Cơ
hội lịch sử của Biden và Macron để củng cố quan hệ xuyên Đại Tây Dương
Marie Jourdain và Celia Belin - Foreign
Affairs
Nguyễn Thị Kim Phụng, biên dịch
Pháp và Mỹ có thể củng cố liên minh của họ như thế
nào?
Khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thực hiện
chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên tới Washington vào năm 2018, ông có mối quan
hệ tương đối thân thiết với Tổng thống Mỹ Donald Trump, còn liên minh xuyên Đại
Tây Dương đang trong tình trạng hỗn loạn. Là một người đấu tranh cho cả chủ
nghĩa đa phương và chủ nghĩa thực dụng, Tổng thống Pháp lúc đó có sứ mệnh thuyết
phục Trump tiếp tục tham gia thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 và duy trì sự hiện
diện quân sự đáng kể của Mỹ ở đông bắc Syria – cả hai điều cuối cùng đều không
trở thành hiện thực.
Chuyến thăm cấp nhà nước lần thứ hai của
Macron, vào ngày 1/12 sắp tới, sẽ diễn ra trong một bối cảnh rất khác. Nó diễn
ra một năm sau tranh cãi công khai giữa Pháp và Mỹ về quan hệ đối tác an ninh mới
của Mỹ với Australia và Anh, được gọi là AUKUS, thứ đã khiến Paris đánh mất một
thỏa thuận tàu ngầm có giá trị lớn với Canberra. Nó cũng diễn ra ở thời điểm mà
liên minh xuyên Đại Tây Dương thống nhất trở lại sau khi Nga xâm lược Ukraine.
Vai trò lãnh đạo của Mỹ ở châu Âu đã được tái khẳng định, trong khi vai trò
lãnh đạo của Pháp (và Đức) lại bị nghi ngờ. Trọng tâm của châu Âu đã dịch chuyển
về phía đông, tới các đường ranh giới của NATO, đẩy những quan ngại an ninh
chính của Pháp – chủ nghĩa khủng bố thánh chiến từ Trung Đông và Dải Sahel của
châu Phi – xuống hàng thứ yếu trong danh sách ưu tiên. Macron tái đắc cử vào
tháng 4, nhưng sau đó đã để mất thế đa số trong quốc hội. Và giống như hầu hết
các nhà lãnh đạo châu Âu, ông phải đối mặt với viễn cảnh một mùa đông chìm
trong bất mãn do giá năng lượng tăng cao và suy thoái kinh tế đang rình rập.
Việc tiếp đón Macron tại Nhà Trắng có thể được
hiểu là một cử chỉ lịch thiệp của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ông và nhà lãnh đạo
Pháp đã nỗ lực xây dựng lại lòng tin sau vụ AUKUS, nhưng chính quyền của họ, ở
một mức độ nào đó, vẫn có quan điểm khác biệt trong các vấn đề kinh tế và chiến
lược quan trọng. Kể từ chuyến thăm cuối cùng của Macron tới Washington, thế giới
đã trải qua một loạt thay đổi lớn – từ đại dịch toàn cầu, đến chiến tranh ở
châu Âu, và cả sự hội tụ nguy hiểm của Trung Quốc và Nga – bối cảnh mới buộc Mỹ
và các đồng minh châu Âu phải điều chỉnh quan hệ đối tác của họ. Ngoài việc giải
quyết các vấn đề trước mắt như khan hiếm năng lượng và xung đột ở Ukraine,
Biden và Macron phải đảm bảo rằng liên minh Mỹ-Pháp sẽ sẵn sàng cho những nhiệm
vụ thậm chí còn lớn hơn đang chờ phía trước: đảm bảo rằng châu Âu có thể kiềm
chế một nước Nga hiếu chiến, và cải cách các thể chế quốc tế để chúng mang tính
hòa nhập, hiệu quả, và dẻo dai hơn khi đối mặt với những thách thức như sự trỗi
dậy của Trung Quốc, biến đổi khí hậu, và các mối đe dọa về công nghệ.
HƠN CẢ NATO
Cuộc xâm lược Ukraine của Nga, kết hợp với việc
nước này sử dụng luận điệu hạt nhân, đã nhấn mạnh rằng NATO vẫn là “nền tảng và
khuôn khổ thiết yếu cho an ninh tập thể của châu Âu,” như những gì chính phủ của
Macron viết trong bản cập nhật chiến lược quốc gia được công bố vào tháng 11.
Sau nhiều năm kêu gọi tăng cường phòng thủ châu Âu, Pháp đã phải thừa nhận rằng
uy tín của nước này với tư cách một đối tác quân sự đòi hỏi một sự can dự nhiều
hơn vào NATO. Pháp đã tăng cường sự hiện diện và năng lực của quân đội ở các quốc
gia vùng Baltic, đồng thời trở thành “quốc gia làm khuôn khổ” cho sự hiện diện
của NATO ở Romania, điều phối công việc huấn luyện và các chiến dịch của quân đội
liên minh đang đóng quân ở đó. Tuy nhiên, một vài quan ngại lớn nhất của Pháp về
quốc phòng châu Âu vẫn còn tồn tại bất chấp lá chắn an ninh của Mỹ. Ví dụ, châu
Âu vẫn đang chia rẽ về ý nghĩa thực tế của một “trụ cột châu Âu” mạnh mẽ hơn
trong NATO và về cách đối phó với mối đe dọa từ một Trung Quốc ngày càng hung
hăng – những chia rẽ đã đặt Washington và Paris ở hai phía đối lập.
Cuộc chiến ở Ukraine đã phơi bày những nguy cơ
từ việc châu Âu phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ về an ninh. Gặp khó khăn do nguồn dự
trữ quân sự và ngân sách hạn chế, các nước châu Âu dù rất sẵn sàng nhưng không
thực sự đủ khả năng hỗ trợ quân sự cho Kyiv. Hồi tháng 9, Đại diện Cấp cao về
Chính sách Đối ngoại và An ninh của EU Josep Borrell cảnh báo rằng các kho dự
trữ quân sự của châu Âu đã “cạn kiệt” đáng kể, và nhiều quốc gia đang phải vật
lộn để bổ sung kho vũ khí của họ. Theo Viện Kiel, trong số gần 39 tỷ euro cam kết
hỗ trợ quân đội Ukraine tính đến ngày 3/10, gần 28 tỷ euro đến từ Mỹ.
Pháp vẫn hy vọng thuyết phục châu Âu gánh vác
nhiều trách nhiệm hơn đối với nền quốc phòng của mình, không chỉ bằng cách phát
triển năng lực của châu Âu mà còn bằng cách thực hiện nhiều nhiệm vụ tự chủ
hơn. Sau tranh cãi về AUKUS, Biden đã đưa ra một tuyên bố chung với Macron, nhấn
mạnh “tầm quan trọng của một nền quốc phòng châu Âu mạnh hơn và có năng lực hơn
… để bổ sung cho NATO.” Hơn một năm sau đó, Macron đang tìm kiếm một xác nhận rằng
cuộc chiến ở Ukraine đã không làm mất hiệu lực của tuyên bố này, nhưng thậm chí
còn củng cố nó – và đối tượng mục tiêu là người châu Âu chứ không phải người Mỹ.
Biến ý tưởng này thành hành động sẽ đòi hỏi một sự thay đổi về nhận thức: Mỹ cần
phải thừa nhận rằng sự phụ thuộc của châu Âu, dù là một đòn bẩy cho Mỹ, nhưng
không phải là lợi ích lâu dài của Mỹ. Do đó, Washington cần phải bắt đầu công
khai ủng hộ các sáng kiến do châu Âu dẫn đầu để giúp châu Âu bớt phụ thuộc vào
Mỹ, gồm cả phụ thuộc vào ngành công nghiệp của nước này. Ví dụ, Washington nên
hỗ trợ các nỗ lực của EU nhằm thiết lập một cơ chế thu mua vũ khí chung, thay
vì cố gắng hạn chế tham vọng của cơ chế này vì nó loại trừ ngành công nghiệp Mỹ.
Hiện tại, cuộc chiến ở Ukraine đã chứng minh
NATO và EU có thể bổ trợ cho nhau như thế nào. Dù NATO đóng một vai trò quan trọng
trong việc ngăn chặn sự xâm lược của Nga bên ngoài Ukraine, nhưng nó không phải
là động lực thúc đẩy hỗ trợ quân sự trực tiếp cho Kyiv. Các sáng kiến đặc biệt
như Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine (Ukraine Defense Contact Group) do Mỹ dẫn
đầu đã điều phối hầu hết các hoạt động hỗ trợ quân sự, trong khi EU tham gia viện
trợ qua Cơ sở Hòa bình Châu Âu (European Peace Facility) và Phái bộ Hỗ trợ Quân
sự (Military Assistance Mission). Chương trình hợp tác thành công này sẽ khuyến
khích sự hợp tác lớn hơn giữa NATO và EU, điều vốn đã được kêu gọi từ lâu ở
châu Âu, nhưng theo quan điểm của Pháp, là không thể bị trì hoãn thêm nữa.
HỢP TÁC
Nếu người Pháp hy vọng Mỹ sẽ thúc đẩy việc bảo
vệ châu Âu, thì người Mỹ hy vọng Pháp sẽ liên kết chặt chẽ hơn với họ trong vấn
đề Trung Quốc. Trong nỗ lực nhằm vượt qua Bắc Kinh và xây dựng một liên minh mạnh
mẽ để chống lại chủ nghĩa xét lại của Trung Quốc, chính quyền Biden đã đặt mục
tiêu thu hẹp khoảng cách giữa các ưu tiên của Mỹ và của liên minh xuyên Đại Tây
Dương. Người Mỹ lo lắng về khả năng Trung Quốc xâm lược Đài Loan – có thể xảy
ra vào năm 2027. Washington không mong đợi châu Âu có phản ứng quân sự, nhưng họ
hy vọng châu Âu sẽ giúp ngăn chặn Trung Quốc sử dụng vũ lực và sẽ áp đặt các biện
pháp trừng phạt trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công. Để đạt được mục tiêu
đó, Mỹ cần tiếp tục hợp tác với Pháp và EU để giúp châu Âu tự chủ hơn – chẳng hạn
bằng cách giảm sự phụ thuộc vào thương mại, công nghệ, và các vật liệu quan trọng
của Trung Quốc như đất hiếm, và bằng cách chống lại những thông tin sai lệch của
Trung Quốc – đồng thời cũng báo hiệu cho Bắc Kinh rằng họ sẵn sàng hành động nếu
cần. Vì sự thống nhất xuyên Đại Tây Dương đã chứng tỏ là một vũ khí hiệu quả chống
lại Nga, Washington không thể để mất nó khi đối phó với Trung Quốc.
Theo góc nhìn đó, Pháp là một đối tác quan trọng
của Mỹ, nhưng là một đối tác khó quản lý. Dù chia sẻ nhiều quan ngại của Mỹ về
Trung Quốc, người Pháp dự định tách biệt chính sách quốc gia và chính sách châu
Âu, theo đó tránh liên kết tự động với Washington, và mở ra khả năng hợp tác với
Bắc Kinh nếu phù hợp về lợi ích. Pháp cũng muốn mang lại lựa chọn thứ ba cho
các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương: thúc đẩy việc củng cố
các quy tắc quốc tế và bảo vệ chủ quyền, thay vì khuyến khích các nước phải chọn
phe đối đầu nhau. Ở châu Âu, Pháp đã đi đầu trong việc đối phó với hành vi bóc
lột của Trung Quốc, thúc đẩy việc thiết lập các cơ chế của EU để sàng lọc các
khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài và chống lại các hoạt động cưỡng ép kinh tế.
Tuy nhiên, Pháp tự coi mình là một “cường quốc cân bằng” – một cường quốc không
đi theo logic của các khối đối lập, và thái độ thận trọng của nước này trong việc
đối đầu với Trung Quốc ở NATO và tham gia các sáng kiến chống lại Bắc Kinh do Mỹ
lãnh đạo là một trở ngại cho sự đồng thuận ở châu Âu về vấn đề Trung Quốc.
Để phá vỡ thế bế tắc này, Pháp và Mỹ sẽ cần
tìm ra diễn đàn tốt nhất để thảo luận các vấn đề liên quan đến Trung Quốc. NATO
có thể là một trong những diễn đàn như vậy, nhưng nó không nên là diễn đàn duy
nhất, vì thách thức mà Bắc Kinh đặt ra là không chỉ về mặt quân sự. EU có vai
trò nhất định trong việc chuẩn bị cho châu Âu đối phó với những cú sốc kinh tế
tiềm tàng, gây ra bởi sự gián đoạn trong thương mại toàn cầu. Ngoài ra, cũng có
cơ hội để tăng cường hợp tác giữa Mỹ và EU về thương mại và công nghệ – ví dụ,
bằng cách trao quyền nhiều hơn cho Hội đồng Thương mại và Công nghệ Mỹ-EU. Nếu
hai bên không cải thiện quan hệ hợp tác, Pháp và Mỹ sẽ phải đối mặt với ba rủi
ro liên quan với nhau: sự thiếu thống nhất và thiếu chuẩn bị của họ sẽ mời gọi
Trung Quốc xâm lược; sự chia rẽ về mức độ phân tách với Trung Quốc sẽ dẫn đến
các chính sách thiếu phối hợp, từ đó làm suy yếu sự ổn định của Ấn Độ
Dương-Thái Bình Dương; và Mỹ sẽ cảm thấy không còn lựa chọn nào khác ngoài việc
theo đuổi chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà không có châu Âu.
Trong cuộc cạnh tranh điên cuồng của họ với
Trung Quốc, Mỹ đã đạt được một mục tiêu lập pháp quan trọng: Đạo luật Giảm Lạm
phát năm 2022, cho phép các khoản đầu tư khổng lồ đổ vào các doanh nghiệp và
ngành công nghiệp xanh của Mỹ. Tuy nhiên, đạo luật này – khuyến khích tiêu dùng
trong nước và dẫn đến việc châu Âu ngừng đầu tư – có nguy cơ khiến các nước
châu Âu xa lánh Mỹ, vì lo ngại Mỹ sẽ chuyển hẳn sang chủ nghĩa bảo hộ. Pháp và
Đức đã triển khai các khoản trợ cấp tương tự cho các ngành công nghiệp châu Âu,
và Macron thậm chí còn đưa ra ý tưởng về Đạo luật Mua Hàng châu Âu. Pháp cũng
đã lớn tiếng phàn nàn rằng người châu Âu phải trả gấp ba đến bốn lần so với người
Mỹ để mua khí đốt tự nhiên – một dấu hiệu cho thấy, ngay cả trong thời điểm có
sự đoàn kết đáng chú ý trong liên minh xuyên Đại Tây Dương, thì hành vi bảo hộ
vẫn có thể gây chia rẽ.
Với chủ nghĩa dân túy cực hữu đang trỗi dậy ở
cả hai bờ Đại Tây Dương, Macron và Biden đều hiểu rõ những rủi ro chính trị mà
người còn lại phải đối mặt. Sau cùng, cả hai có thể sẽ bị thay thế bởi những
nhà lãnh đạo sẵn sàng cạnh tranh với các đối thủ hoặc đối tác thù địch: kỷ
nguyên thống nhất xuyên Đại Tây Dương nhiều khả năng sẽ không kéo dài. Đó là lý
do tại sao không ai muốn chứng kiến nền kinh tế toàn cầu trở thành đấu trường
cho cuộc cạnh tranh có tổng bằng không giữa các đối tác xuyên Đại Tây Dương,
còn trước cả khi cử tri Mỹ có cơ hội đưa một tổng thống khác giống như Trump trở
lại nhiệm sở. Ngoài việc tìm ra điểm chung trong vấn đề Trung Quốc và quốc
phòng châu Âu, Biden và Macron phải nắm bắt cơ hội này để củng cố mối quan hệ
giữa hai nước trước những gì có thể xảy ra trong tương lai. Một cách để bảo vệ
liên minh khỏi những rắc rối trong tương lai là xây dựng các cơ chế hành chính
mới, linh hoạt hơn các diễn đàn lâu đời như NATO và G-7. Chúng có thể là diễn
đàn song phương (chẳng hạn như đối thoại chiến lược Mỹ-Pháp) hoặc đa phương (chẳng
hạn như Bộ tứ châu Âu), nhưng chúng phải tạo ra môi trường để ngăn chặn sự hiểu
lầm và thúc đẩy các mục tiêu chiến lược chung.
Biden và Macron cũng đang nắm trong tay cơ hội
lịch sử để xây dựng nền tảng cho tương lai. Với tư cách là nhà lãnh đạo của hai
quốc gia từng có khát vọng phổ quát trong lịch sử, họ có thể làm nhiều điều để
chứng minh thế giới dân chủ là đồng minh tốt hơn thế giới chuyên chế. Cả hai đều
nhất trí về sự cần thiết phải giải quyết các thách thức và bất bình của nhóm
các nước đang phát triển, đồng thời kêu gọi các nước này tham gia bảo vệ các
nguyên tắc phổ quát. Năm nay, tại Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, Macron và Biden
đã có những bài phát biểu giống nhau đến kinh ngạc, cả hai đều kêu gọi phần còn
lại của thế giới phản đối cuộc chiến của Nga ở Ukraine và bảo vệ chủ quyền của
các quốc gia.
Tuy nhiên, trong cuộc cạnh tranh để giành được
sự ủng hộ của thế giới, các nền dân chủ phát triển như Mỹ và Pháp phải đạt được
những thành tích thực tế để thu phục các quốc gia đang phát triển. Kể từ những
ngày đầu của COVID-19, trong khi nhiều quốc gia giàu có tích trữ khẩu trang và
các thiết bị bảo vệ khác, Macron đã thúc đẩy “chủ nghĩa đa phương hướng đến kết
quả” vốn có thể mang lại lợi ích cho “thế giới phương Nam.” Và trong một bài
phát biểu tại hội nghị về khí hậu của Liên Hiệp Quốc ở Ai Cập trong tháng này,
ông đã ủng hộ việc cải cách IMF và Ngân hàng Thế giới để thúc đẩy quá trình
chuyển đổi sang năng lượng sạch, tán thành lời kêu gọi từ các quốc gia đang
phát triển nhằm làm cho hệ thống tài chính đa phương trở nên công bằng hơn.
Nhưng những thay đổi như vậy chỉ có thể trở thành hiện thực với sự hỗ trợ của Mỹ.
Cùng nhau, Pháp và Mỹ có thể làm được nhiều điều
để cải cách các thể chế quốc tế nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của các nước
nghèo, về tài chính khí hậu, an ninh lương thực, nợ, và nhiều vấn đề khác. Đây
là một nhiệm vụ không hề nhỏ. Nhưng nó phải là một phần của cuộc thảo luận giữa
Macron và Biden trong tuần này, nếu như Pháp và Mỹ muốn chuẩn bị cho những gì sắp
tới.
-------------------
Marie Jourdain là nghiên cứu
viên tại Trung tâm Châu Âu của Hội đồng Đại Tây Dương. Trước đó, bà làm việc
cho Tổng cục Quan hệ Quốc tế và Chiến lược thuộc Bộ Quốc phòng Pháp.
Celia Belin là nghiên cứu viên cấp cao không thường
trú tại Trung tâm về Mỹ và Châu Âu của Viện Brookings.
Nguồn: Marie Jourdain và Celia
Belin, “Biden
and Macron’s Historic Opportunity,” Foreign Affairs, 28/11/2022
No comments:
Post a Comment