Sunday 11 December 2022

ÔNG TRUMP ĐÒI CHẤM DỨT HIẾN PHÁP LÀ 'NGUY HIỂM CHO NƯỚC MỸ' (VOA Tiếng Việt)

 



Ông Trump đòi chấm dứt Hiến pháp là ‘nguy hiểm cho nước Mỹ’

VOA Tiếng Việt

10/12/2022

https://www.voatiengviet.com/a/ong-trump-doi-cham-dut-hien-phap-la-nguy-hiem-cho-nuoc-my-/6869855.html

 

Việc cựu Tổng thống Donald Trump đòi ngưng Hiến pháp để lập ông làm tổng thống trở lại do điều mà ông cho là ‘gian lận bầu cử’ đặt ra nguy cơ là nền dân chủ Mỹ bị tổn hại và nước Mỹ sẽ bị đặt dưới chế độ độc tài, các nhà quan sát nhận định.

 

https://gdb.voanews.com/03370000-0aff-0242-eddd-08dad6250d92_w1023_r1_s.jpg

Cựu Tổng thống Donald Trump đang nuôi tham vọng trở lại Nhà Trắng lần thứ hai

 

Sau khi tỷ phú Elon Musk công bố các tài liệu nội bộ của Twitter cho thấy họ đã tranh luận như thế nào về quyết định hạn chế chia sẻ một bài báo của tờ New York Post hồi tháng 10 năm 2020 về máy tính xách tay của Hunter Biden, con trai Tổng thống Joe Biden, ông Trump đã viết trên Truth Social: “Gian lận ồ ạt kiểu này và ở mức độ này cho phép chấm dứt tất cả các quy tắc, quy định và điều khoản, ngay cả những điều khoản trong Hiến pháp. Những ‘quốc phụ’ vĩ đại của chúng ta không muốn, và sẽ không dung túng cho các cuộc bầu cử sai lệch và gian lận!”

Phát biểu của ông Trump đã dấy lên làn sóng lên án bên Đảng Dân chủ, từ Nhà Trắng cho đến các lãnh đạo ở Quốc hội. Ngay cả lãnh đạo phe Cộng hòa ở Thượng viện, ông Mitch McConnell cũng đã chỉ trích phát ngôn này dù không nêu đích danh ông Trump.

“Bất cứ ai đang muốn trở thành tổng thống mà nghĩ rằng Hiến pháp bằng cách nào đó có thể bị đình chỉ hoặc không được tuân theo, đối với tôi, người đó dường như sẽ rất khó khăn khi tuyên thệ nhậm chức tổng thống Mỹ,” ông McConnell nói khi bắt đầu bài phát biểu trước báo giới ở Điện Capitol hôm 6/12.

‘Khó khả thi’

Trao đổi với VOA từ Los Angeles, Luật sư-Tiến sỹ Luật Kevin Khoa Nguyễn hiện làm việc cho văn phòng luật Wendolyn Peterson, phân tích rằng lời kêu gọi bãi bỏ Hiến pháp của ông Trump ‘rất, rất khó thành hiện thực’.

Ông cho biết cho dù chỉ để cho một sửa đổi Hiến pháp được thông qua thì nó phải được 2/3 số nghị sỹ đồng ý ở cả Thượng viện và Hạ viện và còn phải được cơ quan lập pháp của 2/3 các bang chấp nhận.

“Từ khi ra đời cách nay hơn 200 năm, trong số gần 11.000 đề xuất sửa đổi Hiến pháp được đưa ra, chỉ có 27 Tu chính án được thông qua,” ông chỉ ra.

Vị luật sư mô tả Hiến pháp Mỹ là định chế để ‘hạn chế quyền hành của Chính phủ và trao nhiều quyền lực cho người dân’ với cơ chế tam quyền phân lập để kiểm soát và cân bằng lẫn nhau cho nên ‘đó là nền tảng tạo nên nền dân chủ Mỹ’.

“Những vị cha lập quốc không muốn nước Mỹ trở thành nhà nước độc tài,” ông Kevin phân tích. “Nếu ông Trump có thể thay đổi Hiến pháp dễ dàng như ông muốn thì nước Mỹ đã trở thành độc tài rồi.”

“Một tổng thống nếu muốn làm gì có lợi cho mình thì cũng có thể làm được, vượt quyền của cả Quốc hội và Tòa án Tối cao thì vị tổng thống đó sẽ tại vị trọn đời và người dân sẽ mất quyền tự do,” ông giải thích.

Ông cho rằng cáo buộc ‘gian lận bầu cử’ không phải là cái cớ thỏa đáng để đòi yêu cầu thay đổi Hiến pháp. “Nếu thật sự có gian lận bầu cử thì Tòa đã xử và ra phán quyết có lợi cho ông Trump rồi,” ông nói.

“Nó nguy hiểm đối với nền dân chủ vì nếu một tổng thống nghĩ mình có thể làm điều đó được, có thể thay đổi Hiến pháp để phục vụ bản thân mình chứ không phải phục vụ người dân thì nó có nghe giống như một đất nước độc tài hay không,” ông nói.

Theo lời vị luật sư này thì ngay cả những di dân bình thường khi tuyên thệ nhập tịch Hoa Kỳ còn phải thề là ‘sẽ tin tưởng, phục vụ và hy sinh cho Hiến pháp Hoa Kỳ’ thì những vị quan chức do người dân bầu lên ‘có bổn phận phải bảo vệ Hiến pháp’.

Ông lập luận rằng phát ngôn của ông Trump độc hại ở chỗ ông là người có ảnh hưởng đối với nhiều người dân Mỹ và có nhiều người người sẽ nghe và tin theo lời ông bất chấp thực tế là gì và chỉ ra bằng chứng là cuộc bạo loạn ở Điện Capitol ngày 6/1 năm 2021 là do nhiều người tin theo lời ông Trump là có gian lận bầu cử.

Tại sao Trump nói vậy?

Trên tờ Washington Post, cây bút bình luận Philip Bump đã nêu ra ba lý do khiến ông Trump có phát ngôn ‘lạ thường và cực kỳ phản dân chủ này vào lúc này’. Đầu tiên, ủng hộ viên của ông đã tập hợp xung quanh các tình tiết mới về việc hạn chế những thông tin về Hunter Biden hồi năm 2020. Thứ hai, bầu cử giữa kỳ đã khơi lại những tuyên bố của ông Trump về gian lận bầu cử. Và, thứ ba, con đường để ông Trump nhận được đề cử của đảng Cộng hòa bây giờ đã trở nên bấp bênh hơn bất kỳ lúc nào kể từ khi ông rời Nhà Trắng.

Ông Bump cũng không cho rằng việc ông Trump thua do cáo buộc của ông là ‘có gian lận bầu cử’ là lý do để thay đổi Hiến pháp. “Thật nực cười khi cho rằng các quốc phụ sẽ ủng hộ đình chỉ Hiến pháp, vì họ là người soạn thảo Hiến pháp. Tuy nhiên, còn nực cười hơn khi cho rằng Trump thua hồi năm 2020 là do gian lận đến mức không có phản ứng nào thỏa đáng ngoài việc vất bỏ hệ thống chính trị của Mỹ để đưa ông lên làm tổng thống một lần nữa. Trên thực tế, không có bằng chứng về bất kỳ sự gian lận nào như ông đã tuyên bố,” ông viết.


Theo lập luận của nhà báo này thì không có lý do gì để nghĩ rằng kết quả bầu cử sẽ khác nếu bài báo này không bị Twitter hạn chế. Ngược lại, ‘chính hạn chế này lại càng làm cho mọi người chú ý đến những gì mà New York Post đã đăng’.

‘Phải trung thành với Hiến pháp’

Cũng trên tờ Washington Post, một thành viên Cộng hòa và và từng là người viết diễn văn chính cho cựu Tổng thống George W. Bush, ông Marc Thiessen, hiện đang làm việc cho viện nghiên cứu American Enterprise Institute, đã chỉ trích ông Trump còn gay gắt hơn và gọi phát biểu này của ông Trump là bằng chứng cho thấy ‘ông đang mất kiểm soát’.

Ông Thiessen điểm lại việc ông Trump đã chỉ trích Tòa án Tối cao sau khi cơ quan này nhất trí bác bỏ đòi hỏi của ông Trump ngăn Quốc hội có được tờ khai thuế của ông. Ông Trump đã,sử dụng ngôn từ như ‘Tòa án Tối cao đã mất đi danh dự, uy tín và vị thế’, giống hệt lời lẽ của chính những người cánh tả khi công kích các vị trí đề cử của ông Trump cho Tòa án Tối cao.

Tuy nhiên, theo ông Thiessen, hành động của Tòa án Tối cao trong trường hợp này – cũng như việc bất kỳ thẩm phán nào do Trump đề cử cũng đều bác bỏ các thuyết âm mưu phủ nhận kết quả bầu cử của ông – đã chứng tỏ điều hoàn toàn ngược lại: các thẩm phán do Trump bổ nhiệm chỉ trung thành với Hiến pháp và luật pháp.

“Tôn trọng Hiến pháp và ý nghĩa nguyên thủy của nó là nền tảng của phong trào bảo thủ hiện đại – cơ bản đến mức lãnh đạo Cộng hòa tại Hạ viện Kevin McCarthy yêu cầu các dân biểu Cộng hòa sẽ đọc to từng từ từng chữ Hiến pháp khi họ nắm quyền kiểm soát Hạ viện vào đầu năm sau. Đối với một người đang muốn được Đảng Cộng hòa đề cử làm ứng viên tổng thống thì lời kêu gọi đình chỉ Hiến pháp gần như là ‘phản động’ (heresy),” ông viết trên Washington Post.

‘Trump mất kiểm soát’

Ông cho rằng ‘đã đến lúc những người ủng hộ Trump thừa nhận sự một thật đáng buồn rằng ông Trump đang trở nên mất kiểm soát’.

“Kể từ sau cuộc bầu cử năm 2020, ông Trump đã rơi vào vòng xoáy của các thuyết âm mưu. Ông ấy đã bao quanh mình với những thành phần cặn bã chính trị như ca sỹ Kanye West vốn có những phát biểu bài Do Thái độc hại và Nick Fuentes, một người theo chủ nghĩa thượng tôn da trắng khét tiếng. Và giờ đây, với lời kêu gọi chấm dứt Hiến pháp và đưa ông trở lại ghế tổng thống, ông Trump dường như đã xa rời thực tại,” ông chỉ ra.

 

Theo lập luận của ông thì chiến lược chống MAGA của đảng Dân chủ lại hiệu quả đến vậy trong kỳ bầu cử giữa kỳ vừa qua bởi vì ‘ông Trump đã làm hoen ố thương hiệu của chính mình một cách không thể cứu vãn’.

 

“Đối với những cử tri dao động, MAGA có nghĩa là từ chối bầu cử, không chịu nhận thua đàng hoàng hay chuyển giao quyền lực ôn hòa, kích động cuộc tấn công vào Điện Capitol ngày 6/1 năm 2021 – và giờ đây là lời kêu gọi công khai là đình chỉ Hiến pháp Hoa Kỳ,” ông phân tích.

 

Nhưng thay vì nhận ra điều này, ông Thiessen lập luận, ông Trump càng hành động điên rồ. Ông thấy các cuộc thăm dò cho thấy số cử tri Cộng hòa ủng hộ ông chạy đua vào năm 2024 đã giảm nhanh chóng và ông đang đứng sau Thống đốc Florida Ron DeSantis ở nhiều bang. Vì vậy, ông đang cố gắng vận động cử tri cơ sở của mình bằng lập trường cực đoan. Nhưng ông Trump càng làm như vậy, ông chỉ càng làm những cử tri dao động xa lánh và khiến mình không thể nào thắng được.

 

“Đã đến lúc Đảng Cộng hòa phải đi tới – bởi vì ông Trump không ổn định, và vì ông không thể thắng. Với những hành vi kể từ khi mất chức, ông Trump đã khiến mình trở nên độc hại không thể cứu chữa đối với các cử tri dao động. Một cuộc thăm dò trên toàn quốc của Trường Luật Marquette cho thấy tỷ lệ bác bỏ ông Trump đã tăng lên 66% - trong đó có 1/3 cử tri Cộng hòa và các cử tri độc lập,” ông Thiessen viết.

 

“Vấn đề đặt ra là: Liệu những ủng hộ viên của Trump có thấy những gì ông Trump không thấy được? Đảng Dân chủ đã giành chiến thắng trong ba cuộc bầu cử trước Trump. Liệu Đảng Cộng hòa có để họ thắng lần thứ tư hay không? Đảng Cộng hòa có rất nhiều lãnh đạo xuất chúng, những người có thể dẫn dắt phe bảo thủ giành chiến thắng vào năm 2024 và ông Trump không nằm trong số này. Nếu đảng Cộng hòa lại đề cử ông Trump, họ sẽ thua – và họ đáng bị thua,” ông lập luận.

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats