Sunday, 11 December 2022

GIÁO SƯ - NHÀ VĂN DOÃN QUỐC SỸ ĐƯỢC CHÚC THỌ BÁCH TUẾ và ĐƯỢC TRANG TRỌNG VINH DANH (Đằng Giao / Người Việt)

 



Giáo Sư Doãn Quốc Sỹ được chúc thọ 100 tuổi và trang trọng vinh danh

Đằng-Giao/Người Việt

December 10, 2022

https://www.nguoi-viet.com/little-saigon/giao-su-doan-quoc-sy-duoc-chuc-tho-100-tuoi-va-trang-trong-vinh-danh/

 

WESTMINSTER, California (NV) – Lễ chúc thọ 100 tuổi và vinh danh Giáo Sư Doãn Quốc Sỹ do năm hội đoàn là Hội Giáo Chức Việt Nam-Nam California, Gia Đình Sư Phạm Sài Gòn, Viện Việt Học, Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt, và Cựu Học Sinh Bưởi-Chu Văn An đồng tổ chức vào sáng Thứ Bảy, 10 Tháng Mười Hai, tại Royal Garden Estates, Westminster.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/12/DP-Doan-Quoc-Si-100-tuoi-5-1536x1152.jpg

Giáo Sư Doãn Quốc Sỹ (giữa) bên cạnh học trò, bằng hữu trong lễ mừng thọ 100 tuổi hôm 10 Tháng Mười Hai. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

 

Từ sớm, ban tổ chức đã xôn xao chuẩn bị; người trang hoàng, người sắp xếp bàn ghế, người quán xuyến thức ăn, người chăm lo nước uống.

 

Được bao người trân quý

 

Ai ai, từ những người đang tất bật làm việc cho kịp giờ, lẫn khách đến sớm, ai nấy đều lộ vẻ hân hoan được có mặt tại buổi lễ đặc biệt cho Giáo Sư Doãn Quốc Sỹ hôm nay.

 

“Chúng tôi không muốn quá nhiều người tham dự, phần vì vẫn lo COVID-19 và cảm cúm, phần vì gian phòng này có hạn chế số người. Hơn nữa, ông cụ [Doãn Quốc Sỹ] lớn tuổi rồi, đông người quá dễ làm cụ mệt,” ông Nguyễn Hữu Chí, học trò cũ và cũng là thành viên ban tổ chức, nói.

 

Những người có mặt phần đông ở tuổi 80 đến 85 nhưng còn tinh anh, nhanh nhẹn.


Ông Chí cười: “Tôi 72 tuổi rồi nhưng ở phòng này, tôi là thanh niên đó.”

 

Rất nhiều người đến chúc mừng thầy Sỹ, người học ông ở Đại Học Sư Phạm, người học ông ở Đại Học Vạn Hạnh, người thì trung tâm Văn Hóa Quân Đội.

 

Ông Đặng Trần Hoa hãnh diện nói: “Tôi là học trò của thầy năm 1964, khi thầy dạy tại Trung Tâm Văn Hóa Quân Đội. Thầy dễ tính nhưng nghiêm khắc trong việc giảng dạy. Tụi tôi, ai cũng quý trọng thầy.”

 

“Thầy Doãn Quốc Sỹ đúng là nhà văn của thế kỷ 20,” ông Hoa nói.

 

Những học trò cũ của ông đều một lòng kính nể và quý mến ông.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/12/DP-Doan-Quoc-Si-100-Tuoi-1-1536x1153.jpg

Ông Doãn Quốc Sỹ, giáo sư kiêm nhà văn, cố giấu xúc động trước sự quý mến của học trò. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

 

Ông Nguyễn Văn Khanh, cộng tác viên nhật báo Người Việt với chương trình “Từ Thủ Đô Với Nguyễn Văn Khanh,” cựu giám đốc Ban Việt Ngữ đài Á Châu Tự Do (RFA), cho biết ông học với ông Sỹ năm 1972 tại Đại Học Sư Phạm Sài Gòn.

 

Ông kể: “Lần đầu thầy vào lớp, chúng tôi cùng đứng dậy chào. Thầy nói một câu mà tôi không bao giờ quên được: ‘Không cần phải đứng lên nữa. Tôi đến đây không phải để gặp học trò mà tôi đến đây để gặp những người bạn đồng nghiệp tương lai.’”

 

“Ông nghiêm khắc với chúng tôi như một người cha, thương yêu chúng tôi như một người mẹ và tận tụy dạy chúng tôi với tư cách của một người thầy khả kính,” ông Khanh trân trọng nói.

 

Bà Lê Ngọc Loan, ở Tustin, cho biết bà chưa bao giờ được học với ông Sỹ nhưng bà muốn đến đây để tỏ lòng ngưỡng mộ.

 

“Tôi đọc rất nhiều sách của ông Doãn Quốc Sỹ và qua đó, tôi quý trọng tấm lòng đức độ của ông.”

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/12/DP-Doan-Quoc-Si-100-Tuoi-2-1536x1152.jpg

Gian phòng chật kín dù ban tổ chức hạn chế thông báo. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

 

Cũng vậy, Tiến Sĩ Phạm Thị Huê đến chính vì muốn tỏ lòng mến nể.

 

Bà nói với phóng viên Người Việt: “Tôi chưa bao giờ được gặp ông [Doãn Quốc Sỹ] nhưng muốn đến đây vì tôi rất thích cuốn ‘Khu Rừng Lau’ của ông. Qua cuốn sách này, tôi mới hiểu phần nào đời sống và tâm tư của những người phải sống dưới chế độ Cộng Sản.”

 

“Nhưng hơn thế nữa, tôi mến ông vì ông có lối viết văn rất trong sáng và tôi thấy trong tất cả những tác phẩm của ông đều bàng bạc toát ra tình quê hương cũng như tình gia đình, tình người và tấm lòng trung hậu,” bà chia sẻ.

 

Chính Tiến Sĩ Phạm Thị Huê, đại diện Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt, khai mạc buổi lễ. Bà đề cập đến những đóng góp vô giá của Giáo Sư Doãn Quốc Sỹ cho văn học Việt Nam trong nước cũng như hải ngoại.

 

Bà nhấn mạnh: “Trong văn hóa Việt Nam, biết ơn là một điều quan trọng. Hôm nay chúng ta đến đây là để tỏ lòng biết ơn một vị giáo sư cũng là một nhà văn đáng quý.”

 

Bà nói: “Giáo Sư Doãn Quốc Sỹ sống đến 100 tuổi mà vẫn minh mẫn chính nhờ lối sống đạo đức của ông. Suốt cuộc đời, ông luôn khuyến khích tình thương, xóa bỏ hận thù và lòng tử tế với mọi người. Ông sống lâu nhờ có sự thanh thản trong lòng.”

 

Giấu niềm xúc động

 

Chào đón Giáo Sư Doãn Quốc Sỹ, bà Nguyễn Khoa Diệu Quyên, đại diện Hội Giáo Chức Việt Nam-Nam California, kêu gọi mọi người cùng hát tặng ông một nhạc phẩm dân ca mà ông thích nhất là “Trèo Lên Quán Dốc” và nhân vật chính của buổi lễ bước vào cùng ái nữ Doãn Cẩm Liên trong tiếng đồng ca quê hương.

 

Giáo Sư Doãn Quốc Sỹ lộ vẻ cảm động nhưng

 không nói nhiều.

 

Ông không nói gì khi coi một “slide show” tựa đề “Bố” về cuộc đời mình do các con thực hiện.

 

Ông cũng không nói gì khi nhà giáo Nguyễn Đình Cường đọc bài thơ do nhà thơ Trần Mộng Tú viết cho ngày sinh nhật đặc biệt hôm nay: “Tóc Ta trắng và lá Thu màu đỏ/ Bầu trời trên cao mây nhẹ nhàng bay/ Lưng vẫn thẳng Ta chẳng cần gậy chống/ Một trăm năm coi nhẹ như một ngày…” trong tiếng đàn tranh réo rắt.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/12/DP-Doan-Quoc-Si-100-Tuoi-4-1536x1152.jpg

Ông Nguyễn Đình Cường đọc tặng Giáo Sư Doãn Quốc Sỹ mấy bài thơ với tiếng đàn tranh réo rắt. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

 

Sau cùng, trước phần cắt bánh, Giáo Sư Doãn Quốc Sỹ đóng góp bằng một câu nói đùa với giọng minh mẫn: “Ông Tú Mỡ (nhà thơ trào phúng Hồ Trọng Hiếu), nhạc phụ của tôi, viết về tám người con của ông với hai câu: ‘Năm trai, ba gái, tám tên/Trung, Hiền, Thảo, Dũng, Hùng, Chuyên, Vỹ, Cường.’ Còn tôi thì cũng bắt chước ông nhưng ‘cân đối’ hơn nên… ‘Bốn trai, bốn gái, tám tên/ Thanh, Khánh, Liên, Thái, Vinh (liền), Hưng, Hiển, Hương.’”

 

Buổi lễ chúc thọ 100 tuổi và vinh danh Giáo Sư Doãn Quốc Sỹ diễn ra một cách thân mật nhưng trang trọng, xứng đáng với một người thầy có công vun trồng kiến thức cho bao nhiêu thế hệ Việt Nam. [qd]

—–
Liên lạc tác giả: ngo.giao@nguoi-viet.com


                                                            *


‘Chiếc Chiếu Hoa Cạp Điều’ và tôi

Trần Mộng Tú (Mừng sinh nhật nhà văn Doãn Quốc Sỹ 100 tuổi)

 

Khi qua tuổi lên 10, bước vào trung học, xen kẽ với những sách dịch từ những tác phẩm ngoại ngữ nổi tiếng như “Chiến Tranh và Hòa Bình,” “Đỉnh Gió Hú,” “Giã Từ Vũ Khí,” “Anh Em Nhà Karamazov”… thì những tác phẩm của nhà văn Doãn Quốc Sỹ là những cuốn sách luôn luôn cha mẹ tôi tìm thấy trên giường, trên ghế, trên kệ, trên bàn ăn, trên bàn học của tôi và đôi khi trong bếp.

 

Những tác phẩm này đã đóng vai trò “phụ thân thứ hai” trong đời sống trưởng thành của tôi. Những trang sách văn chương trong sáng, trung hậu đã dạy tôi những điều nhân nghĩa, ngay thẳng và đạo làm người.

 

Tôi chắc chắn là những ai đã từng đọc Doãn Quốc Sỹ cũng được hưởng cái tinh thần đạo đức trong từng câu văn của tác giả. Tôi không may mắn là học trò trực tiếp của thầy Sỹ, nhưng tôi là học trò trong mỗi tác phẩm của nhà văn Doãn Quốc Sỹ.

 

Một đoạn văn ngắn trong “Chiếc Chiếu Hoa Cạp Điều” dưới dây đã in sau vào tâm hồn tôi qua mấy mươi năm.

 

“Quân Pháp sau khi từ chợ Me vượt qua sông Đáy tiến sâu vào huyện Lập Thạch đốt phá một ngày rồi rút lui về tỉnh. Cánh quân tiến sang tả ngạn sông Hồng đốt phá bến đò Rau cũng rút về vị trí cũ bên hữu ngạn. Dân chúng chạy loạn lục tục đâu trở về đấy ngay để còn kịp sửa soạn Tết.

 

Làng Lũng Thượng trở lại yên tĩnh.

 

Trưa hôm đó mẹ tôi ra phía bụi tre đầu nhà thấy cong queo dưới hầm trú ẩn một chiếc chiếu hoa cạp điều. Đúng là chiếc chiếu của một gia đình chạy loạn nào khi về mừng quá bỏ quên.

Mẹ tôi nói: ‘Thôi thế cũng là giời thương mà cho nhà mình!’

 

Đã lâu lắm, đêm đó tôi mới được thấy thằng em út tôi có chiếc chiếu đắp kín chân không trông thấy đôi bít tất buộc túm chỗ rách. Sáng ra, mẹ tôi cẩn thận gấp chiếu rồi vắt lên chiếc dây thừng căng cao ngang mái nhà. Thế là từ đấy đêm đêm nghe tiếng gió rít và những hạt mưa táp vào đầu hồi tôi cũng yên chí cho các em đã tạm đủ chiếu nằm, chiếu đắp.”

 

Nhưng chiếc chiếu hoa cạp điều đó thuộc về người khác.

 

“Ông (Lý Cựu) ngửng nhìn thấy chiếc chiếu hoa cạp điều vắt ở dây thừng, ông đứng nhỏm dậy chạy lại kéo tuột xuống nói gọn: ‘Chiếc chiếu này của tôi!’
Mẹ tôi chợt có một cử chỉ phản ứng, y như sự phản ứng của một người mẹ gìn giữ con trong cơn nguy biến.

 

Người nói: ‘Ấy chiếc chiếu đó của nhà tôi…’

 

Mẹ tôi vốn là một Phật tử trung thành. Người chỉ nói được đến đấy thì lương tâm Phật tử trở lại và người lúng túng quay nhìn ra ngõ.

 

Ông Lý Cựu thản nhiên gấp chiếu lại, cắp gọn dưới nách rồi thản nhiên nói: ‘Không, chiếc chiếu của tôi. Tôi mua đôi chiếu cạp điều này từ năm mới tác chiến, một chiếc còn trên kia.’
Thì ra đôi chiếu đó, ông Lý mang đến gửi ông chủ nhà trong dịp vừa qua, rồi những người đến chạy loạn tự động mượn đem ra trải ở bụi tre nghỉ tạm. Lúc về vì chiếu rơi xuống hầm trú ẩn nên họ quên không trả lại chỗ cũ.

 

Tuy chỉ một thoáng qua nhận biết hết sự thể là vậy nhưng tôi vẫn chưa chịu và tiếp lời mẹ tôi: ‘Chiếc chiếu này mẹ tôi mua của một người ở chợ Lầm. (Ý tôi muốn nói người đó lấy chiếu ở đây mang ra chợ Lầm bán).’

 

Ông Lý vẫn thản nhiên, thản nhiên một cách cương quyết: ‘Không, chiếc chiếu này của tôi!’
Rồi ông cắp chiếu đi thẳng lên nhà. Lúc đó vợ tôi cũng vừa trở lại với tôi để nhớ ra rằng cuối năm nay tôi đã thi xong, có thể ra thẩm phán. Tôi thoáng nghe phía sau tiếng vợ tôi thở dài rồi quay vào buồng.

 

Tối hôm đó khi thấy tôi lấy chiếc chiếu rách cũ vớt ở lạch đắp cho thằng em út, mẹ tôi chép miệng nói khẽ: ‘Thôi, sang Giêng trời bất đầu ấm, vả lại cũng sắp tổng phản công rồi!’


‘Vả lại cũng sắp tổng phản công rồi!’ – Mẹ tôi nghĩ thật chí lý. Tổng phản công để bờ cõi được vinh quang độc lập, để mọi người được trở về dựng lại quê hương yên vui.

 

Tôi hiểu khi đó hầu hết các gia đình khác, cũng như chúng tôi, chịu đựng bao nhục nhằn với những phút sa ngã nhỏ như chuyện chiếc chiếu hoa cạp điều. Tất cả những hy sinh đó – kể cả khi hy sinh một chút ít danh dự do sự yếu đuối thường tình của con người – tuy dằn vặt, ray rứt mà không tàn phá nổi niềm vui trong sáng, thanh thản của tâm hồn, vì ai nấy sống ngợp hy vọng một ngày mai vinh quang.

 

Sớm Mùng Một năm đó, mẹ tôi ra chùa lễ. Người quỳ rất lâu trước bàn thờ Phật. Giọng người thành kính thiết tha cầu đức Phật phù hộ cho chóng trở lại yên bình, gia đình được qua thì đói, khỏi thì loạn.

 

Tiếng người khấn đôi khi nức nở. Tôi nghe, nước mắt muốn trào ra.”

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/12/DP-Doan-Quoc-Si-100-Tuoi-3-1536x1152.jpg

Rất đông học trò quây quần mừng thọ 100 tuổi và vinh danh Giáo Sư Doãn Quốc Sỹ. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

 

Tôi đọc tới đây nước mắt cũng trào ra. Thương cho nhà văn, thương cho những người dân Việt trong một đất nước triền miên chiến tranh và thương cho cả chính mình cũng đã lớn lên từ chiến tranh.

 

Tôi là một người cầm bút may mắn vì tuổi thơ của tôi được trưởng thành với những dòng thơ trong sáng của thi sĩ Trần Trung Phương, là chú ruột tôi, một thi sĩ của nhi đồng cho học trò tiểu học. Những câu thơ thật trong và thật hiền.

 

Khi lên 9 lên 10 tôi đã cả ngày nghêu ngao:

 

“Mặt trời như quả cà chua
Chiều nay rụng xuống mái chùa làng ta
Ô hay! em thấy chiều qua
Mặt trời say rượu ngọn đa đầu đình.”

 

Hoặc:

 

“Me ơi cái hộp sữa bò
Để trong bát chiết yêu to nước tràn
Thế mà đàn kiến khôn ngoan
Bắc cầu sợi tóc bò sang Me kìa.”

 

Và nhờ những câu thơ “Mặt trời như quả cà chua” của Trần Trung Phương mà mấy chục năm sau có câu thơ “Buổi sáng trong như ly nước lọc/ Lòng thấy hiền như một củ khoai” của Trần Mộng Tú.

 

Nhờ có “Chiếc Chiếu Hoa Cạp Điều” và những tác phẩm trung hậu, đạo đức tràn đầy lý tưởng khác của Doãn Quốc Sỹ mà trong suốt mấy chục năm cầm bút tôi vẫn giữ được cái tâm trong sáng, cái tâm lành ở mỗi chữ mình viết xuống.

 

Xin cám ơn nhà văn Doãn Quốc Sỹ và chúc người sống an vui khỏe mạnh đến cuối đường.

 

                                                                  *


Nhà văn Doãn Quốc Sỹ lấy tên thật làm bút hiệu. Ông sinh ngày 17 Tháng Hai, 1923 (nhằm ngày Mùng Hai Tết Quý Hợi) tại xã Hạ Yên Quyết, Hà Đông, ngoại thành Hà Nội.

 

Thuở còn là thanh niên, ông từng tham gia Việt Minh kháng chiến chống Pháp. Sau đó, khi phong trào này để lộ bộ mặt Cộng Sản, ông đã rời bỏ kháng chiến. Vào năm 1946, ông lập gia đình với bà Hồ Thị Thảo, là ái nữ của nhà thơ trào phúng Tú Mỡ, Hồ Trọng Hiếu.

 

Năm 1954, khi hiệp ước Geneva chia đôi đất nước, ông theo làn sóng di cư đem vợ con vào miền Nam sinh sống.

 

Doãn Quốc Sỹ có hai sự nghiệp song song, một của nhà văn và một của nhà giáo. Ông vẫn thường nói rằng: “Nhà giáo là nghề, nhà văn là nghiệp.” Trong cương vị nhà giáo, ông đã dạy tại các trường: Trung Học Công Lập Nguyễn Khuyến (Nam Định 1951-1952), Chu Văn An (Hà Nội), Hồ Ngọc Cẩn (Sài Gòn 1961-1962), Trường Quốc Gia Sư Phạm Sài Gòn, Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, Đại Học Vạn Hạnh Sài Gòn. Ông cũng từng là hiệu trưởng trường Trung Học Công Lập Hà Tiên (1960-1961) và từng đi tu nghiệp về sư phạm tại Hoa Kỳ (1966-1968).

 

Vào năm 1956, với cương vị nhà văn, ông đồng sáng lập nhà xuất bản Sáng Tạo, và tạp chí văn nghệ cùng tên với Mai Thảo, Nguyễn Sỹ Tế, Thanh Tâm Tuyền, Trần Thanh Hiệp, Duy Thanh và Ngọc Dũng. Ông vẫn ưu ái gọi nhóm văn nghệ của mình là “Thất Tinh.” Ông cũng có những bài viết được đăng trên các tạp chí văn nghệ như Sáng Tạo, Văn Nghệ, Bách Khoa, Văn Học, Nghệ Thuật…

 

Gần một năm sau ngày miền Nam thất thủ (30 Tháng Tư, 1975), hầu hết các nhà văn miền Nam bị bắt đi học tập cải tạo. Doãn Quốc Sỹ cùng các văn nghệ sĩ như Trần Dạ Từ, Thanh Thương Hoàng, Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh, Nguyễn Sỹ Tế, Chóe… bị giam tại trại Gia Trung, cách thành phố Pleiku 25 cây số.

 

Đến năm 1980, ông được trả tự do nhờ sự can thiệp của nhiều tổ chức quốc tế. Trong thời gian chờ đợi được con gái là Doãn Thị Ngọc Thanh bảo lãnh đi Úc, ông tiếp tục viết thêm nhiều tác phẩm nữa, trong đó có quyển “Đi,” được ký với bút hiệu Hồ Khanh. Ông đã gửi tác phẩm này sang Pháp để xuất bản tại hải ngoại. Cũng vì lý do này, ông đã bị bắt lần thứ hai vào Tháng Năm, 1984, chỉ vài tháng trước ngày đi Úc. Cùng bị giam với ông trong đợt này có ca sĩ Duy Trác, nhà báo Dương Hùng Cường, hai nhà văn Hoàng Hải Thủy và Lý Thụy Ý… Ông bị kết án mười năm tù và mãn hạn tù lần thứ hai vào Tháng Mười Một, 1991.

 

Năm 1995, ông được con trai là Doãn Quốc Thái bảo lãnh để di dân sang Houston, Hoa Kỳ. Ông hiện sống tại Orange County, California.

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats