Tuesday 13 December 2022

QATAR - LIÊN HIỆP CHÂU ÂU : MỐI QUAN HỆ NGUY HIỂM? (Thanh Hà / RFI)

 



 

Qatar - Liên Hiệp Châu Âu : Mối quan hệ nguy hiểm ?

Thanh Hà  -  RFI

Đăng ngày: 12/12/2022 - 14:59

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20221212-qatar-li%C3%AAn-hi%E1%BB%87p-ch%C3%A2u-%C3%A2u-m%E1%BB%91i-quan-h%E1%BB%87-nguy-hi%E1%BB%83m

 

Có tiền mua tiên cũng được. Chỉ cần có tiền, bất kỳ một quốc gia nào cũng có thể làm thay đổi chính sách của Liên Hiệp Châu Âu, sao cho có lợi cho mình ? Điều tra về vụ một số chính khách hàng đầu của Liên Hiệp Châu Âu bị Qatar mua chuộc làm hủy hoại uy tín của Nghị Viện Châu Âu và để lộ rõ những lỗ hổng trong chính sách chống tham nhũng của Bruxelles.

 

https://s.rfi.fr/media/display/b52e112a-54c5-11ed-8400-005056bfb2b6/w:980/p:16x9/AP22252247165603.webp

Cờ Liên Âu tung bay trước trụ sở Bruxelles, ngày 09/12/2022. AP - Olivier Matthys

 

Phó chủ tịch Nghị Viện Châu Âu, Eva Kaili, 44 tuổi, vừa trải qua đêm đầu tiên trong tù. Nghị sĩ đảng Xã Hội Hy Lạp, từng là một nhà báo nổi tiếng trên đài truyền hình quốc gia, với hơn 20 năm kinh nghiệm trên chính trường, vừa « rớt đài ». Khám xét nhà phó chủ tịch Nghị Viện Châu Âu, cảnh sát Bỉ tìm thấy những bao tải đầy tiền và nhiều đồ vật đắt giá khác. Người bạn đời của bà Eva Kiali và thân phụ bà cũng sa lưới cảnh sát điều tra.

 

Viện Công Tố Bỉ ra lệnh tạm bắt giữ bà cùng 3 quan chức châu Âu khác. Tất cả bị khởi tố vì tội « tham gia một tổ chức tội phạm, rửa tiền, nhận hối lộ ».

 

Truyền thông quốc tế nói đến « vụ tai tiếng tham nhũng nghiêm trọng nhất » hủy hoại uy tín của Nghị Viện Châu Âu đúng vào lúc đang diễn ra Cúp Bóng Đá Thế Giới Qatar 2022. Doha bị nghi ngờ dùng tiền « mua chuộc » các chính khách châu Âu. Cả Doha lẫn Bruxelles lại càng khó xử vào lúc Liên Âu chuẩn bị xem xét khả năng miễn visa cho các công dân Qatar vào châu Âu. Chương trình đã lập tức bị « đóng băng ».

 

Thêm một dấu hiệu nữa cho thấy Bruxelles lúng túng : chủ tịch Nghị Viện Châu Âu, Roberta Metsola, lập tức thông báo đình chỉ chức vụ của bà phó chủ tịch Kaili. Tại Athens, đảng Xã Hội Hy Lạp Pasok - Kinal khai trừ Eva Kaili khỏi Đảng.

 

Thế nhưng, giới quan sát cho rằng, Liên Âu có nguy cơ bị suy yếu sau tai tiếng này.

 

Trước hết, Tư Pháp Bỉ khởi động tiến trình điều tra, chứ đây không phải là một quyết định ở cấp châu Âu. Nội điều đó cũng đủ làm dấy lên nghi vấn về quyết tâm của Bruxelles trong nỗ lực chống tham nhũng. Một số nghị viên châu Âu đã thốt lên rằng, nghi ngờ nhận tiền của Qatar chứng tỏ chính sách chống tham nhũng của Liên Hiệp Châu Âu chỉ là những « lời nói suông ». Tổ chức chống tham nhũng Transparency International, bồi thêm : Kaili và những dân biểu châu Âu bị bắt quả tang « không chỉ là một sự cố đơn lẻ » mà đây là một điều gì « phổ biến » từ nhiều thập niên qua. Luật gia Alberto Alemanno, Đại học Bruges-Bỉ, còn đi xa hơn khi cho rằng « Nghị Viện Châu Âu đã nhắm mắt làm ngơ, hoàn toàn không kiểm soát về tư cách đạo đức » của các nghị viên.

 

Cái khó thứ nhì là một khi mà uy tín của Liên Âu bị sứt mẻ như vậy, liệu rằng Bruxelles có còn đủ tư cách mạnh mẽ lên án và trừng phạt một số thành viên như Hungary cũng vì lý do tham nhũng nữa hay không ?

 

Điểm nhậy cảm thứ ba là « vụ tai tiếng » được phơi bày ra ánh sáng vào lúc Liên Hiệp Châu Âu đang khát năng lượng và tìm mọi cách để thuyết phục Doha bán khí đốt cho 27 thành viên trong khối. Theo giới bảo vệ nhân quyền, đây là một trong những lý do vì sao mà không mấy các nhà lãnh đạo châu Âu « tẩy chạy » cúp bóng đá Qatar 2022 hay nhắc tới con số hơn 6.000 người lao động nhập cư thiệt mạng trong các dự án xây dựng tại Quatar cho sự kiện thể thao trọng đại này.

 

Đương nhiên bất kỳ một định chế đa quốc gia nào, một quốc gia nào, hay một tổ chức nào đều có thể bị mua chuộc và không một ai dám mạnh mẽ khẳng định là bài trừ được tham nhũng đến tận gốc rễ, nhưng vụ tai tiếng đang làm hoen ố uy tín của Nghị Viện Châu Âu cho thấy là Liên Âu dù mạnh mẽ tuyên bố chống tham nhũng nhưng lại « thiếu vắng trầm trọng những cơ chế để kiểm soát, để báo động và giới hạn » rủi ro này.

 

Chuyên gia về địa chính trị, Pierre Haski, của tạp chí L’Obs và đài France Inter, ghi nhận rằng chính nhờ đó mà - nếu như kết quả điều tra được kiểm chứng - Qatar chỉ cần có tiền là cũng đủ sức để thao túng chính trường châu Âu, để gây sức ép với các nhà lập pháp của Liên Hiệp Châu Âu vì lợi ích chính trị, kinh tế và có thể là còn hơn thế nữa của Doha.

 

Chắc chắn rằng Qatar không là quốc gia duy nhất trên thế giới dùng đồng tiền vào mục đích này. Cuối cùng, bên cạnh những hoạt động của các toán « lobby » gây áp lực hành lang ở hậu trường, bên cạnh chiến thuật chia để trị như một số quốc gia có thói quen áp dụng, thì sức mạnh của đồng tiền hay văn hóa « quà cáp » vẫn là một công cụ đáng gờm để tạo ảnh hưởng.

 

Nghị viện châu Âu nói riêng, Liên Âu nói chung đang « ngồi trên một thùng thuốc súng », bởi theo giới quan sát, cuộc điều tra của Tư Pháp Bỉ sẽ còn mở rộng và chắc chắn còn nhiều bí mật từng bước được phơi bày ra ánh sáng. Những tiết lộ đó sẽ khiến thêm bao nhiêu chính khách châu Âu mất ăn mất ngủ ?

 

-----------------------------

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

LIÊN HIỆP CHÂU ÂU - THAM NHŨNG

Nghi án Nghị Viện Châu Âu bị Qatar mua chuộc: Tư pháp Bỉ mở rộng điều tra

 

CHÂU ÂU - THAM NHŨNG - QATAR

Nghi án Qatar hối lộ: Một phó chủ tịch Nghị Viện Châu Âu bị bắt giam

 

NGHỊ VIỆN CHÂU ÂU - HỐI LỘ

Nghi án Qatar hối lộ Nghị Viện Châu Âu: Cảnh sát Bỉ thẩm vấn phó chủ tịch Nghị Viện





No comments:

Post a Comment

View My Stats