Cuộc thử nghiệm tai ách (Kỳ 1)
Nguyễn Thông
(Nguyễn Thông Cào)
Cho tới lúc này, trên thế giới gồm hơn 200 quốc
gia chỉ còn lèo tèo vài nước tôn thờ chủ nghĩa cộng sản, cắm cúi nhắm mắt, bước
thấp bước cao kiên định “tiến lên” trên con đường chủ nghĩa xã hội, mặc dù
không biết nó ở đâu, khi nào mới tới nơi. Vô cùng mờ mịt, ảo tưởng.
Còn những “ai”? Đếm trên đầu ngón tay: Trung Quốc,
Việt Nam, Cuba, Triều Tiên, Lào, Venezuela, Nicaragua, Eritrea. Bọn Tàu khôn lỏi, chúng cứ bô bô danh nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội
nhưng thực ra đã lẻn theo đường khác, mà chúng láu cá gọi bằng cái tên “chủ nghĩa xã hội màu sắc Trung Quốc”. Tại sao phải giữ danh nghĩa ấy? Không phải để vì chúng mà là giữ cái
vòng kim cô thít lên đầu những thằng ngu dại khác.
Trong danh sách trên, trừ thằng Tàu đạt được
điều này điều nọ, thì bói không ra, đốt đuốc giữa ban ngày cũng chẳng tìm được
nước giàu, quốc gia giàu có văn minh dân chủ. Chỉ rặt thấy nghèo bền vững, cầm
cờ chạy sau trong hành trình nhân loại. Giỏi ảo tưởng, nói phét, và rất hung
hăng.
Tôi nhớ hồi còn bé, thập niên 60 có đọc đâu đó
truyện cổ tích với cái tên “Đi tới nơi vô tăm tích, đem về một vật vô tri”. Giờ
nghiệm lại, thấy đúng y chang cuộc hành trình tiến lên chủ nghĩa xã hội ở xứ
này và mấy nước kia. Cứ mải miết đi mãi, không biết đi tới đâu, chẳng đem về được
thứ gì ngoài lạc hậu, nghèo đói, chậm phát triển, phí thời gian, nhưng cứ đi. Như
dân gian cười cợt “hàng đầu không biết đi đâu/đi đâu không biết, hàng đầu cứ
đi”.
Chết nỗi, giá chỉ có đám mê muội mù quáng rủ
nhau theo đường này lối nọ, rồi chúng tự chịu hậu quả, đã đi một nhẽ. Đằng này,
bằng bạo lực mà nhất thời giành được quyền sinh quyền sát, chúng lôi cả dân tộc,
hết thảy nhân dân phải đi theo, cùng đi, hứng chịu đủ mọi khổ đau. Bằng bộ máy
tuyên truyền độc quyền, chúng dụ dỗ, lừa phỉnh, vẽ lên những thứ làm dân hoa mắt.
Bằng quyền lực, súng đạn, tòa án, chúng đe nẹt, dọa dẫm, bắt bớ những ai phản đối.
Cứ thế, năm này qua năm khác, chục năm này tiếp chục năm khác, cả dân tộc triền
miên đi trong màn sương mờ, không chút le lói đằng xa. Đường vô định như thế
thì lấy đâu le lói. Không có trái tim Đanko nào cả. Dòng thời gian vô tình đã
trở thành thứ cùm trói cả một dân tộc. Ai không tin, cứ ngó vào Cuba, Triều
Tiên là rõ nhất.
Lại nhớ, tháng 2 năm 2012, mùa xuân, trên đất
cảng, tôi có chút may mắn được ngồi ké hóng chuyện từ những bậc đàn anh Đào Trọng
Khánh (NSND, đạo diễn), Phạm Chuyên (công an, thiếu tướng), Thi Hoàng (thi sĩ),
cả Đào Lê Bình (sếp một tờ báo ngành) cùng một vài bạn bè trong ngôi quán nhỏ
ven bến Sáu kho. Vừa xảy ra vụ cống Rộc - Đoàn Văn Vươn bên Tiên Lãng còn nóng
hổi. Trong cái lạnh đầu xuân đầy mưa phùn, bác Khánh dí dỏm, ông Thi Hoàng vừa
thắc mắc họ sẽ đưa chúng ta đi đâu. Này nhé, cứ hình dung đám ta ra ven đường 5
vẫy chiếc xe khách, bảo thằng tài xế, ông ơi, ông cho chúng tôi đi Hà Nội nhé.
Nó rối rít, mồm 5 miệng 10, vâng vâng, mời các bác lên xe, tôi chở tới Hà Nội,
thủ đô đẹp lắm, tha hồ vui chơi. Đám ta trên xe ngủ gà ngủ gật, có nhẽ nó thả
thuốc mê, xe chạy loằng ngoằng mua đường một hồi, tới Mông Dương, Móng Cái rừng
xanh núi đỏ ném bọn ta xuống bảo tới rồi tới rồi, xong nó vọt mất. (còn tiếp)
Nguyễn
Thông
Ảnh trên internet : https://www.facebook.com/photo/?fbid=1330720011095388&set=a.133382914162443
.
.
-----------------------------------
.
Cuộc thử nghiệm tai ách (kỳ 2)
Nguyễn Thông
(Nguyễn Thông Cào)
Phàm bất cứ việc gì, nếu có bước làm thử, gọi
là thử nghiệm, thì sau đó sẽ tốt hơn, bởi ít nhất cũng tránh được sự dở, thậm
chí bỏ luôn để tìm cách khác. Việc nhỏ đã vậy, việc lớn càng phải vậy. Biết dở
sai mà vẫn cố kéo dài, chống chế; đi từ thất bại này tới thất bại khác nhưng vẫn
“kiên định”, không tỉnh để thoát ra, chỉ có thể gọi là lú lẫn u mê. Một đất nước,
một dân tộc vướng phải sự ấy, là đại bi kịch. Xứ này cũng như một số “anh em” của
nó đang đắm chìm trong tấn đại bi kịch.
Có lẽ cần nhắc tới trước hết là Cuba. Đảo quốc
nhỏ bé nằm sát nước Mỹ, theo cách nói bây giờ, có vị trí địa chính trị đặc biệt.
Một thời gian khá dài, nó được phong tiền đồn phe xã hội chủ nghĩa, ngọn cờ đầu
chống chủ nghĩa tư bản bóc lột, chống đế quốc. Anh em nhà Fidel sau khi nắm quyền
(tháng 1.1959) đã thiết lập chế độ độc tài gia đình trị còn tệ hơn cả chính quyền
Batista mà họ gán cho chữ “độc tài”, được trang trí màu mè bằng “cộng hòa, dân
chủ”. Họ thay nhau anh truyền em nối, già cốc đế đại vương vẫn cố giữ ghế cai
trị, chẳng chịu nhường ai, xem người cả nước không ra gì. Họ bắt toàn dân phải
cùng với họ tôn thờ cộng sản, thờ Liên Xô, kiên định theo chủ nghĩa xã hội, bất
kể phải chịu phận chư hầu dễ bảo, phụ thuộc, đói nghèo. Họ vênh vang với thứ
danh hão tiên phong chống đế quốc, bảo vệ thành trì chủ nghĩa xã hội. Đồng bệnh
tương lân, đồng khí tương cầu, chả thế mà tháng 9.2009 ông Nguyễn Minh Triết chủ
tịch xứ này trong chuyến công du Cuba đã thật thà như đếm mà tỏ bày “Việt Nam và Cuba như là trời đất sinh ra. Một anh ở
phía đông, một anh ở phía tây. Chúng ta thay nhau canh giữ hòa bình cho thế giới.
Cuba thức thì Việt Nam ngủ. Việt Nam gác thì Cuba nghỉ” (tôi dẫn nguyên văn, mà các báo quốc doanh khi đó đều đăng chuyện này,
thậm chí khen ngợi, thích thú với lối ví von duyên dáng của chủ tịch nước). Ông
Triết không biết, hoặc cố tình lờ đi Cuba của anh em nhà Fidel lúc ấy cô đơn, rệu
rã, ốc chưa mang nổi mình ốc, lấy đâu sức canh giữ hòa bình thế giới. Mà cũng
thông cảm, tinh thần AQ là thứ đặc trưng của giới lãnh đạo cộng sản, chả riêng
gì ông Triết. Còn nhớ tối hôm coi tivi phát thức ngủ canh gác xong, lão hàng
xóm nhà tôi cười bảo, giời ạ, ai khiến, hai ông cứ rửa chân đi ngủ, ngủ lịm đi
cho thiên hạ nhờ.
Cũng nên lật lại những trang Cuba đắm chìm
trong cuộc thử nghiệm ý thức hệ kéo dài này. Từ năm 1959 trở về trước, khi anh
em nhà Fidel chưa nắm quyền, Cuba là quốc gia giàu nhất vùng Caribe, khu vực Mỹ
Latin, thậm chí cả Trung Mỹ. Batista độc tài chỗ nào thì còn phải bàn, nhưng đất
nước Cuba kinh tế phát triển, nhất là du lịch, khách du lịch mỗi năm nhiều hơn
người bản địa. Đời sống sung túc, dân chủ, bộ mặt đất nước đổi thay theo năm
tháng. Thủ đô La Havana tráng lệ với nhà cửa phố xá đẹp đẽ hiện đại, được coi
là viên ngọc của Trung Mỹ… Cuộc cách mạng của anh em nhà Fidel thành công nhưng
đáng tiếc bị chuyển thành tôn thờ Liên Xô, tôn thờ cộng sản, đã mau chóng đẩy
Cuba về điểm xuất phát nghèo nàn lạc hậu, thiếu thốn đói khổ. Sau hơn 60 năm
“hiên ngang kiêu hãnh trên tuyến đầu chống Mỹ”, bị Liên Xô bỏ rơi không thương
tiếc, nay Cuba thực trạng thế nào, chả mấy ai không biết. Những idol của một thời,
kiểu anh em nhà Fidel, dần rơi vào quên lãng. Người dân Cuba không thể ăn bánh
vẽ mãi được, không thể say sưa với “tự do hay là chết” mãi được. Cần phải có thứ
gì bỏ vào mồm thì mới tiếp tục làm cách mạng, canh giữ hòa bình thế giới, trong
khi đám lãnh đạo Cuba chỉ biết hô hào và dọa dẫm dân chứ không biết làm cho đất
nước phát triển. Giỏi lắm thì vác rá đi xin, nơi này một ít, nơi kia một tí, để
sống cầm hơi, đợi tới ngày cách mạng thắng lợi trên toàn thế giới. Cứ lâu lâu lại
lấy cớ sang thăm hữu nghị người anh em “nặng ân tình” cùng một thời canh giữ
hòa bình, để lúc về có vài nghìn tấn gạo quà. Nói đâu xa, tháng 7.2021 được bạn
cánh hẩu tặng 12.000 tấn, gần một năm sau, tháng 9.2022, lại sang, lại được tặng
5.000 tấn. Cũng chả bõ bèn gì so với gần 10 triệu người, nhưng cầm lòng vậy
đành lòng vậy, chẳng lẽ sĩ diện, để dân chết đói. (còn tiếp)
Nguyễn
Thông
Ảnh: https://www.facebook.com/photo?fbid=1335780347256021&set=a.133382914162443
Người dân
Cuba xuống đường đòi quyền tự do, tháng 7.2021 - Ảnh tư liệu Internet
No comments:
Post a Comment