XUẤT
BẢN TRẠI SÚC VẬT (Trích hồi kí Lách qua
luật ngầm)
KỲ 2- CÁC BÁO ĐẢNG ĐUA NHAU ĐƯA TIN VỀ
TRẠI SÚC VẬT
“Trại súc vật”, sau khi đổi tên thành “Chuyện ở nông trại”, được phát
hành bởi Nhã Nam, thông qua Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, dựa trên bản dịch của An
Lý, nghe nói còn rất trẻ.
Cho đến giờ tôi vẫn chưa từng một lần gặp mặt dịch giả, cũng không biết
tí gì về thân thế, sự nghiệp của cô ta. Về mặt lý thuyết thì cuốn sách tuân
thủ đúng các quy trình theo Luật Xuất bản hiện hành, được dịch và
biên tập kỹ lưỡng, phát hành rộng rãi một cách công khai cho đến khi có
lệnh thu hồi.
Thực sự tận khi nhận bản thảo “Trại Súc Vật”, tôi mới biết đến cuốn tiểu
thuyết đình đám này, còn trước đó, hầu như tôi chỉ biết chút ít về nó cùng cái
tên tác giả, nhờ một bài báo ngắn mà tôi không thể nhớ mình đọc ở đâu.
Nếu không lầm thì đó là vào khoảng những năm 1989, khi phong trào Cải tổ
đang vào giai đoạn cao trào ở Liên Xô, một tờ báo của ta đã đưa dòng tin ngắn
là lần đầu tiên, cùng với “Quần đảo địa ngục”, “Lolita”, tiểu thuyết “Trại súc
vật” của George Orwell được xuất bản ở Liên Xô. Tác giả bài báo, trong mục
thông tin văn nghệ, chỉ tóm tắt sơ qua về nội dung, đại ý nó phê phán độc tài,
thói giả nhân giả nghĩa và những cuộc tàn sát ngầm người bất đồng quan điểm dưới
thời Stalin (hay là Hitler gì đó mà tôi không nhớ rõ).
Tại Liên-Xô thời gian đó, Gooc-ba-chốp vừa có bài diễn văn nổi tiếng tố
cáo những tội ác man rợ của Stalin. Báo Nhân Dân của Việt Nam, ngày nào cũng
dành một góc trang trọng phía phải, bên trên của trang nhất để in ý kiến, chỉ
thị, phát biểu, những việc làm của M.X Gooc-ba-chốp tít tận Liên Xô xa xôi, coi
như những lời vàng ý ngọc của lãnh tụ lớn lãnh đạo phong trào cộng sản thế giới.
Lúc bấy giờ chưa có sự kiện bức tường Berlin sụp đổ, chưa có Hội nghị Thành Đô
trong khi Bắc Kinh thì đang tràn ngập sinh viên đòi dân chủ trên quảng trường
Thiên An Môn.
Trong không khí đó, việc đưa tin “Trại súc vật” được xuất bản sau gần nửa
thế kỷ bị cấm tiệt tại tất cả các nước xã hội chủ nghĩa, trở thành một cái tin
bình thường. Thậm chí người ta còn dám công khai cả chuyến hồi hương của văn
hào Alexandre Soljenitsyne bằng giọng điệu đầy trìu mến và ca ngợi sự giản dị của
văn hào khi ông đi tầu chợ, ở khách sạn bình dân, từ chối giải thưởng văn học
Nhà nước Nga chứ không phiền đến Chính phủ của Ngài Yeltsin, vốn rất muốn bù trừ
cho nỗi khổ cực mà ông từng phải chịu bằng bất cứ ưu đãi nào mà ông muốn.
Tuy thế, tôi cũng không bị thu hút quá mạnh vào thông tin về cuốn sách,
như đáng lẽ nó phải thế. Bởi vì cái tên George Orwell hầu như vẫn xa lạ tuyệt đối
với thế hệ mù ngoại ngữ, bị bưng bít toàn phần như lớp tuổi tôi. Khi có điều kiện
tìm hiểu thì tính thời sự của nó qua mất.
Tôi chỉ lưu trong đầu đúng cái tên tiểu thuyết.
Nhưng hóa ra không chỉ mình tôi như vậy.
Khi “Chuyện ở nông trại” chính thức ra mắt, Nhã Nam tiến hành họp báo
giới thiệu. Tất cả vẫn vô cùng hồn nhiên. Cả người chủ trì là Nhã Nam và các
phóng viên, cùng chung một tâm trạng háo hức. Chỉ sau vài tiếng đồng hồ, mấy chục
tờ báo điện tử trong hệ thống đảng, từ trung ương đến địa phương đều đồng loạt
đưa tin lên trang nhất với cái tít lớn: “Truyện ngụ ngôn nổi tiếng của
George Orwell đã đến Việt Nam”. Có báo còn đưa luôn cả thông tin về tác phẩm
nằm trong số 100 cuốn sách hay nhất của thế kỉ hai mươi, đứng thứ 31 theo thứ tự
xếp hạng, đã được dịch và in ở trên 70 quốc gia.
Xin kể tên một số tờ báo và trang mạng đưa tin vào loại nhanh nhất: Báo
Quân đội nhân dân cuối tuần, Tạp chí Tuyên giáo, Tạp chí xây dựng Đảng, báo Hà
Nội Mới, Trang thông tin của Cổng chính phủ, Báo Đà Nẵng, Báo Hưng Yên, Báo gia
đình… Các báo vừa ghi tên ‘Chuyện ở nông trại’, vừa mở ngoặc chú thêm tên
nguyên bản là ‘Trại súc vật’, trương lên chiếc bìa một vàng rực và đập vào mắt
mọi người.
Sau đây là nội dung bài giới thiệu in trên báo Hà Nội Mới online, vào
lúc 15:57 ngày 04/3/2013, kí tên Hoàng Lân, với hàng tít nổi bật: “Truyện ngụ
ngôn kinh điển thế giới có mặt tại Việt Nam”.
“Truyện ngụ ngôn kinh điển của tác giả “George Orwell” – Chuyện ở
nông trại – vừa được Công ty văn hoá và truyền thông Nhã Nam phát hành và giới
thiệu tại Việt Nam. Chuyện ở nông trại đã in được hàng triệu bản, được dịch ra
70 thứ tiếng trên thế giới đồng thời đứng ở vị trí 31 trong Danh sách tiểu thuyết
hay nhất thế kỷ 20.
Đây là
tác phẩm ngụ ngôn kinh điển về xã hội của thế kỷ 20, song cũng lại là một câu
chuyện giản đơn về việc những ý định tốt có thể dễ dàng bị biến đổi ra sao nếu
như mỗi người chỉ tư lợi cho bản thân. Sau hơn nửa thế kỷ từ lần xuất bản đầu
tiên, Chuyện ở nông trại đã in được hàng triệu bản. Sách có mặt trong 100 tiểu
thuyết hay nhất bằng tiếng Anh của Tạp chí Time. Tại Trung Quốc, Chuyện ở nông
trại cũng đã được xuất bản từ rất sớm. Tới nay đã có khoảng gần 20 bản tiếng
Trung.
“Chuyện
ở nông trại” mở đầu khi bọn gia súc trong một nông trại nằm ở một vùng nông
thôn của nước Anh nghe theo lời Ông Cả, một chú lợn thông thái tiến hành khởi
nghĩa, lật đổ ông chủ trại Jones chiếm lấy quyền điều hành nông trại, với mục
đích cao cả là đem lại bình đẳng cho mọi con vật, giải thoát chúng khỏi sự áp
chế của loài người. Chúng âm thầm chuẩn bị, nhưng phải đến sau khi Ông Cả qua đời,
bọn gia súc mới nổi dậy thành công dưới sự lãnh đạo của hai chú lợn, Nã Phá
Luân và Tuyết Cầu. Khi trại đã về tay gia súc, chúng đề ra những nguyên tắc đẹp
đẽ, mọi súc vật trong trại đều phải tuân theo, với mong muốn từ nay tất cả mọi
thành viên đều được sống một cuộc sống tươi đẹp, ấm no và “mọi con vật đều bình
đẳng”.
Thế
nhưng những ngày tươi đẹp sau khởi nghĩa của lũ gia súc không kéo dài lâu, giữa
Nã Phá Luân và Tuyết Cầu nhanh chóng nảy sinh mâu thuẫn về tương lai của nông
trại, mà thực chất là biểu hiện của cuộc cạnh tranh quyền lực giữa chúng. Cuối
cùng, những điều tệ nhất của nông trại này đã lại xảy ra.
Nhà văn
nổi tiếng George Orwell viết bản thảo của cuốn sách trong khoảng cuối năm 1943
đầu 1944. Việc xuất bản cuốn sách ban đầu gặp nhiều khó khăn nên đến năm 1945 bản
in đầu tiên mới được NXB Secker and Warburg xuất bản.
Nhưng
sau những trở ngại đầu tiên, Chuyện ở nông trại đã trở thành một thành công
nhanh chóng. Việc thiếu giấy sau Thế chiến II tại Anh đã khiến số bản in tại nước
này bị giới hạn, nhưng tính đến 1950 vẫn có đến 25.500 bản sách được ra đời tại
Anh và 590.000 bản tại Mỹ. Cuốn sách luôn được vinh danh trong hầu hết các danh
sách hay bảng xếp hạng uy tín. Tạp chí Time đã chọn cuốn sách này là một trong
100 tiểu thuyết hay nhất bằng tiếng Anh (1923 tới 2005)“.
(Hết
trích)
Tuy nhiên, chỉ sau khoảng
ba, bốn ngày, (có tờ chỉ sau chưa đầy một ngày) là tất cả những báo trên đều
rút bài, đóng cửa kiểm điểm nhau chí tử. Điều đó chứng tỏ, ấn tượng về cuốn sách không có
trong rất nhiều người. Phần lớn những vị “lính gác cửa của chế độ” đều chưa từng
một lần nghe tên của “kẻ đáng chết nhất mọi thời đại” khi hắn chế ra “quả bom bẩn”
đặt vào chân móng chế độ. Nếu biết rằng quy trình duyệt in bài của những báo đó
nghiệt ngã thế nào, thì sẽ thấy “Trại súc vật” thậm chí còn không nằm trong kho
từ phải cảnh giác cao độ.
Nhưng hóa ra, trước đó không lâu, “Trại súc vật được xuất bản với đúng
cái tên ấy bởi Nhà xuất bản Giấy Vụn của nhóm Mở miệng ở thành phố Hồ Chí Minh,
do một dịch giả nổi tiếng chuyển ngữ. Nhưng nó không gây nên sự ồn ào nào đáng
kể trong số đông độc giả đang mua sách hiện nay. Giải thích về hiện tượng đó cực
kỳ đơn giản nhưng không phải ai cũng biết hoặc công nhận. Với thói quen chuộng
chính thống ngấm vào từng mao mạch của người Việt, với hàng nửa thế kỷ bị nhồi
sọ tinh thần địch – ta, đa số bạn đọc hiện nay vẫn giữ nguyên não trạng thứ gì
chính thống, hợp pháp mới là thứ đáng tin. Vì thế, tính chính danh của một cuốn
sách chưa khi nào thôi quan trọng, nếu muốn thu hút sự quan tâm của độc giả.
Nhiều người không thừa nhận điều này. Với họ thì việc in ở các trang cá
nhân, in ở nước ngoài, với in ở Nhà xuất bản của Nhà nước chẳng có gì khác
nhau. Đúng là chẳng có tí gì khác nhau về nội dung văn bản. Thậm chí lấy trên mạng
còn dễ hơn đi mua một cuốn sách với nội dung y hệt nhau. Nhưng tác dụng xã hội
của chúng thì, bất chấp mọi lý lẽ, lại vẫn cứ khác nhau rất xa, ít ra là trong
bối cảnh cụ thể Việt Nam với thói quen văn hóa như tôi vừa nói.
Phần lớn bạn đọc vẫn mặc nhiên coi những gì in trên các trang mạng, nhà
xuất bản không chính thức là không đáng tin, thậm chí còn đi xa hơn khi gán cho
nó là do bọn phản động tuyên truyền. Đã là phản động thì đương nhiên họ phải tố
cáo xã hội, tố cáo những người lãnh đạo, moi móc hoặc bịa ra những tiêu cực, vẽ
ra mọi sự thối nát để bôi xấu chính quyền, thể chế. Khi đã bị tâm lý đó chi phối,
thì người ta thờ ơ với mọi vấn đề, không coi nó là thật, chứ chẳng riêng gì
sách. Mà đã không coi là thật, thì theo quy luật tâm lý, vấn đề đó không tạo ra
bất cứ xúc tác nào mang tính lan truyền.
Nhưng cũng vấn đề ấy, cuốn sách ấy mà đọc trên báo chính thống, được xuất
bản bởi một nhà xuất bản chính thống, thì đầu tiên người ta tin ngay những gì
có trong nội dung đều là thật. Chỉ sự thật mới có thể gây sốc về tâm lý, trước
khi dẫn hướng tới các phản ứng khác: Căm phẫn, khinh bỉ, không chấp nhận…
Bất chấp sự không công nhận của những người theo chủ nghĩa tự do, thực
tế đó (rõ ràng là bất công) hiện tại vẫn chưa thay đổi nhiều. Những nhà quản lý
tư tưởng của chế độ luôn là những người hiểu hơn ai hết thực tế tâm lý này. Vì
thế, họ làm tất cả để ngăn cản tối đa sao cho càng ít càng tốt sự ra đời, lan
truyền bài báo, cuốn sách nào mà họ không thích tìm được cách chính thống hóa
trước khi đến với độc giả. Tôi thì gọi đó là sức mạnh của tính hợp pháp.
(Còn nữa)
Hình :
https://www.facebook.com/photo/?fbid=10225889498121697&set=pcb.10225889496201649
https://www.facebook.com/photo?fbid=10225889498521707&set=pcb.10225889496201649
.
No comments:
Post a Comment