Saturday, 1 April 2023

DIỄN GIẢ TRẦN GIA PHỤNG THUYẾT TRÌNH ĐỀ TÀI "VẬN ĐỘNG NGOẠI GIAO TRƯỚC NGÀY 30 THÁNG TƯ, 1975" (Lâm Hoài Thạch / Người Việt)

 




Diễn giả Trần Gia Phụng thuyết trình ‘Vận Động Ngoại Giao Trước Ngày 30 Tháng Tư, 1975’

Lâm Hoài Thạch/Người Việt

March 31, 2023

https://www.nguoi-viet.com/little-saigon/dien-gia-tran-gia-phung-thuyet-trinh-van-dong-ngoai-giao-truoc-ngay-30-thang-tu-1975/

 

WESTMINSTER, California (NV) – Diễn giả Trần Gia Phụng vừa có buổi thuyết trình đề tài “Vận Động Ngoại Giao Trước Ngày 30 Tháng Tư, 1975” vào trưa Chủ Nhật, 26 Tháng Ba, tại Viện Việt Học, thành phố Westminster.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/03/DP-Tran-Gia-Phung-ngoai-giao-1-1536x1268.jpg

Diễn giả Trần Gia Phụng. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

 

Mở đầu phần thuyết trình, Giáo Sư Trần Gia Phụng cho mọi người biết lịch sử Việt Nam trước 30 Tháng Tư, 1975, có nhiều sự việc đã xảy ra về ngoại giao của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), mà có nhiều người chưa biết đến.

 

Theo ông, trong cuộc chiến 1954-1975 giữa Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ở Bắc Việt Nam và VNCH ở Nam Việt Nam, khi tình hình càng ngày càng căng thẳng và bất lợi cho Nam Việt Nam, thì Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (Trung Quốc), một nước Cộng Sản, mở cuộc vận động ngoại giao nhằm tránh sự sụp đổ của Nam Việt Nam. Đây là một diễn biến khá bất thường, nên để tìm hiểu việc này, xin quay trở lại chủ trương ngoại giao của Trung Quốc từ năm 1954 về vấn đề Đông Dương.

 

Ông dẫn chứng: “Nguyên sau Hiệp Định Genève ngày 20 Tháng Bảy, 1954, chia hai Việt Nam ở vĩ tuyến 17, nhà cầm quyền Trung Quốc chẳng những bang giao với nhà cầm quyền Cộng Sản Bắc Việt, mà còn đề nghị bang giao với chế độ tương lai thân Tây phương ở Nam Việt Nam. Tuy nhiên Nam Việt Nam đã từ chối. “

 

“Sự kiện này cho thấy tuy Trung Quốc theo Chủ Nghĩa Cộng Sản, nhưng chủ trương mở rộng ngoại giao với tất cả các nước trên thế giới, không phân biệt học thuyết hay chủ nghĩa chính trị, dù Cộng Sản hay tư bản, miễn sao có lợi cho Trung Quốc,” ông nhận định.

 

Diễn giả Trần Gia Phụng nói: “Ngày 8 Tháng Ba, 1965, ở Nam Việt Nam, Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đổ bộ vào Đà Nẵng để giúp quân đội Nam Việt Nam chống quân đội Cộng Sản từ Bắc vào Nam. Hai tháng sau (Tháng Năm, 1965), Trung Quốc bắt đầu gởi quân qua giúp Bắc Việt, nói rằng để giúp Bắc Việt xây dựng hạ tầng cơ sở, đường sá, thiết lộ, cầu cống. Số quân này tăng dần lên tối đa trên 310,000 quân. Quân đội Trung Quốc chẳng những chỉ giúp Bắc Việt Nam, mà còn để bảo vệ mặt Nam Trung Quốc. Lực lượng Trung Quốc đóng rải rác khắp các tỉnh thành ở phía Bắc sông Hồng.”


https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/03/DP-Tran-Gia-Phung-ngoai-giao-2-1536x971.jpg

Đồng hương tham dự. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

 

“Trong nội bộ khối Cộng Sản quốc tế, sau khi Stalin chết năm 1953, hai bên Trung Quốc và Liên Xô bắt đầu tranh chấp nhau, rồi sau đó vào Tháng Ba, 1969, quân đội hai nước thực sự đánh nhau tại vùng sông Ussuri (Ô Tô Lý), một phụ lưu của sông Amur, ở biên giới phía Đông Bắc Trung Quốc, nên hai bên càng thêm đố kỵ nhau. Trong khi tranh chấp với Trung Quốc, Liên Xô tăng viện mạnh mẽ cho Bắc Việt vừa để Bắc Việt cầm chân Hoa Kỳ tại Á Châu, vừa để lôi cuốn Cộng Sản Bắc Việt về phía Liên Xô trong khối Cộng Sản quốc tế,” diễn giả cho biết thêm.

 

Ông nói tiếp: “Điều này khiến cho Trung Quốc lo ngại rằng một khi Bắc Việt Nam chiến thắng Nam Việt Nam, làm chủ toàn bộ Việt Nam, thì đảng Cộng Sản Việt Nam sẽ rảnh tay phía Nam, có thể liên kết với Liên Xô chống Trung Quốc. Trong trường hợp Bắc Việt Nam thành công ở Việt Nam, Trung Quốc có thể sẽ lâm vào thế hai đầu gặp địch: Liên Xô ở phía Bắc, Cộng Sản Việt Nam ở phía Nam. Vì vậy Trung Quốc ra sức vận động nhằm giữ cho VNCH ở miền Nam khỏi sụp đổ, để cầm chân Cộng Sản Bắc Việt. Đồng thời Trung Quốc bắt đầu thay đổi thái độ đối với Hoa Kỳ.”

 

Diễn giả cũng cho biết thêm, về phía Hoa Kỳ, vào cuối thập niên 1960, học thuyết địa lý chính trị (geopolitics) mới thịnh hành, cho rằng Bắc Việt không nguy hiểm đối với Hoa Kỳ bằng Liên Xô và Trung Quốc, là hai nước Cộng Sản thủ đắc võ khí nguyên tử, có thể bất ngờ tấn công hủy diệt Hoa Kỳ. Học thuyết này khuyến khích Hoa Kỳ hòa hoãn với Liên Xô và Trung Quốc, đồng thời rút quân ra khỏi Nam Việt Nam để tránh khiêu khích Trung Quốc.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/03/DP-Tran-Gia-Phung-ngoai-giao-3-1309x2048.jpg

Giáo Sư Trần Huy Bích tại hội thảo. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

 

Thêm vào đó, lúc bấy giờ lại diễn ra những cuộc biểu tình phản chiến, chống chiến tranh Việt Nam rầm rộ khắp thế giới và tại nội địa Hoa Kỳ. Sự kiện này ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vào đầu Tháng Mười Một, 1968. Trong cuộc bầu cử năm này, dân chúng Hoa Kỳ chọn Richard Nixon làm tổng thống. Khi tranh cử, Nixon hứa hẹn với dân chúng sẽ đem lại “hòa bình trong danh dự” cho Hoa Kỳ.

 

Như thế, trước đây tuy đối địch nhau, nhưng nay Hoa Kỳ và Trung Quốc đều có nhu cầu xích lại gần nhau. Sau đó, Hoa Kỳ quyết định bãi bỏ lệnh cấm vận Trung Quốc, mà Hoa Kỳ đã thiết lập từ năm 1949…

 

Cũng trong năm 1971, trong cuộc tiếp tân tại tòa đại sứ Miến Điện ở Paris, Pháp, đại diện của thủ tướng Trung Quốc gặp gỡ và đàm đạo với Tiến Sĩ Nguyễn Xuân Phong, một thành viên trong phái đoàn VNCH đang tham dự hội nghị Paris.

 

Tiến Sĩ Nguyễn Xuân Phong không công bố nội dung cuộc gặp gỡ với đại diện của Trung Quốc. Về sau, ông cho biết sơ lược rằng đại diện của Trung Quốc tỏ ý tìm cách liên lạc với Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, nhưng Tổng Thống Thiệu không trả lời.

 

Giáo Sư Trần Gia Phụng cho hay: “Vào đầu năm 1972, khi gặp Tướng Alexander Haig (lúc đó là phó cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Hoa Kỳ) đến Bắc Kinh để bàn thảo chương trình thăm viếng Trung Quốc của Tổng Thống Richard Nixon. Thủ tướng Trung Quốc là Chu Ân Lai đã dặn dò ông Haig rằng: ‘Do not lose in Vietnam’ (Đừng để thua ở Việt Nam). Theo ông Haig, Trung Quốc lo ngại rằng Hoa Kỳ rút lui khỏi Đông Nam Á là điều nguy hiểm cho Trung Quốc.”

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/03/DP-Tran-Gia-Phung-ngoai-giao-4-1536x1130.jpg

Luật Sư Đỗ Thái Nhiên (trái) và nhà văn Võ Ý. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

 

“Ngoài ra, cựu Phó Tổng Thống VNCH là Nguyễn Cao Kỳ (nhiệm kỳ 1967-1971), còn cho biết rằng, Trung Quốc đã cử đại diện tiếp xúc với ông tại Sài Gòn vào cuối năm 1972, đề nghị ông Kỳ đảo chánh lật đổ Tổng Thống Thiệu, rồi tuyên bố Nam Việt Nam trung lập, không theo Hoa Kỳ, cũng không theo Liên Xô, thì Trung Quốc sẽ ủng hộ ông Kỳ giữ cho VNCH khỏi sụp đổ. Tuy nhiên ông Kỳ đã từ chối đề nghị này,” diễn giả Phụng cho biết thêm.

 

Cũng theo diễn giả, sau trận Hoàng Sa ngày 19 Tháng Giêng, 1974, khi trả tù binh VNCH về nước, Trung Quốc đề nghị với VNCH mở một cuộc họp giữa hai bên. Nhưng VNCH không trả lời. Vào mùa Hè năm đó (1974), Trung Quốc nhờ người nói chuyện lần nữa với chính phủ VNCH, nhưng người này lại trình bày với đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn là Graham Martin, và Đại Sứ Martin cũng im lặng luôn.

 

Tất cả những sự kiện trên đây cho thấy ngay từ trước Hiệp Định Paris (27 Tháng Giêng, 1973) và trước khi Trung Quốc rút hết quân ra khỏi Bắc Việt Nam (1973), Trung Quốc muốn duy trì nguyên trạng miền Nam Việt Nam, không để VNCH sụp đổ.

 

Bên cạnh những vận động của Trung Quốc, một người Pháp cũng góp sức nhằm duy trì Nam Việt Nam tránh sụp đổ năm 1975 là Paul Vanuxem. Tháng Tư, 1975, ông Paul Vanuxem đến Nam Việt Nam với tư cách là đặc phái viên của tuần báo Carrefour.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/03/DP-Tran-Gia-Phung-ngoai-giao-5-1536x1226.jpg

Cô Nguyễn Kim Ngân, giám đốc Viện Việt Học, phát biểu. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

 

Sáng ngày 30 Tháng Tư, 1975, ông Paul Vanuxem đến dinh Độc Lập, gặp cựu Đại Tướng Dương Văn Minh, vừa nhận chức tổng thống chiều ngày 28 Tháng Tư, 1975.

 

Năm 1975, sau khi quân đội Bắc Việt Nam chiếm Quân Khu I ngày 29 Tháng Ba, 1975; chiếm Quân Khu II ngày 18 Tháng Tư, 1975, và tiến xuống phía Nam, đe dọa Sài Gòn, thì đại sứ Pháp là ông Jean Marie Mérillon cố gắng thuyết phục đại sứ Hoa Kỳ Graham Martin áp lực Tổng Thống Thiệu từ chức.

 

Lúc đó tại Sài Gòn lan truyền những tin đồn rằng Cộng Sản sẵn sàng thương thuyết nếu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ra đi, nhưng tin tình báo của Hoa Kỳ từ Tây Ninh ngày 8 Tháng Tư, 1975, cho biết Bắc Việt quyết đánh sập VNCH, dầu Tổng Thống Thiệu từ chức.

Sau đó, cuộc vận động ngoại giao của chính phủ VNCH còn nhiều sự việc khác đối với Hoa Kỳ, chính quyền VNCH tại miền Nam, và Trung Quốc.

 

Cuối cùng, tối 21 Tháng Tư, 1975, tại phủ tổng thống, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu loan báo quyết định từ chức và theo hiến định, giao quyền cho Phó Tổng Thống Trần Văn Hương.

Sau đó, Tổng Thống Hương quyết định từ chức chiều 28 Tháng Tư, 1975, và giao cho Quốc Hội tùy nghi quyết định người thay thế. Tuy không được Hiến Pháp quy định, nhưng do thời cuộc đột ngột cấp bách, cuối cùng Quốc Hội suy cử cựu Đại Tướng Dương Văn Minh làm tổng thống.

 

Sau phần thuyết trình, có nhiều đồng hương đến dự đặt nhiều câu hỏi, và diễn giả đã trả lời cặn kẽ theo sách vở; nhiều tài liệu mà Giáo Sư Phụng đã từng xem qua. Ngoài ra, một số đồng hương đã nêu ra một vài ý kiến trong phần thảo luận qua đề tài “Vận Động Ngoại Giao Trước Ngày 30 Tháng Tư, 1975.”

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/03/DP-Tran-Gia-Phung-ngoai-giao-6-1536x969.jpg

Ban tổ chức và một số khách mời đến dự. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

 

Luật Sư Đỗ Thái Nhiên nói với phóng viên nhật báo Người Việt: “Sự ngoại giao của VNCH trước 1975, đó là sự ngoại giao thuộc chế độ Dân Chủ Đa Nguyên, được tự do ngôn luận, tự do biểu tình, tự do đảo chánh… Nên chế độ lúc nào cũng bị chao đảo. Nhân dịp 30 Tháng Tư sắp đến, tôi mong là chúng ta nên ngồi lại với nhau, cùng nhắc lại những kỷ niệm, những bất bình về biến cố 30 Tháng Tư, 1975. Chúng ta phải làm thế nào từ những kinh nghiệm ngoại giao trước 30 Tháng Tư, 1975; như thế nào để cho Dân Chủ Đa Nguyên đủ ổn định, thì mới có khả năng đương đầu với những chế độ độc tài.”

 

Theo Giáo Sư Trần Huy Bích: “Trong lúc tình hình của miền Nam đang trong bối rối, nếu VNCH lên tiếng thì Trung Quốc sẽ đưa Sư Đoàn Nhảy Dù của Trung Quốc vào đóng quân ở Biên Hòa để Hà Nội không còn tiến quân nữa. Nhưng cụ Trần Văn Hương từ chối, vì chẳng thà cụ thua quân Bắc Việt, chớ không cho quân Trung Quốc đóng quân tại miền Nam, thì biết bao giờ Trung Quốc mới rút quân ra khỏi miền Nam.”

 

Được biết, khi Quốc Hội Hoa Kỳ cắt giảm tất cả những chi phí quân sự ở Đông Dương từ Tháng Giêng, 1973, viện trợ Hoa Kỳ giúp VNCH xuống đến độ chỉ đủ cung ứng một nửa nhu cầu của quân đội. Vì thế, quân đội VNCH thiếu phương tiện chiến đấu, nhất là xăng dầu, đạn dược… nên cuối cùng đành phải buông súng.

 

Trước ngày 30 Tháng Tư, 1975, hai nước Trung Quốc và Pháp vì những quyền lợi riêng tư, đã mở những cuộc vận động ngoại giao quốc tế để tránh sự sụp đổ của chính thể VNCH ở Nam Việt Nam. Tuy nhiên, những cố gắng của hai nước này đã quá trễ, nên cuối cùng đều thất bại. Rồi đến biến cố 30 Tháng Tư, 1957, miền Nam bị thất thủ cũng từ ngày này. [qd]





No comments:

Post a Comment

View My Stats