Tuesday, 6 December 2022

THAM VỌNG CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN TRUNG QUỐC : THỐNG TRỊ "THẾ GIỚI PHƯƠNG TÂY" (Thùy Dương / RFI)

 



Tham vọng của đảng Cộng Sản Trung Quốc : Thống trị « thế giới hậu Phương Tây »

Thùy Dương  -  RFI

Đăng ngày: 05/12/2022 - 10:54

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20221205-tham-v%E1%BB%8Dng-c%E1%BB%A7a-%C4%91%E1%BA%A3ng-c%E1%BB....ADu-hoa-k%E1%BB%B3

 

Chưa bao giờ chế độ Trung Quốc quyết tâm chống ảnh hưởng của Tây phương trên lãnh thổ như hiện giờ. Bắc Kinh đang « khóa chặt » người dân trong nước, lựa chọn các đồng minh nhằm thỏa mãn tham vọng đạt vị thế thống trị trong một « thế giới hậu Phương Tây ».

 

Trên đây là những nhận định của nhà phân tích Alice Ekman, phụ trách khu vực châu Á, Viện Nghiên Cứu An Ninh Châu Âu (EUISS), tác giả cuốn sách « Dernier vol pour Pékin » (Chuyến bay cuối cùng tới Bắc Kinh), NXB Observatoire, trong bài phỏng vấn có tiêu đề : « Chế độ cảm thấy bị đe dọa ».

 

RFI giới thiệu bài phỏng vấn đăng trên báo tuần Le Point số ra ngày 01/12/2022.

 

*

Bà phân tích thế nào về phong trào biểu tình trong những ngày qua?

 

Alice Ekman : Điều gây ngạc nhiên là phong trào biểu tình diễn ra ở cùng lúc tại nhiều thành phố trong cả nước. Đó là những cuộc tập hợp thực sự ngoài đời chứ không phải chỉ là trên mạng. Và một số người biểu tình rõ ràng có đòi hỏi vượt xa những đòi hỏi về chính sách Zero Covid. Họ đặc biệt đòi hỏi quyền tự do ngôn luận. Những đòi hỏi như vậy được thể hiện trên đường phố là điều mới lạ. Nhưng chúng ta cũng nên nhìn nhận thận trọng, vì hầu hết các hình ảnh chúng ta thấy ở đây đều bị kiểm duyệt ở Trung Quốc, tức là người dân Trung Quốc không thể tiếp cận được những hình ảnh đó.

 

Rất khó biết mức độ kiểm duyệt và tuyên truyền cuối cùng sẽ hạn chế các yêu sách của người biểu tình lan truyền đến mức độ nào. Hồi đầu đại dịch, vào đầu năm 2020 tại Vũ Hán, cái chết của một người báo động dịch bệnh, bác sĩ Lý Văn Lượng, đã thu hút rất nhiều cư dân mạng. Một số người coi đó là mối đe dọa đối với chế độ, nhưng cuối cùng cơ quan kiểm duyệt đã xóa được toàn bộ các bình luận trên mạng và các cơ quan tuyên truyền đã viết lại lịch sử bằng cách ngợi ca bác sĩ Lý Văn Lượng là anh hùng dân tộc. Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã không bị lung lay.

 

*

Tại sao kết quả chống dịch lại ám ảnh các nhà lãnh đạo của đảng Cộng Sản Trung Quốc đến như vậy?

 

Alice Ekman : Điều này là rất khó nói. Chính quyền Trung Quốc có xu hướng đánh đồng tất cả các biến thể và lúc nào cũng coi virus conona là cực kỳ nguy hiểm. Đồng thời, cuộc chiến chống lại virus được thể hiện như một cuộc thi đấu quốc tế : các cơ quan tuyên truyền không ngừng ca tụng hiệu quả của chính sách Zero Covid, tuyên bố Trung Quốc kiểm soát đại dịch giỏi hơn Hoa Kỳ và Châu Âu. Trong bối cảnh đó, bất kỳ ý định thay đổi nào đều rất khó được thực hiện. Và cũng vì chính sách Zero Covid là do Tập Cận Bình đề ra, nên chỉ trích chính sách này tức là chỉ trích chính tổng bí thư ĐCSTQ, và sẽ gặp rắc rối.

 

Cùng lúc đó, áp lực về thành tích lại đè nặng lên vai các quan chức địa phương, những người muốn chứng minh cho chính quyền trung ương thấy là họ đang quản lý đại dịch tốt nhất có thể ở địa phương. Và cuối cùng, chính sách chủng ngừa Covid vẫn còn nhiều vấn đề : tỷ lệ tiêm chủng thấp ở nhóm người cao tuổi và hiệu quả tương đối thấp của vac-xin do Trung Quốc điều chế. Tất cả những điều nói trên đã dẫn đến một chính sách phòng dịch xét về mặt khoa học thì rất khó hiểu. Chính sách đó buộc người dân phải xét nghiệm liên tục, thậm chí nhà chức trách còn cho xét nghiệm cả rau hay cá ! Ngày càng có nhiều chuyện phi lý.

 

*

Liệu họ có ý muốn sử dụng Covid để đẩy mạnh kiểm soát xã hội nhắm vào dân chúng ?

 

Alice Ekman : Đó là một trong những hậu quả của chính sách Zero Covid, thế nhưng chính phủ cũng không cần phải đợi đến đại dịch thì mới tăng cường việc dùng công nghệ giám sát dân chúng. Quá trình này thực ra đã diễn ra nhưng với Covid thì nó được đẩy nhanh hơn. Chắc chắn là cuộc khủng hoảng Covid đã khiến chính phủ phải nâng cấp và tăng cường hiệu quả các công cụ công nghệ, chẳng hạn như mã QR và các ứng dụng truy vết trên điện thoại smartphone. Việc đưa các công nghệ vào môi trường đô thị dường như đã đạt đến điểm không thể đảo ngược, rất có thể điều này sẽ vẫn được duy trì mạnh mẽ, ngay cả khi sau này dịch bệnh được kiềm chế. Việc từ bỏ dần dần phương thức thanh toán bằng tiền mặt để chuyển sang dùng các phương thức thanh khoản số hóa cũng đi theo hướng đó.

 

*

Điều này có nghĩa là chế độ cảm thấy bị các cuộc biểu tình trên đường phố đe dọa?

 

Alice Ekman : Đã từ vài năm nay chế độ Trung Quốc cảmthấy bị đe dọa, bởi những tư tưởng của phương Tây và bởi bất cứ điều gì có thể trực tiếp hay gián tiếp góp phần gây bất ổn về chính trị. Dưới thời Tập Cận Bình, ĐCSTQ thấy rằng, hơn bao giờ hết, họ phải đấu tranh chống lại mọi ảnh hưởng của nước ngoài trên lãnh thổ Trung Quốc, chống lại những lời kêu gọi đổi mới hệ thống chính trị của đất nước và bảo vệ nhân quyền, cũng như phải chống lại những lời kêu gọi ngay trong nước mà cứ mỗi khi diễn ra thì đều bị diễn giải là có sự thao túng từ nước ngoài. Thế nhưng, chế độ Trung Quốc cũng nhận ra rằng từ nay họ phải tấn công trên trường quốc tế, nhấn mạnh điều mà họ xem là sự suy thoái của Phương Tây và tấn công mạnh mẽ để thúc đẩy sự suy tàn đó.

 

*

Liệu đảng Cộng Sản Trung Quốc có tự xếp mình cùng phe với nước Nga của Vladimir Putin, phe chống phương Tây?

 

Alice Ekman : Nhìn chung thì đúng là như vậy. Chính quyền Trung Quốc và Nga có chung một kẻ thù và thái độ chống phương Tây rất mạnh. Các phát biểu chính thức ngày càng thô bạo, hung hãn và luôn kết luận rằng các cuộc khủng hoảng khu vực và quốc tế trên hết đều do Hoa Kỳ và các đồng minh gây ra. Tây phương bị họ tố là ngấm ngầm kích động « các cuộc cách mạng màu ». Các phát biểu đó trước đây chỉ là ngấm ngầm ở Trung Quốc nhưng nay đã được thể hiện công khai, với một sự hung hăng chưa từng thấy kể từ thời Mao Trạch Đông.

 

*

Vậy tham vọng của ĐCSTQ là gì? Trong sách, bà đã đề cập đến mục tiêu đạt được « vị thế thống trị trong một thế giới hậu Hoa Kỳ ».

 

Alice Ekman : Sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ thường được phân tích như một sự cạnh tranh giữa hai nước mà thôi. Thế nhưng hiện giờ thì đó là sự cạnh tranh giữa các nhóm quốc gia. Trong khi liên minh giữa Mỹ và các đối tác được làm mới và củng cố dưới nhiều hình thức (chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương, hội nghị thượng đỉnh các nền dân chủ, liên minh bộ tứ Quad, liên minh AUKUS …), cùng lúc đó, về phía Trung Quốc, Bắc Kinh cũng có một chiến lược liên minh, một mong muốn « mở rộng vòng bằng hữu quanh Trung Quốc », như Tập Cận Bình từng tuyên bố, tức là tập hợp ngày càng nhiều quốc gia ủng hộ Trung Quốc. Hồi đầu tháng 10 vừa qua, ngành ngoại giao Trung Quốc đã thành công trong việc có được sự ủng hộ, tại Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, của đa số các nước tham gia bỏ phiếu bác bỏ việc tổ chức một cuộc thảo luận về hồ sơ nhân quyền ở Tân Cương.

 

Trung Quốc tìm cách giành vị thế thống trị, đặc biệt bằng cách tập hợp được quanh họ tối đa các nước gọi là các nước phía Nam (các nước đang phát triển). Điều này khiến thế giới chịu sự phân chia mới, trong đó Mỹ và các đồng minh sẽ dần dần bị gạt ra bên lề. Và như vậy, trật tự thế giới hậu phương Tây mới mà Trung Quốc mong muốn tạo ra có lẽ sẽ không được đánh dấu bằng sự biến mất của phương Tây mà là phương Tây sẽ bị đẩy xuống cấp thiểu số trong các hồ sơ quốc tế lớn, và trên hết là trong những hồ sơ thuộc diện các mối quan tâm cơ bản của Trung Quốc (nhân quyền, Biển Đông, Đài Loan ….)

 

*

Tại sao, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt như vậy, Tập Cận Bình lại chấp nhận phong tỏa đất nước với nguy cơ là tốc độ tăng trưởng chậm lại?

 

Alice Ekman : ĐCSTQ coi sự ổn định chính trị và xã hội, trong đó có y tế, là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, còn có khía cạnh ý thức hệ : vai trò của đảng ngày càng mạnh trong nền kinh tế và xã hội. Ngày càng có nhiều tác nhân kinh tế (các lĩnh vực công nghệ mới, giải trí, giáo dục tư nhân …) bị chính quyền đưa vào khuôn khổ mới. Trong bài phát biểu khai mạc Đại Hội ĐCSTQ lần thứ 20 hôm 16/10/2022, Tập Cận Bình đã kêu gọi đấu tranh chống sự « sùng bái tiền bạc », « chủ nghĩa hưởng lạc » thậm chí là chống « chủ nghĩa vị kỷ ». Trước đây, ông Tập đã từng kêu gọi giới trẻ phải có « đạo đức tốt ».

 

Có thể là trong những năm tới đây, chúng ta sẽ thấy ĐCSTQ điều chỉnh các mô hình tiêu dùng và rộng hơn nữa là điều chỉnh các tập quán của người dân Trung Quốc, với lời kêu gọi người dân tiêu dùng nhiều hàng Trung Quốc hơn để hướng nhiều hơn tới khả năng tự cung tự cấp, và cũng là nhằm kêu gọi dân chúng tiêu dùng điều độ hơn, quay lưng lại với những điều mà ĐCSTQ xem là « trụy lạc » kiểu phương Tây.

 

*

Đó có phải xuất phát điểm của khái niệm « toàn cầu hóa đôi/kép » mà bà mô tả trong sách?

 

Alice Ekman : Điềumà tôi gọi là toàn cầu hóa đôi, toàn cầu hóa kép là một quá trình tái cấu trúc dần dần các trao đổi thương mại. Trong bối cảnh các lệnh trừng phạt kéo dài, Trung Quốc đang giảm dần giao thương với Mỹ và các nước họ xem là « thù địch » để dần tái tập trung vào các nước được họ xem là « bằng hữu », chủ yếu là các nước đang phát triển và các nước mới nổi. Toàn cầu hóa đôi không phải là sự chấm dứt của toàn cầu hóa, mà là sự tái cấu trúc hình thức của toàn cầu hóa : việc các nước mở cửa nền kinh tế ra thị trường thế giới vẫn tồn tại, nhưng dưới một hình thức thu gọn thành một nhóm nước và tác nhân kinh tế kết hợp lại với nhau, các mối liên kết phụ thuộc lẫn nhau cũng hạn chế hơn, bị giới hạn về địa chính trị hơn là về mặt địa lý.

 

------------------------------

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

HOA KỲ - TRUNG QUỐC

Lầu Năm Góc : Đối đầu Mỹ và Trung Quốc trước thời điểm « then chốt »

 

ĐIỂM TUẦN BÁO

Covid làm dân Trung Quốc tỉnh thức, đẩy Tập Cận Bình ngạo nghễ vào ngõ cụt

 

TRUNG QUỐC - COVID-19

Covid-19 : Chủ tịch Trung Quốc không muốn chấp nhận vac-xin phương Tây






No comments:

Post a Comment

View My Stats