Chuyên gia
chính sách công
Thứ năm, 8/12/2022, 00:00 (GMT+7)
https://vnexpress.net/chuyen-roi-ram-khong-ai-lo-4545496.html
Tôi và cộng sự vừa phát động cuộc thi về biến
đổi khí hậu để huy động sáng kiến của người trẻ.
Khi nhận thông tin, nhiều bạn khéo léo từ chối:
"Không phải thế mạnh của em nên em sẽ vận động người khác tham dự". Một
số hiểu rõ về biến đổi khí hậu nhưng không biết phải làm thế nào để tác động đến
hiện tượng này.
Trong dự án khác, chúng tôi tiến hành một khảo
sát nhỏ để đánh giá mức độ nhận diện của công chúng. Kết quả, nhiều người nghĩ
rằng ứng phó với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ của chính phủ, các tổ chức xã hội
trong nước và quốc tế, những chuyên gia môi trường và tự nhiên.
Gần đây, có quá nhiều vấn đề xảy ra mà phạm vi
giải quyết không đóng khung trong một ngành hay lĩnh vực cụ thể. Covid-19, khủng
hoảng năng lượng - lương thực và biến đổi khí hậu là ba trong những vấn đề đòi
hỏi sự tham gia phối hợp giải quyết của rất nhiều đối tượng từ các ngành nghề,
khu vực và quốc gia khác nhau. Trong quản lý công, chúng được gọi là những
vấn đề rối rắm (Wicked Problems).
Ứng phó với biến đổi khí hậu có thể được nhìn
nhận dưới hai góc độ: giảm thiểu (mitigation) và thích
ứng (adaptation). Giảm thiểu bao gồm các hành động
giúp hạn chế cường độ, diễn biến của hiện tượng này. Trong khi đó, thích
ứng lại thiên về những hoạt động mang tính chuyển đổi nhằm tăng khả
năng chống chịu của hệ thống tự nhiên và xã hội, giúp giảm bớt tổn thương. Tuy
trong nghiên cứu và báo cáo, các chuyên gia thường chia thành hai góc độ như vậy,
nhưng thực tế rất nhiều hoạt động và giải pháp có thể giúp đạt cả hai mục tiêu
hoặc cũng có khi người ta cần thiết kế một tổ hợp nhiều giải pháp mới đạt được
một loại mục tiêu.
Việc diễn giải có vẻ hàn lâm, trên thực tế ai
cũng có thể tham gia vào đề xuất sáng kiến hoặc hành động nhằm ứng phó biến đổi
khí hậu; chẳng hạn như điều chỉnh điều hòa nhiệt độ chênh lệch không quá hai độ
so với nhiệt độ ngoài trời; tiết kiệm điện, nước, xăng dầu, lương thực trong
tiêu dùng; trồng cây xanh; hay đơn giản là chạy bộ, sử dụng xe đạp, giao thông
công cộng để đi làm một số ngày trong tuần...
Đối với việc giúp cộng đồng thích ứng, các giải
pháp hướng đến tăng sinh kế cho người lao động như cải tạo đất đai, phát triển
cây trồng chịu mặn trong bối cảnh tài nguyên tự nhiên bị suy thoái nghiêm trọng
có thể là ví dụ điển hình. Ứng dụng công nghệ thông tin vào dự báo, cung cấp dữ
liệu giúp các đối tượng trong xã hội có căn cứ để ra quyết định hoặc hành động
phù hợp cũng là giải pháp có tính thích ứng.
Nhưng đó mới là góc nhìn ở mỗi cá nhân và
chuyên ngành khác biệt, để việc ứng phó biến đổi khí hậu đạt hiệu quả trên diện
rộng và các giải pháp không cản trở, mâu thuẫn lẫn nhau lại đòi hỏi sự phối hợp
đa chiều. Đây là thách thức lớn với hệ thống quản lý công nói riêng và toàn xã
hội nói chung. Cách hành xử đúng chuẩn mực đối với môi trường không nên chỉ dừng
lại dưới dạng phong trào hay được xem như một lối ứng xử đẹp, đáng ngưỡng mộ mà
cần được chuyển thành một nếp sống cơ bản, đại trà mà mọi công dân, tổ chức đều
thực hiện như điều hiển nhiên.
Trong một buổi thảo luận cùng cán bộ sở ngành
đến từ các địa phương, nhiều công chức nhà nước bày tỏ với tôi băn khoăn về việc
triển khai các chính sách liên quan đến phát triển bền vững và kinh tế tuần
hoàn.
Có những chương trình, địa phương đã lên kế hoạch
hành động, thành lập đơn vị chuyên trách để đẩy mạnh ứng dụng, hướng dẫn cách
hành xử. Nhưng khi bắt tay vào những việc cần làm, họ vẫn "như gà mắc
tóc". Đặc biệt khi xuống các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất để đề xuất
thay đổi quy trình vận hành theo hướng xanh và sạch hơn, hoặc khi đề nghị người
dân thay đổi thói quen, chẳng hạn, xử lý rác thải đầu ra, các cán bộ cho biết,
tiếp xúc với ai họ cũng bị lảng tránh.
Động cơ thực sự của người dân và các doanh
nghiệp trong mọi hoạt động là thu nhập và lợi nhuận. Yếu tố môi trường cũng là
điều họ quan tâm nhưng không được mâu thuẫn quá lớn với lợi ích kinh tế. Điều
đó lại đặc biệt đúng ở các địa phương nghèo, điều kiện kém và thu nhập người
dân không cao. Chẳng hạn, mô hình xử lý chất thải từ ngành chế biến thủy sản,
tái chế thành đất hữu cơ bón cho cây trồng là một chương trình rất hay và ý
nghĩa, nhưng vẫn khó triển khai đại trà trên cả vùng ĐBSCL do chất lượng đất và
chất thải đầu ra ngành chế biến thủy sản ở mỗi nơi một khác, diện tích đất canh
tác sở hữu bởi doanh nghiệp và hộ gia đình tại các tỉnh có đặc điểm lớn nhỏ
khác nhau, đòi hỏi cân nhắc giữa lợi nhuận thu được và chi phí bỏ ra. Năng lực
nghiên cứu và ứng dụng của các cán bộ kỹ thuật và người dân không phải ở đâu
cũng có sẵn và có thể đảm bảo thực thi hiệu quả.
Như vậy, các chính sách được xây dựng từ trên
xuống phải đi kèm với cơ chế khuyến khích và chế tài cụ thể cùng các tiêu chí
đo lường định lượng nhằm có cơ sở đánh giá khả năng và mức độ thực thi. Ngoài
ra, mỗi địa phương có một cơ cấu kinh tế, bối cảnh xã hội và điều kiện tự nhiên
khác biệt nên các mô hình, chương trình cũng cần khác biệt, không thể áp dụng đại
trà một mô hình cho cả nước hay tất cả đối tượng.
Biến đổi khí hậu sẽ tác động đến cuộc sống của
từng cá nhân, nhưng ai dường như cũng đều nghĩ, đó là chuyện trên trời, sẽ có
người khác lo chứ không phải việc của mình.
Cũng khó trách người dân. Vì "những vấn đề
rối rắm" như ứng phó với biến đổi khí hậu, nếu không có sự phối hợp và tổ
chức theo hướng đơn giản và chi tiết hóa, sẽ mãi là chuyện ai cũng lo lắng
nhưng không ai thực sự lo liệu.
Trần Hương Giang
No comments:
Post a Comment