Thursday, 22 December 2022

UKRAINA ĐƯỢC HOA KỲ VIỆN TRỢ HỎA TIỄN PATRIOT NHƯ MONG ƯỚC (Thụy My / RFI)

 



Ukraina được Mỹ viện trợ hỏa tiễn Patriot như mong ước   

Thụy My   -  RFI

Đăng ngày: 15/12/2022 - 20:14

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20221215-nga-oanh-t%E1%BA%A1c-b%E1%BB%ABa-b%C3%A3i-ukraina-....B0%E1%BB%9Bc

 

Gần 10 tháng sau cuộc xâm lăng, trước việc Nga ra sức phá hoại, rốt cuộc Ukraina cũng có được một trong những giàn hỏa tiễn hiệu quả nhất thế giới mà lâu nay vẫn mong mỏi. Việc giao Patriot còn là thông điệp chính trị. Chỉ có những đồng minh thân cận nhất của Mỹ mới được cung cấp loại vũ khí tân tiến, đắt tiền này.

 

https://s.rfi.fr/media/display/f8fe0f2c-6cda-11ed-8f3e-005056bf30b7/w:980/p:16x9/AP22076534246271.webp

Các hệ thống hỏa tiễn Patriot của đơn vị phòng không số 1 thuộc quân đội Đức được giới thiệu với báo chí tại phi trường quân sự ở Schwesing, ngày 17/03/2022. AP - Axel Heimken

 

Ukraina : Viện trợ khẩn cấp của đồng minh và những « chiến binh ánh sáng »

 

Về tình hình Ukraina, Le Monde nói về việc « Kiev nhận được viện trợ khẩn cấp của các đồng minh ». Tại Paris, đại diện 48 quốc gia đã hứa dành 1 tỉ euro để đối phó với « khủng bố năng lượng » của Putin. Có đến phân nửa số trạm điện đã bị hư hại, 12 triệu người Ukraina sống trong cảnh chỉ có điện vài tiếng đồng hồ mỗi ngày trong mùa đông này. Ngoài máy phát điện, Ukraina cần phụ tùng cho các trạm biến điện, 50 triệu bóng đèn LED để thay thế sản lượng của một lò phản ứng nguyên tử, vào lúc nhà máy Zaporijia đang trong tay quân Nga.

 

Trong ánh sáng nhạt nhòa của một căn phòng dường như dưới hầm trú ẩn ở Kiev, tổng thống Volodymyr Zelensky - đồng chủ trì hội nghị với đồng nhiệm Pháp Emmanuel Macron - nét mặt âu lo, ngay từ lúc khai mạc đã nhấn mạnh « Máy phát điện nay cũng cần thiết như xe bọc thép và áo giáp ». Tổng thống Macron tố cáo : « Nga về mặt quân sự bộc lộ rõ sự yếu kém, đã chọn một chiến lược độc địa », nhắc lại rằng những cuộc oanh tạc vào hệ thống điện và sưởi ấm của Ukraina là « tội phạm chiến tranh » « không thể không bị trừng trị ». Riêng Pháp sẽ giúp 125 triệu euro.

 

Phóng sự của Le Figaro đưa người đọc đến với những « chiến binh của ánh sáng » ở Ukraina. Đó là những ê-kíp thợ điện đến tận những ngôi làng nằm sát tiền tuyến ở Donbass bị oanh tạc liên tục, để sửa chữa những cơ sở hạ tầng bị bom pháo của Nga làm hư hại. Một công việc hết sức rủi ro khi họ luôn phải vắt vẻo trên những cột điện cao, mặt đất phủ tuyết dưới chân che mất những quả mìn của quân Nga gài lại. Bài viết do Margaud Benn, nữ phóng viên gan dạ vừa được tặng giải báo chí Albert-Londres thực hiện.

 

Ukraina được giao hệ thống phòng không mơ ước

 

Cũng về Ukraina, sự kiện Washington sắp giao một giàn phòng không Patriot cho Kiev rất được các báo chú ý. Les Echos gọi đây là một giai đoạn « ngoạn mục » cho việc phòng ngự: gần 10 tháng sau cuộc xâm lăng, rốt cuộc Ukraina cũng có được một trong những giàn hỏa tiễn hiệu quả nhất thế giới mà lâu nay vẫn mong mỏi.

 

Theo báo chí Mỹ, bộ trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin trong tuần này sẽ quyết định và trình cho Nhà Trắng để được bật đèn xanh. Dường như chỉ có một giàn được giao, ít nhất là trong giai đoạn đầu. Từ lâu Hoa Kỳ vẫn ngần ngại không muốn cung cấp một hệ thống tân tiến như vậy, vì Matxcơva có thể coi là leo thang, và những khó khăn về hậu cần và kỹ thuật. Giá của Patriot cũng rất cao : từ 200 triệu đến 1 tỉ đô la tùy theo model, cộng thêm 3 triệu tiền hỏa tiễn.

 

Nhưng Lầu Năm Góc phải nhìn nhận là thực tế chiến trường đã thay đổi, vì Nga phá hủy mạng lưới điện và hệ thống sưởi của Ukraina trong mùa đông lạnh giá. Kiev ghi nhận 8 đợt oanh tạc từ 60 đến 100 hỏa tiễn hành trình Kalibr hay hỏa tiễn đạn đạo Iskander, cùng với vô số drone tự hủy. Chỉ riêng hôm qua, Ukraina đã bắn hạ được toàn bộ 13 drone Shahed của Iran.

 

Sau Himars, sắp đến lượt Patriot ra uy

 

Hệ thống Patriot được sản xuất vào cuộc thập niên 80 đã chứng tỏ uy lực tại Irak và vùng Vịnh trong những năm gần đây. Patriot có thể chặn được hầu như 100 % mối đe dọa trên không trong vòng bán kính 60 đến 160 kilomet, với điều kiện bắn đúng hướng. Giàn phòng không di động này gồm một radar hết sức chính xác và 8 giàn phóng, mỗi giàn có 4 hỏa tiễn bắn chặn bay nhanh gấp 3 đến 4 lần vận tốc âm thanh khiến không phi cơ tiêm kích hay hỏa tiễn hành trình nào thoát được. Giàn Patriot giao cho Kiev có thể lấy từ kho vũ khí của Ba Lan hay Rumani.

 

Tuy vậy, động thái này vẫn không đảo lộn được thế trận. Dù học rất nhanh cách sử dụng vũ khí NATO, các chiến binh Ukraina còn phải mất nhiều tháng mới nắm vững. Việc triển khai và bảo trì mỗi hệ thống Patriot cần khoảng 100 quân nhân, dù chỉ ba người là đủ để khai hỏa. Hơn nữa, Patriot bảo vệ được trong vòng khoảng trăm cây số, trong khi diện tích Ukraina lên đến 660.000 km2…Nhất là tất cả hệ thống phòng không đều có thể bị bão hòa nếu rất nhiều hỏa tiễn bay đến hàng loạt, mà Nga toàn tấn công theo kiểu này, dùng lẫn lộn những hỏa tiễn mạnh với các drone tự hoại giá rẻ.

 

Không quân Pháp cho biết cần tổ chức phòng không « nhiều lớp », gồm hỏa tiễn bắn chặn tầm ngắn, tầm trung và tầm xa để chia sẻ các mục tiêu, không « overkill » (lãng phí nhiều hỏa tiễn cho cùng một mục tiêu) đồng thời bảo đảm không một hỏa tiễn nào của địch lọt qua được. Đặc biệt không dùng hỏa tiễn tiên tiến cho những mục tiêu kém quan trọng, như vậy phải nhanh chóng nhận dạng được chúng. Paris cũng xác nhận việc gởi hệ thống phòng không SAMP/T Mamba cho Ukraina.

 

Vũ khí tân tiến, đắt tiền chỉ dành cho đồng minh thân cận của Mỹ

 

Thông tín viên Le Figaro tại Washington lưu ý, đây sẽ là loại hiện đại nhất được Hoa Kỳ viện trợ, sau khi các giàn phóng rốc-kết đa nòng Himars đã giúp quân đội Ukraina chiếm được ưu thế trên chiến trường trước quân Nga vốn dồi dào đạn pháo. Những tháng gần đây, Washington đã chuyển giao các hệ thống phòng không tầm trung - từ hỏa tiễn Hawk cho đến Nasams có công nghệ hiện đại hơn.

 

Việc giao Patriot, mà Ukraina đã đề nghị từ trước khi quân Nga tràn sang, còn là thông điệp chính trị. Chỉ có những đồng minh thân cận nhất của Mỹ mới được cung cấp loại vũ khí tân tiến, đắt tiền này. Tổng cộng có hơn một chục quốc gia đồng minh đã mua Patriot, trong đó có Đức, Nhật Bản, Israel. Từ khi Nga xâm lăng Ukraina, Hoa Kỳ đã gởi Patriot sang Ba Lan để tăng cường phòng vệ, và giao cho Slovakia để đổi lấy S-300 cho Ukraina.

 

Theo Les Echos, nếu Patriot chưa thể hoạt động trước tháng Hai, tháng Ba, thì tin vui lại đến từ phía quân địch. Lầu Năm Góc ước tính Nga hầu như đã cạn hỏa tiễn dự trữ, đến nỗi phải dùng đến các loại hết đát, vừa kém hiệu quả vừa nguy hiểm cho người sử dụng. Kiev gần đây cho rằng Matxcơva chỉ còn 120/900 hỏa tiễn Kalibr, và 270/500 Iskander, để bắn thêm năm, sáu đợt nữa.

 

EU bắt tay với ASEAN để làm giảm ảnh hưởng Trung Quốc

 

Nhìn sang châu Á, Le Figaro cho biết « Châu Âu muốn cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc tại Đông Nam Á », trong bối cảnh địa chính trị bất ổn. Các nước ASEAN là thị trường chiến lược, cũng là mục tiêu bị Tập Cận Bình nhắm đến cho Con đường tơ lụa mới. Lần đầu tiên hội nghị thượng đỉnh giữa Liên Hiệp Châu Âu (EU) và ASEAN diễn ra tại Bruxelles hôm qua, nhân kỷ niệm 45 năm thành lập quan hệ. Chỉ có vài nhà lãnh đạo vắng mặt, như nguyên thủ Pháp bận đến Doha ủng hộ đội tuyển áo lam. 

 

Nhà nghiên cứu Eva Pejsova, đại học VUB giải thích, việc ASEAN lại chú ý đến EU có liên quan đến tâm thế mỏi mệt và thất vọng vì bị kẹt trong cảnh đối địch giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Họ tìm kiếm một đối trọng trước ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực, đặc biệt trên Biển Đông. Vấn đề của châu Âu là khuyến khích ASEAN, vốn giàu tài nguyên thiên nhiên, đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng của cựu lục địa. Nhiều nước EU như Litva đã bắt đầu mở rộng quan hệ chính trị và kinh tế với Đông Nam Á. Với lượng trao đổi trên 280 tỉ euro năm 2021, EU và ASEAN là đối tác thương mại đứng hàng thứ ba của nhau, nhưng tiềm năng vô cùng lớn.

 

Mục tiêu dài hạn là một hiệp định tự do mậu dịch giữa hai khối, nhưng ưu tiên trước mắt dành cho song phương như hiệp định đã ký với Việt Nam và Singapore. Tuy vậy tham vọng này còn vấp phải trở ngại về tiêu chí môi trường, nhân quyền. EU sẽ đầu tư 10 tỉ euro vào khu vực từ nay đến 2027, chủ yếu trong năng lượng tái tạo và nông nghiệp bền vững. Số tiền này lấy từ Global Gateway - quỹ châu Âu cạnh tranh với « Sáng kiến Vành đai Con đường » (BRI), tên chính thức của Con đường tơ lụa mới - làm đòn bẩy để huy động vốn tư nhân. Một trở ngại nữa là thái độ ngần ngại của các nước châu Á trước cuộc xâm lăng của Nga : trong tuyên bố chung cuộc chỉ có « đa số thành viên » lên án cuộc chiến.

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats