Tuesday, 18 April 2023

ĐIỀU GÌ ĐANG THỰC SỰ XẢY RA TRONG QUAN HỆ NGA - HOA (Alexander Gabuev  -  Foreign Affairs)

 



 

Điều Gì Đang Thực Sự Diễn Ra Trong Quan Hệ Nga-Trung Quốc

Alexander Gabuev  -  Foreign Affairs

Ngô Trung Hiếu, biên dịch

April 17, 2023   

https://dskbd.org/2023/04/17/dieu-gi-dang-thuc-su-dien-ra-trong-quan-he-nga-trung-quoc/

 

https://daisukybiendong.files.wordpress.com/2023/04/screenshot-2023-04-17-at-00.48.00.png

Tập & Putin

 

 

“Chúng ta đang chứng kiến những thay đổi chưa từng thấy trong vòng 100 năm qua”, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình chia sẻ với Tổng thống Nga Vladimir Putin khi kết thúc chuyến công du chính thức Nga hồi tháng 3/2023. “Chúng ta hãy cùng nhau thúc đẩy những thay đổi này”, và Tổng thống Nga đáp lời, “tôi đồng ý”. Khoảnh khắc có vẻ ngẫu hứng nhưng thực chất được dàn dựng công phu này đã tóm tắt kết quả của chuyến công du của Tập tới Nga, cũng như chỉ ra định hướng mà Tập và Putin lựa chọn cho quan hệ Nga – Trung. Chuyến thăm của Tập bề ngoài là một màn phô diễn sự ủng hộ đối với Putin, nhưng những diễn biến phía sau cánh cửa phòng họp giữa Tập và Putin mới là những yếu tố đáng chú ý nhất. Trong những buổi họp kín, Tập và Putin đã có những quyết định quan trọng với tương lai quan hệ hợp tác quốc phòng Nga – Trung, và nhiều khả năng đã đồng thuận với những thỏa thuận mua bán vũ khí ngầm cho thời gian tới.

 

Cuộc chiến tại Ukraine và những lệnh trừng phạt của phương Tây với Nga đã giới hạn lựa chọn của Điện Kremlin, đẩy sự phụ thuộc kinh tế và công nghệ của Nga vào Trung Quốc lên mức chưa từng thấy. Những thay đổi này đã tạo ra lợi thế ngày càng gia tăng cho Trung Quốc trong đối thoại và đàm phán với Nga. Đồng thời, quan hệ ngày càng căng thẳng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ biến Nga thành một đối tác hạng hai không thể bỏ qua trong nỗ lực chống lại Hoa Kỳ và đồng minh. Trung Quốc không còn đối tác nào khác có thể tạo ra một đối trọng tương tự như Nga. Và Tập cần phải huy động mọi nguồn lực có thể trong lúc đang chuẩn bị Trung Quốc cho một giai đoạn đối đầu kéo dài với quốc gia mạnh nhất thế giới.

 

Nhân sự cấp cao trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thảo luận rộng rãi về một quan hệ đối tác gần gũi hơn với Nga do nhận thấy chính sách của Hoa Kỳ ngày một hung hăng, hướng tới việc ngăn cản sự phát triển của Trung Quốc. Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương đã chia sẻ với truyền thông quốc gia Trung Quốc về chuyến công du, khẳng định rằng quan hệ đối tác với Nga là rất quan trọng trong bối cảnh một số thế lực đang thúc đẩy “chủ nghĩa bá quyền, chủ nghĩa đơn phương, và chủ nghĩa bảo hộ”, và những thế lực này được thúc đẩy bởi “tâm lý Chiến tranh Lạnh”. Tất cả những từ khóa này đều nằm trong nội dung tuyên truyền về chính sách Trung Quốc của Hoa Kỳ. Việc Trung Quốc đặt những lý do này vào vị trí trung tâm của chuyến công du thể hiện rõ tại sao Tập lại quyết định trực tiếp tới thăm Putin vào thời điểm này, bất chấp việc hình ảnh có thể bị hạ thấp bởi quyết định bắt giữ Putin của Tòa Hình sự Quốc tế được đưa ra ngay trước thềm chuyến thăm. Thông điệp của Tập rất rõ ràng: Trung Quốc có nhiều lợi ích trong việc duy trì quan hệ với Nga, và sẽ tiếp tục duy trì quan hệ với Nga ở mức độ cao nhất, bất chấp phản ứng của phương Tây.

 

Để gạt đi chỉ trích của Hoa Kỳ và Châu Âu đối với sự ủng hộ của Trung Quốc với Nga, Bắc Kinh xây dựng một kế hoạch ngoại giao chi tiết, mở đầu bằng việc công bố một văn bản lập trường về khủng hoảng Ukraine vào ngày 24 tháng 2 năm 2023, ngày đánh dấu một năm cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine bắt đầu. Văn bản này là một danh sách các luận điểm mà Trung Quốc đã sử dụng trong suốt cuộc chiến, bao gồm yêu cầu tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và chống lại các lệnh trừng phạt đơn phương. Đề xuất của Trung Quốc thiếu đi chi tiết quan trọng về những vấn đề chính như biên giới và trách nhiệm với tội ác chiến tranh, và đây là một đặc điểm được chủ định từ phía Trung Quốc. Bắc Kinh hiểu rõ rằng cả Kyiv và Moscow đều không muốn đối thoại vào thời điểm này vì cả hai đều muốn tiếp tục chiến đấu để nâng cao lợi thế trên bàn đàm phán. Đề xuất của Trung Quốc chỉ là một món đồ trang trí cho chuyến thăm của Tập, che giấu đi những hoạt động đàm phán bí mật giữa Tập và Putin.

 

Kết thúc chuyến thăm, Điện Kremlin công bố danh sách 14 tài liệu được ký kết bởi Trung Quốc và Nga, bao gồm hai tuyên bố của Tập và Putin. Những tài liệu này trông có vẻ như chỉ là những biên bản ghi nhớ không quan trọng giữa các bộ ban ngành mà không có thỏa thuận lớn nào được công bố. Nhưng khi nghiên cứu kỹ càng thì những tài liệu này cho thấy một bức tranh rất khác biệt mà Bắc Kinh và Moscow muốn che giấu khỏi thế giới. Khác với thường lệ, Điện Kremlin không công bố danh sách quan chức và lãnh đạo doanh nghiệp có mặt trong các buổi làm việc, mà chỉ có thể được tìm thấy thông qua các hình ảnh và video thu lại hội nghị và thông qua các bình luận của Yuri Ushakov, trợ lý đối ngoại của Putin. Những nguồn thông tin này cho thấy rằng hơn một nửa đội ngũ quan chức của Putin tham gia vòng đối thoại đầu tiên với Tập là những quan chức liên quan trực tiếp tới lĩnh vực quân sự và không gian của Nga. Danh sách này bao gồm cựu Tổng thống Dmitry Medvedev, hiện đang điều hành Ủy ban phụ trách phức hợp công nghiệp – quốc phòng; Sergei Shoigu, Bộ trưởng Quốc phòng Nga; Dmitry Shugaev, điều hành Cục hợp tác quân sự – công nghệ liên bang; Yury Borisov, điều hành Trung tâm không gian của Nga và đã từng giữ vị trí Thứ trưởng Quốc phòng Nga trước năm 2020; Dmitry Chernyshenko, Phó Thủ tướng phụ trách Ủy ban liên chính phủ Nga – Trung và phụ trách khoa học – công nghệ trong nội các Nga. Nhóm quan chức này được tập hợp lại vì một lý do duy nhất: thúc đẩy hợp tác quốc phòng với Nga.

 

Mặc dù Bắc Kinh và Moscow không công bố bất cứ thỏa thuận nào, chắc chắn rằng đội ngũ quan chức của Tập và Putin đã thống nhất được nhiều thỏa thuận quốc phòng mới. Trong các thượng đỉnh giữa Tập và Putin trước đây, hai lãnh đạo đã bí mật ký kết các văn bản liên quan tới quốc phòng và chỉ công bố sau đó rất lâu. Tháng 9/2014, sau khi Nga sáp nhập Crimea, Điện Kremlin đã bán các hệ thống S-400 cho Trung Quốc nhưng chỉ công bố sau đó 8 tháng, trong một bài phỏng vấn của tờ Kommersant với Anatoly Isaykin, Giám đốc của tập đoàn xuất khẩu quốc phòng chủ đạo của Nga là Rosoboroexport.

 

Sau khi Hạ viện Hoa Kỳ thông qua Đạo luật Chống Đối thủ của Hoa Kỳ qua Trừng phạt (CAATSA) năm 2017, Moscow và Bắc Kinh ngừng hoàn toàn việc công bố các hợp đồng quốc phòng. Đạo luật này của Hoa Kỳ đã cho phép Hoa Kỳ trừng phạt ủy ban phụ trách vũ khí của Quân đội Trung Quốc và lãnh đạo của ủy ban này là Thượng tướng Lý Thượng Phúc, người mới được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng hồi tháng 3 năm 2023. Tuy nhiên trong một số dịp hiếm hoi, Putin đã khoe về các thỏa thuận quốc phòng mới với Trung Quốc, ví dụ như vào năm 2019 khi Putin tuyên bố Nga đang giúp Trung Quốc phát triển hệ thống phát hiện sớm tên lửa, và vào năm 2021 khi công bố rằng Nga và Trung Quốc đang hợp tác nghiên cứu phát triển vũ khí công nghệ cao. Trung Quốc đã từng phụ thuộc vào vũ khí của Nga từ những năm 1990, và Moscow là nguồn cung vũ khí nước ngoài duy nhất của Trung Quốc sau khi EU và Hoa Kỳ cấm vận vũ khí sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989. Khi ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc phát triển thì sự phụ thuộc ngày một giảm dần. Bắc Kinh hiện đã có thể tự sản xuất vũ khí hiện đại, và có lợi thế vượt trội với Nga trong nhiều lĩnh vực công nghệ quốc phòng mới như vũ khí không người lái. Tuy nhiên để củng cố năng lực nghiên cứu, phát triển, và sản xuất, Bắc Kinh vẫn muốn tiếp tục giành được công nghệ quân sự của Nga để sử dụng trong tên lửa đất đối không, động cơ phản lực, và các thiết bị chiến đấu dưới biển như tàu ngầm và tàu ngầm không người lái. Nếu là một thập kỷ trước thì Điện Kremlin sẽ không muốn bán công nghệ quân sự hiện đại nhất cho Trung Quốc do lo ngại Trung Quốc sẽ đảo ngược công nghệ để tìm ra phương thức sản xuất vũ khí hiện đại. Nga cũng sẽ có lo ngại về việc cung cấp vũ khí cho một quốc gia tiếp giáp vùng lãnh thổ rộng, thưa dân, và giàu tài nguyên tại Siberia và Viễn Đông. Nhưng quan hệ giữa Nga và phương Tây đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau sự kiện Crimea năm 2014, và cuộc xâm lược tại Ukraine đã khiến quan hệ với phương Tây sụp đổ hoàn toàn. Do đó, Moscow không còn lựa chọn nào khác ngoài bán những công nghệ hiện đại và quan trọng nhất cho Trung Quốc.

 

Ngay cả trước khi cuộc chiến nổ ra, một số nhà phân tích của Nga chuyên về công nghiệp quốc phòng Trung Quốc đã ủng hộ việc tham gia vào các dự án chung, chia sẻ công nghệ với Trung Quốc để chen chân vào chuỗi cung ứng quốc phòng của nước này. Các nhà phân tích này khẳng định rằng điều này sẽ là phương án tốt nhất cho công nghiệp quốc phòng Nga hiện đại hóa, bởi vì nếu không thì khả năng nghiên cứu và phát triển của Trung Quốc sẽ sớm khiến cho công nghệ của Nga bị lỗi thời. Ngày nay, những nhận định này đã trở thành lập trường chung tại Moscow. Nga đã bắt đầu mở cửa hợp tác giữa các trường đại học và các viện nghiên cứu với Trung Quốc. Huawei có số lượng nhân sự nghiên cứu tại Nga tăng gấp 3 lần sau khi Washington tiến hành một chiến dịch toàn cầu nhằm giới hạn tập đoàn này trên thị trường quốc tế. 

 

Cả Bắc Kinh và Moscow đều không có nhu cầu công bố chi tiết về những đàm phán bí mật, cũng như chi tiết về việc các tập đoàn Nga có thể tiếp cận thị trường tài chính của Trung Quốc. Sự xuất hiện của Elvira Nabiullina, Giám đốc Ngân hàng Trung ương Nga trong các buổi đối thoại cho thấy rằng tiếp cận thị trường tài chính của Trung Quốc đang trở thành một vấn đề tối quan trọng với Điện Kremlin. Nga ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào thị trường Trung Quốc về cả xuất và nhập khẩu, và đồng Nhân Dân tệ đang trở thành đồng tiền ưu tiên trong giao thương, tiết kiệm, và đầu tư tại Nga.

 

Sự xuất hiện của lãnh đạo một số tập đoàn xuất khẩu nguyên liệu hàng đầu của Nga cho thấy rằng đàm phán có liên quan tới vấn đề mua bán khoáng sản của Nga cho Trung Quốc. Hiện tại, Bắc Kinh không có nhu cầu thu hút sự chú ý tới những thỏa thuận này để tránh việc đổ tiền cho Putin tiếp tục gây chiến, và Bắc Kinh sẽ ngày càng có lợi thế trong đàm phán mua khoáng sản từ Nga: Bắc Kinh có rất nhiều sự lựa chọn tiềm năng cho việc mua khoáng sản, trong khi Nga thì có rất ít khách hàng tiềm năng. Điện Kremlin sẽ muốn ít nhất một số thỏa thuận được công bố để khẳng định khả năng cân đối thiệt hại khi EU ngừng nhập khẩu dầu và giảm nhập khẩu khí đốt từ Nga. Nhưng chỉ Trung Quốc mới là bên có quyền quyết định khi nào những thỏa thuận này được ký kết và công bố, Nga hoàn toàn không còn lựa chọn nào khác ngoài việc kiên nhẫn chờ đợi quyết định của nước láng giềng mạnh hơn. 

 

Quan hệ Nga – Trung đang trở nên bất cân xứng hơn bao giờ hết, nhưng không hề một chiều. Bắc Kinh vẫn cần Moscow, và Điện Kremlin có thể đóng một số vai trò nhất định trong thời kỳ cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Vũ khí hiện đại của Nga, tiếp cận với nhân lực nghiên cứu khoa học chất lượng cao của Nga, và nguồn cung nguyên liệu dồi dào từ Nga sẽ tiếp tục duy trì vị thế đối tác không thể thiếu của Nga với Trung Quốc. Nga còn là một đối thủ lớn của Hoa Kỳ trên trường quốc tế và là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, tức là Nga tiếp tục là một đối tác quan trọng của Trung Quốc khi mà Hoa Kỳ đang củng cố quan hệ với một hệ thống các đối tác toàn cầu tại Châu Âu và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. 

 

Những yếu tố này cho thấy mặc dù Trung Quốc có lợi thế và ảnh hưởng lớn đối với Điện Kremlin, Bắc Kinh không điều khiển được nước Nga. Một mối quan hệ tương tự cũng tồn tại là quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên. Mặc dù Bắc Kinh có ảnh hưởng rất lớn đối với Bình Nhưỡng, Trung Quốc vẫn không thể kiểm soát hoàn toàn chính quyền của Kim Jong Un và vẫn phải duy trì quan hệ thân thiện và gần gũi với Triều Tiên. Nga cũng có quan hệ tương tự với Belarus, khi Kremlin có thể gây sức ép với Minsk nhưng không thể định đoạt tất cả mọi chính sách của Belarus. Tiềm lực của Nga có thể mang lại cho Điện Kremlin một tia hy vọng về tự chủ khi tiến vào một quan hệ bất cân xứng với Bắc Kinh. Tuy nhiên sự bền vững của quan hệ này, nếu như không xảy ra một sự kiện bất ngờ nào, sẽ phụ thuộc vào khả năng quản lý của Trung Quốc trong quan hệ với một nước Nga ngày một suy yếu. Trong những năm tới, chính quyền Putin sẽ phải học lấy những kỹ năng mà bất cứ đối tác hạng hai nào cũng phải sử dụng để tồn tại, đó là làm thế nào để quản lý quan hệ với một đối tác là cường quốc mạnh hơn.

 

--------------------------

Alexander Gabuev là Giám đốc Trung tâm Âu-Á Nga thuộc Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế. Bài viết được đăng trên Foreign Affairs tại https://www.foreignaffairs.com/united-states/whats-really-going-between-russia-and-china.

 

Th.S Ngô Trung Hiếu là cộng tác viên phụ trách chuyển động EU và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats