Wednesday, 14 December 2022

VIỆT NAM CÓ TỰ DO TÔN GIÁO KHÔNG? (Phạm Trần)

 



Việt Nam có tự do tôn giáo không?

Phạm Trần

Posted on 15/12/2022 by Boxit VN

https://boxitvn.online/?p=82571

 

Ngày 2/12/2022, Hoa Kỳ đặt Việt Nam vào Danh sách “theo dõi đặc biệt” (Special Watch List – SWL) vì tiếp tục vi phạm quyền tự do Tín ngưỡng, Tôn giáo, nhưng Việt Nam phủ nhận và cho rằng Mỹ đã xuyên tạc tình hình để chống phá Việt Nam.

 

Báo chí của đảng gọi tố giác của Mỹ nằm trong chiến lược gọi là "diễn biến hòa bình" và nói rằng: ”Đối với Việt Nam, những năm qua, tôn giáo là một trong những nội dung chiến lược được các thế lực thù địch, phản động triệt để lợi dụng nhằm gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tiến tới xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta".

 

Theo Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (The United States Commission on International Religious Freedom – USCIRF) thì các nước nằm trong danh sách bị “theo dõi đặc biệt” sẽ bị:

 

- Cấm visa nhập cảnh Mỹ đối với các quan chức chính phủ nước chịu trách nhiệm trực tiếp hoặc thực hiện các vi phạm tự do tôn giáo nghiêm trọng.

 

- Cấm nhập cảnh hoặc sở hữu các tài sản tại Mỹ đối với những công dân nước ngoài có liên quan đến tham nhũng hoặc vi phạm nhân quyền, bao gồm vi phạm tự do tôn giáo.

 

Bộ Ngoại giao Mỹ được yêu cầu, cứ mỗi 180 ngày, nộp cho Quốc hội Mỹ danh sách những cá nhân bị cấm visa hoặc bị trừng phạt về tài chính, hoặc các biện pháp khác vì có vi phạm nghiêm trọng về tự do tôn giáo.

 

.

Có tự do không?

 

Nhưng Việt Nam có tự do tôn giáo không? Trên lời lẽ thì có, chẳng hạn Điều 24 Hiến pháp năm 2013 đã quy định:

 

1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.

2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.

 

Vậy quyền “tự do tín ngưỡng và tôn giáo” của người dân ở Việt Nam cần được hiểu như thế nào?

 

Nó nên được thừa nhận là “Có” và “Không” qua cách phân biệt và đối xử của Nhà nước.

 

 là đối với những tổ chức Tôn giáo có “đăng ký” với Nhà nước và đồng ý chấp hành chính sách của đảng. Không là đối với những cá nhân hay tổ chức không chịu gia nhập Tổ chức Mặt trận Tổ quốc, một cánh tay nối dài của Đảng. Bằng chứng như Tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam do Nhà nước dựng lên đã nhận được giúp đỡ và bảo vệ của Chính phủ. Trong khi Nhà nước đã đối xử bất xứng và kìm kẹp họat động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (khối Ấn Quang cũ) vì Giáo hội này từ chối gia nhập Giáo hội của nhà nước.

 

Tiến trình này không mới, nhưng các Tôn giáo ngoài lề hay nhà nước không ảnh hưởng được như Công giáo và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (khối Ấn Quang), luôn luôn là mục tiêu theo dõi, giám sát và chống phá của Nhà nước.

 

Vào năm 2004, Việt Nam từng bị Hoa Kỳ đặt vào danh sách các nước phải “quan tâm đặc biệt” (Countries of Particular Concern – CPC) vì những vi phạm nghiệm trọng tự do tôn giáo.

Hồi đó, Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào CPC vì có “nhiều người theo đạo đã bị bỏ tù, nhiều cơ sở Tôn giáo bị đóng cửa, ép buộc dân cải đạo, bỏ đạo và đánh đập hay giết chết các tín đồ tôn giáo”. Mỹ “cũng bày tỏ quan ngại về việc ngược đãi các dân tộc thiểu số và cộng đồng tôn giáo, kể cả các tín đồ Tin Lành và Phật Giáo".

 

Nhưng hai năm sau, vào năm 2006, Việt Nam đã được đưa khỏi danh sách CPC với đánh giá: "Việt Nam không còn là một nước được xem là vi phạm nghiêm trọng tự do tôn giáo", Mỹ khi đó đã đồng ý mở lại Đối Thoại Nhân Quyền với Việt Nam.

 

.

Được chân lân đến đầu

 

Tuy nhiên quyết định thay đổi của Mỹ không được USCIRF và các Tổ chức nhân quyền tán thành, vì Việt Nam vẫn chưa thật sự tôn trọng quyền tự do tôn giáo của người dân. Quan điểm này đã được cụ thể sau đó bằng những vụ bắt bớ, ngăn chặn những người theo đạo và phá hoại nơi thờ phượng, đặc biệt ở những vùng dân tộc thiểu số ở Lai Châu, Cao Bằng đối với đồng bào Hmong; người Thượng ở vùng Tây Nguyên Ban Mê Thuột, Pleiku, Kontum, Gia Nghĩa, v.v.

 

Ngoài ra các tín hữu Tin lành, trong đó có các nhóm Ngũ tuần độc lập; các nhóm Hòa Hảo độc lập; các nhóm Cao Đài độc lập; các hội thánh tư gia của người dân tộc thiểu số như đạo Dương Văn Mình ở vùng Tây bắc, giáp ranh giới Lào, đã bị theo dõi, phá phách bởi chính quyền địa phương.

 

Bằng chứng tín đồ của ông Dương Văn Mình bị đàn áp, nếu không muốn nói là bị “cấm đạo” được báo Công an Nhân dân (CAND) ngày12/07/2022 nhìn nhận bắt đầu từ năm 2021 và dự kiến sẽ hoàn tất năm 2023. Báo này viết: ”Năm 2021, Chính phủ ban hành Đề án số 78 về "Đấu tranh, ngăn chặn, tiến tới xóa bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình". Bộ Công an và UBND tỉnh Bắc Kạn cũng đã ban hành kế hoạch về triển khai thực hiện Đề án số 78. Thực hiện các kế hoạch, Công an tỉnh Bắc Kạn chủ động tham mưu Tỉnh ủy Bắc Kạn ban hành chỉ thị về thực hiện cao điểm đấu tranh ngăn chặn, tiến tới xóa bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình, đặt ra lộ trình đến năm 2023 phải xóa bỏ tổ chức này trên toàn tỉnh Bắc Kạn”.

Tuy nhiên tín đồ của ông Dương Văn Mình vẫn không hợp tác với chính quyền, theo lời kể của báo CAND: ”Tính đến tháng 5/2022, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có 164 hộ, 889 người thuộc 19 thôn, tổ; 14 xã, thị trấn; 5 huyện (Chợ Mới, Ngân Sơn, Ba Bể, Pác Nặm, Chợ Đồn) bị ảnh hưởng của tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình. Trong đó, số đối tượng cốt cán trong tổ chức luôn có thái độ bất hợp tác, không chấp hành các quy định của chính quyền địa phương, thường xuyên tụ tập họp bàn, tuyên truyền, kích động số người tin theo không chấp hành các chính sách của Đảng, Nhà nước và các quy định của địa phương, lôi kéo tham gia các hoạt động tập trung đông người gây phức tạp về an ninh trật tự (ANTT)”.

 

Vì vậy, Công an tỉnh Bắc Kạn đã ép dân bỏ đạo như lời tự thú của báo CAND: ”Đặc biệt, Công an tỉnh đã thành lập 11 tổ công tác (Công an tỉnh 5 tổ, Công an các huyện có tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình 6 tổ), triển khai đồng loạt xuống các địa bàn có ảnh hưởng của tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình để tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể trong công tác đấu tranh, xóa bỏ tổ chức này; vận động, thuyết phục quần chúng nhân dân yên tâm lao động sản xuất, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương, ký cam kết từ bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình, không tham gia vào các hoạt động gây ảnh hưởng đến ANTT tại địa bàn”.

 

.

Tôn giáo và đảng

 

Như vậy rõ ràng đảng CSVN đã cưỡng chế dân bỏ đạo để đi theo các tổ chức Tôn giáo được nhà nước bảo hộ. Những cấm đoán và can thiệp này đã bị thế giới và các nạn nhân tố cáo, nhưng phía nhà nước vẫn nói ngược lại, như thế này: ”Nhiều năm qua, các thế lực thù địch không ngừng dùng những thủ đoạn lợi dụng tôn giáo với nhiều hình thức để chống phá Nhà nước, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng. Chúng cho rằng "tôn giáo ở Việt Nam đứng ngoài chính trị, tôn giáo độc lập với chính quyền, tôn giáo có sự "tự do" tuyệt đối, tôn giáo đứng ngoài pháp luật"…

 

Đảng CSVN còn cấm giáo dục Tôn giáo tại các trường học, kể cả trường học của các Tôn giáo. Nhà nước không cho biết lý do, nhưng lại buộc các Tu viện phải dạy Lịch sử đảng, Chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh cho các tu sinh. Nhà nước cũng cấm biến tư gia làm nơi thờ phượng ở những vùng không có nơi thờ cúng khiến nhiều người không thể hành đạo.

 

Cũng nên biết, đảng viên Cộng sản và hầu hết các viên chức trong hệ thống cầm quyền, kể cả Quốc hội và Hội đồng Nhân dân đều là những người “không tôn giáo” trong lời khai lý lịch của họ. Đây là bằng chứng của một đảng cầm quyền vô thần.

 

Như vậy rõ ràng tự do Tôn giáo ở Việt Nam không phổ quát mà là thứ “tự do có điều kiện” giữa nhà nước và các tôn giáo nào chịu phục tùng đảng và làm theo lệnh đảng. Đối với các Tôn giáo độc lập, chống nhà nước xen vào nội bộ thì bị vu khống như: ”Lợi dụng triệt để quan điểm "quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong khuôn khổ pháp luật" để cho rằng "tự do" tôn giáo của Việt Nam chỉ là hình thức, vu khống Việt Nam vi phạm tự do tôn giáo, cấm đoán tôn giáo, đàn áp giáo sĩ, tăng sức ép với Việt Nam qua việc quốc tế hóa các vấn đề tự do tôn giáo, tín ngưỡng…”.

 

Việt Nam còn cáo buộc: ”Các thế lực thù địch thường xuyên sử dụng tôn giáo hòng thực hiện các mưu đồ chính trị nhằm hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước. Chúng lợi dụng vấn đề "dân chủ", "nhân quyền" để xuyên tạc, bóp méo cho rằng Việt Nam "đàn áp tôn giáo"; lợi dụng các vấn đề chính trị-xã hội phức tạp trong nước để kích động ly khai, biểu tình; lợi dụng sự thiếu hiểu biết, cả tin của một bộ phận dân chúng để thành lập các "đạo lạ", các tổ chức núp dưới danh nghĩa tôn giáo nhưng mang màu sắc chính trị, truyền đạo trái phép; lồng ghép những tư tưởng phản động, xuyên tạc bản chất chế độ chính trị, chống đối chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; nhằm tạo ra mâu thuẫn giữa tôn giáo với chính quyền, gieo nên những ánh nhìn định kiến, ác cảm của đồng bào tôn giáo đối với chính quyền, kích động gây rối, làm mất ổn định chính trị-xã hội, gây mất đoàn kết lương-giáo, chia rẽ dân tộc…” (báo Nhân dân, ngày 11/10/2022).

 

Viết như thế là hạ thấp sự hiểu biết của người dân về tình hình trong nước. Trong thời đại điện tử, người dân đã tự thoát ra khỏi mọi lời lẽ tuyên truyền sai trái để tìm kiếm sự thật nên không thể nói họ đã bị “các thế lực thù địch” đánh lừa về những đàn áp tôn giáo của đảng.

 

Vì vậy, điều được gọi là “quản lý của Nhà nước”, chẳng qua chỉ để khống chế hoạt động của các Tôn giáo. Một trong những hoạt động bình thường của các Tôn giáo như thành lập tổ chức, hội đoàn để sinh hoạt thì Nhà nước lại coi đó là âm mưu của “diễn biến hòa bình” để chống đảng.

 

Điều này được phản ảnh trên báo Quân đội Nhân dân: ”Thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” đối với Việt Nam, những năm qua, tôn giáo là một trong những nội dung chiến lược được các thế lực thù địch, phản động triệt để lợi dụng nhằm gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội (ANCT, TTATXH), tiến tới xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Chúng coi đó là một yếu tố quan trọng để tạo sức ép từ bên ngoài, đồng thời kích động các hoạt động chống phá từ bên trong” (QĐND, ngày 05/12/2022).

 

Tố cáo để viện cớ đàn áp là thói thường của đảng đã bị các Tôn giáo phản bác từ lâu, nhưng càng sai trái, Nhà nước càng quy kết nặng lời hơn, như QĐND: ”Chúng tìm mọi cách tách tôn giáo ra khỏi sự quản lý của Nhà nước, tích cực thúc đẩy liên kết hoạt động giữa các tôn giáo hòng từng bước biến tôn giáo thành lực lượng chính trị đối trọng với Đảng và Nhà nước Việt Nam. Chúng đẩy mạnh phát triển các hội đoàn tôn giáo, khuếch trương thanh thế, kết hợp với tăng cường truyền đạo trái phép, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở Tây Bắc, Tây Nguyên để tập hợp quần chúng, gây áp lực với chính quyền địa phương. Chúng đã lập ra các hội, nhóm liên kết bất hợp pháp núp dưới danh nghĩa tôn giáo như “Hội đồng liên tôn Việt Nam”, “Hội đồng nhân quyền Việt Nam”, “Văn phòng Công lý-Hòa bình”… để lôi kéo, mua chuộc quần chúng, tín đồ nhằm tập hợp lực lượng tiến hành các hoạt động phá hoại ANCT, TTATXH ở một số địa phương”.

 

.

Báo cáo của Hoa Kỳ nói gì?

 

Vậy Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ năm 2021 về tình hình Tự do Tôn giáo ở Việt Nam nói gì?

 

Báo cáo viết: ”Hiến pháp Việt Nam quy định tất cả mọi người đều có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Pháp luật quy định sự kiểm soát đáng kể của chính quyền đối với các hoạt động tôn giáo và có những quy định mập mờ cho phép hạn chế tự do tôn giáo vì lợi ích an ninh quốc gia và đoàn kết xã hội. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo vẫn duy trì một quy trình đăng ký và công nhận các nhóm tôn giáo gồm nhiều bước. Một số chức sắc tôn giáo, đặc biệt là những người đại diện cho các nhóm chưa yêu cầu công nhận hoặc đăng ký, hoặc chưa được công nhận chính thức, hoặc chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký, cho biết chính quyền có nhiều hình thức sách nhiễu – bao gồm việc hành hung, bắt người, truy tố, theo dõi, từ chối hoặc không trả lời yêu cầu đăng ký và các yêu cầu xin phép khác. Một số tổ chức xã hội dân sự báo cáo có những cuộc đàn áp nghiêm trọng vào thành viên các nhóm tôn giáo chưa đăng ký, đặc biệt ở khu vực Tây Nguyên. Các nhà hoạt động về tự do tôn giáo cho biết nhà chức trách địa phương chấp thuận các hồ sơ đăng ký dựa trên lập trường chính trị của các nhóm tôn giáo hơn là dựa trên giáo lý. Trong năm qua, chính quyền không công nhận tổ chức tôn giáo mới nào…”.

 

Trong khi đó, Báo cáo về tình hình Nhân quyền ở Việt Nam năm 2021 của Bộ Ngoại giao Mỹ, phổ biến tháng 4/2022, còn viết:

 

“Những vấn đề lớn về quyền con người ở Việt Nam bao gồm các báo cáo đáng tin cậy về: việc tước đoạt sinh mạng trái luật hoặc tùy tiện của chính quyền; tra tấn và đối xử hoặc trừng phạt dã man, vô nhân đạo hoặc đê hèn bởi các nhân viên chính phủ; bắt và giam giữ người tùy tiện; tù nhân chính trị; các hành động trả thù vì động cơ chính trị đối với các cá nhân ở quốc gia khác; những vấn đề nghiêm trọng về tính độc lập của tư pháp; sự can thiệp tùy tiện hoặc trái luật vào đời sống riêng tư; hạn chế nghiêm trọng tự do biểu đạt và tự do báo chí, bao gồm bắt và truy tố tùy tiện những người chỉ trích chính quyền, kiểm duyệt, ra các luật về hành vi phỉ báng mang tính chất hình sự; hạn chế nghiêm trọng tự do Internet; can thiệp đáng kể vào quyền tự do hội họp hòa bình và tự do lập hội; hạn chế tự do đi lại, trong đó có việc cấm xuất cảnh đối với các nhà hoạt động; công dân không có khả năng thay đổi chính quyền một cách hòa bình thông qua các cuộc bầu cử tự do và công bằng; hạn chế nghiêm trọng sự tham gia chính trị; các hành vi tham nhũng lớn; buôn bán người; hạn chế đáng kể quyền tự do lập hội của công nhân; sử dụng lao động trẻ em cưỡng bức”.

 

.

Cướp đất

 

Đối với tài sản của các Tôn giáo làm chủ từ lâu, Đảng đã tìm mọi cách để cưỡng chế bằng các hình thức gọi là “để phục vụ công ích” như xây công viên, trụ sở, trường học. Báo QĐND đã “đặt điều” vu oan để hợp thức hóa hành động cướp đất trái luật của Nhà nước như nói rằng:” Đáng chú ý, kẻ địch triệt để đẩy mạnh hoạt động lấn chiếm, chuyển nhượng đất đai trái pháp luật của các cá nhân, tổ chức tôn giáo, như: Vụ lấn chiếm đất đai trái pháp luật tại Giáo xứ Sở Kiện (Hà Nam); vụ lấn chiếm, chuyển nhượng đất đai trái phép tại Giáo xứ Xuân Hòa (Bắc Ninh); vụ dòng Thiên An lấn chiếm đất rừng ở Hương Thủy (Thừa Thiên Huế)… Thông qua đó, đòi tư hữu hóa đất đai, gây mâu thuẫn giữa các chức sắc, tín đồ với chính quyền, kích động chức sắc, tín đồ tôn giáo cản trở việc thực hiện chính sách, pháp luật, chống người thi hành công vụ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình ANCT, TTATXH tại địa phương…” (QĐND, ngày 05/12/2022).

 

Như vậy, Nhà nước đã sử dụng Luật pháp như một đặc quyền để vô hiệu hóa Hiến pháp và khống chế hoạt động của các Tu sỹ và Tôn giáo. Ban Tuyên giáo đảng cũng đã sử dụng báo chí và truyền thông để tuyên truyền, xuyên tạc chống các Tôn giáo theo lệnh Đảng. Rõ ràng không hoàn toàn có tự do tôn giáo ở Việt Nam như đã quy định trong Hiến pháp.

 

Tháng 12/2022

P.T.

 

Tác giả gửi BVN

 

---------------------------------------------------------------------------

Quan điểm cũng như phong cách ngôn từ trong bài không phản ánh quan điểm và ngôn từ của BVN.





No comments:

Post a Comment

View My Stats