Wednesday, 26 April 2023

BẤT CHẤP SỰ PHẪN NỘ, EMMANUEL MACRON VẪN NHẢY THẲNG VÀO CÁI BẪY CỦA TRUNG QUỐC (Pierre-Antoine Donnet)

 



Bất chấp sự phẫn nộ, Emmanuel Macron vẫn nhảy thẳng vào cái bẫy của Trung Quốc    

Pierre-Antoine Donnet[*]

20.4.23

http://www.phantichkinhte123.com/2023/04/bat-chap-su-phan-no-emmanuel-macron-van.html#more

 

Trong diễn đàn này, Pierre-Antoine Donnet nhấn mạnh: Tổng thống Pháp đã nhảy thẳng vào cái bẫy của Trung Quốc trong chuyến thăm Bắc Kinh. Khiến cho người đồng cấp Tập Cận Bình thật sự rất vui mừng. Emmanuel Macron cho biết Liên minh châu Âu phải tránh trở thành “chư hầu” của Hoa Kỳ và đứng ngoài vấn đề Đài Loan. Kết quả: sự không hiểu, sự bối rối, sự phẫn nộ và sự giận dữ, ở Pháp và ở nước ngoài.

 

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEhB0oBbCBYs6ucbzZtal-6xs7BRE1clFsU9FHy2ZhN-2lntc7aSW0THhqMPe-kDVi9ze0E5s7cVXwyr3GTjP-QY8kK3hWhS18WjQbEsg3kSAwiNJe069BTN-O-fVTE2Z1GRIcVRu-ZfN_BrsjYg_rCo7Hap_ke2nWYaYG-mHJ5UcPzi74WbhSWB8QFrww/w589-h392/macron-chine-taiwan-2048x1365.jpg

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc họp báo ở Amsterdam, ngày 12/04/2023. (Nguồn: Times)

 

Trong chuyến thăm cấp Nhà nước này, chưa một lần tổng thống Pháp đưa ra lời chỉ trích công khai dù là nhỏ nhất đối với Trung Quốc, một thế giới vẫn là độc tài nếu không muốn nói là đang trên đà trượt dốc hướng tới chủ nghĩa phát xít kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012. Còn hoàn toàn ngược lại khi Emmanuel Macron đã nhân lên những nụ cười và những lời tuyên bố có vẻ ngọt ngào đối với người chủ nhà Trung Quốc. Vào ngày thứ hai của chuyến thăm, mà mục tiêu ưu tiên là đạt được từ ông chủ Trung Quốc sự cam kết thuyết phục Vladimir Putin chấm dứt chiến tranh ở Ukraine, Macron cho phép mình nói với báo chí: “Tôi biết rằng tôi có thể tin tưởng các bạn”. Một tuyên bố ít nhất cũng bị xem là độc đoán, vì chương trình nghị sự của Tập Cận Bình rõ ràng đã và vẫn không có điểm chung nào với chương trình nghị sự của Emmanuel Macron. Hơn nữa, Macron hoàn toàn không thu được gì trong vấn đề này, ngoại trừ những lời hứa mơ hồ không có sự cam kết bất cứ điều gì cụ thể.

 

Tập Cận Bình chỉ có nói rằng ông sẽ gọi điện cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky “vào thời điểm thích hợp”. Tự thân các cử chỉ, điệu bộ cũng đủ chứng tỏ: một nguyên thủ quốc gia Pháp luôn mỉm cười, dễ dãi, thường xuyên quay sang Tập Cận Bình, trong cuộc gặp gỡ với báo chí vào cuối cuộc gặp đầu tiên của họ. Tập Cận Bình, khi đến lúc phát biểu, chỉ nói bằng một giọng đơn điệu những chuỗi lải nhải đã được lặp đi lặp lại nhiều lần ở Bắc Kinh về mong muốn hành động vì hòa bình của Trung Quốc, mà không có bất cứ cái nhìn sang phía Emmanuel Macron.

 

.

“CHÚNG TA PHẢI TỰ ĐẶT CÂU HỎI VỀ LỢI ÍCH CỦA MÌNH”

 

Như vậy, một bên là tổng thống Pháp tự tin như thường lệ, và bên kia là chủ tịch Trung Quốc trong tư thế đế vương, một lần nữa như thói quen của ông ta. Kết quả là một cuộc đối thoại của những người điếc mà không có bất kỳ tiến bộ đáng kể nào về Ukraine, một vấn đề trong đó tổng thống Pháp phô bày hình ảnh của một nhà lãnh đạo rõ ràng trong tư thế hạ phong đối mặt với một người có thủ đoạn tinh vi trong việc đưa ra hình ảnh về sức mạnh của đất nước mình. Một hình ảnh gây hiểu nhầm, khi những thách thức mà Trung Quốc đang phải đối mặt ngày nay quá nghiêm trọng.

 

Nhưng chính vào cuối chuyến thăm, sau chặng dừng chân ở Quảng Châu, nơi ông uống trà với Tập Cận Bình trong một khung cảnh tuyệt vời trước những ống kính tự mãn, Emmanuel Macron đã mạo hiểm đưa ra một số bình luận có tiếng vang sẽ để lại dấu ấn đối với cả Liên Minh châu Âu và một số nước phương Tây, trước hết là Hoa Kỳ.

 

Trong một cuộc phỏng vấn với các báo Les Echos và Politico về vấn đề Đài Loan, ông nói thật sai lầm “khi nghĩ rằng người châu Âu chúng tôi nên theo đuôi” Hoa Kỳ. “Điều tồi tệ nhất là tham gia vào logic của một cuộc đối đầu giữa hai khối”, điều mà đối với Liên minh châu Âu, có nghĩa là “thích ứng với nhịp điệu của Mỹ và phản ứng thái quá của Trung Quốc”. “Ưu tiên của chúng tôi không phải là thích ứng với chương trình nghị sự của những người khác ở tất cả các khu vực trên thế giới. Tại sao chúng tôi lại phải đi theo nhịp độ mà người khác đã chọn? Vào một thời điểm nào đó, chúng tôi phải tự đặt câu hỏi về lợi ích của mình”, biết rằng “chúng tôi không muốn tham gia vào logic của một cuộc đối đầu giữa hai khối″. Biện hộ cho việc “quyền tự chủ chiến lược” trở thành “cuộc tranh của châu Âu”, Emmanuel Macron cảnh báo chống lại “sự bùng phát ngọn lửa về thế song cực Trung Quốc-Hoa Kỳ″với nguy cơ không còn “thời gian cũng như phương tiện để tài trợ cho cái” “quyền tự chủ chiến lược” này. “Chúng tôi sẽ trở thành chư hầu khi mà chúng tôi có thể trở thành cực thứ ba nếu chúng tôi có vài năm để xây dựng nó″.

 

Vị nguyên thủ quốc gia chắc chắn đã thảo luận vào thứ Sáu, ngày 7 tháng 4 với Tập Cận Bình về vấn đề gai góc của Đài Loan. Bắc Kinh, coi hòn đảo này chỉ là một tỉnh, phản đối bất kỳ liên hệ chính thức nào giữa Đài Bắc và các chính phủ nước ngoài. Không có gì đã lọt ra về nội dung chính xác của cuộc nói chuyện này. Bối cảnh thật là dễ bùng nổ: vào cuối cuộc gặp hôm thứ Tư 5/4 tại California giữa Tổng thống Đài Loan Tsai Ing-wen và Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ, Kevin McCarthy, quân đội Trung Quốc đã phát động, ngay lập tức vào thời điểm cất cánh của máy bay của tổng thống Pháp, các cuộc tập trận quân sự mở rộng dẫn đến sự mô phỏng một cuộc bao vây hoàn toàn Đài Loan. Điện Elysée cho biết “cuộc trò chuyện diễn ra phong phú và thẳng thắn” giữa Emmanuel Macron và Tập Cận Bình vào thứ Sáu, đồng thời báo cáo sự về sự cảnh giác của nguyên thủ quốc gia Pháp đối với “sự tích tụ căng thẳng trong khu vực” có thể dẫn đến “tai nạn quá mức”.

 

Những tuyên bố này của Emmanuel Macron, được Politico trích dẫn, đã được làm dịu đi. Điện Élysée, theo trang tin chính trị, đã kiên trì đòi hỏi kiểm tra và “đọc lại” tất cả các trích dẫn của tổng thống như là điều kiện của cuộc phỏng vấn. Trang tin này cho biết là “Điều này đi ngược lại các tiêu chuẩn và chính sách biên tập của Politico, nhưng chúng tôi đã đồng ý với các điều kiện này để có thể nói chuyện trực tiếp với tổng thống Pháp. Những câu được trích dẫn trong bài viết này đều đã được nói ra, nhưng một vài phần của cuộc phỏng vấn, trong đó tổng thống thậm chí còn nói thẳng hơn về Đài Loan và quyền tự trị chiến lược của châu Âu, đã bị Điện Elysée cắt bỏ″.

 

.

KHÔNG PHẢI AI MUỐN CŨNG CÓ THỂ LÀ TƯỚNG DE GAULLE

 

 Rút ra gì từ những lời này? Thực tế là đối với Emmanuel Macron, Pháp không muốn đề cập đến Đài Loan, một khu vực mẫu mực về nền dân chủ thành công ở châu Á, khu vực duy nhất trong thế giới Trung Quốc, trong các cuộc thảo luận với các đối tác của mình, bất kể họ là ai.

 

Thực tế cũng cho thấy là, nếu ông không chỉ trích Trung Quốc trong thời gian cuộc thăm viếng, thì ông cũng đã không ngần ngại bắn những mũi tên nhọn vào Mỹ. Tuy rằng, cho đến nay, Washington vẫn là quốc gia chính cung cấp viện trợ quân sự khổng lồ cho Ukraine, mà nếu không có thì rõ ràng là hiện nay quốc gia này đã nằm dưới sự kiểm soát của Nga. Do đó, việc bỏ qua viện trợ của Mỹ cho Ukraine và lên tiếng thay mặt cho Liên minh châu Âu là một cách đối xử kỳ lạ. Đặc biệt khi một số quốc gia thành viên chắc chắn sẽ rất khó chịu trước những lập trường này của Pháp, vốn đối với một số quốc gia như các nước vùng Baltic và Ba Lan, có thể bị xem như là một hình thức phản bội.

 

Những tuyên bố của tổng thống Pháp gợi nhớ đến những tuyên bố của Tướng de Gaulle, người vào những năm 1950, đã biện hộ cho một nước Pháp độc lập và không lệ thuộc Hoa Kỳ. Nhưng không phải ai muốn cũng có thể là De Gaulle và kể từ thời điểm đó, thế giới đã thay đổi sâu sắc. Các vấn đề địa chính trị ngày nay hoàn toàn không giống thời kỳ Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô.

 

Chắc hẳn là những tuyên bố không đúng lúc này của Emmanuel Macron sẽ củng cố quan điểm của những người, ở các quốc gia như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Úc, từ lâu đã tin rằng Pháp không phải là một đối tác tin được và thậm chí còn không đáng tin cậy.

Trong một nỗ lực nhằm xoa dịu những lời chỉ trích, Điện Elysée đã lập luận vào thứ Ba ngày 11 tháng 4 rằng Pháp bảo vệ trên hết quyền tự chủ chiến lược của châu Âu và nền độc lập của Lục địa cũ: “Về Đài Loan, không ai có thể đổ lỗi cho chúng tôi về sự mơ hồ. Từ quan hệ quốc phòng đến chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, chúng tôi rất rõ ràng về các nguyên tắc của mình đối với Trung Quốc và nhân quyền.″

 

.

“CON ĐƯỜNG HÒA BÌNH

 

Đã có nhiều phản ứng phẫn nộ cho thấy thiệt hại do phát biểu của tổng thống Pháp gây ra. Sự tức giận tột cùng của một nhà báo viết xã luận của tờ Wall Street Journal đối với sai lầm ngớ ngẩn của tổng thống Pháp, người mà theo ông ta, đang làm lợi cho Donald Trump và có hại cho lợi ích của Ukraine.

 

Cũng mối oán giận tương tự ở Đông Âu, không hiểu được sự cách đều giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ và “sự cân bằng” giữa các cực. Đối với dân biểu Estonia Marko Mihkelson, ngược lại, châu Âu nên “sát cánh cùng Mỹ để cân bằng sức mạnh của Trung Quốc”. Người chống đối Nga Garry Kasparov nhắc lại rằng châu Âu “đang có chiến tranh hiện nay chính là vì họ đã cố gắng tránh dính líu vào một cuộc khủng hoảng, khi Vladimir Putin xâm lược Ukraine vào năm 2014 [ở Crimea]”.

 

Ở một mức độ nào đó, Ukraine và Đài Loan được phản chiếu trong cùng một tấm gương. Cả Trung Quốc và Nga đều muốn phá vỡ trật tự quốc tế, chia rẽ Châu Âu và Hoa Kỳ, xâm lược các nước láng giềng, củng cố liên minh với các chế độ độc tài chống lại các chế độ dân chủ. Hai quốc gia thống nhất bởi lòng căm thù Hoa Kỳ và chỉ biết về ngôn ngữ của tương quan lực lượng.

 

Chúng ta hãy nhớ: đối với Mátxcơva, Emmanuel Macron đã có nhiều tháng cố gắng xoa dịu Vladimir Putin trong vô vọng. Ở Bắc Kinh, ông nghĩ rằng mình có thể tách Trung Quốc ra khỏi Nga. Một thất bại vang dội, và bây giờ ông lại muốn dẫn Tập Cận Bình hướng tới “con đường hòa bình” ở Ukraine, trong khi Bắc Kinh đang sử dụng hồ sơ này làm công cụ nhằm làm suy yếu Hoa Kỳ và chia rẽ các đối tác xuyên Đại Tây Dương.

 

.

“THẢM HỌA CHÍNH SÁCH NGOẠI GIAO CHO CHÂU ÂU”

 

Antoine Bondaz, nhà nghiên cứu tại Quỹ Nghiên cứu Chiến lược (FRS), đánh giá trong một cuộc phỏng vấn với Asialyst: “Hậu quả rất nghiêm trọngTrước hết, những tuyên bố này cho thấy sự thiếu hiểu biết và sai lầm trong phân tích tình hình ở eo biển (Đài Loan). Trình bày những căng thẳng như là kết quả của nhịp độ của Mỹ và phản ứng thái quá của Trung Quốc là che giấu vấn đề cấu trúc, vốn là, cuối cùng, Trung Quốc muốn thay đổi hiện trạng vì họ muốn kiểm soát Đài Loan. Đây chính là gốc rễ của cuộc khủng hoảng hiện nay. Hơn nữa, việc chọn thời điểm này để cố gắng thuyết phục các đối tác châu Âu của Pháp rằng phải giữ khoảng cách đồng đều giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ là phản tác dụng. Thứ ba, càng nghiêm trọng hơn là khó bám vào cành vì từ trước đến giờ tổng thống Macron chưa hề nói gì về Đài Loan, điều mà tôi cũng cho là sự sai lầm. Đây quả thực là một trong những vấn đề bởi lời nói của ông cũng mâu thuẫn với các tuyên bố mà Pháp ký ở G7, ký ở cấp độ châu Âu, ký với các đối tác Mỹ, Anh, Nhật, Úc. Đúng vậy, các hậu quả là nghiêm trọng.

 

Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu cũng phản ứng bằng cách nhắc lại quan điểm của EU trong một tuyên bố hôm thứ Ba. Điện Élysée cũng làm như vậy. “Pháp rõ ràng không có cùng lợi ích với Hoa Kỳ, [nhưng] tại sao không chỉ đơn giản nhắc lại rằng chúng tôi có lợi ích trong việc duy trì sự ổn định ở eo biển [Đài Loan]?″, nhà nghiên cứu FRS hỏi.

 

Nhà Hán học Stéphane Corcuff, giáo viên tại Science Po Lyon, cho rằng: “Đó là một tuyên bố không hữu ích và rất có hại cho đường lối chính trị PhápNhững tuyên bố này là thảm họa bởi vì điều duy nhất có thể ngăn cản Trung Quốc tấn công Đài Loan là họ biết rằng chúng ta sẽ ở đó để đáp trả″.

 

Đối với Thượng nghị sĩ André Gattolin, tuy là thành viên của phe đa số của tổng thống, chuyến thăm này là “một thất bại” vì các mục tiêu của nó đã không đạt được và thậm chí có lẽ cũng là “một thất bại chiến lược”. Ông nói với Asialyst: “Người hưởng lợi lớn từ chuyến thăm này là Tập Cận Bình. Đối với tôi, đó cũng là một thất bại cá nhân vì tôi đã gióng lên hồi chuông cảnh báo ở những cấp cao về Trung Quốc là gì từ hơn hai năm nay. Tất cả cố gắng này để đạt được điều đó.″

 

Trong khi các nhà lãnh đạo châu Âu cho đến nay vẫn cẩn thận không bình luận công khai về các phát biểu của Emmanuel Macron, thì Liên minh Nghị viện về Trung Quốc (IPAC) đã chỉ trích nhận xét của ông, thông qua một tuyên bố, khẳng định rằng tổng thống Pháp “không nói thay cho châu Âu”. “Đây là thời điểm tồi tệ nhất có thể để gửi tín hiệu thờ ơ về Đài Loan”, liên minh gồm các quan chức dân cử châu Âu và quốc tế này đã đả kích mạnh mẽ, “rụng rời” rằng châu Âu muốn tránh, như tổng thống Pháp khuyến cáo, “bị lôi cuốn vào những cuộc xung đột không phải là của chúng ta”.

 

Ở châu Âu, phản ứng phẫn nộ đã tăng lên gấp bội. Norbert Roettgen, một quan chức đắc cử của Đức, cựu Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Đức, cựu Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Đức, được Washington Post trích dẫn hôm thứ ba phát biểu: “Có phải Macron thực sự tin rằng đó không phải là việc của châu Âu khi Trung Quốc đang cố gắng thay đổi trật tự thế giới chỉ trên cơ sở của những lợi ích và quyền lực của họ?, Macron đã thành công trong việc biến chuyến đi Trung Quốc của mình thành một màn trong quan hệ công chúng có lợi cho Tập Cận Bình và một thảm họa về chính sách đối ngoại đối với châu Âu″.

 

Marcin Pezydacz, cố vấn đối ngoại của Tổng thống Ba Lan Andrzei Duda, cũng tố cáo thái độ “bại trận” của nguyên thủ quốc gia Pháp. Ông nói với đài phát thanh Radio ZET của Ba Lan: “Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi cần nước Mỹ nhiều hơn ở châu Âu. Ngày nay, Hoa Kỳ là một sự đảm bảo cho an ninh ở châu Âu hơn là Pháp″.

 

Đối với đại biểu quốc hội châu Âu thuộc nhóm xã hội chủ nghĩa của Pháp, Raphaël Glucksmann, nhận xét của tổng thống Pháp “sẽ có tác động lâu dài đến tính đáng tin của Pháp ở châu Âu. Một lần nữa, một tầm nhìn chiến lược đúng đắn – châu Âu phải xây dựng hệ thống phòng thủ của riêng mình và trở thành một người trưởng thành – lại bị hủy hoại bởi lòng tự ái và sự thiếu hụt một chính sách nhất quán″. Jean-Marie Guéhenno, nhà ngoại giao kì cựu và giáo sư tại Đại học Columbia, New York, tin rằng: “Có một vòng xoáy nguy hiểm của những đòn vô ích giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, và châu Âu không nên góp phần vào đó. Nhưng đề xuất, như Macron đã làm, rằng một cuộc khủng hoảng ở Đài Loan sẽ không phải là cuộc khủng hoảng của chúng ta là sai. Điều này làm suy yếu khả năng răn đe đối với Trung Quốc″.

 

.

“THẾ YẾU”

.

Ở bên kia Đại Tây Dương cũng vậy, có rất nhiều lời chỉ trích, đặc biệt là trong phe bảo thủ. “Macron đã trở thành nhà lãnh đạo của châu Âu? Có phải bây giờ ông ta là nhà lãnh đạo quyền lực nhất? Bởi vì nếu đúng như vậy, có những điều chúng ta sẽ phải thay đổi,” Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio đe dọa với giọng mỉa mai trong một video đăng trên mạng xã hội của mình. Ông ấy đã kích “Trên thực tế khi Macron đóng vai siêu cường và gửi quân đến châu Phi để chống lại những kẻ khủng bố, ông ấy thậm chí không thể đưa họ đến đó, chúng tôi phải vận chuyển họ bằng đường hàng không đến đó và trở về″. Lindsey Graham, thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Nam Carolina, đã đăng một loạt dòng tweet bình luận về các phát ngôn của nhà lãnh đạo Pháp. “Tổng thống Macron đã thể hiện khả năng lãnh đạo mạnh mẽ, đặc biệt là ở Châu Phi. Tuy nhiên, khi nói đến Trung Quốc và Nga, ông tự đặt mình vào thế yếu, và ông thực sự không hiểu Nga và Trung Quốc có gì trong kho của họ cho hành tinh này″.

 

Donald Trump, như thường lệ, thích giọng điệu luận chiến hơn và tuyên bố rằng tổng thống Macron, người mà ông coi là bạn của mình, đã “liếm đít Tập Cận Bình”. Một số thành viên dân cử của Quốc hội Hoa Kỳ đã đả kích những tuyên bố này. Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa John Cornyn đã nói về “sự phản bội Đài Loan” và viết thêm trong một dòng tweet đăng vào thứ Hai ngày 11 tháng 4: “Macron muốn Hoa Kỳ hỗ trợ châu Âu đối mặt với sự xâm lược của Nga. Nhưng có vẽ ông ta hứa sẽ trung lập trước sự xâm lược của Trung Quốc ở Thái Bình Dương″.

 

Noah Barkin, một cố vấn rất được lắng nghe của think tank Rhodium nói: “Sự thất vọng đối với Pháp ngày càng gia tăng ở các thủ đô châu Âu, đặc biệt là ở Đông Âu, nơi mà những thái độ cởi mở của Macron đối với Putin vào thời điểm mà chiến tranh đang đe dọa đã bị đón nhận rất tệ. Bây giờ ông ấy dường như đang lặp lại sai lầm tương tự với Tập Cận Bình khi nói rằng Châu Âu phải giữ khoảng cách với Hoa Kỳ.

 

John Kirby, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, không muốn khuếch đại sự phẫn nộ đối với những nhận xét của Emmanuel Macron, bằng lòng với việc ca ngợi “mối quan hệ song phương tuyệt vời” với Pháp. Nhưng bất chấp các cuộc trao đổi qua điện thoại giữa Washington và Paris trước chuyến đi của nhà lãnh đạo Pháp tới Bắc Kinh, giọng điệu trong nhận xét của John Kirby đã gây sốc cho các chuyên gia và nhiều nhà lãnh đạo chính trị. Trước tiên, vì họ nhận thấy đó là một hình thức thể hiện sự vô ơn đối với Hoa Kỳ, quốc gia đã cung cấp 35 tỷ đô la (32,2 tỷ euro) hỗ trợ quân sự cho Ukraine, trong khi Ukraine không nằm trong lợi ích sống còn của mình. Sau đó, bởi vì Emmanuel Macron dường như đang thực hiện một sự đảo ngược trách nhiệm bằng cách buộc tội chính quyền Biden về sự gia tăng căng thẳng với Trung Quốc.

 

Mối âu lo cũng có thể cảm nhận được ở Đài Loan. Một nhà phân tích Đài Loan lo ngại: “Lập trường của Điện Élysée có nghĩa rồi sẽ có nguy cơ là Pháp và châu Âu từ bỏ các giá trị cơ bản vì điều đó có lợi cho mối quan hệ của họ với Trung Quốc”. Chủ tịch quốc hội Đài Loan You Si-kun đã rất thẳng thắn khi khẳng định trên tài khoản Facebook của mình rằng những tuyên bố của tổng thống Pháp có nghĩa là ông này đã phủ nhận các giá trị cơ bản của nước Pháp về tự do và dân chủ. “Có phải tự do, bình đẳng, tình huynh đệ đã lỗi thời? Bây giờ, bỏ qua những từ này như là một phần của Hiến pháp, là một điều chấp nhận được hiện nay? Hay các quốc gia dân chủ tiên tiến bây giờ nên bỏ qua sự sống và cái chết ở các quốc gia khác?”, quan chức Đài Loan này, một trong những người sáng lập Đảng Dân chủ Tiến Bộ, đảng DPP của tổng thống Đài Loan, nói thêm.

 

.

RAFFARIN, LE GUEN VÀ TẬP CẬN BÌNH, NHỮNG NGƯỜI THẮNG CUỘC

 

Cuối cùng, có thể nói gì về sự hiện diện trong phái đoàn chính thức của cựu Thủ tướng Pháp Jean-Pierre Raffarin, người gần đây đã nhận được phẩm tước Bắc đẩu bội tinh, người mà khuynh hướng thân Trung Quốc được biết đến nhiều, người được một số người chỉ định như là một quan chức cao cấp của Nhà nước, nhưng không phải Nhà nước Pháp mà là Nhà nước Trung Quốc. Theo một nguồn tin có uy tín, Jean-Pierre Raffarin đã không ngần ngại đưa ra nhiều lời bình luận trong chuyến thăm. Mặc dù hoàn toàn không nói tiếng Trung, ông đã không ngần ngại ca ngợi công lao của hệ thống cộng sản Trung Quốc trước ống kính của kênh CCTV chính thức của Trung Quốc.

 

Còn sự hiện diện trong phái đoàn chính thức này của Jean-Marie Le Guen, cựu bộ trưởng xã hội chủ nghĩa hiện là thành viên Hội đồng quản trị của gã khổng lồ Trung Quốc Huawei chuyên về mạng 5G thì sao? Những hệ thống này, bị nghi ngờ nghiêm trọng về khả năng gián điệp của nó, đã bị cấm bởi nhiều nước phương Tây, bao gồm cả Pháp. Phải chăng đây là sự pha trộn giữa các thể loại không thể tưởng tượng được ở Hoa Kỳ sao?

 

Trước khi đến Bắc Kinh, Emmanuel Macron đã tiếp tại Điện Élysée một số nhà Trung Quốc học rất am hiểu tình hình ở Trung Quốc và Đài Loan. Tất cả những chuyên gia này đều đã cảnh báo ông về nguy cơ bị Tập Cận Bình biến thành công cụ cho các mục đích chính trị, bao gồm cả những mục đích đào sâu sự chia rẽ trong Liên minh châu Âu về chính sách đối với Trung Quốc và gieo rắc bất hòa giữa châu Âu và Hoa Kỳ. Có vẻ như ý đồ này phần lớn đã thành công với những tuyên bố của tổng thống Pháp, mà một số nhà phê bình nay đang lớn tiếng và nói rõ ràng rằng, trong mọi trường hợp, ông ấy không lắng nghe bất kỳ ai và tự mình quyết định.

 

Thứ Tư này, ngày 12 tháng 4, Văn phòng Pháp tại Đài Bắc, trên thực tế là Đại sứ quán Pháp tại Đài Loan ngay cả khi Paris không chính thức công nhận Nhà nước Đài Loan, đã công bố một thông cáo báo chí: “Lập trường của Pháp đối với Đài Loan là không thay đổi. […] Pháp và các đối tác nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan và kêu gọi giải quyết hòa bình các vấn đề liên quan đến cả hai bờ của eo biển″. Như vậy, những dòng này làm mất hiệu lực những lời của Emmanuel Macron. Nhưng không chắc chắn thông cáo báo chí này đã có thể sửa chữa thiệt hại.

 

Đặc biệt là kể từ khi tổng thống Pháp, đến thăm Hà Lan, đã tuyên bố vào thứ Tư tuần này, ngày 12 tháng 4 rằng ông “hoàn toàn” chịu trách nhiệm về những lời nói của mình. Là “đồng minh” của Hoa Kỳ không nhất thiết có nghĩa là một “chư hầu”, ông khẳng định. “Không phải vì chúng ta là đồng minh, là chúng ta làm mọi việc cùng nhau […] là chúng ta không còn quyền tự mình suy nghĩ”, ông nói thêm trong cuộc họp báo ở Amsterdam sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte. Trước khi kết thúc bằng cách đáp lại những lời chỉ trích từ các đảng viên Cộng hòa Mỹ: “Và rằng chúng tôi sẽ theo đuôi những người cứng rắn nhất ở một quốc gia đồng minh của chúng tôi″.

 

Phạm Như Hồ dịch

 

Nguồn: “Malgré l’indignation, Emmuel Macron à pieds joints dans le piège chinoisAsialyst, 12.4.2023.

 

-------------

Chú thích:

[*] Cựu phóng viên AFP, Pierre-Antoine Donnet là tác giả của 15 cuốn sách viết về Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Tạng, Ấn Độ và những thách thức lớn của châu Á. Năm 2020, cựu phóng viên tại Bắc Kinh này đã xuất bản “Sự lãnh đạo toàn cầu đang bị nghi ngờ, Cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ” tại NXB l'Aube. Ông cũng là tác giả của cuốn “Tibet chết hay sống/Tibet mort ou vif”, được NXB Gallimard xuất bản vào năm 1990 và tái bản vào năm 2019 trong một phiên bản cập nhật và bổ sung. Sau “Trung Quốc, kẻ săn mồi vĩ đại/ Chine, le grand prédateur”, xuất bản năm 2021 bởi NXB L'Aube, ông đã chỉ đạo tác phẩm tập thể “Hồ sơ Trung Quốc/Le Dossier chinois” (NXB Cherche Midi) vào cuối năm 2022, rồi đầu năm 2023 cuốn “Khổng Tử ngày nay, một di sản phổ quát/ Confucius aujourd'hui, un héritage universaliste” (NXB L’Aube).

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats