Trang Nguyên -
Saigon Nhỏ
17 tháng 12, 2022
https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/song-chung-voi-min/
Những bãi
mìn Nga để lại sau khi rút quân là mối đe dọa cho thường dân Ukraine, khủng khiếp
hơn hỏa tiễn, và rải rác khắp nơi nhưng chưa có biện pháp vô hiệu hóa.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/12/17-12-min-o-Ukraine-getty-Images-3-1024x682.jpg
Bảng báo có mìn được cắm khắp nơi ở thành phố Izyum, vùng Kharkiv,
Ukraine, vào ngày 13 Tháng Mười Hai, 2022. Người ta nói rằng hơn 1,200 người từng
sống trong làng trước khi bắt đầu chiến tranh Nga-Ukraine, như bây giờ chỉ còn
lại 32 cư dân. (ảnh: Sofia Bobok/Getty Images)
Khi lực lượng Nga rút khỏi thành phố Izyum,
vùng Kharkov, miền Đông Ukraine, hồi Tháng Chín, bà Lyudmila Ivanenka, 69 tuổi,
hăm hở chạy ra ngoài lộ xem binh sĩ Nga rút đi ra sao, về hướng nào. Trên đường
về nhà với niềm vui mừng kéo dài chưa được bao lâu, tai họa ập đến với bà. Bà
đã trúng mìn của quân Nga gài khi chiếm đóng. Bà bị thương rất nặng. Hàng xóm
đưa bà đi cấp cứu, nhưng họ, quân đội Nga sẽ bắn phá những phương tiện di chuyển,
nên phải dùng xe đẩy hàng để chở bà tới bệnh viện. Thay vì cấp cứu phải rất
nhanh, nhưng xe đẩy hàng chỉ có thể di chuyển rất chậm, kéo dài quá lâu, bà
Ivanenka mất nhiều máu, may mà bà được cứu sống.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/12/17-12-min-o-Ukraine-getty-Images-2-1280x853.jpg
Khung cảnh hoang tàn tại ngôi làng bị phá hủy hoàn toàn Kamyanka, thành
phố Izyum, vùng Kharkiv, Ukraine, vào ngày 13 Tháng Mười Hai, 2022. Người ta
nói rằng hơn 1,200 người từng sống trong làng trước khi bắt đầu chiến tranh
Nga-Ukraine, như bây giờ chỉ còn lại 32 cư dân. (ảnh: Sofia Bobok/Getty Images)
Bà Ivanenka không phải là nạn nhân duy nhất của
sự tàn ác mà quân đội Nga để lại sau khi rút quân. Hồi Tháng Tám, vài tuần trước
khi quân đội Nga rút lui khỏi Izyum, Viktor Naidenko dắt con dê của mình đi qua
một cánh đồng phía sau nhà. Khi quay trở lại, anh đi theo con đường khác, và đạp
trúng mìn. Bàn chân của anh bị đứt lìa. “Chúng tôi không hề biết nó đến từ đâu,
nhưng nhiều lắm, và ở khắp nơi, xung quanh Izyum,” Naidenko nói. Anh được đưa
đi cấp cứu bằng trực thăng, bay thẳng qua Nga để điều trị. Với sự giúp đỡ của
các tình nguyện viên, Naidenko thực hiện chuyến đi dài để trở lại Izyum vào cuối
Tháng Tám. Từ đó, anh phải học lại cách sống, đi đứng và làm ruộng bằng một
chân.
Mìn và những vật liệu nổ sót lại ám ảnh nhiều
thế hệ sau này, gây thương tật và giết hại rất nhiều thường dân ở Afghanistan,
Iraq hay nhiều quốc gia khác, thậm chí hàng thập kỷ sau khi các hiệp ước hòa
bình được ký kết. Tại Ukraine cũng thế, nhiều người bị thương tích vì những cạm
bẫy vô hình này, người chưa đạp trúng mìn, sống trong sợ hãi và lo âu, không biết
bao giờ tới mình.
Ở Kamyanka, thành phố Izyum, vùng Kharkiv, trước
khi bắt đầu chiến tranh Nga-Ukraine, nơi đây có hơn 1,200 cư dân, nhưng bây giờ
mọi người đều di tản hết, hoặc bị giết chết vì bom mìn, chỉ còn lại 32 người ở
lại.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/12/17-12-min-o-Ukraine-getty-Images-4-1280x853.jpg
Bảng báo có mìn được cắm khắp nơi ở thành phố Izyum, vùng Kharkiv,
Ukraine, vào ngày 13 Tháng Mười Hai, 2022. (ảnh: Sofia Bobok/Getty
Images)
Ivanenka cho biết bà đạp phải thứ giống như
mìn sát thương PFM1 – những quả mìn nhỏ bằng nắm tay, có thể phát nổ khi người
khác đạp lên hoặc thậm chí đứng gần, nó cũng phát nổ. Với mắt thường rất khó
phát hiện những quả mìn này vì nó có màu xanh lục hoặc nâu, tiệp với màu lá cây
và đất, chúng được rải bằng máy bay hoặc súng cối.
Những loại mìn sát thương này đều bị luật pháp
quốc tế cấm do dễ gây hại cho thường dân thường. Hồi Tháng Mười Một, Landmine
Monitor, ấn phẩm chuyên theo dõi các nỗ lực rà phá bom mìn trên khắp thế giới
cho biết, Nga đã sử dụng ít nhất bảy loại mìn sát thương ở Ukraine trong năm
nay.
Nga không phải bên tham gia Hiệp ước Cấm Mìn
năm 1997, yêu cầu các nước không sử dụng mìn sát thương và phá hủy kho dự trữ của
họ. Ukraine ký hiệp ước này vào năm 1999, nhưng đã vi phạm các điều khoản vì
không phá hủy hoàn toàn kho dự trữ mìn trước thời hạn năm 2010, theo Landmine
Monitor. Trên thực tế, Ukraine vẫn sở hữu kho dự trữ mìn, nhưng Landmine
Monitor cho rằng họ không tìm thấy bằng chứng Kyiv sử dụng loại mìn sát thương
này trong cuộc xung đột với lực lượng ly khai ở miền Đông, kể từ năm 2014 đến
nay. Trong một báo cáo khác được công bố hồi Tháng Sáu, Tổ chức Giám sát Nhân
quyền cho biết “không có thông tin đáng tin cậy nào cho thấy quân đội chính phủ
Ukraine sử dụng mìn sát thương vi phạm Hiệp ước Cấm Mìn từ năm 2014 đến năm
2022”.
Tuần trước, tại buổi lễ tôn vinh bốn sĩ quan cảnh
sát, trong đó có Cảnh sát trưởng quốc gia vùng Cherkasy, vì nỗ lực rà phá bom
mìn ở Kherson, Tổng thống Volodymyr Zelensky nói, Nga đã rải mìn trên gần
260,000 km2 lãnh thổ Ukraine. Điều này khủng khiếp hơn cả hỏa
tiễn, vì Ukraine không có hệ thống chống mìn như hệ thống phòng không, nên
không thể hạn chế được mối đe dọa.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/12/17-12-min-o-Ukraine-getty-Images-1-1280x853.jpg
Một ông già đi qua một trung tâm mua sắm nhỏ ở thành phố Izyum, vùng
Kharkiv, Ukraine, ngày 13 Tháng Mười Hai, 2022. (ảnh: Sofia Bobok/Getty Images)
Tại Izyum, những thông điệp
cảnh báo người dân đề cao cảnh giác, thận trọng hết mức đã được lan truyền từ
trước khi Nga rút quân, nên bà Ivanenka luôn để ý mìn ở các bãi cỏ, nhưng không
bao giờ nghĩ rằng sẽ đạp phải mìn trên con đường chính. Bây giờ, bà trở thành
người tàn tật, không có việc làm và rất khó có cơ hội được thay chân giả trong
tương lai gần. Nhưng ngay trong lúc Ivanenka được điều trị tại bệnh viện chính
của Izyum, người ta vẫn có thể nghe thấy tiếng nổ bên ngoài, khi một đội rà phá
bom mìn phát hiện thêm nhiều quả mìn nằm rải rác trong khuôn viên bệnh viện. Những
tấm biển cảnh báo nguy hiểm được dựng lên ở khắp nơi.
Theo Naidenko, những câu
chuyện như của Ivanenka và anh rất phổ biến ở Izyum. Họ nằm đầy dẫy trong bệnh
viện, nạn nhân của vũ khí sát thương gián tiếp từ quân Nga.
No comments:
Post a Comment