Friday, 16 December 2022

TRIỂN VỌNG KINH TẾ NGA ĐI TỪ TỆ ĐẾN KHỦNG KHIẾP (Forbes)

 



Triển vọng kinh tế Nga đi từ tệ đến khủng khiếp

Forbes Stuart Anderson phỏng vấn GS Brian D. Taylor    -   Forbes

Trúc Lam, dịch 

15/12/2022

https://baotiengdan.com/2022/12/15/trien-vong-kinh-te-nga-di-tu-te-den-khung-khiep/

 

Cuộc xâm lược toàn diện của Nga ở Ukraine và sự phản kháng của người Ukraine đối với cuộc xâm lược đó vẫn là sự kiện quốc tế quan trọng nhất trong năm 2022. Ngoài ý nghĩa quân sự, cuộc xâm lược đã dẫn đến tình trạng hàng triệu người Ukraine tị nạn, khiến nhiều người đàn ông trong độ tuổi quân sự phải rời khỏi Nga, ảnh hưởng đến việc cung cấp năng lượng, lương thực, thực phẩm và thay đổi nền kinh tế Nga.

 

Tháng 3 năm 2022, tôi đã phỏng vấn ông Brian D. Taylor, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Syracuse và là tác giả của cuốn sách rất được chào đón: “Quy tắc của chủ nghĩa Putin”. Để hiểu rõ hơn về những sự kiện trong mười tháng qua, tôi hỏi Giáo sư Taylor, ông đã viết câu trả lời về tương lai nước Nga sẽ ra sao. Ông thảo luận về diễn biến của cuộc chiến, tình trạng của nền kinh tế Nga, các cuộc tấn công của Nga vào cơ sở hạ tầng của Ukraine, quan điểm của Vladimir Putin về chủ quyền của Ukraine và các chủ đề khác.

 

*

Stuart Anderson: Ông nghĩ Vladimir Putin và những người xung quanh ông ta nhìn nhận diễn biến của cuộc chiến ở Ukraine như thế nào kể từ khi cuộc xâm lược quy mô lớn bắt đầu hồi tháng 2 năm 2022?

 

Brian D. Taylor: Putin và nhóm người của ông ta chắc chắn hiểu rằng, cuộc chiến đã không diễn ra theo kế hoạch. Hai thời điểm quan trọng nổi bật: Quyết định rút các đơn vị tấn công vào Kyiv hồi tháng 3 và tháng 4, và quyết định công bố cái gọi là “huy động từng phần” hồi tháng 9. Về trường hợp đầu tiên, Putin phải từ bỏ mục tiêu nhanh chóng lật đổ chính phủ Ukraine. Trường hợp thứ hai, ông ta phải công nhận rằng thương vong của quân Nga (chết và bị thương) trong bảy tháng đầu của cuộc chiến quá lớn, đến nỗi Nga cần hàng trăm ngàn quân mới ổn định được mặt trận.

 

Tôi nghĩ Putin và giới tinh hoa trong quân đội và an ninh của ông ta – được gọi là siloviki – vẫn không tin rằng Nga đã thất bại trong cuộc chiến. Họ hy vọng sẽ tồn tại lâu hơn Ukraine và phương Tây bằng cách huy động thêm quân lính, gây ra những đau khổ rất lớn trong mùa đông cho người dân Ukraine, bằng cách nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng dân sự và chờ đợi sự mệt mỏi của phương Tây trong việc hỗ trợ Ukraine, làm cho Ukraine tan rã.

 

*

Anderson: Ông chỉ ra rằng, nền kinh tế Nga bị đình trệ ngay cả trước khi các lệnh trừng phạt được áp đặt trong năm 2022. Những vấn đề kinh tế lớn nhất mà Nga và người dân Nga phải đối mặt hiện nay và trong những năm tới là gì?

 

Taylor: Vấn đề kinh tế lớn nhất mà Nga và người Nga phải đối mặt hiện nay dĩ nhiên là chiến tranh. Thay vì tăng trưởng như dự kiến khoảng 4% trong giai đoạn 2022-2023, nền kinh tế Nga dự kiến sẽ giảm 8% trong hai năm đó. Các biện pháp trừng phạt đã tác động rất mạnh đến hoạt động sản xuất trong các lĩnh vực quan trọng và hậu quả sẽ tiếp tục gia tăng. Chính phủ đang chuyển sang nền kinh tế thời chiến, nghĩa là nhà nước thậm chí còn kiểm soát nhiều hơn và chi tiêu quân sự nhiều hơn và đầu tư ít hơn vào nguồn nhân lực như giáo dục và chăm sóc sức khỏe.

 

Hàng trăm ngàn công nhân trẻ có học thức đã rời bỏ đất nước, và hàng trăm ngàn công dân Nga khác đã được huy động cho chiến tranh, thay vì tham gia sản xuất – chưa kể đến gần 100.000 binh sĩ tử trận, tính đến thời điểm này. Mức sống sẽ tiếp tục giảm, nợ lương và thất nghiệp gia tăng dường như cũng không thể tránh khỏi. Về lâu dài, việc phương Tây rời xa dầu mỏ và khí đốt của Nga và áp giá trần do chiến tranh gây ra, sẽ làm suy yếu lĩnh vực kinh tế quan trọng nhất của Nga.

 

Nền kinh tế Nga đã hoạt động kém hiệu quả trong 15 năm qua do thể chế yếu kém — luật pháp yếu kém, bảo vệ quyền sở hữu kém, tham nhũng — và do đó đầu tư trong nước và nước ngoài tương đối thấp. Bây giờ do chiến tranh, triển vọng kinh tế của Nga đi từ yếu kém sang đáng sợ.

 

*

Anderson: Nga đã công khai phát sóng trên TV rằng họ đang đưa hàng chục ngàn trẻ em Ukraine đến Nga, điều mà nhiều người cho là bắt cóc. Ông có thể giải thích tại sao lại có sự khoe khoang của Nga về điều rõ ràng là vi phạm nhân quyền và tội ác chiến tranh trên quy mô lớn không?

 

Taylor: Tôi nghĩ rằng, những hành động này mặc dù rõ ràng là rất đáng trách, nhưng nó lại hoàn toàn phù hợp với thông điệp của Kremlin về chiến tranh. Theo chính lời của Putin, người Nga và người Ukraine là “một dân tộc”. Putin thậm chí không thể tưởng tượng rằng Ukraine sẽ chọn liên kết với phương Tây, trừ khi họ bị lừa hoặc bị ép buộc làm như vậy.

 

Khi phát động cuộc xâm lược Ukraien hồi tháng Hai, ông ta khẳng định rằng, Ukraine bị cai trị bởi một chính phủ “tân phát xít” đang thực hiện “diệt chủng” đối với chính người dân của mình. Do đó, nhà nước Nga coi những vụ bắt cóc này không phải là tội ác chiến tranh mà là một hành động nhân đạo, nhằm giải cứu những đứa trẻ đang gặp nguy hiểm khỏi một chính phủ bất hợp pháp và độc ác ở Kiev. Dĩ nhiên, điều đó là vô nghĩa, nhưng nó không có nghĩa là quan điểm của cả các quan chức nhà nước Nga và các gia đình Nga, những người nói rằng họ đang “nhận nuôi” những đứa trẻ này, không nghiêm túc ủng hộ quan điểm này.

 

*

Anderson: Người ta nhận thấy việc Quân đội Nga sử dụng cờ và biểu tượng của Liên Xô ở Ukraine và vẫn thấy các bức tượng của Lenin ở Nga. Vì Kitô giáo giờ đây được xem là một phần quan trọng trong bản sắc của Nga, tại sao chính phủ [Nga] vẫn tiếp tục quảng bá các biểu tượng của Liên Xô và Lenin?

 

Taylor: Nước Nga của Putin thúc đẩy một sự pha trộn kỳ lạ của các biểu tượng và bản sắc. Trong bài phát biểu dài, biện minh cho cuộc xâm lược [Ukraine] hồi tháng Hai, Putin đã cay đắng tố cáo Lenin vì đã tạo ra Cộng hòa Xô viết Ukraine, mà ông coi là một quyết định sai lầm của Lenin. Tuy nhiên, như ông lưu ý, trong các bối cảnh và hoàn cảnh khác, Putin lại hoàn toàn chấp nhận lịch sử và các biểu tượng của Liên Xô. Tôi nghĩ cách để hiểu điều này là hiểu Putin là một người tin vào huyền thoại đế quốc Nga trong 1000 năm lịch sử liên tục của Nga. Đối với ông ta, nước Nga Sa hoàng thời tiền cách mạng, Liên Xô, và nước Nga hậu Xô Viết đều là một phần của một câu chuyện duy nhất về “nước Nga lịch sử” và vị thế hợp pháp của nước này luôn phải có tư cách là một Cường Quốc.

 

Dĩ nhiên, Nga không phải là quốc gia duy nhất kể một câu chuyện về chính mình mâu thuẫn với một thực tế lịch sử phức tạp hơn nhiều. Cuộc chiến này là một lời nhắc nhở bi thảm về những mối nguy hiểm tiềm ẩn khi những huyền thoại về sự vĩ đại của đế quốc đóng vai trò là kim chỉ nam cho chính sách đối ngoại đương đại.

 

*

Anderson: Một nhà bình luận người Nga đã nêu ra sự mâu thuẫn rõ ràng trong luận điệu về việc người Nga và người Ukraine là một dân tộc và các dân tộc hậu Xô Viết đều thuộc về nhau, lập luận rằng, nếu người Nga không đầu hàng vì họ bị mất năng lượng hoặc điện trong mùa đông, thì tại sao mọi người lại mong đợi người Ukraine làm như thế. Ông nghĩ sao?

 

Taylor: Tôi hoàn toàn đồng ý với nhà bình luận mà ông đề cập. Tôi nhắc lại một lần nữa, bài phát biểu ngày 21 tháng 2 của Putin, trong đó ông ta nói về người Ukraine: “Đây là những đồng chí của chúng ta, những người thân yêu nhất của chúng ta … không những là đồng nghiệp, bạn bè… mà họ còn là họ hàng, những người có quan hệ huyết thống, gia đình”. Tuy nhiên, các hành động của Nga trong 9 tháng qua cho thấy, Putin không thấy có vấn đề gì với việc sát hại và tra tấn những người mà ông ta coi là đồng chí, bạn bè và người thân.

 

Không có gì đáng ngạc nhiên khi người Ukraine coi những tuyên bố của ông ta là những lời sáo rỗng và càng quyết tâm giữ vững chủ quyền và tự do của họ trước những nỗ lực của Nga nhằm gây ra đau khổ rất lớn cho dân thường, qua các chiến dịch ném bom chống lại cơ sở hạ tầng dân sự.

 

*

Anderson: Viện Nghiên cứu Chiến tranh gần đây cho biết rằng, Putin “tiếp tục bác bỏ ý tưởng về chủ quyền của Ukraine theo cách mà về cơ bản là không phù hợp với các cuộc đàm phán nghiêm túc”. Ông có đồng ý với quan điểm này không?

 

Taylor: Đồng ý 100%. Putin đã nói rõ trong nhiều năm rằng, ông ta không nghĩ Ukraine là “một quốc gia”, như ông ta đã nói với George W. Bush hồi năm 2008. Cuộc chiến này — bắt đầu từ năm 2014, khi Nga sáp nhập Crimea — bắt nguồn trực tiếp từ việc Putin từ chối coi Ukraine là một quốc gia có chủ quyền với quyền tự do đưa ra các quyết định về chính sách đối ngoại và chính trị của riêng mình.

 

Theo quan điểm của ông ta, Ukraine phải nằm trong “phạm vi kiểm soát” của Nga, như Fiona Hill và Angela Stent đã nói. Chỉ hai tháng trước, Putin đã khẳng định một cách mạnh mẽ rằng ông ta đang sáp nhập 4 khu vực của Ukraine mà theo luật pháp quốc tế và nhiều thỏa thuận giữa Nga và Ukraine, đó là phần đất hợp pháp của Ukraine. Nếu Putin muốn kết thúc chiến tranh, ông ta phải làm điều mà không có gì ngăn cản ông ta: Đó là rút các lực lượng Nga trở lại biên giới quốc tế hợp pháp của Nga.

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats