Thursday 8 December 2022

COP15 của LIÊN HIỆP QUỐC CÓ CỨU NHÂN LOẠI KHỎI HỌA "HỦY DIỆT SINH THÁI" (Trọng Thành / RFI)

 



COP15 của LHQ có cứu nhân loại khỏi họa ‘‘Hủy Diệt Sinh Thái’'?

Trọng Thành  -  RFI

Đăng ngày: 08/12/2022 - 19:03

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20221208-cop15-cua-lhq-co-cuu-nhan-loai-khoi-hoa-huy-diet-sinh-thai

 

Hội nghị quốc tế về Đa dạng Sinh học (Biodiversity) tại Montreal, Canada, khai mạc hôm qua, 07/12/2022. Hội nghị 12 ngày của Liên Hiệp Quốc (tên gọi tắt COP15) được trông đợi sẽ mang lại một bước đột phá ‘‘lịch sử’’ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong bối cảnh các giống loài động thực vật, và các hệ sinh thái nói chung, đang đứng trước nguy cơ đại hủy diệt, do đà phát triển kinh tế như vũ bão của nhân loại, như nhận định của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc trước thềm hội nghị.

 

https://s.rfi.fr/media/display/0bd8df28-7721-11ed-96e8-005056a90284/w:980/p:16x9/COP15_Montreal_OK.webp

Cảnh sát dẫn đường một cuộc biểu tình phản đối COP15, tại Montreal, Canada, ngày khai mạc COP15, 07/12/2022. AP - Graham Hughes

 

Có thể hy vọng những gì ở hội nghị này ? Hội nghị - được kỳ vọng là một bước tiến lịch sử - có nguy cơ thành một thất bại lịch sử hay không ? Mục Theo dòng thời sự của RFI tổng hợp thông tin về chủ đề này.

 

                                                            ***

 

1/ Vì sao hy vọng được đặt vào Hội nghị quốc tế về Đa dạng Sinh học của Liên Hiệp Quốc tại Montreal ?

 

Cách đây 30 năm, tại Thượng đỉnh về Trái đất của Liên Hiệp Quốc ở Rio de Jainero, Brazil, cộng đồng quốc tế đã thông qua ba thỏa thuận lớn, về khí hậu, về đa dạng sinh học (đa dạng sinh học tức thế giới của các giống loài động thực vật, sinh vật nói chung, và môi trường, sinh thái) và về chống sa mạc hóa. Hai thỏa thuận lớn về khí hậu và đa dạng sinh học cho phép nhân loại đối phó và hóa giải các nguy cơ mang tính toàn cầu : Trái đất bị hâm nóng và thế giới sinh vật, môi trường bị hủy diệt, đe dọa chính sự tồn tại của nhân loại. Trong lĩnh vực khí hậu, cộng đồng quốc tế đã đạt được một thỏa thuận tại Paris năm 2015, với mục tiêu giữ nhiệt độ Trái đất tăng không quá từ 1,5 đến 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Bởi vượt quá mức tăng này, biến đổi khí hậu sẽ trở nên khắc nghiệt đến mức vượt quá khả năng đối phó của con người. 

 

Đặt ra mục tiêu chưa chắc đã đến đích, nhưng không có mục tiêu, nhân loại sẽ không có hướng đi chung. Và kết quả sẽ là hỗn loạn, mạnh ai nấy lo. Thỏa thuận Khí hậu Paris 2015 (của COP21) vì vậy đã được coi là một thành công lịch sử.

 

Tình hình tương tự đối với môi trường, sinh giới. Giới chuyên gia kỳ vọng với hội nghị COP15 hai tuần này, cộng đồng quốc tế sẽ đạt được một thỏa thuận bảo vệ ‘‘Đa dạng Sinh học’’ tương tự như thỏa thuận về khí hậu (chú thích 1) (COP15 là hội nghị thứ 15 để thực thi thỏa thuận về Đa dạng Sinh học của Liên Hiệp Quốc thông qua năm 1992). Cho đến nay, nỗ lực của cộng đồng quốc tế đặc biệt tập trung cho lĩnh vực khí hậu, với việc cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, hướng đến thế giới trung hòa khí thải được đặc biệt chú ý. Mảng môi trường dường như bị coi nhẹ hơn nhiều. Tuy nhiên, môi trường sinh thái và đa dạng sinh học chính là cái cho phép sự sống tồn tại, mà hiện tại các điều kiện của môi trường sống đều đang ở mức báo động đỏ. Giới chuyên gia nói đến ‘‘sự sụp đổ của đa dạng sinh học’’ với việc khoảng một triệu giống loài sinh vật có nguy cơ biến mất hoàn toàn trong những thập niên tới, 75% diện tích đất đai bị hoạt động của con người làm suy thoái nghiêm trọng. Ít nhất 150 triệu tấn nhựa đã được đổ xuống biển, 437 triệu hecta rừng biến mất từ năm 2000…

Hai con số sơ bộ dưới đây cho thấy mức độ tàn khốc kinh hoàng xét trên phương diện kinh tế, nếu đa dạng sinh học sụp đổ (chú thích 2). Theo một số điều tra, ước tính hơn nửa tổng sản phẩm toàn cầu hàng năm (GDP) phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên, tức dựa vào các hệ sinh thái, đa dạng sinh học (60% GDP toàn cầu, tương đương 44 nghìn tỉ đô la, theo điều tra của Swiss Re) (chú thích 3). Điều mà giới chuyên gia gọi là ‘‘các dịch vụ’’ mà các hệ sinh thái có thể cung cấp cho nhân loại ước tính từ 125 nghìn tỉ đô la đến 140 nghìn tỉ đô la (hàng năm) (theo điều tra của OCDE năm 2019) (chú thích 4). Số tiền nói trên vượt quá GDP toàn cầu hàng năm ước tính gần 100 nghìn tỉ đô la. Trong ‘‘các dịch vụ’’ mà thiên nhiên cung cấp đó, có các dịch vụ thiết yếu cho sự sống như nước, như đất, hay các sinh vật nhỏ bé giúp cho nông nghiệp tồn tại… Khi nước bị ô nhiễm, bị cạn kiệt, đất đai bị thoái hóa, hay 20.000 giống loài côn trùng thụ phấn giúp 75% nông nghiệp tồn tại bị hủy hoại… là lúc thiên nhiên không còn có thể cung cấp cho con người các ‘‘dịch vụ’’ sống còn nữa. Đa dạng sinh thái sụp đổ cũng đồng nghĩa với việc nền kinh tế toàn cầu sụp đổ.

 

Thiên nhiên, các hệ sinh thái, đã có đóng góp hào phóng, đóng góp phi thường, đóng góp âm thầm cho sự phát triển, thịnh vượng của nhân loại suốt dòng lịch sử, và đặc biệt trong những thập niên gần đây. Tuy nhiên, rất nhiều ‘‘lằn ranh đỏ’’ đã bị vượt qua. Thiên nhiên không phải là vô tận. Vượt quá một mức độ nào đó, các hệ sinh thái không thể phục hồi. Giờ đây đã đến lúc các hệ sinh thái, đa dạng sinh học đòi hỏi được chú ý. Trang mạng đầu tư tài chính Pháp Finance-Investissement.com nhân dịp này có bài ‘‘L’humble fumier sera au centre des préoccupations de COP15’’ (tạm dịch là ‘‘Đống đất mùn thấp kém sẽ nằm ở tâm điểm chú ý của COP15’’ (ngày 06/12/2022). ‘‘L’humble fumier’’ (Đống đất mùn thấp kém hạ) là một hình ảnh ví von để nói về cái đa dạng sinh học, thiên nhiên kỳ diệu, bị rẻ rúng, bị quên lãng.

 

Theo kỹ sư nông học, nhà chính trị học Gilles Kleitz, giám đốc ban chuyển đổi sinh thái của Cơ quan phát triển Pháp (AFD), trong hiện tại, nhân loại chỉ đầu tư có 0,01% GDP cho thiên nhiên, và chỉ có 20 đến 25% trong tổng số đầu tư đó là được chuyển đến các nước phía nam, nơi tập trung phần chủ yếu của đa dạng sinh học (chú thích 1).

 

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nói đến nhân loại, với mô hình tăng trưởng không được kiểm soát hiện nay, là thứ ‘‘vũ khí hủy diệt hàng loạt’’ đối với sinh giới. Lãnh đạo Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh đến ‘‘đà hủy diệt điên cuồng’’ đang diễn ra, sự sống bình thường trên hành tinh có nguy cơ bị hủy hoại, và tái khẳng định nhân loại không có ‘‘một hành tinh B’’ để có thể ru ngủ trong ảo tưởng. Ông Antonio Guterres kêu gọi nhân loại hãy ký kết một ‘‘HIỆP ƯỚC HÒA BÌNH VỚI THIÊN NHIÊN’’. Hội nghị quốc tế về đa dạng sinh học tại Montreal, vừa mở ra, là quan trọng, khi được hy vọng sẽ là dịp cho phép thực hiện mong đợi nói trên của đông đảo dân cư trên hành tinh. Điều đã được lãnh đạo Liên Hiệp Quốc bày tỏ. Hội nghị quốc tế về Đa dạng Sinh học của Liên Hiệp Quốc tại Montreal quan trọng là vì vậy.

 

2/ Hội nghị quốc tế về Đa dạng Sinh học có thể làm được những gì ?

 

Công ước của quốc tế về đa dạng sinh học được 196 quốc gia thông qua (ngoài Hoa Kỳ tham gia với tư cách quan sát viên) dựa trên ba trụ cột chính : thứ nhất là bảo tồn thiên nhiên, thứ hai là sử dụng bền vững các nguồn lực của thiên nhiên, và thứ ba là chia sẻ các nguồn tài nguyên về mặt di truyền. Cụ thể tại Hội nghị này, cộng đồng quốc tế đặt ra bốn mục tiêu chính, theo ghi nhận của bà Sylvie Lemmet, đại diện của Pháp về đa dạng sinh học. Mục tiêu thứ nhất là ngăn chặn đà hủy diệt. Để làm được việc này, liên minh 110 nước (do Pháp, Costa Rica và Anh chủ trì) đặt mục tiêu bảo vệ 30% diện tích bảo tồn trên biển và trên đất liền (so với diện tích tương ứng chỉ là 8 và 17% hiện nay) (chú thích 5). Mục tiêu thứ hai là xác lập các quy định để khai thác tài nguyên một cách bền vững, như nông nghiệp bền vững, ngư nghiệp bền vững… Mục tiêu thứ ba là chia sẻ tài nguyên về đa dạng di truyền, chống lại sự độc quyền của ngành công nghiệp dược phẩm. Mục tiêu quan trọng cuối cùng là phương tiện tài chính cần thiết để thực hiện các mục tiêu trên.

 

Bên các việc đạt đồng thuận về các mục tiêu bảo tồn và khai thác bền vững, việc xác lập đồng thuận về phương tiện tài chính có ý nghĩa quyết định. Về tài chính có hai vấn đề. Vấn đề đầu tư để bảo vệ đa dạng sinh học, và vấn đề cắt giảm các đầu tư cho các hoạt động hủy diệt sinh thái. Theo giới chuyên gia, số tiền cần được huy động cho bảo vệ môi trường cần phải có từ 700 đến 900 tỉ/năm trước 2030 (so với khoảng 155 tỉ/năm hiện nay). Bên cạnh đó, cần phải giảm rất mạnh đầu tư cho các hoạt động nguy hại cho môi trường. Hiện tại tổng cộng ước tính 1.800 tỉ đô la/năm đầu tư theo hướng này (cho năng lượng hóa thạch, cho giao thông, cho nông nghiệp, trong đó đặc biệt cho thuốc trừ sâu, phân bón hóa học). Theo OCDE, số tiền gây hậu quả nguy hiểm này cần phải giảm xuống chỉ ở mức 500 tỉ đô la/năm trong thời gian tới.

 

3/ COP15 có khả năng đạt được các mục tiêu hay không ?

 

Theo giới quan sát, các thương lượng về một thỏa thuận quốc tế về đa dạng sinh học đã không có nhiều tiến triển từ ba năm nay. Tại hội nghị này, các thảo luận hứa hẹn sẽ khó khăn, trong bối cảnh dường như có rất ít tiến triển trong các phiên trù bị trước hội nghị, diễn ra từ ngày 03 đến ngày 05/12. Trang mạng chuyên về môi trường Novetic cho biết cụ thể là văn bản dự thảo Thỏa thuận về Đa dạng Sinh học, được xác lập sau các đàm phán trù bị, còn có đến 1.300 điểm cụ thể chưa đạt đồng thuận. Tương tự như khí hậu, đầu tư tài chính vẫn là một trong những điểm đối đầu gay gắt nhất. Các nước phía Nam yêu cầu khối các nước giàu ngay lập tức đầu tư 100 tỉ/năm cho môi trường ở các nước phía Nam (trước khi nâng lên mức 700 tỉ đô la/năm trước 2030).

 

Để tránh vết xe đổ của thỏa thuận quốc tế về đa dạng sinh học cách nay 12 năm (thỏa thuận Aichi, thông qua tại Nhật Bản), mà tất cả các mục tiêu đều không đạt, giới chuyên gia khẳng định thỏa thuận được thông qua ở COP15 này là phải xác định rõ lộ trình hành động, các mục tiêu cụ thể mang tính giai đoạn, để có đánh giá chính xác (theo chuyên gia Juliette Landry, Viện Phát triển Bền vững và Quan hệ Quốc tế Pháp – Iddri).

 

Hy vọng rất lớn đặt vào thỏa thuận đa dạng sinh học. Tuy nhiên, giới quan sát lo ngại trước việc hội nghị đã không có đủ lực đẩy chính trị cần thiết. Báo Le Monde, trong một bài nhận định tổng quan một ngày trước hội nghị, nhấn mạnh đến việc COP15 thiếu vắng các thúc đẩy về mặt chính trị, vốn đã từng mang lại thành công cho thượng đỉnh khí hậu Paris 2015. Tại Montreal lần này, không có nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu chính phủ tham dự. Trung Quốc, quốc gia chủ tọa, đã quyết định chỉ mời cao nhất là cấp bộ trưởng môi trường, ‘‘bất chấp các đòi hỏi được lắp đi lặp lại của nhiều bên’’.

 

Le Monde cũng như một số báo khác đặt vấn đề về trách nhiệm của Trung Quốc, không làm đúng bổn phận quốc gia chủ tịch, khi tước đi của hội nghị này ý nghĩa chính trị quan trọng đáng phải có. Trung Quốc vốn là nước chủ nhà COP15 ở Côn Minh năm 2020. Do đại dịch Covid COP15 bị dời lại nhiều lần. Hội nghị vừa mở ra tổ chức tại Canada, do điều kiện dịch tễ tại Trung Quốc không cho phép, do Bắc Kinh chủ trì.

 

Thỏa thuận, nếu được thông qua tại Hội nghị COP15, sẽ có hiệu lực kể từ năm 2030. Cộng đồng quốc tế sẽ có 8 năm để chuẩn bị. Tám năm không hề dài. Từ Hiệp định Khí hậu Paris đến nay đã 7 năm mà tiến bộ chưa được bao nhiêu.  

 

4/ Không kể việc thoái thác trách nhiệm của Trung Quốc, đâu là nguyên nhân thực sự căn bản khiến COP15 có nguy cơ không đạt được một thỏa thuận ‘‘lịch sử’’ ?

 

Đặt sang một bên vấn đề thoái thác trách nhiệm của Trung Quốc, có một câu hỏi căn bản hơn. Đó là liệu các nền độc tài về kinh tế và chính trị nói chung - dựa trên năng lượng hóa thạch, khai thác tài nguyên vô tội vạ, sử dụng các ‘‘dịch vụ’’ hào phóng của các hệ sinh thái thiên nhiên với giá cả rẻ mạt, coi tăng trưởng kinh tế là trên hết, bất chấp các tổn hại kinh hoàng về môi trường và con người (như tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đã nhiều lần lên tiếng tố cáo) - có tiếp tục kháng cự lại mọi áp lực đòi hỏi thay đổi, ngăn trở một thỏa thuận có ý nghĩa lịch sử về đa dạng sinh học tại Montreal ? (chú thích 6).

 

Theo nhiều nhà quan sát, thất bại của một thỏa thuận về Đa dạng Sinh học được trông đợi tại Montreal ắt hẳn sẽ dẫn đến những phản kháng dữ dội từ phía giới bảo vệ môi trường, cũng như trong dân chúng. Bản thân tín điều tăng trưởng kinh tế là động lực thúc đẩy tiến bộ xã hội, dường như đang ngày càng được giới khoa học tại các quốc gia phát triển xét lại (chú thích 7). Đa dạng sinh học, các hệ sinh thái bị đẩy đến bờ vực sụp đổ đi liền vào kinh tế đổ vỡ, đói khát, bệnh tật tràn lan, đẩy hàng trăm triệu, hàng tỉ con người vào thế đường cùng. Liệu con người có khoanh tay chờ chết ? (chú thích 8).

 

--------------------------

Ghi chú

 

1/ ‘‘A la COP15, l’espoir de conclure un ‘accord de Paris’ pour la biodiversité’’, Le Monde, 06/12/2022.

 

2/ ‘‘COP15 Biodiversité : cinq questions pour comprendre les enjeux de ce rendez-vous crucial’’, Challenges, 06/12/2022.

 

3/ ‘‘Environnement : Biodiversité, la nouvelle urgence’’, L’Usine nouvelle, ngày 02/12/2022.

 

4/ ‘‘COP27 : La biodiversité ne peut plus attendre’’, Les Echos, ngày 04/11/2022.

 

5/ ‘‘Cinq questions pour tout comprendre à la COP15 Biodiversité’’, Novethic, 07/12/2022.

 

6/ Đạo diễn Cyril Dion (tác giả bộ phim tài liệu về sinh thái nổi tiếng ‘‘Demain/Ngày mai’’), người thúc đẩy sáng kiến Hội nghị Công dân về Khí hậu (CCC) năm 2019, và được tổng thống Pháp chỉ định làm một trong ba người bảo đảm tính độc lập của CCC, đã nhấn mạnh đến sự lệ thuộc của chính quyền vào các lợi ích tư nhân trong việc ra quyết định. Trải nghiệm sáng kiến Hội nghị Công dân về Khí hậu cho ông thấy điều đó, khi chỉ có một phần rất nhỏ trong số 149 sáng kiến được đề xuất một cách dân chủ, và khoa học, được chính quyền chấp thuận đưa ra thực hiện. Bài ‘‘Cyril Dion : ‘La croissance verte est un mirage’ ’’ (Cyril Dion : Tăng trưởng xanh là một ảo ảnh), Les Echos, ngày 15/11/2022.

 

7/ ‘‘Perte de biodiversité et croissance économique : quelles politiques ?’’, INEE (thuộc Trung tâm Khoa học Quốc gia Pháp CNRS), ngày 20/04/2022.

 

8/ Đài Pháp France Culture có chương trình ‘‘Ecologie, de la désobéissance civile à l'écoterrorisme ?’’ (Sinh thái : Phải chăng đang có sự chuyển dịch từ sự bất tuân dân sự đến chủ nghĩa khủng bố sinh thái) (ngày 25/10/2022). Trong chương trình này, giảng viên đại học song tịch Pháp – Thụy Sĩ Dominique Bourg, một chuyên gia về môi trường và cũng là một hoạt động chính trị vì môi trường, ghi nhận không khí đáng lo ngại khi chính phủ các nước thất bại trong việc đáp ứng các thách thức sinh thái khẩn cấp. Tình hình này sẽ đẩy một bộ phận giới tranh đấu môi trường đến các hành động bạo lực, triệt để hơn, kể cả tại Pháp. Ông nhận xét : ‘‘Khi từ chối hành động, khi lên án (phong trào tranh đấu) một cách ngờ nghệch, người ta hoàn toàn có thể đẩy tình hình đến chỗ đó. Chúng ta là đất nước của cuộc cách mạng 1789, tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu trong tình hình như vậy mà không có thêm một mức độ bạo lực hơn nữa’’. Câu trên cũng là câu kết của chương trình trên France Culture.

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats