Sunday, 23 April 2023

"KIỂM TRA SỨC KHỎE ĐỊNH KỲ" : BỆNH TÌNH TRÁI ĐẤT TRẦM TRỌNG HƠN TRONG NĂM 2022 (Trọng Thành / RFI)

 



‘‘Kiểm tra sức khỏe định kỳ’’: Bệnh tình Trái đất trầm trọng hơn trong năm 2022

Trọng Thành  -  RFI

Đăng ngày: 22/04/2023 - 22:40

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230422-2022-benh-tinh-trai-dat-tram-trong-hon

 

Hôm nay là ‘‘Ngày Trái Đất’’ (Earth Day hay Jour de la Terre). Ngày 21/04/2023, một ngày trước khi Trái Đất thêm một tuổi, Cơ quan Khí tượng Thế giới (WMO) công bố bản báo cáo thường niên về tình trạng khí hậu. Báo CNN Mỹ ví báo cáo này như một ‘‘bản kiểm tra sức khỏe định kỳ’’ Trái đất (health checkup).

 

https://s.rfi.fr/media/display/634066ec-e14c-11ed-88b2-005056a90284/w:980/p:16x9/000_1T48R7.webp

Một nhóm nhà tranh đấu Greenpeace mang chiếc cáng với biểu tượng Trái đất (lâm bệnh), Paris, ngày 04/09/2022. AFP - DENIS LOVROVIC

 

Đối với không ít công dân trên hành tinh chúng ta, ‘‘Biến đổi khí hậu’’ hay Trái đất bị hâm nóng là một khái niệm xa xôi. Báo cáo của Cơ quan Khí tượng Thế giới (của Liên Hiệp Quốc) cho thấy một điều ngược lại : Những hậu quả của biến đổi khí hậu rất cận kề. Các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày một nghiêm trọng cho thấy điều đó.

 

Nóng hạn và lũ lụt ngày một trầm trọng

 

Hạn hán, lũ lụt và băng tan kỷ lục: ‘‘Bệnh tình’’ của Trái đất năm vừa qua, do Trái đất bị hâm nóng (vì biến đổi khí hậu), tiếp tục thêm trầm trọng. Năm 2022, Trung Quốc đã trải qua hạn hán kéo dài và nghiêm trọng, với mùa hè nóng nhất từ 60 năm nay. Đợt nóng kéo dài 70 ngày liên tiếp, với nhiệt độ thường xuyên cao hơn 40°C tại hơn 17 tỉnh, với tổng số 900 triệu cư dân.

 

https://s.rfi.fr/media/display/a1f5a3b6-fe95-11eb-9c7c-005056a97e36/000_9L82BA-1.webp

Khô hạn thường dẫn đến cháy rừng : cảnh một phụ nữ bất lưc nhìn rừng cháy, Maroc, tháng 8/2021. AFP - FADEL SENNA

 

Hạn hán khiến 20 triệu dân Đông Phi lâm vào cảnh cận kề chết đói. Các xứ thường được coi là ‘‘ôn đới’’ cũng khốn khổ vì nóng : hơn 15.000 người chết ở châu Âu liên quan đến nóng. Miền Tây và Tây Nam nước Mỹ khô hạn nghiêm trọng. Tổng cộng khoảng 10% dân số thế giới lâm vào cảnh đói ăn, suy dinh dưỡng liên quan đến khí hậu. Nói về thời tiết cực đoan, thảm họa với người Pakistan có thể coi là nghiêm trọng hàng đầu: Đợt mưa lũ kỷ lục mùa thu vừa qua giết chết hơn 1.700 người, khiến khoảng 8 triệu người phải sơ tán, gây thiệt hại ít nhất 30 tỷ đô la.  

 

https://s.rfi.fr/media/display/bb8c48f8-c3fd-11ea-994c-005056bf87d6/chine-crue-yangtse-wuhan_0.webp

Một mái nhà chìm trong nước trên sông Dương Tử ở Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc, ngày 08/07/2020. STR / AFP

 

Đà băng tan ‘‘không thể đảo ngược’’

Năm 2022 tiếp tục phá nhiều ‘‘kỷ lục’’ tồi tệ về khí hậu của những năm trước. Một trong những ‘‘kỷ lục’’ mới là về mức độ băng tan. Nóng khiến diện tích biển băng xung quanh lục địa Nam Cực đã thu hẹp xuống mức chưa từng có với 1,92 triệu km², ít hơn đến 1 triệu km² so với mức trung bình của 30 năm qua. Băng hà trên dãy núi Alpes nổi tiếng ở châu Âu đã mất 6% thể tích trong hai năm qua 2021- 2022, sau khi đã mất một phần ba thể tích trong 2 thập niên trước đó. Băng tan nhìn chung là một tổn thất ghê gớm cho cơ chế điều hòa nhiệt độ Trái đất. Băng – tùy theo độ dày và kết cấu – cho phép khúc xạ trở lại đến 60% nhiệt lượng Mặt trời. Băng tan đồng nghĩa với việc Trái đất sẽ bị hâm nóng nhanh hơn.  

Tổng thư ký Cơ quan Khí tượng Thế giới, Petteri Taalas, nêu bật một thực tại đáng buồn là, với đà khí thải gây hiệu ứng nhà kính ngày càng gia tăng như hiện nay, xu hướng băng hà tan chảy đã là điều không thể đảo ngược. Và đà tan băng, khiến mực nước biển dâng cao, có thể sẽ còn tiếp tục ‘‘kéo dài trong hàng nghìn năm’’.

 

https://s.rfi.fr/media/display/acc141b2-0d36-11ea-9553-005056a9aa4d/db8f6bd9ba1f410a330113ae322f7220b73f44ab.webp

Mảng băng lớn của băng hà Perito Moreno ở Santa Cruz, Achentina (sát Nam Cực), sụp đổ, ngày 10/03/2019. AFP/File

 

Tuy nhiên, ‘‘hàng nghìn năm’’ là một thang bậc thời gian quá dài so với các xã hội con người. Báo cáo ‘‘Kiểm tra sức khỏe định kỳ’’ Trái đất của WMO đặc biệt nhấn mạnh đến tầm nhìn gần hơn nhiều, khi đặt cái mốc 2060. Theo WMO, xu thế băng tan ghê gớm như hiện nay chắc chắn sẽ tiếp tục cho đến những năm 2060, bất kể nỗ lực cắt giảm khí thải. Bởi, cho dù có cắt giảm mạnh khí thải, khối lượng khí thải CO2, và các loại khí thải khác, đã tích đọng trong không khí đã ở khối lượng rất lớn. Nồng độ CO2 trong khí quyển hiện tại đã ở mức tương đương với thời kỳ cách đây từ 3 đến 5 triệu năm, khi nhiệt độ Trái đất cao hơn hiện nay từ 2°C đến 3°C, và mức độ nước biển cao hơn hiện nay từ 10 đến 20 mét, theo tổng thư ký Cơ quan Khí tượng Thế giới Petteri Taalas.

 

‘‘Cỗ máy điều hòa nhiệt độ’’ của Trái đất lâm nguy

 

Nồng độ CO2 trong khí quyển rất cao, với tổng khối lượng khí thải gấp rưỡi so với thời tiền công nghiệp, là thủ phạm chính hâm nóng Trái đất. Nạn nhân không chỉ là các băng hà. Đại dương – ‘‘mẹ biển cả’’ - cỗ máy điều hòa nhiệt độ khổng lồ mà thiên nhiên ban tặng cho Trái đất, chịu trách nhiệm bảo đảm tình trạng ‘‘mưa thuận gió hòa’’ cho toàn thể hành tinh, cũng đang bị tình trạng khí hậu nóng lên làm suy yếu. Trái đất bị hâm nóng do khí thải, nhưng chỉ một phần nhỏ sức nóng ở lại trên bề mặt Trái đất, và có đến 90% được hấp thu trong các đại dương, theo WMO. Con người trên Trái đất sở dĩ không hình dung được mức độ gia tăng nhiệt độ rất lớn trên hành tinh một phần là do Đại dương đã hấp thu phần lớn nhiệt lượng đó.

 

https://s.rfi.fr/media/display/3aae3e20-11c5-11ea-9853-005056a99247/mediterranee%20tr%C3%A8%20s%20beau.webp

Biển khơi : nơi hấp thụ đến hơn 90% « lượng nhiệt dư dôi » trong khí quyển, và 25% lượng khí thải. © Web www.luxe-campagne.fr photos gratuites de mer

 

Nhưng chính cỗ máy điều hòa nhiệt độ khổng lồ, tưởng như vĩnh cửu, bắt đầu lâm nguy. Bất chấp hiện tượng La Nina, thường mang lại sự mát mẻ (cũng gọi là ‘‘Bé gái Hài đồng’’), có đến 58% vùng bề mặt đại dương trong năm 2022 đã chứng kiến ít nhất một đợt không khí nóng trong ong biển, theo báo cáo của WMO. Việc đại dương hấp thu nhiệt độ, hấp thu khí thải đi liền với hiện tượng nước bị axit hóa, làm đảo lộn các hệ sinh thái trong biển. Một số nhà quan sát cảnh báo : ‘‘chúng ta đang đánh mất đại dương’’. Theo nhà đại dương học, chuyên về địa hóa học, bà Catherine Jeande (giám đốc nghiên cứu CNRS – Pháp), mối quan hệ hài hòa của cặp đại dương – khí hậu tồn tại ổn định từ khoảng 8.000 năm nay có nguy cơ bị phá vỡ hoàn toàn, do các hoạt động của con người, đặc biệt là do khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

 

‘‘Bé gái Hài đồng’’ không chặn được đà hâm nóng

 

Băng tan ồ ạt, đại dương bị hâm nóng – các ‘‘tủ lạnh’’ của Trái đất, cỗ máy điều hòa nhiệt độ kỳ diệu của thiên nhiên - đang bị xâm hại ở mức độ nghiêm trọng chưa từng thấy, và ngày một nghiêm trọng hơn. Theo WMO, tám năm vừa qua liên tục là tám năm nóng nhất (tính theo nhiệt độ trung bình toàn cầu), kể từ cuối thế kỷ 19. Điều mà WMO nhấn mạnh là : nhiệt độ tiếp tục gia tăng đúng vào chu kỳ La Nina (kéo dài từ mùa hè 2020 đến đầu năm nay 2023).

 

 ‘‘Bé gái Hài đồng’’ mát mẻ La Nina đã không cản được đà nóng lên của Trái đất. Sắp đến sẽ đến chu kỳ nóng El Nino, có thể là vào cuối năm nay. Tổng thư ký Cơ quan Khí tượng Thế giới, Petteri Taalas dự báo, nhiệt độ trung bình của Trái đất có thể tăng ‘‘gần đến mức 1,5°C’’ vào thời điểm đó. Nhiệt độ Trái đất năm 2022 đã tăng 1,15°C so với thời tiền công nghiệp.

 

Mới tăng 1,15°C mà thế giới đã phải gánh chịu biết bao hiện tượng thời tiết cực đoan, bão lũ, khô hạn nghiêm trọng, mà một số người gọi là ‘‘nhân – thiên tai’’, bởi trong đó có rất nhiều phần do xã hội con người gây ra. Bệnh tình Trái đất năm 2022 đã trầm trọng do khí hậu bị hâm nóng. Trong năm 2023 này, với chu kỳ nóng El Nino, liệu bao nhiêu tai ương mới sẽ ập đến với dân chúng trên hành tinh này ?

 

Hy vọng le lói

 

Băng tan, biển nóng, khô hạn, lũ lụt, bão tố gia tăng. Con người có thể làm gì để hóa giải ? Nhiệt độ tăng cao, băng tan, nước biển dâng…, do khí thải sinh ra từ các năng lượng hóa thạch, là xu thế không thể đảo ngược. Rất nhiều hệ quả của biến đổi khí hậu sẽ khiến đời sống con người trên hầu hết các khu vực trên hành tinh ngày càng trở nên khó khăn hơn, đặc biệt là tại các vùng vốn đã khó khăn.

 

Tuy nhiên, mọi thứ không phải là tuyệt vọng. Theo tổng thư ký Cơ quan Khí tượng Thế giới, nhân loại vẫn còn cơ hội, dù rất nhỏ, để hãm được nhiệt độ Trái đất tăng không quá 1,5°C, theo mục tiêu của Thỏa thuận khí hậu Paris 2015. Vấn đề là tất cả phải đồng lòng nỗ lực. Tổng thư ký WMO nhắc đến việc đã có ‘‘32 quốc gia cắt giảm được khí thải gây hiệu ứng nhà kính, mà vẫn phát triển được kinh tế’’. Nhanh chóng cắt giảm khí thải, từ bỏ năng lượng hóa thạch, để giữ nhiệt độ không tăng quá 1,5°C, giúp cho bệnh tình của Trái đất không tồi tệ thêm, ắt hẳn là mong muốn và hy vọng của rất đông đảo dân cư trên hành tinh này. Đà băng tan không thể đảo ngược, nhưng có thể làm chậm lại ; khí hậu không thể ''mát'' trở lại, nhưng có thể nóng lên chậm hơn, các hiện tượng thời tiết cực đoan vì thế cũng sẽ ít thường xuyên hơn, ít trầm trọng hơn... Cần hy vọng để hành động, và hành động mang lại niềm tin.

.

=================================================

.

.

Nóng 44°C ở Ấn Độ: Chính quyền bị chỉ trích thiếu chuẩn bị để đối phó

Trọng Thành  -  RFI

Đăng ngày: 22/04/2023 - 14:34

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20230422-n%C3%B3ng-44%C2%B0c-%E1%BB%9F-%E1%BA%A5n-%C4%91%E1%BB%99-ch%C3%ADnh-quy%E1%BB%81n-b%E1%BB%8B-ch%E1%BB%89-tr%C3%ADch-thi%E1%BA%BFu-chu%E1%BA%A9n-b%E1%BB%8B-%C4%91%E1%BB%83-%C4%91%E1%BB%91i-ph%C3%B3

 

Mới đầu mùa hè mà Ấn Độ đã bị đe dọa bởi không khí nóng dữ dội, cao hơn đến 5 °C so với mức bình thường. Chính quyền liên bang bị chỉ trích là đã không có các kế hoạch để đối phó với nhiệt độ gia tăng mạnh, do biến đổi khí hậu, trong lúc có đến 90% lãnh thổ quốc gia bị nóng, hạn đe dọa nghiêm trọng, theo một kết quả nghiên cứu mới đây.

 

https://s.rfi.fr/media/display/d620b84a-e108-11ed-95bd-005056a90321/w:980/p:16x9/AP23109364492648.webp

Một cậu bé đứng dưới đường ống dẫn nước tưới tiêu để làm mát trong thời tiết nóng bức tại Lucknow, bang Uttar Pradesh, Ấn Độ, ngày 19/04/2023. AP - Rajesh Kumar Singh

 

Thông tín viên Côme Bastin tường trình từ Bangalore:

 

‘‘Nhiệt độ đã tăng lên 44 độ ở một số bang miền bắc Ấn Độ, như Rajasthan và Orissa. Một số nơi đã phải đóng cửa trường học hoặc thay đổi giờ học.Ở hai thành phố Delhi và Bombay, nhiệt kế lên đến gần 40 độ, nhưng có cảm giác thời tiết nóng hơn nhiều, do không khí oi bức của đô thị. Mười một người đã chết vì nóng tại một cuộc tập hợp chính trị ở Bombay.

 

Đối mặt với nhiệt độ chết người này, chính quyền khắp nơi đã kêu gọi người dân thận trọng. Tình hình càng đáng sợ hơn khi điều tồi tệ nhất có nhiều khả năng sẽ xảy đến vào tháng Năm tới.

 

Tuần này, một số nghiên cứu đáng báo động về tương lai khí hậu của Ấn Độ đã được công bố. Theo Đại học Cambridge, 90% lãnh thổ Ấn Độ bị đe dọa bởi các trận nóng gây chết người và tàn phá mùa màng.

 

Rủi ro nói trên có thể đã bị bỏ qua trong kế hoạch khí hậu của chính phủ Ấn Độ. Trung tâm Nghiên cứu Chính sách (Center For Policy Research) lo ngại về vấn đề này. Trung tâm tư vấn nói trên đã thẩm định về các kế hoạch hành động đối phó với nóng bức của một số thành phố và bang. Kết luận: hầu hết các kế hoạch đều không tương ứng với mối đe dọa’’.

 

----------------------------

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

 

Báo cáo của nhóm chuyên gia khí hậu LHQ: ''Cẩm nang sống sót cho nhân loại''

 

Khí hậu: Nhân loại còn rất ít thời gian để giữ mức tăng nhiệt độ không quá 1,5°C

 

Liên Hiệp Quốc thông qua một nghị quyết lịch sử về khí hậu

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats