tôi, ông mong rằng sẽ gặp lại chúng tôi sớm lần nữa ở Saigon, và nói lời từ giã chúng tôi với nhiều xúc động và quan tâm.

 

Cảm tưởng sau khi giã từ con người vĩ đại này, mang đến trong lòng tôi một sự hối tiếc vô cùng là tình huống đã không trao gậy trị vì của bán đảo tốt đẹp này vào tay ông, một người biết hơn nhiều làm sao mang nước này thành một nước vinh quang và hạnh phúc, hơn vị vua độc tài hiện nay, mà con tim ích kỷ chỉ đập để đáp ứng cho cái đầu óc lạnh và dễ bị sai trái bao quanh bởi một mũ miện vương quyền.

 

Bây giờ chúng tôi đi theo vị quan quân nhu, và hai vị quan khác đến điện hoàng gia, vào một phòng rộng rãi và nghiêm trang với nền nhà gỗ đánh bóng. Trên tường, ở ba bên treo các màn chiếu và mặt thứ tư là một ngăn chia bằng gạch tráng vôi, ngăn với một phòng tiếp khách (saloon) rộng hơn mà chúng tôi được dip ghé mắt nhìn vào. Chúng tôi không thấy trong đó có gì đặc biệt; ngoại trừ một tủ lớn bằng gỗ hồng mộc, còn lại hoàn toàn không có đồ đạc hay vật cố định nào, gian nhà tối và ẩm hầu như hoàn toàn đóng lại. Từ cái tủ trên, một hộp bằng gỗ mun trang trí đẹp được lấy ra, chứa những con dấu lớn được ấn trên các giấy tờ của chúng tôi chỉ với sự hiện diện của ba hay bốn người lính canh gác đi chậm và yên lặng qua lại dưới ánh sáng yếu ớt của hoàng hôn trong điện cô đơn này.

 

"Sáng ngày hôm sau, 30 tháng 1 (1820), chúng tôi nhổ neo và ra sông. Ngày kế, dòng nước xiết làm tàu Marmion trôi tới một dải đất ngầm như đã đề cập trước đây khi vào Saigon, bắt buộc tàu phải thả neo chờ thủy triều lên. Khi đi qua 'Seven Mouths" ("bảy miệng", khúc sông Đồng Nai có nhiều cửa rạch chảy ra biển), chúng tôi lại nghe tiếng hòa tấu của đàn cá dưới lòng tàu. Và ngày 1 tháng 2 lúc 8 giờ sáng chúng tôi thả neo đối diện với Cần Giờ, và thả xuống hai người lính đi kèm chúng tôi từ Saigon, và tiếp một quan văn ở Cần Giờ. Tôi cũng nên nói ở đây là tất cả các trạm lính canh ở dọc bờ biển xứ này, nơi mà đất thấp thì các bục dựa trên 4 cột cao từ 20 đến 40 feet (9 đến 18 m) là những đài quan sát mà một người lính trên đó có thể quan sát tất cả những gì trong tầm nhìn ở dưới. Ở Cần Giờ cũng có 1 đài như vậy.

 

Lúc 8 giờ sáng hôm sau, chúng tôi thả neo ở Vũng Tàu để chờ đợi tàu Marmion, và cũng để dựng lại cột buồm chính vì cây cột đang dùng đã bị bật sút ra. Ngày mùng ba, tàu Marmion gặp lại chúng tôi.

 

Và lúc 3 giờ chiều, chúng tôi nhổ neo ra biển cả. Một dải san hô ngầm, dưới mặt nước ít nhất khoảng 4 sải (7.2m) ở phía nam của mũi Cape St James (Cap St Jacques hay mũi Vũng Tàu) khoảng hơn 2 dặm, nhưng không coi là nguy hiểm cho tàu thương mại.

 

Tôi nghĩ tôi sẵn sàng tin, khi tôi nói ra, là một vài giọt nước mắt của chúng tôi đã nhỏ xuống, khi chúng tôi rời khỏi một đất nước, nơi mà chúng tôi đã gặp quá nhiều trục trặc gian nan và khó khăn; chỉ có vài người mà chúng tôi kính trọng thật sự đó là vị phó vương (tổng trấn), Cha Joseph và ông già Polonio. Pasqual là người thành thật nhưng tính khờ dại, và hoàn toàn bị lấn áp bởi một người vợ mưu mô và tham lam. Joachim (đã lấy được thông hành và sắp sửa rời khỏi nước để đi Siam, khi chúng tôi ra khơi) mặc dầu anh ta đã đi nhiều nơi ở Á châu, một người có nhiều nhận xét đáng kể và trí nhớ lâu, và nói được nhiều ngôn ngữ phương Đông, mặc dầu không hoàn toàn, thêm biết tiếng Pháp và vài từ tiếng Anh, vẫn chưa phải là con người đáng quí trọng, vì xuất thân từ một dân tộc nơi có một số lượng lớn những thói xấu không đáng kể có nguồn gốc Âu châu, ông ta lại ghép thêm những mầm trồi từ đất màu mỡ nhất của phần xấu mất phẩm cách Á châu.

 

                                                                   "

Sau John White không lâu, năm 1821 John Crawfurd được toàn quyền Anh ở Ấn độ cử là sứ giả đến Siam và Cochinchina (đàng trong), ông đã tường thuật chi tiết những gì ông hoạt động và chứng kiến ở Saigon trong năm 1823. Crawfurd cũng như John White có ấn tượng tốt về con người Lê Văn Duyệt.

 

Thành Sài-gòn được Nguyễn Ánh ở trong 12 năm làm cơ dinh đánh Tây Sơn, năm 1802, sau khi lên ngôi ở Huế, Gia Long trao lại cho Lê Văn Duyệt làm tổng trấn Gia Định thành (1812-1815 và 1820-1832). Lê Văn Duyệt ở cung Hoàng cung, vị trí của cung này là đường Norodom (nay là Lê Duẩn), phía ngoài thành Gia Định (Crawfurd, 1830). Vòng ngoài thành vua Gia Long cũng có xây một ngôi nhà cho giám mục Pigneau de Béhaine (gọi là Evêque d'Adran tức Bá Đa Lộc hay cha Cả) trên đường sau này gọi là rue Richaud (đường Nguyễn Đình Chiểu ngày nay) để trả ơn cho sự giúp đỡ của ông này trong lúc còn chiến tranh với Tây Sơn, ngày nay là Tòa Tổng Giám mục.

 

John White cho biết, năm 1822, khi lệnh cấm đạo Thiên Chúa nói riêng và người Âu nói chung, cùng lúc là lệnh phá hủy nhà thờ được vua Minh Mạng ban hành. Ngài phó vua (tổng trấn Lê Văn Duyệt) đang xem đá gà, thì lệnh được đưa đến tay ông.

 

"Làm sao, ông kêu lên, chúng ta có thể đối xử những người cùng đạo với giám mục Adran (Bá Đa Lộc hay cha Cả) và những người Pháp đã giúp chúng ta trước kia như vậy, nhờ họ mà ngày nay chúng ta vẫn còn nhai gạo giữa hai hàm răng của chúng ta ?”.

 

“Không”, ông nói tiếp, trong lúc tức giận về sự phản bội này, đã xé tờ lệnh của vua trong tay,


khi nào mà ta còn sống thì không thể làm như vậy được, nhà vua có thể làm như ý muốn sau khi ta chết.".

 

Lê Văn Duyệt trị rất nghiêm khắc, làm dân ở Nam kỳ và Cao Miên nể sợ, tuy vậy có lúc hơi quá đáng. Ông xử trảm trước không hỏi ý kiến vua hay thượng thư bộ hình.

 

Một thí dụ điển hình là ông đã xử tử một thơ lại của ông không thương tiếc. Người thơ lại này lúc đi ra khỏi văn phòng thấy ở cửa thành một người đàn bà đang bán cháo hay bán đường. Ông ta muốn giỡn chọc ghẹo bà ấy, ông để tay lên hộp trầu mà bà đã để trên nắp giỏ của bà. Bà này kêu lên ăn cắp. Ông thơ lại bị bắt và bị xử trảm trên cánh đồng mả theo lệnh của Lê Văn Duyệt không qua một quá trình xét xử nào cả. Chẳng bao lâu, vụ này được truyền làm sợ hãi khắp Nam kỳ.

 

Để làm người Cao Miên kính nể và sợ hãi, ông cho vua Cao Miên Udong thấy con người phi thường và đầy quyền lực của ông. Ngồi trên bệ cao kế vua Oudong, ông ăn đường phèn và uống trà. Những người Cao Miên ngồi gần đó nghe tiếng kêu gãy giòn dưới răng của Lê Văn Duyệt lúc nhai mấy cục đường, bèn hỏi những quan lại Việt nam có mặt ở buổi chiêu đãi này là ông tướng trời đang ăn gì vậy. Những người này trả lời là đó là những viên đá sỏi mà ngài tướng trời đang nhai trong miệng.

 

Cao Miên lúc đó đang dưới sự bảo hộ của Việt nam, vị vua xứ này hàng năm vào dịp tết buộc phải đến Saigon để thần phục hoàng đế Việt Nam trong chùa hoàng gia, cùng lúc với phó vương tổng trấn Gia định thành. Nhà vua cao Miên đi cùng sứ giả Việt có nhiệm vụ lo việc bảo hộ đến đêm trước của ngày đầu năm; nhưng thay vì ở Saigon, lại ngủ qua đêm ở Chợ Lớn. Đến 5 giờ sáng đầu năm, tổng trấn cử hành nghi thức lễ trong tiếng nhạc mà nhà vua không có mặt. Nhà vua Cao Miên đến thì buổi lễ đã chấm dứt. Ông bị phạt không thương tiếc 3000 tiền franc bắt buộc phải trả trước khi trở lại Cao Miên.

 

Ông tổng trấn rất thích chơi đá gà, xem hài kịch và hát tuồng. Ông nâng đỡ, nuôi nhiều nghệ sĩ và có rạp hát riêng. Các tòa nhà dùng trong các giải trí này ở ngoài tường thành Saigon (thành Quy) trên vùng đất mà ngày nay là dinh thống đốc và trường Chasseloup Laubat (Lê Quý Đôn ngày nay).

 

Năm 1832, tổng trấn Lê Văn Duyệt mất. Sau khi ông mất, người con nuôi của ông là Lê Văn Khôi đã nổi lên chống lại triều đình Minh Mạng với sự ủng hộ của các người Hoa ở Saigon-Chợ Lớn, kiều dân và giáo sĩ Pháp trước đây theo Gia Long ở Saigon và người Chăm ở Pandagura.

 

Sau khi khởi nghĩa của Lê Văn Khôi không thành, 1137 người và gia đình họ theo Lê Văn Khôi đã bị triều đình Minh Mạng mang đi xử tử ở “cánh đồng mả” (plaine de tombeaux). Họ bị hành hình ngay tại “cánh đồng đa giác” (champ du polygone), gần đường Thuận Kiều (nay là đường Cách mạng tháng 8) và chôn ngay tai đó trong một hố lớn gọi là mả biền tru hay mả ngụy. Thành Gia Định kiên cố theo kiểu kiến trúc Vauban do viên sĩ quan người Pháp M. Ollivier theo giúp vua Gia Long thiết kế xây, bị Minh Mạng ra lệnh phá đi và cho xây lại một thành nhỏ và yếu hơn, được gọi là thành Phụng hay thành Phiên An mà sau này vào năm 1859 quân Pháp đã đánh chiếm và phá hủy.


.

Lê Văn Duyệt và người Hoa

 

Lê Văn Duyệt thấy rằng để phát triển vùng đất mới, nơi có nhiều cộng đồng sắc tộc khác nhau sống thì phải kiến tạo ra một con người và văn hóa mới, kết nạp mọi giống dân với một văn hóa tư duy dung hòa và từ đó một xã hội mới sẽ được hình thành mà không có xung đột. Ngay cả những người Tây phương được phép đến buôn bán giao thương và truyền đạo mà không bị ngăn cấm. Người Chăm ở Bình Thuận được tự trị. Ông vì thế thu phục nhân tâm của nhiều sắc dân ở Gia Định.

 

Tả quân Lê Văn Duyệt cho các bang người Hoa được tự trị có tiếng nói trong sự quản trị vùng đất mới Gia Định. Lê Văn Duyệt thâu phục được lòng người của nhiều sắc dân định cư ở Gia Định: người bản sứ Mạ, Stieng, người Khmer, người Chăm, Người Hoa và lưu dân người Việt.

 

Khi vua Gia Long mất năm 1820, Minh Mạng lên thay có chính sách bảo thủ, cứng theo mô hình tập trung quyền lực như mô hình thiên triều Trung Hoa, không dung dưỡng sự đa dạng, sự khác nhau và đa chủng tộc như ở vùng đất mới nơi lưu dân người Việt đến định cư. Ta cũng không lạ gì khi Minh Mạng năm 1824 ra chính sách mới qua đó tất cả người Hoa đến định cư phải đóng thuế thân kể cả người Minh Hương đã sống nhiều đời và trở thành người Việt. Lê Văn Duyệt không đồng tình, và với uy tín của ông ở miền Nam, Minh Mạng phải ngưng không áp dụng.

 

Ta có thể thấy trong tập thơ chữ Nôm, “Bốn bang thư”, tác giả Lưu Văn Tín (hay Lưu Hằng Tín), một người Hoa giàu có và thế lực đã đi chu du nhiều nơi từ Hội An nơi ông làm ăn buôn bán đầu tiên và thành công khi đến Đàng trong, cho đến Đàng Ngoài, sau đó ông đến Gia Định đã ngưỡng mộ con người Lê Văn Duyệt qua tư tưởng, cá tính và hành xử của Lê Văn Duyệt và viết như sau trong “Bốn Bang thư” kể về cuộc đời của tác giả

 

                                                           
Nghĩ mình đất khách lạ lùng
Tìm nơi nương tựa lánh vòng thị phi
Có quan Tổng trấn oai nghi
Lê thì là họ, Duyệt thì là tên.
Dinh tiền cúi lạy thưa lên
Xin làm nghị tử gả tình minh linh (*)


                      (*) xin làm con nuôi với tình nghĩa linh thiêng trong sáng



Như vậy một người giàu có, thông minh như Lưu Hằng Tín đã có ấn tượng rất lớn về con người của lê Văn Duyệt và đã trở thành con nuôi của vị Tả quân có viễn kính cho Gia Định nói riêng và đất nuớc nói chung. Lê Văn Duyệt cũng đã đánh giá con người Lưu Văn Tín cao và là người tài mới chọn ông làm “nghị tử”.

 

“Bốn Bang” là tên mà triều đình Huế gọi một người Hoa tên là Lưu Văn Tín (hay Lưu Hằng Tín). Điều này chứng tỏ ông Lưu Văn Tín có ảnh hưởng lớn và thế lực trong bốn bang lớn của người Hoa, Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến và Hải Nam, đại diện cho các người Hoa tham gia vào cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi (Đinh Xuân Lâm, Nguyễn Phan Quang, 1978).

 

Khi trong tù, chờ bị tử hình, Trong tập thơ lục bát “Bốn bang thư” gồm 308 câu, mặc dầu tác giả có phê bình chỉ ra các khuyết điểm và chỉ trích cá nhân các chỉ huy tướng lãnh theo Lê Văn Khôi, nhưng tuyệt nhiên bảo vệ và khen ngợi Lê Văn Duyệt, trong khi tác giả biết rằng như vậy là sẽ càng làm cho mình trọng tội hơn khi bị bắt vì vua Minh Mạng muốn trừng phạt và ác cảm với tả quân Lê Văn Duyệt.

 

Lưu Hằng Tín khen “Lê công là đấng đại hiền” và tỏ lòng trung thành với Lê Văn Duyệt, cha nuôi của mình

Và tôi sẵn nết chân thành,

Thờ thầy chin một hết mình mới yên

 

Nhớ ơn Lê Văn Duyệt

Nghĩ mình nghĩa nặng ơn sâu

Dầu khi có việc dễ hầu tiếc thân…

 

Tình cảm của Lưu Hằng Tín cũng không khác chi với cảm tưởng của thuyền trưởng John White với Lê Văn Duyệt khi ông rời Gia Định trên tàu ra cửa Cần Giờ.

 

https://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/le-van-duyet-2013-con-nguoi-va-su-hinh-thanh-ca-tinh-nam-bo/LVDuyet-H4-800.jpg

Hình 3 – Mộ Lê Văn Duyệt và phu nhân ở Lăng ông Bà Chiểu (Bình Thạnh)
(ảnh tác giả 2018)

 

Người Hoa và Minh Hương biết ơn và trung thành với Tả quân Lê Văn Duyệt mà cho đến ngày nay họ vẫn đến lăng Lê Văn Duyệt (lăng ông, Bà Chiểu quận Bình Thạnh) trong dịp giỗ ông hay Tết để tỏ lòng ơn nghĩa. Ông Trương Văn Bền, một doanh nhân nổi tiếng người Minh Hương chủ hãng xà bông Việt Nam vào thế kỷ trước trong hồi ký có nói gia đình họ hàng ông từ Chợ Lớn đến lăng ông hàng năm trong những dịp như vậy.

 

.

Lời kết

 

Tả quân Lê Văn Duyệt ngoài những viễn kiến nhìn xa thấy rộng trong sự nghiệp cầm quân, ngoại giao và cai trị nghiêm minh và biết cách hòa hợp người dân ở vùng Gia Định, ông còn là người thích tìm hiểu những sự kiện ở các nước ngoài, thích và đỡ đầu các tuồng hát bội mà ông thường tham gia với tư cách người cầm chầu, gần gũi với người dân vùng đất mới Gia Định. Điều này cho thấy ông là một người đa tài. Thời ông làm Tổng trấn cho đến khi ông mất năm 1832, vùng đất Gia Định (cả miền Nam) được an bình và phát triển nhất sau chiến tranh với Tây Sơn, là do chính sách thu phục lòng người với mọi cộng đồng dân tộc sống ở Gia Định, không ép buộc hay can thiệp vào sự tự trị vận hành mà ông cho phép.

Năm 1929, soạn giả Võ Ái Hạnh ở Chợ Lớn, trong tuồng cải lương “Lê Văn Duyệt”, một trong các tuồng cải lương đầu tiên mang nhạc Tây lời Ta vào cải lương đã viết trên đầu tựa của tuồng

Kính dâng

Bổn tuồng cải lương nầy cho hương hồn quan Tả-quận-công “Lê-Văn-Duyệt”.
Gọi tỏ tấm lòng tôn-sùng người, mà xưa kia đã từng trải hết tâm cang, nâng thành, đỡ vạc, vì nước, vì dân.

Xin ngài chứng kiến

-------------

Tham khảo

 

(1) Đinh Xuân Lâm, Nguyễn Phan Quang, Bốn bang thư, một tài liệu có giá trị về cuộc khởi nghĩa lê Văn Khôi (1833-1835), Nghiên cứu Lịch sử, số 178 (tháng 1/1978), 75-86.

 

(2) John White, A Voyage To Cochin China; by John White, Lieutenant in The United State Navy, London, 1824. Online: http://www.archive.org/stream/voyagetocochinch00whitrich#page/n15/mode/2up

 

(3) John Crawfurd, Journal of an embassy from the governor of India to the courts of Siam and Cochinchina; exhibiting a view of the actual state of thosekingdom, London. Henri Colburn and Richard Bentley, New Burlington Street. 1830

 

(4) Cao Tự Thanh, Tả quân Lê Văn Duyệt, 2008, https://trucnhatphi.wordpress.com/2008/02/02/t%E1%BA%A3-quan-le-van-duy%E1%BB%87t/

 

(5) Võ Ái Hạnh, tuồng “Lê Văn Duyệt”, Hoài Cựu xuất bản, Imprimerie Đức Lưu Phương, 1930, rue d’Espagne, Saigon

 

(6) Đặng Thúc Liêng, “Lê Văn Duyệt”, dịch thuật, 1934, Imprimerie Bảo Tồn, 175 Boulevard de la Somme, Saigon.

 

(7) Cao Hải Đề, Lê Văn Duyệt tiểu sử, Imprimerie J. Nguyễn Văn Viết, 1924.

 

Images

·        Hình-1

·        Hình 2

·        Hình 3

·        Hình 4

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats