Tầng lớp trung lưu sẽ là thử
thách lớn nhất của Tập
Howard W. French
- Foreign Policy
Nguyễn Thị
Kim Phụng, biên dịch
https://nghiencuuquocte.org/2022/12/09/tang-lop-trung-luu-se-la-thu-thach-lon-nhat-cua-tap/
Hóa ra, những người thuộc tầng lớp trung lưu không
thể chấp nhận những thứ như giám sát xã hội quá sâu và kiểm duyệt tự do ngôn luận
cá nhân.
Tháng 9/1966, chỉ vài tháng sau khi Mao Trạch
Đông phát động chương trình thanh trừng và lật đổ chính trị đầy bạo lực được biết
đến với tên gọi Đại Cách mạng Văn hóa Vô sản, một sinh viên năm cuối chuyên
ngành tiếng Đức tại Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh đã viết thư cho nhà lãnh đạo tối
cao của đất nước, bày tỏ sự phản đối chiến dịch đàn áp của ông đối với kẻ thù,
có thật lẫn tưởng tượng.
“Cách mạng Văn hóa không phải là phong trào quần
chúng. Đó là việc một kẻ duy nhất chĩa súng vào đầu mọi người,” Vương Dung Phân
(Wang Rongfen) viết, tuyên bố rút khỏi Đoàn Thanh niên Cộng sản để phản đối, một
hành động gần như chưa từng có tiền lệ vào thời của cô. “Là một thành viên của
Đảng Cộng sản, xin hãy suy nghĩ về những gì ông đang làm.”
Biết chắc rằng lời kêu gọi của mình sẽ không
được đón nhận, Vương đã tiến thêm một bước nữa để bày tỏ sự bất đồng. Cô đi bộ
đến một hiệu thuốc gần nhà, mua thuốc trừ sâu loại mạnh, nốc cạn 4 chai rồi đến
nằm trước cửa Đại sứ quán Liên Xô để chờ chết. Bức thư tuyệt mệnh mà cô để lại
trong túi cho cả thế giới cùng xem viết rằng: “Tổ quốc tội nghiệp của tôi, sao
lại ra nông nỗi này?”
Thay vì qua đời, Vương, người mà tôi từng phỏng
vấn vào năm 2006 khi bà sống lưu vong ở Đức, đã được cứu sống và sau đó phải ngồi
tù hơn 12 năm. Vào đầu năm 1979, hai người phụ nữ xuất hiện không báo trước ở
nơi cô bị giam giữ và thông báo rằng bản án của cô đã bị hủy.
Khi Vương còn là sinh viên dưới thời Mao, các
cuộc biểu tình chống lại lãnh đạo và định hướng chính trị của đất nước là cực kỳ
hiếm và cực kỳ nguy hiểm. Nhưng vào khoảng thời gian cô được trả tự do, điều đó
đã thay đổi. Sự trở lại của Đặng Tiểu Bình sau nhiều năm thất sủng, và việc ông
lên nắm quyền với tư cách là người kế vị Mao vào năm 1978, đã được thúc đẩy bởi
các cuộc biểu tình bất thường.
Cuộc biểu tình đầu tiên diễn ra vào đầu năm
1976, sau cái chết của Chu Ân Lai, một trong những cộng sự lâu năm nhất của
Mao. Vào thời điểm đó, công chúng Trung Quốc đã vô cùng mệt mỏi với Cách mạng
Văn hóa. Nhiều khả năng là để bảo vệ địa vị của mình, Mao đã ra lệnh tổ chức lễ
tang cho Chu trong âm thầm. Điều này khiến nhiều người ở Bắc Kinh tức giận, họ
đã tập trung rất đông ở Quảng trường Thiên An Môn để tưởng niệm vị thủ tướng được
đánh giá là kiên định và ôn hòa, một số người thậm chí còn đặt những chiếc bình
nhỏ ở quảng trường. Hành động này là biểu trưng cho sự ủng hộ của họ dành cho một
trong những người được Chu bảo trợ, Đặng Tiểu Bình – tên gọi có nghĩa là chiếc
bình nhỏ. Họ mong muốn Đặng sẽ điều hành đất nước thay Mao, người có sức khỏe
đã suy yếu rõ rệt.
Trong ngắn hạn, hành động công dân tự phát này
đã phản tác dụng. Sau khi buổi lễ tưởng niệm Chu hóa thành cuộc đụng độ nghiêm
trọng với lực lượng an ninh – như một dấu hiệu báo trước kết cục của các cuộc
biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn 13 năm sau đó, khi mà hàng trăm người
biểu tình Trung Quốc bị giết hại – Đặng đã bị nhóm cầm quyền trong những tháng
cuối đời của Mao tước bỏ tất cả các chức vụ còn lại của mình.
Tuy nhiên, một hình thức hoạt động dân sự
khác, diễn ra không lâu sau đó, đã giúp Đặng trở lại và trở thành nhà lãnh đạo
đất nước. Cuối năm 1978, trong một cuộc tranh luận hiếm hoi về việc đất nước
nên đi theo hướng nào, cư dân Bắc Kinh đã bắt đầu treo các áp phích viết tay tại
một nơi được gọi là Bức tường Dân chủ. Dù phạm vi ý thức hệ của những áp phích
này là rất rộng, nhưng hầu hết chúng đều chỉ trích sự kiểm soát thái quá dưới
thời Mao, và nhiều trong số chúng yêu cầu tôn trọng “Bốn Quyền Tự do,” trong đó
có quyền tự do ngôn luận và tự do tranh luận.
Đặng rất khuyến khích kiểu tranh luận này bởi
vì nó giúp làm suy yếu đối thủ của ông, trong cuộc tranh giành quyền lực với
người kế vị được Mao chỉ định, Hoa Quốc Phong, người có khẩu hiệu nổi tiếng nhất
tuyên bố rằng ông sẽ làm bất cứ điều gì Mao sẽ làm để cai trị đất nước. Tuy
nhiên, sau khi giành chiến thắng, Đặng lại cho đánh sập Bức tường Dân chủ. Và
vào năm 1979, năm mà Vương Dung Phân được trả tự do, nhà hoạt động nổi tiếng Ngụy
Kinh Sinh (Wei Jingsheng) – người mạnh dạn kêu gọi dân chủ hóa như quyền tự do
thứ năm cho người Trung Quốc, đồng thời tố cáo Đặng là một nhà độc tài – đã bị
bắt và bị giam giữ như một tù nhân chính trị cho đến năm 1993.
Trong một trong những đoạn nổi tiếng nhất
trong bài luận của mình, Ngụy viết: “Chúng ta không cần các vị thần hay hoàng đế,
cũng không tin vào bất kỳ đấng cứu tinh nào… Chúng ta không muốn trở thành công
cụ cho những kẻ độc tài với tham vọng cá nhân trong tiến trình hiện đại hóa.
Chúng ta muốn hiện đại hóa cuộc sống của người dân. Dân chủ, tự do, và hạnh
phúc cho tất cả mọi người là mục tiêu duy nhất của chúng ta.”
Trong những năm tiếp theo – rất lâu trước khi
xảy ra vụ thảm sát sinh viên, công nhân, và những người ngoài cuộc vô tội tại
Thiên An Môn năm 1989 – giữa bối cảnh sục sôi mà phần lớn người nước ngoài đã
lãng quên, còn hầu hết giới trẻ Trung Quốc ngày nay không biết đến, Bắc Kinh và
nhiều nơi khác ở Trung Quốc đã chứng kiến hết làn sóng biểu tình chính trị này
đến làn sóng biểu tình chính trị khác. Nhưng ngay cả Thảm sát Thiên An Môn cũng
không ngăn được sự kích động của người dân. Thật vậy, một trong những sự kiện
phản đối lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc xảy ra vào năm 1999, khi nhóm Pháp
Luân Công phản ứng trước việc bị Chủ tịch lúc bấy giờ là Giang Trạch Dân ra lệnh
cấm bằng cách phát động một phong trào phản kháng kéo dài hơn một năm và dẫn đến
vô số cuộc biểu tình trên khắp Trung Quốc.
Câu chuyện lịch sử này đáng được nhắc lại vào
lúc này, vì các sự kiện đáng chú ý đã xảy ra ở Trung Quốc vào tuần trước, khi
người dân ở Bắc Kinh và nhiều vùng khác đã xuống đường để phản đối chính sách
phong tỏa COVID-19 cực kỳ hà khắc của chính phủ, và đôi khi còn để lên án Chủ tịch
Tập Cận Bình và chủ nghĩa độc tài cứng rắn của ông.
Trong giai đoạn đỉnh điểm của các sự kiện tuần
trước, và cả sau đó, nhiều người đã tham gia vào một loại “trò chơi kỳ vọng,”
đánh giá khả năng làn sóng biểu tình có thể đe dọa quyền lực vừa được củng cố của
Tập Cận Bình, hoặc có thể phát động bất kỳ biến động chính trị nào khác ở Trung
Quốc. Mặt trái của những câu hỏi này là, như hầu hết các nhà quan sát cuối cùng
đã thừa nhận, nhà nước Trung Quốc có các phương tiện – về chính sách, giám sát
video và kỹ thuật số, tuyên truyền, và các phương pháp khác – để ngăn cản việc
kéo dài các thách thức đối với chính quyền và đối với uy tín đột ngột giảm sút
của Tập.
Tuy nhiên, theo nhiều cách, đây đều là những
câu hỏi sai. Có một sợi dây nối dài từ hành động táo bạo, mang tính cá nhân của
cô sinh viên bất đồng chính kiến Vương Dung Phân trong thập niên 1960 đến nay.
Khi viết thư tố cáo các phương pháp của Mao, Vương đã ở vào cảnh đơn độc và bị
cô lập như một nguyên tử trôi nổi trong đại dương rộng lớn. Không chỉ vì cô
không có các công cụ công nghệ quen thuộc ngày nay, như mạng xã hội và những thứ
tương tự, để kết nối với những người khác. Mà còn bởi vì Trung Quốc thời bấy giờ
chỉ mới có một tầng lớp trung lưu hiện đại nhỏ bé, tầng lớp vốn là điều kiện
thiết yếu của bất kỳ phong trào xã hội gắn kết nào nhằm thể hiện ý kiến của những
người bị trị, hạn chế quyền lực độc đoán của kẻ cai trị, và thể chế hóa một biện
pháp dân chủ. Giai đoạn đầu trong thời kỳ cầm quyền của Mao đã được dành riêng
cho một loại đấu tranh giai cấp nhằm loại bỏ tận gốc tầng lớp trung lưu cũ, tầng
lớp mà ông lên án là tư sản, và do đó là kẻ thù giai cấp không thể thay đổi của
cuộc cách mạng và chế độ độc tài của ông.
Vào thời điểm Đặng lên nắm quyền, đã chẳng còn
dấu tích nào của tầng lớp trung lưu kinh tế. Hãy nhìn vào những bức ảnh thời
đó, điều dễ thấy nhất là gần như tất cả mọi người đều ăn mặc giống hệt nhau, với
cùng một kiểu tóc khiêm tốn, thẳng và đen. Việc xóa bỏ các tầng lớp xã hội, và
kéo theo đó là sự tuân phục về chính trị và văn hóa, đã được hoàn thành sau nhiều
năm tự cung tự cấp về kinh tế, nhiều cuộc chiến chống lại sở hữu tư nhân và
doanh nghiệp, và nhiều lần đấu tranh giai cấp – tên gọi mà Trung Quốc đặt cho
những làn sóng tuyên truyền và đàn áp không ngừng chống lại những ai được xem
là kẻ thù giai cấp.
Chính sự tuyệt vọng đã khiến hàng chục ngàn người
biến lễ tưởng niệm Chu Ân Lai thành một cuộc biểu tình chính trị. Người dân
Trung Quốc khao khát những điều rất đơn giản: một cuộc sống ổn định và dễ đoán
một cách tương đối, và một nền kinh tế tăng trưởng trở lại để giúp họ thoát khỏi
đói nghèo. Tuy nhiên, ngoài những mong muốn cơ bản này, nếu không có tầng lớp
trung lưu, thì xã hội không thể đồng lòng hướng đến bất kỳ mục đích chung nào –
theo lối nói của người Trung Quốc, là xã hội “rời rạc như cát.”
Tuy nhiên, kể từ những năm 1980, Trung Quốc đã
đi theo một hướng rất khác, trải qua sự thay đổi nhanh chóng. Không phải ngẫu
nhiên mà các cuộc biểu tình nổi tiếng trong thập niên này, bao gồm cả các cuộc
biểu tình đòi dân chủ mà đỉnh điểm là Thảm sát Thiên An Môn, lại diễn ra vào thời
điểm Trung Quốc đang nhanh chóng mở cửa với thế giới, tư nhân hóa các doanh
nghiệp, và bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Đó là lý do tại sao Đặng công khai chống
lại “sự ô nhiễm tinh thần” từ thế giới bên ngoài, khi ông muốn dòng vốn và công
nghệ từ nước ngoài đổ vào, nhưng lại không muốn bị ảnh hưởng bởi điều mà ông
coi là những ý tưởng nguy hiểm – chẳng hạn như dân chủ – mà ông hay so sánh với
“ruồi.”
Dù các cuộc biểu tình ở Thiên An Môn năm 1989
vẫn còn để lại ấn tượng rất rõ, nhưng các yêu cầu thay đổi hệ thống của sinh
viên và công nhân Trung Quốc cuối cùng vẫn thực sự mang tính tự hạn chế bởi Đảng
Cộng sản sẽ quyết định đàn áp biểu bình bằng bạo lực. Nguyên nhân là vì tầng lớp
trung lưu Trung Quốc vẫn còn phôi thai, một tầng lớp không đủ sâu rộng, vững chắc,
hoặc gắn kết để trở thành phương tiện cho một phong trào cải cách khả thi.
Khoảng thời gian hơn 20 năm từ giữa những năm
1990 cho đến nay là thời điểm có sự chấp nhận rộng rãi ở Trung Quốc đối với một
khế ước xã hội ngầm. Hãy đứng ngoài chính trị, và Đảng Cộng sản sẽ cho bạn cơ hội
để được làm giàu và thỏa mãn bản thân. Khi mà gần như mọi con thuyền đều được
dâng lên cao, và thường là lên rất nhanh, hệ quả tất yếu là nếu bạn không tìm
được bến đỗ tốt hơn cho cuộc đời mình, thì lỗi là ở chính bạn.
Điều này đưa chúng ta đến thời điểm hiện tại,
đến với một trật tự cũ đang bị phá vỡ. Các cuộc biểu tình gần đây ở Trung Quốc
đã bị nhiều người hiểu lầm hoặc đơn giản hóa là do dân chúng đã quá mệt mỏi với
những hạn chế ngột ngạt liên quan đến các chính sách zero-covid hà khắc của Tập
Cận Bình. Đúng là có sự mệt mỏi, và cả sự phẫn nộ trước cái chết của 10 người
trong một tòa nhà chung cư ở tây bắc Trung Quốc mà công chúng tin rằng đã không
thể chạy trốn, hoặc không được giải cứu đủ nhanh do lệnh phong tỏa. Tuy nhiên,
vấn đề lớn hơn làm nền tảng cho cuộc khủng hoảng gần đây và sẽ đánh dấu một
giai đoạn mới mang tính quyết định trong chính trị Trung Quốc trong những năm tới
là sự phát triển của tầng lớp trung lưu, mà theo con số thống kê chính thức của
chính phủ Trung Quốc là 400 triệu người.
Ám ảnh về an ninh và kiểm soát, Tập đã coi 10
năm cầm quyền đầu tiên của mình như một chiến dịch mở rộng nhằm xâm nhập ngày
càng sâu hơn vào cuộc sống của người dân, khi các hệ thống giám sát xã hội, kiểm
duyệt phát ngôn cá nhân, và hạn chế di chuyển trong đại dịch đã được củng cố vững
chắc. Như nhiều xã hội đã chứng kiến, hóa ra những người thuộc tầng lớp trung
lưu chỉ có sự kiên nhẫn hạn chế đối với loại kiểm soát như vậy, ngay cả trong
trường hợp có liên quan đến sức khỏe.
Bên cạnh nguyên nhân bất mãn này, còn có một
nguyên nhân thậm chí còn mạnh mẽ hơn: Triển vọng tăng trưởng nhanh chóng không
giới hạn và những con thuyền dâng cao mà nó tạo ra cho hai thế hệ người Trung
Quốc đã kết thúc. Ngay cả những người trẻ tuổi được giáo dục tốt cũng gặp khó
khăn hơn rất nhiều so với những người đi trước trong việc tìm kiếm công việc ổn
định, được trả lương cao. Chủ nghĩa bi quan đang lan tràn, và trong bối cảnh
kinh tế sụt giảm dài hạn và khủng hoảng nhân khẩu học nghiêm trọng đang bắt đầu,
tương lai bất định đã xuất hiện trong tâm trí mọi người.
Bản năng của Tập Cận Bình – thúc đẩy nhà nước
cảnh sát và xâm nhập sâu hơn bao giờ hết vào cuộc sống của những công dân Trung
Quốc, những người giống như tầng lớp trung lưu ở hầu hết mọi nơi, ưa thích những
thứ như quyền riêng tư, quyền tự quyết cá nhân, muốn có tiếng nói trong cách điều
hành đất nước, và quyền tự do hành động – đang đi ngược lại với dòng chảy của lịch
sử.
Những thách thức lớn nhất mà nhà lãnh đạo sẽ
phải đối mặt trong thời gian nắm quyền còn lại sẽ không đến từ bên ngoài, cho
dù đó là sự cạnh tranh hay đối kháng với Mỹ và các nước phương Tây, hay là những
ý đồ lật đổ của họ mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc kể từ thời Mao luôn cảnh
giác.
Nghịch lý thay, thử thách lớn nhất của Tập sẽ
là làm thế nào để đối phó với thành quả của những thập niên thành công của xã hội
Trung Quốc: tầng lớp trung lưu lớn nhất thế giới, một tầng lớp cuối cùng cũng sẵn
sàng tự cất lên tiếng nói của mình.
Howard W. French là chuyên gia bình luận của Foreign
Policy, giáo sư tại Trường Báo chí Sau Đại học thuộc Đại học Columbia, và là
phóng viên nước ngoài lâu năm. Cuốn sách mới nhất của ông là “Born in
Blackness: Africa, Africans and the Making of the Modern World, 1471 to the
Second World War.”
Nguồn: Howard W. French, “China’s Restive Middle Class Will Be Xi’s Greatest Test Yet,” Foreign Policy, 6/12/2022
No comments:
Post a Comment