Tuesday, 20 December 2022

LOẠN GIÁ TRỊ THÌ LO CHẤN CHỈNH CHỨ "XÂY DỰNG" GÌ NỮA? (Chu Mộng Long)

 



NỘI DUNG :

 

LOẠN GIÁ TRỊ THÌ LO CHẤN CHỈNH CHỨ "XÂY DỰNG" GÌ NỮA?   

Chu Mộng Long

.

GÓP Ý VỀ XÂY DỰNG HỆ GIÁ TRỊ VIỆT NAM   

Mạc Văn Trang 

.

CỤ NGUYỄN TRUNG GÓP Ý HỆ GIÁ TRỊ QUỐC GIA   

Mạc Văn Trang 

.

===============================================

.

.

LOẠN GIÁ TRỊ THÌ LO CHẤN CHỈNH CHỨ "XÂY DỰNG" GÌ NỮA?   

Chu Mộng Long

20-12-2022  03:54   

https://www.facebook.com/Chumonglong/posts/pfbid02otcqjfWZ1FbDEKbqzcd4iEmMSBVSm35dRTaNwqg6RQDNm5DvjjH6GogUrYLsJYuZl

 

Chỉ mới đọc cái tiêu đề Hội thảo:  “Xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa trong thời kỳ mới", tôi đã khó chịu. Nếu các bậc tiền bối cách mạng còn sống, ắt cũng khó chịu như tôi.

 

Hệ giá trị là cái gì mà phải "xây dựng" chỉ trong một hội thảo của một nhóm người tai to mặt lớn?

 

"Hệ giá trị" là hệ thống các chuẩn mực được nhân loại và các dân tộc kiến tạo xuyên suốt qua các thời kỳ lịch sử. "Hệ giá trị quốc gia" ra đời gắn liền với các kiểu nhà nước: nhà nước chiếm hữu nô lệ, nhà nước phong kiến, nhà nước tư sản, nhà nước xã hội chủ nghĩa, thậm chí là nhà nước tôn giáo kiểu Hegel. "Hệ giá trị văn hóa" ra đời gắn liền với điều kiện môi trường tự nhiên, cộng đồng xã hội, kể cả gắn liền với hình thái nhà nước, tức "hệ giá trị quốc gia". Chẳng phải "Hệ giá trị quốc gia" do Khổng Tử kiến tạo đã sản sinh ra "Hệ giá trị văn hóa" phong kiến đó sao?

 

Sự thay đổi "hệ giá trị" xuất phát từ các cuộc cách mạng khi các nhà tư tưởng tiên phong và cả nhân loại thức tỉnh và nhận ra, rằng các kiến tạo cũ đã lỗi thời, lạc hậu, cần phải thay đổi. Chẳng hạn như Cách mạng Phục hưng, Cách mạng Khai sáng, Cách mạng toàn cầu hóa... Thực chất, chính những cuộc cách mạng văn hóa này là cha đẻ của các cuộc cách mạng chính trị chứ không phải ngược lại.

 

Các ông bà, tạm xem như những "nhà tư tưởng", trong Hội thảo trên đòi xây dựng lại "Hệ giá trị quốc gia", "Hệ giá trị văn hóa", hoặc chỉ có thể là lâu nay chưa có hệ thống các giá trị nào, hoặc chỉ có thể là đang mưu toan một cuộc cách mạng làm thay đổi hệ thống giá trị cũ?

 

Trong khi xem toàn bài, "Hệ giá trị" cốt lõi được xác định như sau: 1) Hệ giá trị quốc gia gồm các thành tố: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc. 2) Hệ giá trị văn hóa gồm các thành tố: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học. Chẳng có điều gì mới mẻ cả. Tất cả đều là những khẩu hiệu, những cụm từ từng có trong Tuyên ngôn độc lập, trong Hiến pháp 1946, và cả Hiến pháp đã sửa đổi qua các thời kỳ và hiện nay.

 

Đến các “hệ giá trị bộ phận”, “hệ giá trị cụ thể”, “hệ giá trị phái sinh” cho sát hợp hơn với từng đối tượng, thành phần, ngành nghề, lứa tuổi trong xã hội" mà các "nhà tư tưởng" trên đã khơi ra, cũng chẳng có gì mới, nếu không nói là rối rắm, lủng củng, vẽ rắn thêm chân. Tôi đọc trước tác của các lãnh tụ cộng sản như Marx, Engels, Lenin, Hồ Chí Minh, thấy các cụ nói còn chi tiết hơn, rõ ràng hơn cho các đối tượng, thành phần, ngành nghề, lứa tuổi, kể cả đạo đức, lối sống cho từng thành phần, nghề nghiệp, và cho cả quan hệ giữa cán bộ và nhân dân, cha mẹ và con cái trong hệ thống pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

 

Hệ giá trị gắn liền với hệ tư tưởng. Lẽ nào kim chỉ nam chủ nghĩa Marx đã thành "kim chỉ bắc" nên phải "xây dựng" lại?

 

Theo tôi, điều mà chúng ta đang đối mặt không phải thiếu hệ giá trị hay giá trị lỗi thời mà đang loạn giá trị. Loạn do đâu? Một là, loạn do nhận thức, cụ thể là râu Không Tử cắm cằm ông Marx, dẫn đến làm cách mạng lộn ngược, bảo thủ hơn cả thời phong kiến. Hai là, nói một đằng làm một nẻo, cuối cùng làm theo lối sống bản năng hoang dã hơn là tiến bộ văn minh. Ba là, khi chính trị, đạo đức, văn hóa bị đảo lộn, giáo dục như cái não rỗng bị nhồi sọ, con người rơi vào hoặc bị rối loạn nhân cách hoặc bị lệch lạc. Thực trạng này cần chấn chỉnh theo hệ giá trị vừa kế thừa tinh hoa truyền thống vừa phát triển theo tinh thần cách mạng chứ không phải "xây dựng" theo ý thức chủ quan của một nhóm quyền lực mang nhãn tuyên giáo hay giáo sư tiến sĩ.

 

Một cách tổng quát, cần dẹp ngay những khẩu hiệu lòe loẹt, phi thực tế và trở thành bịp bợm. Như Marx từng phê phán chủ nghĩa tư bản, rằng hàng hóa với bao bì lòe loẹt chỉ để che đậy chất lượng kém cỏi. Như Hồ Chí Minh từng phê phán thực dân, rằng "Thế mà hơn 80 năm nay..." nói gọn là chúng toàn làm ngược "những lẽ phải không ai chối cãi được". Những "lẽ phải" đó, cứ truy ngược lại Tuyên ngôn độc lập với những luận điểm: "Về chính trị", "Về kinh tế", "Về văn hóa", "Về độc lập, tự do và bình đẳng" mà bọn thực dân đã làm rồi soi chiếu vào chính mình đã vượt thực dân bao xa. Còn ở đây, tôi chỉ nói đến những vấn đề nóng cần chấn chỉnh:

 

Không có "Hệ giá trị quốc gia" hay "Hệ giá trị văn hóa" chung chung. Các giá trị quốc gia hay giá trị văn hóa đều gắn liền với con người: con người chính trị, con người văn hóa - đạo đức, kể cả con người kinh tế - khoa học. "Hệ giá trị quốc gia" hay "Hệ giá trị văn hóa" tách khỏi con người chỉ còn là cái vỏ rỗng.

 

Về chính trị, thực hiện dân chủ triệt để bằng cách cho dân có quyền quyết định trong ứng cử, bầu xử. Quyền lực chỉ để phục vụ chứ không phải để thống trị. Dẹp ngay cái tư tưởng mỗi ông quan là 'vua" hay "ông cố nội" của dân với những thôn tính, chiếm đoạt của dân, từ đất đai đến thuế má. Đặc biệt dẹp ngay những thứ nhân danh các hệ giá trị sáo rỗng để chụp mũ, phán xét, kết tội tiếng nói khác. Chuẩn mực cao nhất của nhà chính trị là như một nhạc trưởng, biết hòa điệu những tiếng nói khác biệt.

 

Về kinh tế, thực hiện nguyên tắc cạnh tranh tự do và bình đẳng giữa các doanh nghiệp, giữa các thành phần kinh tế và nghề nghiệp. Không có nghề nào "cao quý" hơn nghề nào. Kinh tế phát triển hài hòa giữa lợi ích cá nhân và cộng đồng, xóa chênh lệch thu nhập bình quân, chứ không ưu tiên cho bất cứ thành phần kinh tế hay nghề nghiệp nào. Dẹp ngay tư tưởng hình thành các tập đoàn hay đế chế độc quyền làm lũng đoạn chính trị và phá hoại tài nguyên, môi trường của đất nước. Dẹp ngay các sân sau của các quan chức. Chuẩn mực cao nhất của nhà nước hiện đại không phải là làm kinh tế để biến thành những "quả đấm thép" khoét rỗng ngân sách, thôn tính và làm tan tành các doanh nghiệp tư nhân. Nhà nước hiện đại phải là trọng tài kinh tế, điều khiển cán cân kinh tế một cách công bằng.

 

Về văn hóa - đạo đức, thực hiện triệt để một nền giáo dục khai phóng, bằng cách phát huy bản lĩnh và tài năng cá nhân trong sự tương tác, điều chỉnh những giá trị truyền thống. Văn hóa - đạo đức cao nhất là "tước đoạt kẻ đã tước đoạt mình" như Marx nói, "tự do và bình đẳng về quyền lợi" như Hồ Chí Minh nhắc lời Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp. Dẹp ngay lối giáo dục nhồi sọ, học và làm theo mẫu, đặc biệt là dẹp ngay cái trò khôi phục và hình thành thêm các lễ nghi ngợi ca quyền lực. Dẹp ngay cái tư tưởng cắt xén một chiều "mình vì mọi người" bắt người khác phải hy sinh cho mình để phát huy những đòi hỏi chính đáng của tư cách công dân tự chủ. Dẹp ngay hành vi "tước đoạt" vô tội vạ tài sản làm bằng xương máu của người khác, dù đó là nhà tư sản, doanh nghiệp hay một anh nông dân khai hoang. Dẹp ngay các tôn giáo nhân danh văn hóa - đạo đức để trục lợi, kinh doanh. Dẹp các hoạt động nhân danh văn hóa nhưng vô đạo đức đến man rợ như chém heo, đâm trâu, tranh cướp, buôn ấn. Dẹp ngay các giải thưởng, các danh hiệu, học hàm học vị không đúng thực chất đã sinh ra bệnh thành tích, bệnh háo danh. Tinh thần "Mình vì mọi người, mọi người vì mình" mà Hồ Chí Minh nói là chuẩn mực cao nhất của đạo đức - văn hóa hiện đại.

 

Lối sống cá nhân, gia đình, dòng họ cũng sẽ từ những chấn chỉnh quyết liệt trên mà thay đổi theo. Kiến tạo xã hội tốt, ắt cá nhân, gia đình, dòng họ sẽ tốt theo hoặc ngược lại. Một guồng máy xấu, ắt tắt nghẽn bởi thành phần rác rưởi. Làm gì có chuyện cá nhân hay gia đình là "tế bào của xã hội" thì nó phải quyết định tất cả. Nhấn mạnh vào "các tế bào" để đổ lỗi cho dân và rắp tâm che đậy một hệ thần kinh quyền lực điều hành sai lạc chăng? Xin thưa, hệ thần kinh sai lạc, dẫn đến rối loạn nội tiết, thì "các tế bào" chỉ làm chức năng gây bệnh ung thư hoặc... đái tháo đường thôi.

 

Riêng về văn hóa, "hệ giá trị" là thứ mã gene đã hình thành và lưu truyền từ trong cốt tủy của mỗi cá nhân và cộng đồng Việt, thách ai thay đổi được. May mà các ông bà không nói được điều gì mới, chứ nói thẳng cái "giá trị" mà mình đang làm thì những thứ phi giá trị như bệnh độc tài, nô dịch, hoang tưởng, tham lam, háo danh... được biến thành "hệ giá trị mới" như nó đã, đang và sẽ làm đột biến gene của cả một dân tộc.

 

Chu Mộng Long

--------

Thông tin về Hệ giá trị quốc gia, Hệ giá trị văn hóa:

 

DANGCONGSAN.VN

Xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa trong thời kỳ mới   

(ĐCSVN) - Tại phiên thảo luận thứ hai có chủ đề “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới”, Hội thảo quốc gia về xây dựng các hệ giá trị đã kiến giải và thống nhất nội hàm, phân tích các thành tố...

 

.

14 BÌNH LUẬN   

 

.

================================================

.

GÓP Ý VỀ XÂY DỰNG HỆ GIÁ TRỊ VIỆT NAM   

Mạc Văn Trang 

18-12-2022  21:40  

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid02yhVcmMvat8ANszE6RXehVUSuMhbAdkqL6mYKupsxFpvZ7UiToDLeMNwzfgMEwM9Ll&id=100013518285955

 

Hôm 2/12/ 2022, tôi có đăng bài: “TRÁI NÚI ĐẺ CHUỘT”, nói về cái Hội thảo quốc gia rất hoành tráng nhằm xây dựng hệ Giá trị Việt Nam, nhưng kết quả thì “bé tẹo”, chẳng có gì mới mà người đọc mong đợi.

(https://boxitvn.online/?p=82441).

 

Sau đó một ông bạn GS nhắn tin bảo, anh chỉ hay phê phán, chê bai. Anh hãy góp ý đề xuất cụ thể xem nào.

 

Khổ quá, cả GS ở nước mình cũng không chấp nhận nổi phản biện phê phán, mà cứ cái kiểu “Mày chê thì mày thử làm xem có được không”?

 

Ôi giời, bao nhiêu Học Viện, Trung tâm, Đại học, Hội đồng Lý luận Trung ương với đội ngũ chuyên gia trùng điệp ăn lương chuyên nghiên cứu, lại thách một lão già, vác tù và hàng tổng!

 

Thôi thì đã trót “đánh trống trước cửa Nhà Sấm” cũng ráng mình làm mình chịu.

 

Nhưng thực ra phải cảm ơn ông bạn GS, vì lời thách đố của ông mà tôi có bài viết quan trọng này, đóng góp cho vấn đề quốc gia hệ trọng.

 

1. Tìm xem Hội thảo đã xác định các Hệ Giá trị và các Giá trị gì?

 

Thực sự cầu thị, tôi tìm đọc bài bàn về “Xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa trong thời kỳ mới” trên Báo điện tử Đảng CS Việt Nam, trên trang Thông tin của Hội đồng Lý luận Trung ương, rồi bài “Xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế” trên trang Nghiên cứu Lý luận Chính trị của HVCTQG HCM…Nhưng tất cả vẫn là “xới lên vấn đề”, lý luận dài dòng, luẩn quẩn…

 

Xin đi ngay vào các Hệ Giá trị và các Giá trị cụ thể đã được Hội thảo xác định:

 

Hệ Giá trị con người Việt Nam: “Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: “Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc”. (chuyển dẫn từ bài “Trái núi đẻ chuột”)

 

2. Xin trao đổi mấy ý kiến.

 

2.1. Về Giá trị CON NGƯỜI Việt Nam được Hội thảo xác định:

 

“Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo”. Tôi thấy dài dòng, trùng lặp, chưa cơ bản.

 

Nho giáo xác định hệ thống giá trị cơ bản của cá nhân/con người chỉ gồm NHÂN, LỄ, NGHĨA, TRÍ, TÍN mà đủ cả. Con người có những giá trị đó là đạt chuẩn mực giá trị cao của xã hội thời đó.

 

Các giá trị này được giáo dục từ từ gia đình, lúc trẻ 4-5 tuổi cho đến già; cứ thế truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, nên rất bền vững trong cá nhân và trong chuẩn khách quan của xã hội để đánh giá con người/nhân cách.

 

Từ hệ Giá trị cá nhân, ai cũng phải có mới phát triển thêm các giá trị cho phù hợp với mỗi đối tượng, ví dụ: Cha Hiền, con Hiếu; vua Minh, tôi Trung; làm quan phải thêm giá trị Liêm, Chính; làm tướng phải thêm Giá trị Dũng, Liêm v. v… (nguyên tắc như vậy, còn tôi nhớ có thể chưa chính xác).

 

Vậy thời nay, Giá trị cốt lõi của cá nhân/con người Việt Nam, nên kế thừa và phát triển cho phù hợp, theo tôi là:

 

“NHÂN ĐẠO, TRUNG THỰC, TRÍ TUỆ, BÌNH ĐẲNG, YÊU NƯỚC” là đủ.

 

Có “NHÂN ĐẠO” sẽ có “yêu thương, nghĩa tình; có “TRUNG THỰC” sẽ có “Trách nhiệm, Kỷ cương”; có “TRÍ TUỆ” mới có “Sáng tạo” và hơn thế. Cũng nói thêm, không có TRÍ TUỆ thì “Đoàn kết, Kỷ cương, tự cường, sáng tạo, trách nhiệm” chỉ là khẩu hiệu suông; có “BÌNH ĐẲNG” mới có tôn trọng “đoàn kết” được. Hội thảo về Giá trị cá nhân/con người mà bỏ đi Giá trị “TRÍ TUỆ”, “BÌNH ĐẲNG” thì thật lạ lùng!

 

5 Giá trị này cần được giáo dục từ mỗi gia đình, từ lớp Mẫu giáo trở lên cho đến già. Trên cơ sở đó, với mỗi đối tượng sẽ thêm một vài Giá trị đặc thù. Ví dụ làm quan thì thêm Giá trị “Liêm, Chính”; Làm tướng thì thêm “Dũng, Liêm”; quân đội: “Trung với nước, Hiếu với Dân”, v.v…

 

2.2. Về “giá trị cốt lõi của GIA ĐÌNH Việt Nam”, Hội thảo đề xuất: “Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh”.

 

Theo tôi cả 5 giá trị Gia đình này đều không cơ bản. “Ấm no” chỉ là mục tiêu khi xã hội nghèo đói phấn đấu, còn khi xã hội phát triển, điều đó là tự nhiên. “Tiến bộ và Văn minh” rất khó xác định. Vợ, chồng và con đều là đảng viên, cán bộ, đi học bên Tây về đã chắc là gia đình “Tiến bộ, Văn minh” chưa? Các “Gia đình Văn hoá”, “Làng/Khu phố Văn hoá” được công nhận nhan nhản, đã chắc ở đó có các “gia đình tiến bộ, văn minh” chưa?

 

“Ấm no, tiến bộ, văn minh” chỉ là những khẩu hiệu, không phải những giá trị cốt lõi của Gia đình. Trong khi đó Giá trị “Yêu thương”, “Hiếu thảo” “Hoà thuận” lại không có trong hệ Giá trị gia đình? Thật lạ lùng?

 

Theo tôi Giá trị Gia đình Việt Nam cốt lõi là: “YÊU THƯƠNG, HIẾU THẢO, THUẬN HOÀ, HẠNH PHÚC”.

 

Không có YÊU THƯƠNG thì Gia đình tan vỡ, hoặc nếu còn, chỉ là cái xác không hồn.

 

Với người Việt chữ HIẾU vô cùng quan trọng, nhờ hiếu thảo mà người già Việt Nam có đời sống gắn bó với con cháu có thể nói, tốt hơn người già phương Tây. “Hiếu” cũng là cơ sở của tín ngưỡng thờ phụng Tổ tiên, một phong tục tốt đẹp của dân tộc.

 

“THUẬN HOÀ” là đặc trưng của đời sống gia đình. Ngoài xã hội thì cần tranh đấu, cạnh tranh, thi đua, so bì, mặc cả, sòng phẳng với nhau; ở gia đình thì "chín bỏ làm mười" để Thuận hoà. THUẬN HOÀ cũng bao gồm sự Tôn trọng, Bình đẳng... Thực ra khi gia đình có 3 Giá trị kia thì sẽ có “Hạnh phúc”.

 

Vậy mà Hội thảo quốc gia về Giá trị Gia đình Việt Nam lại vứt béng đi các Giá trị YÊU THƯƠNG, HIẾU THẢO, THUẬN HOÀ là sao? Không hiểu được!

 

Cũng xin nói thêm, ai chả yêu thích người phụ nữ có “Công, Dung, Ngôn, Hạnh” theo cách của thời nay. Vậy thì giáo dục con gái trong gia đình nên quan tâm những Giá trị này. Qua trải nghiệm, tôi thấy những người phụ nữ có “Công Dung Ngôn Hạnh” luôn được quý trọng và thường có Hạnh phúc. Hạnh phúc không là Giá trị tự thân, mà nó là kết quả của các Giá trị điều kiện kia mang lại.

 

2.3. Về Giá trị QUỐC GIA, Hội thảo đưa ra: “Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc”.

 

Tôi nghĩ “Dân giàu, nước mạnh, công bằng, văn minh” chỉ là khẩu hiệu, không phải Giá trị cốt lõi.

 

Từ 1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định Giá trị Quốc gia, ghi trên các văn bản là: “Việt Nam Dân chủ, Cộng hoà, Độc lập, Tự do, Hạnh phúc”. Các Giá trị đó xuất phát từ tư tưởng sâu sắc: Dân tộc Độc lập, Dân quyền Tự do, Dân sinh Hạnh phúc. Trong Lăng Hồ Chí Minh có dòng chữ vàng “Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do!”. Rồi Hồ Chí Minh từng nói: “Nước được Độc lập mà Dân không được Tự do, thì Độc lập cũng không có ý nghĩa gì!”.

 

Vậy mà các vị lại loại bỏ Giá trị “TỰ DO”? Lạ thật! Không có “Tự do” cũng có nghĩa là “Nô lệ”! Nhà trường từ trẻ Mẫu giáo đến học sinh, sinh viên, Nghiên cứu sinh … không có Tự do suy nghĩ, Tự do biểu đạt, tư duy chỉ rập khuôn, theo một định hướng, theo đám đông, thì tư duy độc lập, tự chủ, óc sáng tạo của cá nhân sẽ thui chột đi.

 

“TỰ DO” là Giá trị ghi đậm trong Hiến pháp mà các vị bỏ đi!?

 

Theo tôi, từ các Giá trị Hồ Chí Minh đã dày công suy ngẫm, chắt lọc, ngày nay cần kế thừa và xác định: Hệ Giá trị Quốc gia/Dân tộc, nên là:

 

“ĐỘC LẬP, TỰ DO, DÂN CHỦ, HÒA BÌNH, THỐNG NHẤT” là tạm đủ. Nếu có thêm thì thêm “BÌNH ĐẲNG, CÔNG LÝ”. Nhưng thực ra, có Tự do, Dân Chủ thì sẽ có Bình Đẳng, Công lý, Nhân quyền…

 

Những Giá trị nói trên được hiện thực hoá sẽ có “dân giàu, nước mạnh, văn minh, hạnh phúc”. Cũng xin nói thêm: BÌNH ĐẲNG mới là Giá trị đáng theo đuổi, chứ “Công bằng” thì rất khó đạt được; đòi “Bình đẳng” mới chính đáng, đòi “Công bằng” là không tưởng. “CÔNG LÝ” mới là Giá trị đáng theo đuổi, còn “Pháp luật, Kỷ cương” (như có GS đề xuất) thì Bắc Triều Tiên hiện là xã hội “pháp luật, kỷ cương” nhất thế giới! Và Nga, Trung quốc đang là “nước mạnh” nhất nhì thế giới đó, nhưng Dân có Tự do, Dân chủ, Hạnh phúc không?

 

2.4. Về Giá trị VĂN HOÁ, Hội thảo xác định: “nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học”. Tôi thấy Hệ Giá trị Văn hoá thế này chẳng giống ai!

 

Từ lâu Giá trị Văn hoá phổ quát được nhân loại hướng theo là CHÂN, THIỆN, MỸ. Người Nhật có thêm Giá trị ÍCH nữa.

 

Các tác phẩm Văn hoá, Khoa học được Giải thưởng quốc tế lớn đều được đánh giá theo các Giá trị: Chân, Thiện, Mỹ. Việt Nam khao khát Giải Nobel, mà cứ một mình một kiểu, không hòa nhập với các Giá trị phổ quát của nhân loại thì sao đạt được?

 

Các công trình Khoa học, tác phẩm Nghệ thuật lớn đều chứa đựng Giá trị “Vì nhân loại” chứ không chỉ cốt vì “Dân tộc” và nhất là không vì một đảng phái, phe nhóm nào.

 

3. Vấn đề HÌNH THÀNH/GIÁO DỤC

 

Giá trị đối với cá nhân và cộng đồng, xã hội như thế nào mới là vấn đề thực sự Khoa học và cấp thiết cần bàn. Tuy nhiên trong Hội thảo chỉ nêu lên những lý luận chung chung, chủ quan không tưởng. Bài viết này, tôi không thể bàn, vì đòi hỏi trình bày rất cụ thể, hệ thống các phương pháp và cả kỹ thuật, nghệ thuật giáo dục Giá trị.

 

TÓM LẠI

 

Giá trị bàn ở đây là những GIÁ TRỊ TINH THẦN CAO QUÝ được cộng đồng xã hội kỳ vọng, xác định, truyền bá, khiến cá nhân khao khát hướng tới hấp thụ để hoàn thiện, nâng cao Giá trị bản thân; để định hướng hành động và đánh giá các sự vật, hiện tượng cho phù hợp chuẩn mực tiến bộ. Giá trị quan trọng ở chỗ, nó vừa là những chuẩn khách quan vừa là những nhân tố tâm lý bên trong điều chỉnh nhận thức, thái độ, hành động của cá nhân.

 

Khi hệ Giá trị khách quan chuẩn mực và bền vững hoà hợp với hệ giá trị cá nhân sẽ khiến nhân cách vững vàng, xã hội yên bình. Khi hệ Giá trị xã hội sai lệch, bất ổn thì hệ giá trị trong cá nhân cũng đảo lộn, khủng hoảng, dẫn đến nhận thức, thái độ, hành động bất thường.

 

Nền giáo dục các nước tiên tiến đều hướng đến giáo dục những Công dân toàn cầu, nghĩa là những công dân của mỗi nước không chỉ cốt “đậm đà bản sắc dân tộc” mà phải hoà quyện với những Giá trị phổ quát của nhân loại mới hòa nhập và phát triển tốt trong thế giới văn minh.

 

Những giá trị Cá nhân/con người, Giá trị Gia đình, Giá trị Quốc gia, Giá trị Văn hoá chúng tôi đề xuất đều mang tính phát huy các Giá trị truyền thống của dân tộc, đồng thời hoà hợp với các Giá trị nhân loại phổ quát, căn bản.

 

====

 

P.S: 1. Tất nhiên bài viết này không có tiền. Nhưng ai/cơ sở nào sử dụng cả bài hay trích dẫn cần phải ghi rõ bản quyền Mạc Văn Trang.

 

2. Viết xong bài này, tôi cứ ngồi bần thần: Tại sao Hội thảo gồm bao nhiêu Giáo sư, Tiến sĩ lại “đẻ” ra một kết quả như vậy? Tại sao cá nhân tôi có thể đề xuất được như vậy? Đó là vì tôi tư duy MỘT MÌNH, không phụ thuộc vào định hướng của ai. Còn Hội thảo quốc gia vừa rồi là một ĐÁM ĐÔNG tư duy theo một định hướng, nên kết quả như vậy. Điều đó càng cho thấy, TỰ DO suy nghĩ, TƯ DO biểu đạt của mỗi cá nhân quan trọng biết nhường nào.

 

3. Ảnh: https://scontent-iad3-2.xx.fbcdn.net/v/t39.30808-6/320760206_2269481489897791_2910060420920672476_n.jpg?_nc_cat=102&ccb=1-7&_nc_sid=730e14&_nc_ohc=0CyPazVzT9wAX9I7gar&_nc_ht=scontent-iad3-2.xx&oh=00_AfDuSMseZbmDPvu4uHuj_fS4vpY7h6jKwglJMXRqhyr4Nw&oe=63A70136

 Gia đình tôi luôn lấy Giá trị Yêu thương làm đầu, chẳng biết đến đâu là Tiến bộ, Văn minh.

 

.

367 BÌNH LUẬN   

 

===========================================

.

CỤ NGUYỄN TRUNG GÓP Ý HỆ GIÁ TRỊ QUỐC GIA   

Mạc Văn Trang 

20-12-2022  07:28    

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid0Y9jSLnacCHBEsfq8oqXvjJzZs4Vdq6QbFZcGNJTvXQ1hrfYFoTv8dqa8QituWAxAl&id=100013518285955

 

Sáng nay, Cụ Nguyễn Trung gọi điện cho tôi, hoan nghênh bài “GÓP Ý VỀ XÂY DỰNG HỆ GIÁ TRỊ VIỆT NAM”.

 

Cụ nói cách tiếp cận vấn đề như vậy là phù hợp; việc phân tích, phê phán và đề xuất các Giá trị là hợp lý…

 

Tuy nhiên Cụ nói, các Giá trị đã và vẫn tồn tại sẵn trong Quốc gia, trong nền Văn hoá, trong Gia đình, trong mỗi người Dân, có vậy xã hội mới tồn tại, phát triển …

 

Vấn đề không phải như cái Hội thảo quốc gia, đi xác định các Giá trị mới một cách chủ quan rồi áp đặt vào xã hội được; vấn đề là khẳng định lại những Giá trị đã có và tìm xem vì sao những Giá trị đó bị mai một, đảo lộn, bóp méo, làm cho con người, gia đình, xã hội tha hoá?

Từ đó tìm ra con đường, giải pháp phục hồi, phát triển những Giá trị vốn đang tồn tại. Đó mới là vấn đề trọng tâm, quyết định, chứ đừng có đi bàn những chuyện viển vông…

 

Cụ không ý kiến về những Giá trị Con người/cá nhân, Giá trị Gia đình, Giá trị Văn hoá tôi đã xác định.

 

Nhưng Cụ yêu cầu bảo vệ, thực hiện cho được những Giá trị Quốc gia đã được xác định từ 1945 đến nay, sao cho thành hiện thực. Đó mới là vấn đề quan trọng và cấp thiết. Ý kiến Cụ cũng trùng với đề xuất của tôi về các Giá trị "Độc lập, Tự do, Dân chủ"..

 

Trò chuyện khá dài, nhiều vấn đề, nhưng chốt lại, Cụ chỉ kiến nghị về Giá trị Quốc gia.

Cụ còn cẩn thận viết email gửi cho chính xác ý của Cụ: “Tham luận của tôi về Hệ giá trị nước ta toàn văn như sau đây:

 

Hệ giá trị mới của nước ta kể từ ngày đất nước được giải phóng khỏi chủ nghĩa thực dân Pháp, bắt đầu từ CM Tháng Tám 1945, là "Việt Nam: Dân chủ, Cộng hoà, Độc lập, Tự do, Hạnh phúc".

 

PS.

1. Cụ Nguyễn Trung sinh 1935, là một nhà ngoại giao kỳ cựu, cựu đại sứ Việt Nam tại Thái Lan và CHLB Đức, Cụ cũng từng là cộng tác viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng và là thành viên Viện Nghiên cứu Phát triển; rồi làm trợ lý cho Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Cụ đã có nhiều Thư, Kiến nghị đóng góp với Đảng và Nhà nước ta.

https://www.facebook.com/photo?fbid=1659774254483168&set=pcb.1659776221149638

 

2. https://www.facebook.com/photo?fbid=1659774247816502&set=pcb.1659776221149638

Hình Cụ Nguyễn Trung lo lắng trao đổi với Mạc Văn Trang về vấn đề “Nhất quyết không được để Trung quốc làm đường cao tốc Bắc Nam”

 

(Ảnh Nguyễn Đình Toán, 22/6/2019)

20/12/2022

Mạc Văn Trang

 

.

45 BÌNH LUẬN  





No comments:

Post a Comment

View My Stats