Tuesday 20 December 2022

SẠT LỞ VÌ THIẾU CÁT và KHAI THÁC CÁT BỪA BÃI GÂY HẠI KHÓ LƯỜNG CHO VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG (RFA)

 



Sạt lở vì thiếu cát và khai thác cát bừa bãi gây hại khó lường cho vùng ĐBSCL

RFA
2022.12.19

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/landslides-due-to-lack-of-sand-and-indiscriminate-sand-mining-cause-unpredictable-harm-to-the-mekong-delta-12192022140043.html

 

Sạt lở bờ sông, bờ biển ở vùng ĐBSCL ngày một nghiêm trọng hơn cả về quy mô lẫn tần suất, gây lo ngại cho sự an toàn vùng này.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/landslides-due-to-lack-of-sand-and-indiscriminate-sand-mining-cause-unpredictable-harm-to-the-mekong-delta-12192022140043.html/@@images/61c84300-8961-434d-b536-96c2e188affb.jpeg

Sạt lở đất ở Đồng Bằng Sông Cửu Long.   RFA

 

Một vụ sạt lở ở cù lao Minh thuộc huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long hồi ngày 5/12 làm 13 căn nhà và khoảng 15 ha đất vườn của người dân bị rơi xuống sông Cổ Chiên. 

 

Sau đó tại Buổi Tọa đàm với chủ đề ‘Quản lý cát bền vững ở ĐBSCL’ hôm 19/12, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam - WWF Việt Nam cho biết đã phát hiện dưới sông Tiền có hố sâu gần 50m cách cầu Mỹ Thuận 1,2km.

 

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long, hôm 19/12 cho biết việc phía thượng lưu của cầu Mỹ Thuận có một hố sâu do khai thác cát, làm cho ông lo ngại:

 

“Vì khi con sông như vậy thì đáy sông luôn luôn tái phân phối để mang vật liệu chỗ khác đến lắp và như vậy nó sẽ khỏa lấp, làm cho đáy sông bị sâu đều. Thêm nữa, gần đây phía dưới cầu Mỹ Thuận là chỗ sạt lở gần đây ở cù lao Minh, đối diện thành phố Vĩnh Long ở phía hạ lưu… nó làm cho mình phải suy nghĩ đến cầu Mỹ Thuận. Có nghĩa là ở phía thượng lưu đã có hố sâu như vậy thì chắc chắn hạ lưu đáy sông sẽ hạ sâu, như vậy thì ngay dưới cầu Mỹ Thuận sẽ như thế nào?"

 

Theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, khi xây những cây cầu to như cầu Mỹ Thuận đã phải đổ cát thêm, phải gia cố thêm… thì lâu nay có được theo dõi hay không? Ông Thiện nói tiếp:

 

“Chúng tôi đặt câu hỏi cho các cơ quan chức năng tình hình đáy sông ngay dưới cầu như thế nào? Lượng cát xây cầu bồi vô đó có còn hay không? Hay đã mất đi? Nó có thể đe dọa đến những cây cầu khác không chỉ cầu Mỹ Thuận, mình phải dè chừng việc khai thác cát này ảnh hưởng tất cả các cây cầu khác như ở Cần Thơ, Vàm Cống, Cao Lãnh…”

 

Theo cơ quan chức năng tỉnh Tiền Giang, trong khoảng gần 10 năm, sạt lở đã ‘nuốt’ hơn 200 mét đê biển ở xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang, tức bình quân mỗi năm có khoảng 20 mét bờ biển ở khu vực này đã biến mất vì sạt lở.

 

Tương tự, biển ăn sâu vào đất liền khu vực xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre khoảng 150-200 mét sau chưa đầy 10 năm qua, nhất là khi dự án cống đập Ba Lai được xây dựng, làm dòng chảy xuống hạ nguồn thay đổi, khiến tốc độ sạt lở bờ biển tại khu vực xã Bảo Thuận ngày càng nhanh và nghiêm trọng hơn.

 

Bà An đã sống tại An Thuỷ, Ba Tri, Bến Tre cho RFA biết hiện trạng sạt lở ở địa phương bà sinh sống:

 

“Nhà tui bị sạt hết rồi tui mới đi, sụp mau quá tui cũng rầu mà không biết làm sao, những người dân lần lần họ đi hết. Hồi đó ở cồn đó có ruộng, rồi mình qua lại đó mần, hồi đó 12 mẫu, giờ còn 1 mẫu chứ bao nhiêu.”

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/landslides-due-to-lack-of-sand-and-indiscriminate-sand-mining-cause-unpredictable-harm-to-the-mekong-delta-12192022140043.html/0e8ee742-2d46-419d-a9ea-52ac2e656c18.jpeg/@@images/d81595aa-fbb2-4ec8-a472-8adc3535400b.jpeg

Ảnh minh họa chụp tại tỉnh An Giang trước đây. AFP PHOTO.

 

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện cho biết về nguyên nhân gây sạc lở:

 

“Sạt lở bờ sông, bờ biển ngày càng nhiều là do thiếu phù sa. Những vụ sạt lở gần đây như ở cù lao Minh, diện tích lớn nhất từ trước đến nay cũng cùng nguyên nhân thiếu phù sa và thiếu cát. Ngoài ra, còn do các đập thủy điện chặn cát, phù sa và việc khai thác cát trên sông Mê Kông ở các nước, nhiều nhất là ở Campuchia và Việt Nam. Còn những yếu tố khác như nói là địa chất yếu, công trình nhà cửa gần mép sông… thì chỉ làm dễ bị tổn thương, chứ không phải nguyên nhân, nguyên nhân chính vẫn là thiếu phù sa.”

 

Chính quyền Việt Nam cần phải làm gì để hạn chế đến mức thấp nhất tác động tiêu cực do sạt lở đối với ĐBSCL?

 

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện biến đổi khí hậu Đại học Cần Thơ khi trả lời RFA hôm 19/12, cho biết:

 

“Để hạn chế rủi ro về sạt lở, trước tiên chúng tôi đang xúc tiến việc lên bản đồ sạt lở vùng ĐBSCL, ở những chỗ đó phải có bảng cảnh báo, nếu cần thì di dời người dân, không cho tàu bè chạy nhanh qua đoạn đó và giới hạn chuyện khai thác cát hay những hoạt động gần những điểm sạt lở đó. Bên cạnh đó, về lâu dài qua những đoạn xung yếu thì phải làm kè để bảo vệ, hoặc lái dòng chảy đi qua một nơi khác, hoặc trồng cây để bảo vệ bờ sông.”

 

Tuy nhiên theo ông Tuấn, thật ra trồng cây để bảo vệ thêm bờ sông hoặc bờ biển thì ở những nơi trồng được người ta đã trồng rồi, còn những nơi sạt lở dù có trồng thì cây cũng khó mà trụ lại được. Ông Tuấn cho biết thêm, chính quyền địa phương các nơi cũng biết chuyện này nhưng không thể nào mà trồng cây trên một diện tích lớn. Ông nói tiếp:

 

“Về lâu dài thì khó hơn, vì hiện nay nguồn cát đã bị giữ lại ở các đập thủy điện phía thượng nguồn, cái đó ngoài tầm kiểm soát của Việt Nam. Tôi nghĩ về lâu dài hơn phải nghĩ đến vấn đề quy hoạch lại những vị trí có nguy cơ sạt lở, đừng bố trí những công trình ở đó hoặc có những hệ thống bảo vệ những chỗ đó… Đồng thời nghĩ đến việc phải nhập cát từ nơi khác về ĐBSCL như từ Campuchia hoặc là từ miền Trung để thay thế chuyện khai thác cát ở ĐBSCL. Tôi cũng nghĩ cần phải thay đổi những kết cấu nào ít sử dụng cát, bên cạnh chuyện khai thác quá mức gây sạt lở.”

 

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn những giải pháp mà chính phủ đang thực hiện như xây dựng hệ thống bờ kè để bảo vệ hay quy hoạch những chỗ nguy cơ để di dời người dân đi chỗ khác, chỉ là những giải pháp tình thế, không giải quyết được toàn bộ vấn đề.

 

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện lo ngại trong tương lai sẽ còn khó khăn hơn:

 

“Bây giờ chúng ta đã rơi vào thế rất là khó, cát ở phía thượng lưu chắc chắn là không về nữa. Bởi vì cát là vật liệu nặng, đi ở dưới đáy sông từ phía thượng nguồn về tới ĐBSCL hết mấy chục năm. Trong khi cát mình nhận được trong mấy năm vừa qua là cát đã khởi hành trong quá khứ rất lâu rồi. Những cát nào chưa khởi hành thì nó đang nằm phía trên những cái đập thì không cách nào có thể qua được. Bây giờ có xả đập thì cũng không đi xuống.”

 

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện cho biết ông khẳng định trong tương lai sẽ không có cát về nữa, ĐBSCL đã rơi vào thế thiếu cát, nhưng việc xây dựng nhà cửa, đường xá không thể dừng được nên vẫn phải cần cát. Cho nên theo ông Thiện, tình hình bây giờ rất khó khăn và cần biết rằng lấy cát để xây dựng phải trả giá rất đắt.

 

-------------------------

Tin, bài liên quan

THỜI SỰ

·        Có đúng thủy điện nhỏ không gây nên lũ lụt?

·        Tổng cục trưởng Lâm nghiệp VN nói lũ lụt ở miền Trung là do biến đổi khí hậu, không phải do phá rừng!

·        Nạn xói lở bờ sông tại An Giang: tất cả giải pháp chỉ mang tính đối phó?

·        Nguy cơ sạt lở vùng Đồng bằng sông Cửu Long sau hạn mặn

·        Việt Nam làm được gì trong vấn đề sông Mekong khi là Chủ tịch ASEAN?

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats