Tuesday, 13 December 2022

VIỆT NAM HIỆN NAY TÁI LẬP TỤC LỆ KIÊNG HÚY (Nguyễn Văn Nghệ)

 



Việt Nam hiện nay tái lập tục lệ kiêng húy

Nguyễn Văn Nghệ

13/12/2022

https://baotiengdan.com/2022/12/13/viet-nam-hien-nay-tai-lap-tuc-le-kieng-huy/

 

Ngày xưa, dưới thời phong kiến, mỗi khi có vị nào lên ngôi vua thì triều đình sẽ ra một văn bản kể tên một số chữ liên quan đến nhà vua và hoàng tộc, gọi là những chữ kỵ húy, có nghĩa là khi nói hoặc viết đến chữ kỵ húy thì phải nói và viết khác đi một chút. Nếu gọi và viết đúng chữ kỵ húy bị ghép vào tội “phạm húy”. Sĩ tử lều chõng đi thi, khi làm bài mà có từ nào viết “phạm húy” dẫu bài làm có xuất sắc cũng bị “phạm trường quy” và bị đánh rớt .

 

Ví dụ như trường hợp ông Đặng Huy Trứ (1825-1874), ông đỗ cử nhân khoa Quý Mão (1843) vị thứ 3/39 tại trường thi Hương Thừa Thiên. Năm sau ông dự thi Hội và được xếp vào hạng chánh trúng cách, tiếp tục vào thi Đình nhưng bài văn sách của ông có câu: “…Gia miêu chi hại…” (cỏ năn làm hại cây lúa) lỡ phạm vào tên làng Gia Miêu (Thanh Hóa) là quê hương của nhà Nguyễn, bởi thế Đặng Huy Trứ không những bị đánh hỏng mà còn bị tước cả Cử nhân. Do đó, khoa thi Hương Đinh Mùi (1847) Đặng Huy Trứ phải thi lại và lần này ông đậu Giải nguyên (đỗ đầu kỳ thi Hương) [1].

 

Hoặc như trường hợp tên của Ngô Thì Nhậm, một vị quan dưới thời Tây Sơn. Khi vua Tự Đức lên ngôi, do nhà vua có tên Nguyễn Phước Hồng Nhậm và Nguyễn Phước Thì nên tên Ngô Thì Nhậm được đổi thành Ngô Thời Nhiệm.

 

Ngay cả mỹ tự của thần thánh khi phạm húy cũng bị đổi. Thần Thanh Linh Thuần Đức thời vua Minh Mạng có mỹ tự Hồng Từ Tuấn Trạch Minh Ứng Thượng đẳng thần. Sang thời vua Thiệu Trị được gia phong thêm mỹ tự Chiêu Cách, kế đến gia phong thêm mỹ tự Lệ Anh.

 

Sang thời vua Tự Đức do kiêng húy chữ “Hồng” nên mỹ tự của thần Thanh Linh Thuần Đức từ Hồng Từ Tuấn Trạch Minh Ứng Chiêu Cách Lệ Anh Thượng đẳng thần được đổi thành Hoằng Từ Tuấn Trạch Minh Ứng Chiêu Cách Lệ Anh Hoằng Hiệp Thượng đẳng thần.

Đến thời vua Duy Tân do tên của vua cha là Thành Thái có tên là Nguyễn Phước Chiêu cho nên phải kiêng húy chữ “Chiêu” cho nên mỹ tự của thần đổi thành Hoằng Từ Tuấn Trạch Minh Ứng Chương Cách Lệ Anh Hoằng Hiệp Dực bảo trung hưng Thượng đẳng thần.

 

Sang đến thời vua Khải Định, tên vua là Nguyễn Phước Tuấn, nên một lần nữa mỹ tự của thần được đổi thành Hoằng Từ Phổ Trạch Minh Ứng Chương Cách Lệ Anh Hoằng Hiệp Dực bảo trung hưng Thượng đẳng thần.

 

Sau khi chế độ phong kiến cáo chung thì vấn đề kiêng húy không còn bắt buộc nữa, tên các vị nguyên thủ như: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng thống Ngô Đình Diệm… đều được già trẻ lớn bé gọi một cách công khai mà không sợ phạm húy.

 

Tưởng rằng việc kiêng húy mãi mãi đi vào quá khứ, nhưng những năm gần đây ở Việt Nam đang tái lập lại tục kiêng húy trên phạm vi cả nước.

 

Trong những năm gần đây vấn đề tranh chấp Biển Đông giữa Việt Nam và các nước lân cận diễn ra, quân đội nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (gọi tắt là Trung Quốc hoặc gọi theo như thời Việt Nam Cộng Hòa là Trung Cộng) xua quân xâm chiếm một số đảo ở quần đảo Trường Sa. Từ đó, tàu của Trung Quốc lấn lướt trên Biển Đông, bắt bớ, đánh đập, tịch thu hoặc phá hủy ngư cụ tàu thuyền của ngư dân Việt Nam đang đánh cá trên ngư trường của Việt Nam. Trước hành động ngang ngược như vậy tất cả phương tiện truyền thông Việt Nam không dám đá động đến cụm từ “tàu Trung Quốc” mà chỉ gọi là “tàu nước lạ”, mặc dù tàu ấy treo cờ Trung Quốc. Cho dù Nhà nước Việt Nam không ra văn bản cấm dùng cụm từ “tàu Trung Quốc” nhưng đã trở thành luật bất thành văn đối với giới truyền thông Nhà nước Việt Nam.

 

Mới đây, vào chiều ngày 9-12-2022, Bộ Đội Biên Phòng tỉnh Quảng Trị phát hiện một chiếc tàu vỏ sắt dài khoảng 40 mét, rộng khoảng 10 mét, cao khoảng 12 mét mang dòng chữ Trung Quốc ở mũi tàu trôi dạt vào bờ biển thôn 7 xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Khi xem hình ảnh chiếc tàu sắt ấy, đứa bé học Tiểu học đều khẳng định đó là tàu của Trung Quốc. Ấy vậy mà tất cả giới truyền thông Nhà nước Việt Nam không nhận dạng được tàu của nước nào và đành phải quy kết là “Chiếc tàu sắt này mang số hiệu nước ngoài” [2]

 

Hai chữ “Trung Quốc” có mãnh lực như thế nào đối với đảng và Nhà nước Việt Nam đến nỗi không dám gọi thẳng tên mà phải kiêng húy như vậy?

 

Trong quá khứ, sau khi Trung Quốc xua quân xâm lược các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam, tất cả phương tiện truyền thông ở Việt Nam gọi giới lãnh đạo Trung Quốc là “Bọn bá quyền bành trướng Bắc Kinh” (gọi tắt là bọn bành bá). Năm 1980 câu đầu tiên của Hiến Pháp Việt Nam ghi: “Vừa trải qua ba mươi năm chiến tranh giải phóng, đồng bào ta tha thiết mong muốn có hòa bình để xây dựng Tổ Quốc, nhưng lại phải đương đầu với bọn bá quyền Trung Quốc xâm lược cùng bè lũ tay sai của chúng ở Campuchia. Phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc ta, quân và dân ta đã giành được thắng lợi oanh liệt trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ Quốc chống bọn phản động Campuchia ở biên giới Tây Nam và bọn bá quyền Trung Quốc ở biên giới phía Bắc, bảo vệ độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mình” [3].

 

Đến năm 1984, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch đề nghị với Tổng Bí thư Lê Duẩn bỏ câu nói đầu trong Hiến pháp, nhưng ông Lê Duẩn từ chối.

 

Ta không nên quá khích như Lê Duẩn và cũng không nên nhu nhược như hiện nay. Tàu Trung Quốc thì gọi là tàu Trung Quốc chớ né tránh không dám gọi thẳng tên, liệu tàu Trung Quốc có dừng hành động ngang ngược đối với ngư dân Việt Nam đang đánh bắt trên ngư trường của Việt Nam không? Và người dân Trung Quốc sẽ nghĩ ghì về cách gọi né tránh của Việt Nam? Họ phục Việt Nam là ứng xử mềm mỏng hay là họ khinh Việt Nam không có dũng khí?

 

Nguyễn Văn Nghệ, Diên Khánh, Khánh Hòa

________

Chú thích:

 

[1] Cao Xuân Dục, Quốc triều hương khoa lục, Nxb TPHCM, tr.233

– Tuyển tập Cao Xuân Dục tập2, Quốc triều khoa bảng lục, Nxb Văn học, tr 108

– Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 6, Nxb Giáo dục, tr.1011

 

[2] https://thanhnien.vn/bi-an-tau-vo-sat-nuoc-ngoai-khong-nguoi-lai-troi-vao-bo-bien-quang-tri-post1530278.html

 

[3] https://cafef.vn/thai-do-cua-tbt-le-duan-voi-lanh-dao-trung-quoc-truoc-trong-va-sau-chien-tranh-bien-gioi-20190216140406281.chn

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats