Saturday, 1 April 2023

"CUỘC CHIẾN THÔNG TIN" CỦA VIỆT NAM CHỐNG LẠI AI? (RFA)

 



"Cuộc chiến thông tin" của Việt Nam chống lại ai?

RFA
2023.03.31

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/who-is-vietnam-s-information-war-against-03312023124255.html

 

PGS.TS Phạm Đức Kiên, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Khoa học, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 35 - Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tại buổi sinh hoạt chuyên đề Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng gắn với hoạt động báo chí, diễn ra hôm 29/3 phát biểu trên tờ Tiền phong rằng: “hiện nay, đang có 'cuộc chiến' thông tin với các thế lực thù địch, chống phá”.

 

Ông này cũng nhấn mạnh, các đối tượng, tổ chức phản động chủ yếu lợi dụng các mạng xã hội lớn như Facebook, Google, Youtube... lợi dụng các vấn đề về tôn giáo, dân tộc, dân chủ, nhân quyền... để cài cắm các thông tin xấu độc, lập các trang giả mạo.v.v.

 

.

Độc quyền, thao túng

 

Mặc dù không nêu cụ thể các tổ chức mà ông Kiên cho là phản động nhưng ông mặc định rằng: “Giữa ta và thế lực thù địch đang có cuộc chiến thông tin”.

 

Nhận định về phát biểu của ông Kiên, luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài từ Đức Quốc hôm 31/3 cho rằng, cộng sản Việt Nam (CSVN) từ khi thiết lập sự cai trị đến nay luôn kiểm soát thông tin. Ông nói tiếp:

 

“Việt Nam có khoảng 700 tờ báo, phát thanh, truyền hình đều thuộc quyền kiểm soát của nhà nước. Mặc dù hiến pháp quy định người dân Việt Nam có quyền tự do báo chí, nhưng không có một cơ quan báo chí nào thuộc về tư nhân. Việc kiểm soát truyền thông mang tính sống còn đối với các chế độ độc tài, đặc biệt là CSVN. Nhưng từ khi có truyền thông mạng xã hội, người dân Việt Nam có một vũ khí rất mạnh để tìm kiếm thông tin sự thật, đồng thời bày tỏ những quan điểm phê phán những điều không hay của chế độ CS, làm cho họ rất lo ngại... Nên họ tìm mọi cách để bưng bít như kiểm soát internet, rồi đánh đập bắt bỏ tù những người dám bày tỏ chính kiến.”

 

Cũng theo Luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài, bản chất của cuộc chiến thông tin của chính quyền Việt Nam là chống lại người dân, để bảo vệ cho quyền lực của đảng CS.

 

Còn Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già từ Sài Gòn hôm 31/3 thì cho rằng nếu nhà cầm quyền Việt Nam xác định đây là cuộc chiến thông tin, thì họ phải xem đó là cuộc chiến chính nghĩa hay phi nghĩa. Ông phân tích thêm:

 

“Bởi vì nhiều năm qua, những người bị bắt vì tội tuyên truyền chống nhà nước, hay lợi dụng các quyền tự do dân chủ... thì đều là thường dân. Không có một căn cứ nào để cho thấy được cấu thành từ thế lực thù địch. Riêng tội âm mưu lật đổ chính quyền, rất nhiều người bị bắt kết án vì liên quan tổ chức Đào Minh Quân người Mỹ gốc Việt. Tổ chức này bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam cáo buộc là một tổ chức khủng bố. Thì đây lại là trách nhiệm của phía Việt Nam về mặt đối ngoại, họ để cho tổ chức này bằng cách nào đó dụ dỗ người dân trong nước, cuối cùng người dân lãnh hậu quả vì tin vào những lời gạ gẫm của họ.”

 

Theo nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già, đây là trách nhiệm của nhà nước, vì nếu thật sự người dân tham gia vào tổ chức của ông Đào Minh Quân vì những lời dụ dỗ ngon ngọt... thì cần phải giáo dục người dân, phải bao dung với người dân, giống như là chính nhà cầm quyền đang bao dung giáo dục những đảng viên tham nhũng... Chứ không phải đi bắt người dân rồi xử án rất nặng. Ông Già nói tiếp:

 

“Về mặt bản chất, những người ra tòa họ không cho thấy gây ra một hậu quả mang tính lượng hình. Trong khi đó, những vụ án tham nhũng từ lớn cho đến rất lớn thì người dân chỉ vỡ lẽ ra khi báo chí trong nước được phép đăng tin cụ thể. Khi đó, việc người ta bàn tán cười cợt lên án là chuyện bình thường, thì tại sao chính quyền lại ghép người ta vào tội lợi dụng tự do dân chủ hay tuyên truyền chống nhà nước. Như vậy là không đúng.”

 

Việc chống chính quyền theo ông Già là phải có tổ chức, phải có kế hoạch, tài chính dồi dào và nhiều điều kiện khác thì mới hình thành thế lực, mới đủ khả năng để đối đầu trong cuộc chiến thông tin mà nhà cầm quyền đang rất lo lắng.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/who-is-vietnam-s-information-war-against-03312023124255.html/5efdb4fc-5f4b-4bcb-9e20-078bc10dca03.jpeg/@@images/bcf892a0-1828-42d1-9adc-2a46826e912c.jpeg

Các tờ báo Việt Nam/ Ảnh minh hoạ. RFA edited.

 

.

Ngày càng siết chặt 

 

Từ năm 2017 cho đến nay, có ít nhất 60 người bị kết án vì bị cáo buộc theo tổ chức của ông Đào Minh Quân có tên Chính phủ Quốc gia Việt Nam lâm thời. Những người này hầu hết bị cáo buộc “hoạt động chống chính quyền” với các hành vi bạo lực, khủng bố...

 

Tại Hội nghị Giao ban báo chí đầu Xuân Quý Mão 2023 vào ngày 2/2/2023, ông Lại Xuân Môn - Phó Ban Tuyên giáo Trung ương đã phát biểu yêu cầu Báo chí phải tạo ra dòng thông tin trung thực, chủ lưu tích cực, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết…

 

Dù kêu gọi nhà báo phải trung thực, nhưng Ban Tuyên giáo và mới đây hôm 28/2/2023 Ban Bí thư trung ương đảng ra qui định kiểm soát báo chí, thậm chí phạt nặng các báo đăng tải tin tức bị cho là không có lợi cho Đảng Cộng sản Việt Nam.

 

Liên quan đến vấn đề kiểm soát, đàn áp những tiếng nói phản biện, luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài cho biết thực trạng về việc nhà cầm quyền Việt Nam đàn áp các tiếng nói bất đồng chính kiến trong những năm qua:

 

“Khoảng bốn năm trở lại đây, việc bắt bớ rất mạnh mẽ. Nếu như cách đây hai năm, chúng ta còn thấy loáng thoáng những người bất đồng chính kiến trong nước sử dụng các kênh như YouTube, Facebook để live stream hằng ngày bày tỏ quan điểm cá nhân, cũng như bình luận các sự kiện trong nước và quốc tế có hướng đối lập với chính quyền... thế nhưng bây giờ 100 % là không còn. Chỉ còn những người làm live stream ủng hộ chính quyền, hay liên quan đến lĩnh vực phi chính trị, còn tất cả những người có quan điểm chính kiến khác biệt đều bị bắt bỏ tù.”

 

Tuy vậy, vẫn theo luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài, dù nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam có thể kiểm soát thông tin trái chiều từ trong nước, nhưng không thể ngăn cản thông tin từ truyền thông hải ngoại mà bấy lâu nay bị cho là “chống đối” như RFA, VOA hoặc BBC. Ông kết luận:

 

“ Cho nên họ có thể kiểm soát một phần nào đó trong nước, nhưng họ không thể kiểm soát được thông tin tiếng Việt từ hải ngoại lan tỏa trong nước, nên họ vẫn đối diện với sự khó khăn.”

 

Báo chí ở Việt Nam được nói đã phải chịu sự kiểm duyệt rất khắt khe từ Ban Tuyên giáo. Không chỉ bị kiểm soát trực tiếp từ Ban Tuyên giáo Trung ương đến Ban Tuyên giáo địa phương và các Sở Thông tin- Truyền thông, các tờ báo còn bị kiểm duyệt thông qua việc bố trí nhân sự trong các cơ quan báo chí như bí thư chi bộ, đảng bộ .v.v.

 

Theo nhà báo Nguyễn Ngọc Già, Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam hiện nay được Liên Hợp Quốc công nhận, có bang giao với hàng trăm quốc gia trên thế giới... thế nhưng “cứ hở ra là ghép những người dân rất bình thường vào những tội an ninh quốc gia”. Do đó, nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng, điều đó không xứng với tầm cỡ của một nhà nước mang danh của dân, do dân, vì dân.

 

“Tôi thấy chúng tôi là những người dân đang sống tại Việt Nam quá bất hạnh.”- Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già chia sẻ.





No comments:

Post a Comment

View My Stats