Cù Tuấn dịch
Phỏng vấn độc quyền của WSJ: Ukraine nói rằng "Các đồng minh
phương Tây không nên sợ việc nước Nga tan rã" (1/2)
Tóm tắt: Ngoại trưởng Ukraine nói Kiev có quyền tấn công
vào trong đất Nga để tự vệ, từ chối thỏa hiệp về lãnh thổ và không thấy triển vọng đàm
phán hòa bình với Nga.
KYIV, Ukraine—Ngoại trưởng Ukraine kêu gọi các đồng minh của nước
này không sợ sự tan rã có thể xảy ra của nhà nước Nga do hậu quả của cuộc chiến,
đồng thời bảo vệ quyền của Kiev tấn công các mục tiêu trên đất Nga, và thề rằng
Ukraine sẽ không bao giờ chấp nhận một giải pháp hòa bình mà chừa lại các vùng
đất bị chiếm đóng, bao gồm cả Crimea, phải chịu sự kiểm soát của Matxcơva.
Mặc dù các đồng minh phương
Tây của Ukraine đều thống nhất với mục tiêu không để Ukraine thất bại trước
Nga, nhưng không phải tất cả các nước này đều hướng tới mục tiêu là một chiến
thắng quân sự toàn diện của Ukraine, với việc Kiev không chỉ giành lại những
vùng đất đã mất kể từ khi Nga xâm lược hồi tháng 2 mà còn cả bán đảo Crimea và
các khu vực khác của các vùng đất phía đông Donetsk và Luhansk, mà đã bị Nga
chiếm vào năm 2014.
Một số quốc gia đồng minh này lo
ngại rằng việc lấy lại cả Crimea và hai vùng trên có thể gây bất ổn sâu sắc cho
nhà nước Nga vốn sở hữu vũ khí hạt nhân, có khả năng dẫn đến tình trạng chia cắt
và bất ổn trên diện rộng, với những hậu quả khó lường đối với phần còn lại của
thế giới. Ngày 5/12, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết rằng trọng tâm của
Washington là chỉ hỗ trợ Ukraine lấy lại lãnh thổ bị Nga chiếm giữ kể từ khi
Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24/2.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro
Kuleba, người bày tỏ sự tin tưởng vào việc Mỹ tiếp tục ủng hộ Kiev, cho biết những
lo ngại về việc bảo vệ Nga khiến ông nhớ đến cái gọi là bài phát biểu “Kiev phải
ngoan” vào năm 1991. Vào năm đó, Tổng thống Mỹ George H.W. Bush, trong một bài
phát biểu trước các nhà lập pháp Ukraine đã cảnh báo Mỹ sẽ chống lại “chủ nghĩa
dân tộc tự sát”, kêu gọi người Ukraine bảo vệ tính toàn vẹn của Liên Xô và từ bỏ
việc giành độc lập, tách rời khỏi Matxcơva.
“Tôi đang kêu gọi thế giới đừng
sợ hãi việc nước Nga tan rã. Nếu bánh xe lịch sử bắt đầu quay, sẽ không có con
người nào thay đổi được nó,” ông Kuleba nói trong một cuộc phỏng vấn với The
Wall Street Journal ở Kyiv.
Ông nói: “Thay vì nghĩ cách
giúp Nga tồn tại và trở thành một thành viên bình thường của cộng đồng quốc tế,
đã đến lúc phải chấp nhận sự thật rằng nước Nga này không thể là một thành viên
bình thường của cộng đồng quốc tế nữa. “Tôi không nghĩ thế giới sẽ sụp đổ nếu
nước Nga sụp đổ. Nhưng chính người dân Nga sẽ khiến đất nước của họ tan rã, như
những gì đã xảy ra với Đế quốc Nga vào năm 1917."
Nga là một quốc gia đa sắc tộc
với một số vùng tự trị, chẳng hạn như một số vùng có đa số người Hồi giáo ở Bắc
Kavkaz, mà từng xảy ra hàng loạt các cuộc nổi dậy của những người đòi ly khai
vào những năm 1990.
Trong 9 tháng chiến đấu, quân
đội Ukraine đã đánh bật quân Nga khỏi hơn một nửa số lãnh thổ mà họ đã chiếm được
trong những tuần đầu tiên của cuộc chiến. Tháng trước, việc Nga rút quân khỏi
thành phố miền nam Kherson đã trả lại cho Ukraine thủ phủ khu vực duy nhất mà
Matxcơva đã chiếm được. Tuyên bố hồi tháng 10 của Tổng thống Vladimir Putin về
việc sáp nhập các khu vực Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia có nghĩa là
hầu như tất cả các cuộc giao tranh hiện nay đều diễn ra ở những khu vực mà Nga
coi là lãnh thổ có chủ quyền của mình.
Trong những tuần gần đây, Nga
đã bắn hàng trăm tên lửa hành trình vào Ukraine, tìm cách phá hủy nguồn cung cấp
điện và các cơ sở hạ tầng khác của nước này, đồng thời buộc Kiev phải bắt đầu
các cuộc đàm phán hòa bình với điều kiện Matxcơva có quyền kiểm soát các vùng đất
bị chiếm đóng. Đáp lại, Ukraine dường như đã tăng cường các cuộc tấn công bí mật
sâu bên trong lãnh thổ Nga, nhằm khắc phục sự bất cân xứng về sức mạnh quân sự.
Trong khi Ukraine chưa chính
thức nhận trách nhiệm, các quan chức Nga và phương Tây cho rằng Kiev đứng sau
các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái tầm xa trong tuần này vào 3 sân
bay quân sự của Nga, trong đó có 2 sân bay mà từ đó các máy bay ném bom chiến
lược của Nga đã thực hiện nhiệm vụ phóng tên lửa vào Ukraine. Theo cảnh quay vệ
tinh, ít nhất 2 máy bay đã phải ngừng hoạt động. Nga cho biết các cuộc tấn công
này, ở Engels, Diagilevo và Kursk, đã giết chết 3 quân nhân.
Hình :
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=5948922335146397&set=p.5948922335146397&type=3
Ngoại trưởng Ukraine
***
Phỏng vấn độc quyền của WSJ: Ukraine nói rằng "Các đồng minh
phương Tây không nên sợ việc nước Nga tan rã" (2/2)
Ông Kuleba từ chối thảo luận về
các sự việc cụ thể, nhưng nói rằng thế giới không thể mong đợi Ukraine sẽ nương
tay trong khi nước này đang tiến hành một cuộc chiến tranh.
“Chúng tôi trước hết tập trung
vào việc tấn công các mục tiêu ở các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Ukraine,
vào việc giải phóng lãnh thổ của chúng tôi. Nhưng tất nhiên, quan điểm cho rằng
Nga có thể làm bất cứ điều gì họ có thể làm về mặt kỹ thuật ở Ukraine trong khi
Ukraine không có quyền tấn công tương tự là sai về mặt khái niệm, đạo đức và
quân sự,” ông Kuleba nói.
“Ukraine không nên trở thành nạn
nhân mãi mãi. Chúng tôi là một quốc gia đang chiến đấu trên mọi mặt trận vì sự
sống còn, vì sự toàn vẹn lãnh thổ của mình,” ông nói thêm. “Điều quan trọng nhất
là không ai coi hành động của Ukraine - miễn là nó tuân thủ luật chiến tranh quốc
tế - từ quan điểm rằng Nga có thể làm mọi thứ họ muốn, trong khi Ukraine phải
tôn trọng những lằn ranh đỏ nhất định trong việc tự vệ."
Ukraine đã cam kết với Mỹ sẽ
không sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga. Ông Kuleba nói rằng
thỏa thuận đó không áp dụng cho Crimea, nơi được quốc tế công nhận là lãnh thổ
của Ukraine. Mỹ cũng đã hạn chế cung cấp cho Ukraine Hệ thống Tên lửa Chiến thuật
Lục quân, hay ATACMS, có tầm bắn khoảng 200 dặm, và đã sửa đổi các hệ thống
pháo Himars mà họ đã cung cấp cho Ukraine để họ không thể bắn tên lửa ATACMS
vào Nga, dù cho Ukraine có thể mua đạn ATACMS từ một nguồn khác.
Đối với ông Putin, việc sáp nhập
Crimea – điều mà nhiều người Nga cho là đã được chuyển giao cho Ukraine thời Xô
viết một cách không công bằng vào năm 1954 – là một phần quan trọng trong di sản
của ông, và việc mất lãnh thổ này sẽ làm suy yếu nghiêm trọng khả năng lãnh đạo
của ông. Ông Kuleba nói rằng điều đó không nên khiến Kiev bận tâm.
Ông nói: “Crimea không khác gì
các vùng còn lại của Ukraine. Ukraine sẽ chiếm tất cả các lãnh thổ của mình bao
gồm cả Crimea, một số bằng biện pháp quân sự và một số khác bằng biện pháp ngoại
giao. Còn quá sớm để đưa ra bất kỳ dự báo nào về sự cân bằng giữa hai bên.”
Ông Kuleba nói thêm rằng bất
chấp những tuyên bố lặp đi lặp lại của Matxcơva rằng họ đã tìm cách có được đàm
phán hòa bình, hành vi của Nga cho thấy họ thực sự không quan tâm đến hòa bình
chút nào. Kể từ khi rút khỏi Kherson, Nga đã chuyển quân tới khu vực phía đông
Donbas, nơi họ đang đẩy mạnh việc tấn công thành phố Bakhmut. “Họ đang chuẩn bị
cho những trận chiến mới, và cho các hoạt động tấn công mới, không phải cho các
cuộc đàm phán. Vì vậy, không có gì cho thấy Nga đã sẵn sàng đối thoại,” ông
Kuleba nói.
Ông Blinken, trong bài phát biểu
của mình tại Hội nghị thượng đỉnh Hội đồng Giám đốc điều hành của Tạp chí Phố
Wall hôm thứ Hai, bày tỏ sự hoài nghi tương tự về triển vọng đạt được kết quả
đàm phán. Ông nói: “Trừ khi và cho đến khi Nga chứng tỏ rằng họ quan tâm đến thảo
luận ngoại giao có ý nghĩa, còn không chuyện này sẽ không đi đến đâu cả."
Ngoại trưởng Ukraine cho biết
thêm, các thỏa thuận ngừng bắn Minsk năm 2014 và 2015, mà đã khiến các khu vực
của Donetsk và Luhansk nằm dưới sự kiểm soát trên thực tế của Nga, cho thấy sự
vô ích của các cuộc đàm phán với Matxcơva.
Ông Kuleba nói: “Vấn đề toàn vẹn
lãnh thổ của Ukraine là thứ không thể đàm phán. Chúng tôi đã phải chịu đựng quá
nhiều trong 9 tháng qua – chúng tôi đã học được bài học về cái gọi là tiến
trình Minsk đã hành hạ chúng tôi trong 8 năm – và giờ chúng tôi không nhượng bộ
về lãnh thổ và chịu mất những người dân Ukraine sống ở đó nữa.”
Ông Kuleba cho biết hành vi của
Nga cho thấy Matxcơva vẫn đang tìm kiếm một chiến thắng quân sự, bao gồm cả việc
chiếm được toàn bộ Ukraine. “Putin và những người thân cận nhất của ông ấy đang
hy vọng một phép màu sẽ xảy ra và lật ngược thế cờ,” ông nói, nhắc lại lời kêu
gọi của Ukraine đối với các đồng minh cung cấp thêm vũ khí cho nước này, bao gồm
cả xe tăng, máy bay chiến đấu phản lực và tên lửa ATACMS do phương Tây sản xuất.
Ông Kuleba cho biết, trong quá
khứ, Mỹ và các đồng minh đã dỡ bỏ những điều cấm kỵ từ lâu đời và cung cấp cho
Ukraine những loại vũ khí mà họ đã từ chối cung cấp trong quá khứ, chẳng hạn
như pháo 155 mm hay Himars, khi cục diện cuộc chiến chuyển hướng sang khu vực
Kiev.
Ông Kuleba nói rằng tại một cuộc
họp của các bộ trưởng ngoại giao của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương ở
Bucharest vào cuối tháng trước, ông đã kêu gọi những người đồng cấp của mình “thay
đổi hoàn toàn quan điểm: Thay vì chờ đợi một cuộc khủng hoảng để họ đưa ra quyết
định, họ phải đưa ra quyết định ngay từ bây giờ để tránh khủng hoảng xảy ra.”
Khi được hỏi về phản ứng của
NATO đối với đề xuất này, ông Kuleba cho biết các chính phủ NATO cần thời gian
để suy nghĩ về nó.
Hình : https://www.facebook.com/photo.php?fbid=5948926965145934&set=p.5948926965145934&type=3
.
Bài gốc https://www.wsj.com/.../ukraine-says-western-allies...
WSJ.COM
WSJ News Exclusive | Ukraine Says Western Allies Shouldn’t Fear Russia
Falling Apart
WSJ News Exclusive | Ukraine Says Western Allies Shouldn’t Fear Russia
Falling Apart
No comments:
Post a Comment