Tuesday 11 April 2023

BẮC KINH CỐ TÁCH PHÁP KHỎI MỸ; PARIS MUỐN TẬP GIÚP HẠ NHIỆT CUỘC CHIẾN Ở UKRAINE? (Hoàng Trường, VOA)

 



Bắc Kinh cố tách Pháp khỏi Mỹ; Paris muốn Tập giúp hạ nhiệt cuộc chiến?

Hoàng Trường

11/04/2023

https://www.voatiengviet.com/a/bac-kinh-co-tach-phap-khoi-my-paris-muon-tap-giup-ha-nhiet-cuoc-chien-/7044270.html

 

Vâng, đấy là hạ nhiệt cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Còn chuyện Bắc Kinh không muốn Mỹ “thâu tóm” Tây Âu thì cũng là chuyện xưa như trái đất. Điều khá ngạc nhiên là dàn báo chí của Tuyên giáo Việt Nam theo dõi khá sát sao chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Pháp.

 

https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-be32-08db37751ff2_w1023_r1_s.jpg

Hiếm khi nào ông Tập Cận Bình ra khỏi thủ đô Bắc Kinh cùng với các lãnh đạo ngoại quốc và cũng hiếm khi nào ông mời một lãnh đạo ngoại quốc ăn tối trong hai ngày liên tiếp. Nhưng ông Tập đã làm điều ấy với TT Macron.

 

Tập sẽ gọi cho Zelensky khi thích hợp

 

Ngày 6/4, Tờ Nhân Dân của ĐCSVN đưa lại tin của Tân Hoa Xã, theo đó, Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Emmanuel Macron đã tiến hành hội đàm tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh. Ông Tập Cận Bình nhận định, quan hệ hai nước Trung, Pháp duy trì đà phát triển tích cực, ổn định. Hai bên đã ủng hộ lẫn nhau trong phòng, chống đại dịch Covid-19, thương mại song phương tăng trưởng nhanh, hợp tác trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, nông nghiệp, thực phẩm đạt nhiều kết quả quan trọng, duy trì trao đổi và phối hợp trong các vấn đề biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học và sự phát triển của châu Phi...

 

Truyền thông quốc tế nhấn mạnh thông điệp mạnh mẽ của Macron khi ông này nói với ông Tập trong hội đàm: "Cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine đã giáng một đòn mạnh vào sự ổn định quốc tế… Tôi biết tôi có thể tin tưởng vào ngài trong việc đưa nước Nga trở lại bình thường và các bên trở lại bàn đàm phán". Hai nhà lãnh đạo Trung, Pháp cũng nhất trí sẽ phấn đấu để đạt được một kết thúc thương lượng đối với cuộc chiến tranh của Nga xâm lược Ukraine. Nguồn tin này không nói rõ liệu có hay không việc Trung Quốc sẽ thay đổi quan điểm về cuộc xâm lược của Nga, nhưng cho biết hai bên đã đồng ý đàm phán thêm. Hơn một năm qua, Tập Cận Bình vẫn ủng hộ cuộc xâm lược Ukraine của Nga và gần đây còn có tin thêm về việc Bắc Kinh đang cân nhắc gửi viện trợ gây sát thương (lethal aid) cho Matxcơva. Nay Tổng thống Macron vẫn nuôi hy vọng thuyết phục Tập Chủ tịch sử dụng ảnh hưởng của mình đối với ông Putin để thúc đẩy các nỗ lực đối thoại ở Ukraine.

 

Đánh giá cao chuyến thăm đầu tiên của nguyên thủ một quốc gia châu Âu đến Trung Quốc sau khi nước này nối lại hoàn toàn trao đổi với bên ngoài cũng như tổ chức thành công kỳ họp của Quốc hội và Chính hiệp, ông Tập Cận Bình cho rằng chuyến thăm sẽ tạo động lực và không khí mới cho quan hệ giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU). Theo phía Paris, ông Tập Cận Bình đã tuyên bố sẵn sàng cùng với Pháp “tạo các điều kiện cho cuộc đàm phán” giữa Nga và Ukraina để vãn hồi hòa bình.

 

Trước đó, hôm 6/4, lãnh đạo Pháp và Trung Quốc cùng kêu gọi Matxcơva và Kiev mở hòa đàm sớm nhất có thể được và đều tuyên bố chống lại việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc chiến tranh Ukraine. Pháp cũng cho biết Tập Cận Bình đã tuyên bố ông sẵn sàng gọi điện cho tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky, nhưng chủ tịch Trung Quốc nói rõ là ông sẽ gọi vào thời điểm do chính ông chọn. Tuy nhiên, cam kết này của ông Tập Cận Bình không được nêu lên trong bất cứ bản tường trình nào của phía Trung Quốc về chuyến viếng thăm của tổng thống Macron.

 

Tập Chủ tịch nhấn mạnh Trung, Pháp có khả năng và trách nhiệm vượt lên trên những khác biệt và trở ngại, đi theo định hướng chung là quan hệ đối tác chiến lược ổn định, cùng có lợi vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng toàn cầu. Ông Tập Cận Bình đánh giá chuyến thăm của Tổng thống Macron tới Trung Quốc lần này sẽ tạo động lực mới và mang lại sức sống mới cho quan hệ Trung Quốc – Liên minh châu Âu. Một quan chức thuộc Điện Elysee cho hay cuộc hội đàm giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã diễn ra "thẳng thắn và mang tính xây dựng."

 

Tập tiếp Macron khá đặc biệt

 

Đặc biệt theo cả hai nghĩa, trọng thị nhưng cũng có một chút kẻ cả. Theo tường trình của thông tín viên RFI Stéphane Lagarde, tối 5/4, chủ tịch Trung Quốc và tổng thống Pháp đã ăn tối với nhau tại tỉnh Quảng Đông. Hiếm khi nào ông Tập Cận Bình ra khỏi thủ đô Bắc Kinh cùng với các lãnh đạo ngoại quốc và cũng hiếm khi nào ông mời một lãnh đạo ngoại quốc ăn tối trong hai ngày liên tiếp. Theo các nhà quan sát, có thể là ông cố đưa Trung Quốc xích gần lại Pháp, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh với Washington. Theo điện Elysée, ông Tập Cận Bình đã nhận lời mời của tổng thống Macron đến thăm Pháp, nhưng ngày viếng thăm chưa được xác định.

 

Tuy nhiên người đứng đầu đất nước 1 tỷ 4 dân dường như cũng có ý thể hiện “thế kèo trên” của Trung Quốc so với nước Pháp, khi Tập Chủ tịch để Tổng thống Macron phải chờ một buổi sáng, sau khi đến Bắc Kinh, mới cho gặp. Theo Hãng tin Reuters, Thủ tướng mới được bổ nhiệm của Trung Quốc là ông Lý Cường sáng ngày 6/4 đã chào đón Tổng thống Macron tại Đại lễ đường Nhân dân (chứ không phải là ông Tập), một tòa nhà nằm ở phía tây Quảng trường Thiên An Môn thường được sử dụng cho các sự kiện và nghi lễ trang trọng. Theo lịch trình được công bố, sau cuộc gặp mặt với ông Macron, ông Lý Cường tham gia vào một "bữa trưa làm việc" mang tính thân thiện với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Tiếp đó vào cuối buổi chiều, hai nhà lãnh đạo châu Âu hội đàm riêng với Chủ tịch Tập Cận Bình trước khi cả ba nhà lãnh đạo tổ chức hội nghị cấp cao vào buổi tối cùng ngày.

 

Một điều đặc biệt khác, đi cùng Tổng thống Macron còn có cựu Thủ tướng Pháp Jean-Pierre Raffarin, Chủ tịch Hội đồng Hiến pháp Pháp Laurent Fabius, một số bộ trưởng, thành viên quốc hội Pháp và đặc biệt là hơn 60 lãnh đạo các doanh nghiệp lớn và hơn 20 đại diện văn hóa Pháp. Do đó, có khả năng cao Pháp và Trung Quốc sẽ công bố các thỏa thuận về kinh tế và thương mại trong nay mai. Chuyến thăm này được đặt nhiều kỳ vọng sẽ giúp cải thiện phần nào quan hệ giữa Trung Quốc và châu Âu. Trước đó ngày 4/4, Đại sứ Trung Quốc tại Pháp Lu Shaye trả lời phỏng vấn tờ Nouvelles d'Europe cho biết, chuyến thăm này của ông Macron đã gửi “một tín hiệu tích cực đến thế giới bên ngoài rằng hai nước đang hợp tác chặt chẽ trong nhiều lĩnh vực và cùng nhau ứng phó với các cuộc khủng hoảng toàn cầu, tạo ra động lực mới cho sự phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc – Pháp và Trung Quốc – EU trong kỷ nguyên mới”.

 

Sau cuộc gặp với đại diện của Phòng Thương mại Châu Âu tại Bắc Kinh sáng ngày 6/4, bà von der Leyen đã đăng tải trên tài khoản Twitter chính thức của mình rằng: "Mối quan hệ Trung Quốc – EU rất rộng lớn và phức tạp. Cách chúng ta quản lý nó sẽ tác động đến sự thịnh vượng và an ninh của EU. Tôi đến Bắc Kinh để thảo luận về mối quan hệ này – và tương lai của nó". Đồng thời, bà cũng có một số ý kiến bảo lưu: “Trung Quốc là một đối tác thương mại trọng yếu nhưng các doanh nghiệp châu Âu đang phải đối mặt với nhiều rào cản phân biệt đối xử. Trong các cuộc họp hôm nay, tôi đã nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết sự mất cân bằng và rủi ro bắt nguồn từ sự phụ thuộc và xuất khẩu công nghệ nhạy cảm, cũng như sự cảnh giác của chúng ta đối với các hành động của Trung Quốc về Ukraine”.

 

==============================

XEM THÊM

 

Ảo tưởng “tự chủ chiến lược” của Emmanuel Macron

Hiếu Chân  –  Saigon Nhỏ
9 tháng 4, 2023

https://saigonnhonews.com/thoi-su/van-de-hom-nay/ao-tuong-tu-chu-chien-luoc-cua-emmanuel-macron/





No comments:

Post a Comment

View My Stats