Thursday, 22 December 2022

NĂM 2022 và UKRAINA : CUỘC CHIẾN GIỮA MỸ - NATO và NGA? (RFI)

 



Năm 2022 và Ukraina : Cuộc chiến giữa Mỹ - NATO và Nga ?

Minh Anh  -  RFI

Đăng ngày: 22/12/2022 - 10:00

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-ti%C3%AAu-%C4%91i%E1%BB%83m/20221222-nam-2022-chien-tranh-ukraina-my-nato-nga

 

Chỉ còn vài ngày nữa là sẽ khép lại năm 2022 nhiều xáo động, một năm mang đậm dấu ấn của cuộc chiến xâm lăng Ukraina do Nga tiến hành kéo dài từ tháng Hai chưa biết hồi nào kết thúc. Cuộc xung đột ác liệt đến mức lấn át mọi thời sự quốc tế khác không kém phần quan trọng, như bầu cử giữa kỳ tại Mỹ, Tập Cận Bình nắm quyền lãnh đạo Đảng Cộng Sản Trung Quốc nhiệm kỳ ba, làn sóng phản đối chưa từng có tại Iran và World Cup 2022 tại Qatar.

 

https://s.rfi.fr/media/display/882bb1fe-8108-11ed-8aff-005056bf30b7/w:980/p:16x9/AP22354860830175.webp

Ảnh minh họa: Hệ thống tên lửa Patriot mà Mỹ sẽ cấp cho Ukraina. AP - Evan Vucci

 

Bất chấp các nỗ lực ngoại giao từ nhiều nước châu Âu như Pháp và Đức, ngày 24/02/2022, tổng thống Nga Vladimir Putin khiến cả thế giới sững sờ và hãi hùng khi tuyên bố : « Tôi quyết định mở chiến dịch quân sự đặc biệt », quy mô lớn nhắm vào Ukraina nhằm « phi phát xít hóa » Kiev. Hơn 160 ngàn lính Nga trú đóng sát biên giới từ nhiều tuần trước đã ồ ạt tấn công Kiev từ nhiều phía : Bắc, Đông và Nam Ukraina.

 

NATO : Cái cớ để Nga đánh Ukraina ?

 

Cuộc chiến do Nga phát động, đã nhấn chìm thế giới trong một cuộc khủng hoảng chưa từng có kể từ khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc. Tổng thống Putin cho rằng những đòi hỏi của ông, bao gồm cả việc triệt thoái quân của NATO ở Đông Âu và cấm Ukraina gia nhập NATO chưa bao giờ được đáp ứng. Về điểm này, Thierry de Montbrial, chủ tịch và nhà sáng lập World Policy Conference, chủ tịch Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI, trên đài RFI có lý giải:

 

« Đối với Nga, vấn đề NATO là một lằn ranh đỏ, nhất là tại Ukraina, tôi xin nhấn mạnh là tại Ukraina. Vấn đề ở đây chính là cuộc họp thượng đỉnh nổi tiếng năm 2008 tại Bucarest. Tại cuộc họp này, Mỹ và các nước Bắc Âu đã ra sức hối thúc để khối này quyết định cho Ukraina gia nhập NATO tức thì. Chính Pháp và Đức, cụ thể là tổng thống Nicolas Sarkozy và thủ tướng Angela Merkel thời đó, đã tìm cách ngăn cản điều này, bởi vì họ hiểu hậu quả có thể có, nhưng không mấy gì thành công. Tuyên bố chung cuối cùng đã công nhận tính chính đáng việc Ukraina gia nhập NATO năm 2008 và điều đó đã khiến Nga tức giận. Nhất là còn có vấn đề vũ khí hạt nhân nữa. Trở thành thành viên của NATO, điều đó có nghĩa là vũ khí hạt nhân một ngày nào đó có thể được bên bảo hộ sử dụng để bảo vệ Ukraina. Cần phải đặt sự việc trong viễn cảnh này ».

 

Chỉ có điều, chiến lược tấn công « chớp nhoáng » của Nga hòng chiếm lấy thủ đô Kiev trong vòng một tuần đã thất bại, khi vấp phải sự kháng cự quyết liệt của quân đội Ukraina. Nhà nghiên cứu địa chính trị Thierry de Montbrial phân tích tiếp :

 

« Putin xâm lược Ukraina vì ông nghĩ là sẽ thành công nhanh như những gì ông ấy đã từng làm với bán đảo Crimée, bởi vì vào năm 2014, ông ấy đã sáp nhập thành công Crimée mà không vấp phải một phản ứng mạnh mẽ nào. Do vậy, ông ấy nghĩ rằng lần này cũng sẽ diễn ra giống như thế, và rủi thay điều đó đã không xảy ra. »

 

Trước sự hậu thuẫn mạnh mẽ của phương Tây và Liên Minh Bắc Đại Tây Dương – NATO dành cho Ukraina, tổng thống Nga dọa dùng vũ khí nguyên tử, khi tuyên bố sẵn sàng sử dụng « mọi phương tiện » trong kho vũ khí. Cũng theo ông Montbrial, ở đây cần phải phân biệt lợi ích sống còn và cốt lõi theo cách hiểu của Nga:

 

« Trên thực tế, những nước có vũ khí nguyên tử là nhằm bảo vệ các lợi ích sống còn. Xin lưu ý, phải nói là "sống còn" chứ không phải là "thiết yếu". Vấn đề thật sự đặt ra ở đây là người Nga chứ không chỉ riêng gì ông Putin định nghĩa như thế nào là lợi ích sống còn. Theo ý tôi, câu hỏi này phải được xem xét nghiêm túc. Hơn nữa, hiện nay, nếu như không một ai tại châu Âu hay trong thế giới phương Tây muốn thấy một nước Nga quá hùng mạnh, thì cũng cần phải chú ý đến những hệ quả về điều có thể là một nước Nga quá yếu, nghĩa là một nước Nga bắt đầu bị tan rã như xuýt từng xảy ra trong những năm 1990. Tôi nghĩ rằng luôn phải xem xét mối nguy hạt nhân một cách nghiêm túc, nhưng không vì cùng một kiểu lý do. »

 

Nga – Trung : Mối quan hệ đồng lõa ?

 

Nếu như vai trò của Mỹ và các nước đồng minh, cụ thể là NATO, trong cuộc chiến này được thể hiện rõ qua việc hậu thuẫn Kiev, thì mọi cặp mắt cũng hướng về Bắc Kinh với câu hỏi lớn: Tập Cận Bình phải chăng đã được đồng nhiệm Nga thông báo trước về chiến dịch quân sự trong chuyến thăm Bắc Kinh ngày 04/02/2022 ?

 

Trên đài RFI, trong cuộc tranh luận với chuyên gia Thierry de Montbrial, nhà Trung Quốc Học Jean-Pierre Cabestan, Trung Tâm Nghiên Cứu Khoa Học Quốc Gia Pháp (CNRS), hiện giảng dạy tại trường đại học Baptist Hồng Kông, nhận định :

 

« Tôi nghĩ rằng vào thời điểm đó, Tập Cận Bình chẳng biết được bao nhiêu về kế hoạch này (…) Khi ông ấy ký tuyên bố chung ngày 04/02, hai mươi này trước khi có cuộc tấn công, liệu ông Tập có biết là chiến dịch quân sự sẽ bắt đầu trong chưa đầy một tháng sau đó hay không ? Tôi không nghĩ thế. Tôi nghĩ rằng ông ấy đang đứng trước một sự mơ hồ, nhưng Tập Cận Bình biết là căng thẳng đang gia tăng và ông Putin đã chuẩn bị cho một hình thức đối đầu với Ukraina và một kiểu chống  NATO, bởi vì đây cũng chính là một thông điệp chung giữa Nga và Trung Quốc: chống NATO và mở rộng NATO sang phía đông, và đương nhiên là chống cả việc cho Ukraina gia nhập NATO. »

 

Dù vậy, theo quan sát của ông Jean-Pierre Cabestan, trong cuộc đối đầu này với NATO, mối quan hệ đối tác chiến lược chặt chẽ giữa Nga và Trung Quốc đã được hình thành và củng cố.

 

«  Tôi cho rằng Trung Quốc đang có một mối quan hệ đồng lõa cực kỳ chặt chẽ với Nga. Đó là một mối quan hệ đối tác chiến lược mà theo ý tôi gần như là một liên minh. Mối quan hệ này kéo dài được bao lâu thì tôi không rõ, nhưng chắc chắn đây chính là điều khiến Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau hơn khi bỏ qua những bất đồng. Chúng ta đã biết các điểm bất đồng giữa hai nước và Tập Cận Bình đã nhắc lại với ông Putin tại Samarkand nhân thượng đỉnh Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải – SCO hồi tháng 9/2022. Bởi vì ông Putin giờ đang trong thế thủ hay cảm thấy chưa chắc đạt được các mục tiêu và do vậy điều này đương nhiên khiến đối tác chính là Trung Quốc lo lắng. »

 

Chiến tranh nổ ra, châu Âu hứng chịu một làn sóng tị nạn lớn nhất từ cuối Đệ Nhị Thế Chiến. Cuộc xung đột đã cướp đi hàng chục ngàn sinh mạng binh sĩ cũng như thường dân. Cuộc chiến còn phủ bóng mối họa khủng hoảng lương thực toàn cầu. Những đòn trả đũa qua lại giữa Nga và phương Tây gây ra nạn khan hiếm năng lượng, lạm phát tăng vọt, làm trì trệ tăng trưởng kinh tế thế giới.

 

Chiến sự nay sắp bước qua tháng thứ 10, nhưng đôi bên chưa ngã ngũ kể từ khi tổng thống Putin cho sáp nhập bốn vùng chiếm đóng là Donetsk, Luhansk, Zaporijjia và Kherson vào lãnh thổ Nga. Chuỗi thất bại trên chiến trường kể từ tháng Chín qua buộc ông Putin phải ban hành lệnh động viên, tuyển mộ thêm 300 ngàn binh sĩ. Chiến tranh kéo dài ngoài dự đoán và lệnh cấm vận của phương Tây dường như khiến Nga gặp khó khăn trong việc sản xuất vũ khí. Matxcơva phải mua thêm drone tự sát cũng như tên lửa từ Iran và đạn dược từ Bắc Triều Tiên.

 

Hoa Kỳ : Chìa khóa cho hòa bình của Ukraina ?

 

Khả năng một cuộc đàm phán hòa bình hay một lệnh ngừng bắn hầu như vô vọng khi Ukraina kiên quyết thực hiện những mục tiêu đi đến cùng mà giới quan sát đánh giá là quá tham vọng. Theo đó, Kiev muốn đẩy lui quân Nga ra khỏi đường biên giới có từ năm 1991, nghĩa là thu hồi toàn bộ các vùng bị chiếm đóng, kể cả bán đảo Crimée và toàn vùng Donbass. Trong khi phía Nga cũng không có ý định lui quân.

 

Theo quan điểm của nhà nghiên cứu Thierry de Montbrial, chìa khóa cho hòa bình giờ trong tay Hoa Kỳ: « Trên thực tế, quốc gia duy nhất có thể tác động mạnh mẽ lên Ukraina chính là Mỹ. Tôi không nói là chỉ điều đó thôi là đủ, nhưng đúng là Ukraina đã tỏ cho thấy một sự phòng thủ tuyệt vời và ngoài mong đợi. Nhưng điều chắc chắn là nếu Hoa Kỳ quyết định ngưng cung cấp một số loại vũ khí và nói với châu Âu là hãy ngưng cung cấp thứ này thứ kia, Ukraina sẽ rơi vào trong tình huống là họ buộc phải từ các ý định đầy tham vọng. »

 

Nếu như cuộc chiến này làm lộ rõ một mối quan hệ đối tác chiến lược chặt chẽ giữa Nga và Trung Quốc, thì theo ông Thierry de Montbrial, câu hỏi cần đặt ra ở đây là Hoa Kỳ cũng đang tính gì khi tiếp tục hỗ trợ khí tài cho Ukraina:

 

« Trên thực tế, Hoa Kỳ dường như đã đổi ý, điều đó có nghĩa là hiện tại Mỹ tiếp tục hậu thuẫn Ukraina, rất có thể là để làm suy yếu hơn nữa nước Nga. Tôi nghĩ rằng còn có một ý muốn biến sự độc lập của châu Âu đối với năng lượng Nga là không thể đảo chiều và họ cũng muốn củng cố hơn nữa thế thống trị của Mỹ trong lòng khối NATO về châu Âu, với một mục tiêu sau cùng là NATO rồi sẽ trở thành một liên minh chống các nước phi dân chủ, bắt đầu từ Trung Quốc. Tôi tin rằng có hẳn một tầm nhìn chiến lược đang được thiết lập từ phía Mỹ. »

 

Liệu rằng xung đột tại Ukraina có nguy cơ lan rộng khi tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 19/12/2022, trong chuyến thăm Belarus và sau cuộc hội đàm cùng đồng nhiệm Alexander Lukachenko, thông báo tăng cường hợp tác quân sự và quốc phòng, còn phía Mỹ thông báo sẽ cấp hệ thống tên lửa Patriot mà Kiev mong đợi từ nhiều tháng qua ?

 

Một điểm được hầu hết giới chuyên gia đồng chia sẻ : Trên chiến trường, Vladimir Putin vẫn chưa thua trận, chừng nào Kiev vẫn chưa giành được chiến thắng trước những mục tiêu đặt ra. Nhưng trên bình diện chính trị, theo như nhận định của ông Jean-Pierre Cabestan, chủ nhân điện Kremlin đã thua trong cuộc chiến công luận, nhất là tại phương Tây. Điển hình là Thụy Điển và Phần Lan, những nước trung lập từ bao thập niên, thậm chí bao thế kỷ, nay lần lượt xin gia nhập khối NATO, cho phép liên minh quân sự này mở rộng bờ cõi đến tận biên giới phía bắc nước Nga !

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats