Thursday, 22 December 2022

HỌC THUYẾT CHIẾN THẮNG MỚI CỦA NGA và TRIỂN VỌNG CHIẾN TRANH UKRAINE (Mick Ryan  -  Foreign Affairs)

 



 

Học thuyết chiến thắng mới của Nga và triển vọng Chiến tranh Ukraine

Mick Ryan  -  Foreign Affairs

Nguyễn Thị Kim Phụng, biên dịch

23/12/2022

https://nghiencuuquocte.org/2022/12/23/hoc-thuyet-chien-thang-moi-cua-nga-va-trien-vong-chien-tranh-ukraine/

 

Moscow đang cố gắng học hỏi từ những sai lầm của mình như thế nào?

 

Giáng sinh năm nay sẽ là một cột mốc nghiệt ngã đối với người dân Ukraine. Nó đánh dấu mười tháng kể từ khi quân Nga tiến vào đất nước của họ, gây ra sự tàn phá ở quy mô chưa từng thấy tại châu Âu kể từ Thế chiến II. Hàng chục nghìn người Ukraine đã thiệt mạng. Hàng triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa. Gần như toàn bộ đất nước bị mất điện, khiến Kyiv lo lắng rằng – khi mùa đông bắt đầu – nhiều công dân của họ sẽ bị chết cóng.

 

Tuy nhiên, Giáng sinh cũng sẽ là một cột mốc nghiệt ngã đối với nước Nga. Moscow đã lên kế hoạch cho một chiến dịch thắng lợi nhanh chóng. Thay vào đó, Ukraine đã dạy cho họ một bài học cay đắng về chiến tranh hiện đại và sự kiên cường. Người Ukraine đã từ từ làm suy giảm năng lực quân sự của Nga bằng cách gây thiệt hại cho các lực lượng Nga trên chiến trường và tại các khu vực hỗ trợ. Họ đã làm xói mòn danh tiếng của Nga trên khắp toàn cầu, cũng như trong tâm trí của những người lính, chỉ huy, và công dân của chính nước Nga. Người Ukraine né tránh mọi trận chiến tiêu hao cao nếu có thể, nhưng sẵn sàng tham gia cận chiến nếu có cơ hội giành thêm lãnh thổ. Chiến lược này đã có hiệu quả tuyệt vời. Ukraine đã đẩy Nga ra khỏi Kyiv, chiếm lại tỉnh Kharkiv ở phía đông bắc, và giải phóng các phần của Donbas. Gần đây nhất, họ đã giải phóng Kherson, thủ phủ tỉnh lỵ duy nhất mà Nga đã chiếm được thành công.

 

Nhưng vẫn còn quá sớm để đánh giá thấp người Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ định một chỉ huy quân sự mới, Tướng Sergei Surovikin, để lãnh đạo cuộc xâm lược, và Surovikin dường như tàn bạo và có năng lực hơn hẳn những người tiền nhiệm. Trong một trong những quyết định đầu tiên của mình, ông phát động chiến dịch không kích dữ dội và khủng khiếp, phá hủy phần lớn cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine – vốn là chiến thuật lấy tấn công dân sự làm trung tâm mà ông đã phát triển khi lãnh đạo lực lượng Nga ở Syria. Surovikin chịu trách nhiệm cho việc Nga rút lui khỏi Kherson, nhưng không giống như khi Nga rút khỏi Kyiv hoặc Kharkiv, Surovikin đảm bảo rằng cuộc rút lui này được điều phối hiệu quả.

 

Sự tham gia của Surovikin báo trước một thay đổi khác trong chiến lược của Nga ở Ukraine. Dù Putin có lẽ đã nhận ra rằng mình sẽ không thể chiếm được Kyiv, nhưng Tổng thống Nga có thể vẫn tin rằng mình đủ sức chiếm được tất cả bốn tỉnh mà ông mới sáp nhập (bất hợp pháp) – Donetsk, Kherson, Luhansk và Zaporizhzhia. Surovikin đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai các kế hoạch này. Putin hy vọng rằng, khi chiến tranh kéo dài và mùa đông đến, châu Âu sẽ ngừng cung cấp cho Ukraine những khoản hỗ trợ lớn, để lục địa này có thể cố gắng khôi phục việc nhập khẩu khí đốt từ Nga. Ông tin rằng việc cắt giảm hỗ trợ này sẽ mở đường cho một cuộc tấn công mới, thành công của Nga. Để thực hiện một cuộc tấn công như vậy, ông đang trông cậy vào việc Surovikin tái tổ chức lại lực lượng, để quân đội hoạt động trơn tru hơn, nhất quán hơn, và hiệu quả hơn.

 

Sẽ rất khó để Surovikin thành công do quân đội Nga còn nhiều vấn đề, chẳng hạn như trang thiết bị và tinh thần xuống cấp. Nhưng Surovikin đang làm việc để thống nhất quân đội dưới quyền chỉ huy của mình. Gần như chắc chắn, ông đang vạch ra các kế hoạch chiến đấu tập trung rõ ràng, khác với những cuộc tấn công trong quá khứ khiến quân đội Nga bị dàn mỏng. Nếu Kyiv muốn giữ thế thượng phong, họ cần phải dự đoán chiến lược của Surovikin, đồng thời duy trì sự ủng hộ của phương Tây – và điều đó có nghĩa là liên tục đổi mới trên chiến trường.

 

Nga suy yếu nhưng không bỏ cuộc

 

Đối với các nhà quan sát cuộc chiến, phần lớn những gì Nga dự kiến cho năm 2023 nghe có vẻ quen thuộc. Ví dụ, Moscow sẽ tiếp tục sử dụng tuyên truyền về hành động gây hấn của NATO để cố gắng ngăn Trung Quốc, Ấn Độ, và các quốc gia hiện trung lập khác tham gia vào các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Họ cũng sẽ sử dụng thông tin sai lệch hoặc bị bóp méo để đảm bảo rằng người dân Nga vẫn tiếp tục ủng hộ cuộc xung đột. Duy trì sự ủng hộ của người dân Nga là điều đặc biệt quan trọng vì Moscow chắc chắn phải tiến hành các đợt động viên bổ sung. Ngay cả những kẻ chuyên chế cũng phải quan tâm đến chính trị trong nước.

 

Tương tự, Putin sẽ tìm cách duy trì cuộc chiến năng lượng của mình. Ông sẽ tiếp tục cắt giảm lượng khí đốt đến châu Âu với hy vọng rằng lục địa này sẽ buộc Kyiv phải đồng ý ngừng bắn khi nhiệt độ hạ thấp. Ông cũng sẽ khuyến khích nhiều đợt tấn công vào nguồn cung cấp năng lượng của Ukraine. Theo tính toán của Putin, các cuộc tấn công của Nga vào các nhà máy điện của Ukraine sẽ không chỉ làm người dân nước này “đóng băng,” mà còn khiến Ukraine mất luôn những trợ giúp từ bên ngoài. Suy cho cùng, các nhà đầu tư nước ngoài khó có thể quay trở lại Ukraine nếu nguồn điện không được đảm bảo. Ngay cả khi các cuộc tấn công không ngăn cản các nhà đầu tư, chúng vẫn sẽ gây thiệt hại kinh tế cho Kyiv khi buộc nước này ngừng việc xuất khẩu điện, vốn đã bắt đầu vào tháng 7/2022.

 

Tuy nhiên, cũng có nhiều yếu tố mới trong chiến lược của Nga – và Surovikin đang đóng một vai trò quan trọng trong những thay đổi. Vị tướng này dường như là nhà lãnh đạo quân sự đầu tiên nhận được sự ủng hộ rõ ràng từ Putin, và – theo bài phát biểu gần đây của Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ Avril Haines – Tổng thống Nga hiện được cập nhật đầy đủ hơn về các hoạt động hàng ngày của lực lượng vũ trang. Nếu Putin tự tin rằng mình được cung cấp thông tin tốt hơn so với trước tháng 10, thì nhiều khả năng ông sẽ chuyển sự chú ý của mình sang những thách thức khác mà Nga hiện đang phải đối mặt, trao cho Surovikin quyền tự chủ lớn hơn trong việc sử dụng lực lượng của Nga ở Ukraine. Surovikin có thể sử dụng quyền tự do hành động tương đối này để đặt các nhóm quân sự và lính đánh thuê đang rạn nứt của Nga dưới một sự kiểm soát thống nhất hơn. Ông chắc chắn sẽ sử dụng nó để tích hợp tốt hơn các chiến dịch trên không và trên bộ của Nga, và đảm bảo có sự đồng nhất giữa chiến dịch chiến trường và chiến dịch thông tin.

 

Bản thân việc củng cố lực lượng sẽ không làm cho quân đội Nga thực sự sẵn sàng chiến đấu. Surovikin chỉ huy một đội quân đang bị xuống tinh thần, và còn liên tục mất đi nhân mạng và các trang bị tốt nhất. Cho đến nay, bằng chứng cho thấy lực lượng Nga được huy động để thay thế những người thiệt mạng và bị thương không được đào tạo bài bản – thứ mà họ cần để thành công. Chí ít thì trong suốt mùa đông, Surovikin sẽ giữ thế phòng thủ, làm bất cứ điều gì có thể để bảo toàn lực lượng của mình trước các đợt tấn công từ Ukraine.

Nhưng ông sẽ bắt đầu chuẩn bị quân đội Nga cho các chiến dịch mới. Chẳng hạn, Surovikin sẽ tìm cách tái thiết các đơn vị bị tàn phá bằng cách triển khai hàng chục nghìn binh sĩ mới được động viên tới Ukraine. Nếu những đội quân này thể hiện kém cỏi, ông sẽ tìm cách cải thiện chất lượng đào tạo ở Nga. Ông sẽ cố gắng tận dụng quá trình huy động công nghiệp đang diễn ra ở Nga để có được nhiều vũ khí tốt hơn. Ông cũng sẽ thiết lập hệ thống để bảo vệ các tuyến đường tiếp tế quan trọng, xây dựng một mạng lưới hậu cần linh hoạt hơn, dự trữ đạn dược và vật tư cho các hoạt động tấn công trong tương lai.

 

Surovikin có thể sẽ tỉ mỉ hơn trong việc lập kế hoạch và triển khai tấn công. Ông sẽ tìm cách đảm bảo rằng lực lượng của Nga được liên kết trên chiến trường và cải thiện các chiến thuật, với mục tiêu tránh cách tiếp cận từng phần và thiếu phối hợp của những người tiền nhiệm. Vị tướng này cũng sẽ cố gắng khiến Ukraine khó tiến lên. Ví dụ, Surovikin sẽ duy trì chiến dịch nhắm vào cơ sở hạ tầng của Ukraine, một chiến thuật làm chuyển hướng các nguồn lực của cả Ukraine và phương Tây khỏi các chiến dịch tấn công của Kyiv. (Các vụ tấn công vào cơ sở hạ tầng cũng sẽ trở thành thông tin tuyên truyền cho khán giả trong nước của Nga, dù điều đó nghe thật đáng ghê tởm.) Những cuộc tấn công đó gần như không gây thiệt hại gì cho Nga; chúng tạo ra một lợi thế bất đối xứng. Như nhà sử học Lawrence Freedman gần đây đã lưu ý, Ukraine không có khả năng tương tự để phá hủy cơ sở hạ tầng ở Nga – bất chấp các cuộc tấn công của Ukraine vào các căn cứ không quân của nước này. Ông viết, “Người Ukraine đang chiến thắng trên chiến trường, nhưng họ không thể đánh trả người Nga ở cấp độ chiến lược đó”.

 

Surovikin có thể sẽ tìm cách thực hiện nhiều nhiệm vụ dựa trên “lợi thế về quân lực” hơn: các hoạt động quân sự trong đó một bên cố gắng đánh lừa kẻ thù của mình theo cách buộc họ phải sử dụng một số lượng lớn binh lính cho các nhiệm vụ không có ý nghĩa. Chẳng hạn, Nga đã bố trí các đội quân nhỏ ở Belarus để buộc Ukraine phải giữ các đội quân lớn hơn xung quanh Kyiv, tước đi phần quân lực mà Ukraine có thể sử dụng ở nơi khác. Surovikin có thể sẽ tiến hành nhiều hoạt động như vậy hơn, để đảm bảo cơ hội thành công cao hơn cho quân đội của mình trong lúc ông lên kế hoạch cho các bước tiếp theo. Trừ khi Nga bị đánh bại triệt để, Surovikin sẽ muốn bắt đầu các chiến dịch tấn công trên bộ mà nếu hoàn thành sẽ mang lại cho Nga tất cả hoặc hầu hết các tỉnh mà Putin đã sáp nhập.

 

Tất nhiên, vị tướng này biết rằng Ukraine có thể sẽ cố gắng chiếm lại lãnh thổ đã mất. Do đó, ông đã ra lệnh cho quân đội xây dựng thêm các vị trí phòng thủ trên khắp vùng lãnh thổ mà Nga kiểm soát. Surovikin nhiều khả năng cũng sẽ tiến hành các hoạt động chính trị để “Nga hóa” các khu vực của Ukraine mà Nga chiếm đóng. Quá trình này sẽ giống với những gì Nga đã làm ở Kherson: chuyển đổi nền kinh tế địa phương từ sử dụng đồng hryvnia của Ukraine sang sử dụng đồng rúp của Nga, thay đổi chương trình giảng dạy ở trường học, ngoài ra còn thực hiện một chương trình đáng ghê tởm là bắt cóc trẻ em Ukraine và gửi chúng đến Nga làm con nuôi. Trong tương lai, liệu những chiến thuật này có hiệu quả hơn so với ở Kherson hay không vẫn còn phải chờ xem.

 

TẤN CÔNG VÀ PHẢN CÔNG

 

Ngay bây giờ, quân đội Ukraine vẫn có lợi thế. Không giống như khi bắt đầu chiến tranh, các nhà lãnh đạo Ukraine là người quyết định địa điểm và thời điểm diễn ra các trận chiến. Họ quyết định cách các chiến dịch được triển khai trên chiến trường. Họ có động lực và không muốn từ bỏ nó. Nhưng điều đó không có nghĩa là Ukraine sẽ nắm thế chủ động vô thời hạn. Để duy trì ưu thế, người Ukraine cần hiểu rõ và sau đó làm suy yếu các kế hoạch của Putin và Surovikin.

 

Thứ nhất, điều đó có nghĩa là Kyiv phải tiếp tục chống lại cuộc chiến thông tin của Nga. Moscow đang nỗ lực thuyết phục người dân châu Âu tin rằng các hóa đơn sưởi ấm tăng cao là do đất nước của họ đã hỗ trợ cho Ukraine, hy vọng rằng họ có thể thuyết phục chính phủ của mình rằng chi phí đó là không đáng. Người Nga cũng đang cố gắng làm suy yếu sự hỗ trợ của Washington bằng cách thúc đẩy sự chia rẽ đảng phái tại Mỹ. Nếu Điện Kremlin thành công trong việc khiến các quốc gia NATO ngừng ủng hộ Kyiv, hậu quả sẽ vô cùng tàn khốc: đối với Ukraine, hỗ trợ kinh tế và quân sự từ Mỹ và châu Âu là yếu tố cốt lõi để thành công trên chiến trường.

 

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và đội ngũ xuất sắc của ông đang tìm cách tạo ra các thông điệp nhằm duy trì thiện cảm của cộng đồng quốc tế. Nhưng họ cũng cần giữ cuộc chiến trên trang nhất của các tờ báo phương Tây và trong suy nghĩ của người phương Tây. Và cách tốt nhất để đạt được điều đó là tiếp tục công việc Ukraine đã làm trong sáu tháng qua: chiến thắng. Kyiv càng giành được nhiều chiến thắng thì càng có khả năng nhận được nhiều tài trợ và vũ khí hơn từ phương Tây (thay cho những lời kêu gọi đàm phán).

 

Nhưng để tiếp tục thành công, chiến lược quân sự của Ukraine sẽ cần phải được phát triển. Họ sẽ phải lường trước và đánh bại các chiến dịch chiến trường của Surovikin. Để làm vậy, Ukraine nhiều khả năng sẽ tăng cường giám sát tiền tuyến, trung tâm hậu cần, và trung tâm chỉ huy của Nga, theo đó xác định những điểm yếu mà Ukraine có thể khai thác.

 

Ukraine cũng phải mở rộng chương trình gửi binh lính và các chỉ huy quân sự cấp thấp tới châu Âu để được huấn luyện chuyên sâu hơn, khiến quân đội của họ ngày càng vượt trội hơn so với lực lượng Nga được động viên. Và Ukraine sẽ cần phải tiếp tục tìm cách làm suy giảm những năng lực của Nga vốn tạo điều kiện cho cuộc xâm lược, bao gồm các trung tâm hậu cần, vận tải, và chỉ huy của Nga. Gần đây, Ukraine đã tấn công hai căn cứ không quân của Nga cách Ukraine hơn 400 dặm – những cuộc tấn công mà họ có thể sẽ muốn lặp lại. Những cuộc tấn công sâu như vậy ảnh hưởng đến tâm lý người Nga, tác động đến vị thế chính trị trong nước của Putin, và đẩy Nga rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan chiến lược về cách phân bổ nguồn lực giữa tấn công Ukraine và bảo vệ các căn cứ trong nước.

 

Khi thực hiện các bước này, các nhà lãnh đạo và các nhà hoạch định Ukraine có thể giúp ngăn chặn sự nổi lên của một quân đội Nga mạnh mẽ, có phối hợp, và giàu trí tưởng tượng hơn. Nếu Ukraine có thể tiếp tục giành chiến thắng trên chiến trường, Kyiv nên cố gắng cô lập và thậm chí có thể chiếm lại toàn bộ Donbas và Crimea. Chiếm lại cả hai khu vực là mục tiêu chính thức của chính phủ Ukraine. Nhưng tiến công thành công vào các lãnh thổ này là một nhiệm vụ với nhiều thách thức. Việc chiếm Crimea sẽ đặc biệt khó khăn, đòi hỏi Ukraine phải thực hiện các kiểu chiến dịch hải quân mới để ngăn chặn Hạm đội Biển Đen hùng mạnh của Nga tấn công quân đội Ukraine khi họ tiến vào bán đảo. Người Ukraine sẽ phải phối hợp đồng thời các chiến dịch đổ bộ, trên không, trên bộ, và các hoạt động khác. Dù không phải là không thể thực hiện, nhiệm vụ này vẫn cực kỳ khó khăn. Và một số chính phủ phương Tây có thể sẽ xem chiến dịch giành Crimea nằm ngoài phạm vi những gì họ đã hứa sẽ hỗ trợ – dù bán đảo này về mặt pháp lý vẫn là một phần của Ukraine và Zelensky đã liên tục bày tỏ ý định giành lại nó.

 

Vẫn còn một chặng đường dài trước khi Ukraine đủ khả năng chiếm lại Crimea. Lúc này họ đang có nhiều khủng hoảng và thách thức trước mắt hơn. Chẳng hạn, nước này cần tìm cách nhanh chóng tái thiết và củng cố mạng lưới điện và sưởi ấm của mình trước các cuộc tấn công của Nga, bao gồm cả việc nhận thêm hỗ trợ từ phương Tây. (Lời hứa của Bộ Ngoại giao Mỹ gửi hơn 53 triệu đô la thiết bị phát điện sẽ hữu ích ở đây.) Kyiv cũng cần cẩn trọng xem xét cách họ nên sắp xếp và ưu tiên các chiến dịch trên không, trên bộ, và trên mặt trận thông tin trong năm 2023, tương tự như cách họ triển khai cuộc phản công của mình trong vài tháng qua để buộc lính Nga phải chiến đấu đồng thời ở phía bắc, phía đông, và phía nam.

 

Rất may, có rất nhiều lý do để tin rằng Kyiv có thể đánh bại ngay cả một quân đội Nga đang hồi sinh. Các chiến dịch gây ảnh hưởng quốc tế của Ukraine là hình mẫu cho các nền dân chủ khác học hỏi và bắt chước. Người Ukraine đã cho thấy họ giỏi hơn người Nga trong việc thích nghi và cập nhật các chiến thuật cũng như thể chế quân sự. Và họ có tinh thần tốt hơn rất nhiều. Trong một cuộc chiến, không có gì là chắc chắn, bất kể những chiến thắng trước đó. Nhưng nếu Ukraine có thể duy trì sự ủng hộ của phương Tây, họ có thể chứng minh rằng học thuyết chiến thắng mới của Putin cũng sai lầm hệt như lần trước.

 

--------------

Mick Ryan là một chiến lược gia quân sự và là một thiếu tướng hồi hưu của Quân đội Australia.

 

NGUỒN : Mick Ryan, “Russia’s New Theory of Victory,” Foreign Affairs,   

                14/12/2022

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats