Wednesday 21 December 2022

CẠNH TRANH MỸ - TRUNG SAU BẦU CỬ GIỮA NHIỆM KỲ CỦA MỸ và ĐẠI HỘI 20 CỦA ĐẢNG CSTQ (Trần Quốc Hùng)

 



Cạnh tranh Mỹ-Trung sau bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ và Đại hội 20 của ĐCSTQ    

Trần Quốc Hùng

19 Tháng Mười Hai, 2022

https://usvietnam.uoregon.edu/canh-tranh-my-trung-sau-bau-cu-giua-nhiem-ky-cua-my-va-dai-hoi-20-cua-dcstq/

 

Lần đầu tiên kể từ khi trở thành Tổng thống, ông Joe Biden đã có cuộc gặp mặt trực tiếp với Chủ tịch Tập Cận Bình vào ngày 14 tháng 11 năm 2022 trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia. Trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước đang gia tăng, một cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo có thể hữu ích trong việc giúp tránh hiểu lầm, ngăn cuộc cạnh tranh chiến lược vượt khỏi tầm kiểm soát; hay như phía Hoa Kỳ nói là “ngăn cho mối quan hệ rơi xuống mức sâu hơn”. Tuy nhiên, hai sự kiện chính trị lớn gần đây—cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Hoa Kỳ và Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ)—sẽ quan trọng hơn trong việc tạo tiền đề và xác định đường nét chính của quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc trong tương lai gần. Và tương lai đó có thể sẽ gây ra nhiều tranh chấp hơn chứ không phải sẽ ổn định. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với phần còn lại của thế giới.

 

Kết quả hơn mong đợi 

 

Bất chấp những kỳ vọng khá thấp mà cả hai bên đặt ra — cả hai bên đã sử dụng cơ hội này chủ yếu để nhắc lại các quan điểm đã biết của họ (cái gọi là “giới hạn đỏ”), cuộc họp đã tạo ra một số kết quả cụ thể và hữu ích.

 

Đáng chú ý nhất là thỏa thuận giữa hai bên trong cuộc họp rằng không bao giờ tiến hành chiến tranh hạt nhân. Đó sẽ là cuộc chiến không thể chiến thắng. Và rằng hai nhà lãnh đạo phản đối việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine. Thỏa thuận này chỉ được Hoa Kỳ nhấn mạnh – trong khi Trung Quốc thì không.

 

Điều này sẽ làm cho các đe dọa hạt nhân của Putin trở nên rõ ràng là ngoài sự chấp nhận của dư luận quốc tế — do đó tạo ra hy vọng sẽ làm giảm nguy cơ leo thang hạt nhân. Ngoài ra, hai nước đồng ý nối lại đối thoại về nhiều vấn đề như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, chính sách kinh tế vĩ mô, vấn đề nợ của các nước đang phát triển, v.v. Ngoại trưởng Anthony Blinken dự kiến sẽ thăm Bắc Kinh vào đầu năm tới để tiếp tục các cuộc đối thoại này.

 

Hệ quả của việc Đảng Cộng Hòa kiểm soát Hạ viện

 

Hạ viện Hoa Kỳ do Đảng Cộng hòa kiểm soát — mặc dù với đa số nhỏ hơn so với dự đoán — sẽ củng cố hướng đi của chính sách Trung Quốc của Hoa Kỳ. Ngôn ngữ, đặc biệt là của các nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa, sẽ gay gắt hơn.

 

Trong hai năm qua, các nhà lập pháp Hoa Kỳ đã giới thiệu hơn 400 dự luật chống Trung Quốc tại Quốc hội; hơn 120 trong số đó đã nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng và có khả năng sẽ tiếp tục trong quá trình lập pháp.

 

Cụ thể, Hạ viện sẽ thúc đẩy chính quyền Biden thực hiện các biện pháp kiểm soát đầu tư và thương mại hiện tại đối với Trung Quốc một cách nghiêm ngặt hơn, cũng như mở rộng chúng sang các lĩnh vực công nghệ cao nhiều hơn, và nhắm cả đến dòng vốn đầu tư nước ngoài đến Trung Quốc.

 

Đặc biệt, các điểm chính của dự thảo Luật Chính sách Đài Loan 2022 đã được xác nhập vào Luật Chuẩn chi ngân sách quốc phòng, tài khoá 2023 (National Defense Authorization Act NDAA 2023); dự trù ngân sách 10 tỷ đôla yểm trợ cho việc hiện đại hoá quân sự cho Đài Loan trong 5 năm tới.  Ngoài ra, CP Mỹ sẽ thương lượng nhằm nâng cao quan hệ kinh tế HK-ĐL.

 

Điều quan trọng cần theo dõi là liệu việc chỉ định Đài Loan là một đồng minh lớn ngoài NATO của Hoa Kỳ; và việc đổi tên Văn Phòng Đại Diện Kinh Tế và Văn Hoá Đài Bắc thành Văn Phòng Đại DIện Đài Loan sẽ xuất hiện trở lại trong các dự luật mới  hay không —sự chỉ định và đổi tên như như vậy đã được nhiều nhà phân tích chính trị coi là hành động khiêu khích không cần thiết đối với Trung Quốc.

 

Hơn nữa, Hạ viện do Đảng Cộng hòa lãnh đạo sẽ tổ chức một loạt phiên điều trần và điều tra chỉ trích Trung Quốc. Ví dụ, có thể có một phiên điều trần về vai trò của Trung Quốc trong việc cung cấp Fentanyl bất hợp pháp đã góp phần gây ra cuộc khủng hoảng opioid ở Mỹ. Một cuộc điều tra khác có thể được tái thực hiện là điều tra về nguồn gốc của virus SARS-Cov-2 bị rò rỉ trong phòng thí nghiệm Vũ Hán. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, sẽ có các cuộc điều tra về những giao dịch kinh doanh của Hunter Biden, đặc biệt là với các công ty Trung Quốc như CEFC China Energy. Hơn nữa, các chuyến thăm cấp cao của phái đoàn Quốc hội tới Đài Loan sẽ tiếp tục. Những hành động này sẽ buộc Trung Quốc phải đáp trả, khiến căng thẳng leo thang giữa hai nước.

 

Cụ thể, những động thái này sẽ hạn chế khả năng linh hoạt của Biden trong việc cố gắng quản lý mối quan hệ Mỹ-Trung một cách có trách nhiệm.

 

Trung Quốc bảo vệ “quan điểm toàn diện về an ninh”

 

Từ quan điểm của Trung Quốc, các hành động của Hoa Kỳ theo những đường hướng được phác thảo ở trên sẽ được coi là các cuộc tấn công vào chủ quyền, an ninh quốc gia và lợi ích phát triển của Trung Quốc. Các khía cạnh của “quan điểm toàn diện về an ninh” này đã được trình bày tại Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ, nổi bật hơn các mục tiêu chiến lược về phát triển chất lượng và thịnh vượng chung. Do đó, Trung Quốc sẽ đáp trả một cách nghiêm khắc.

 

Đài Loan

 

Với sự chú ý dành cho Đài Loan tại Đại hội ĐCSTQ lần thứ 20, Trung Quốc sẽ dành sự quan tâm và nguồn lực để thúc đẩy chiến dịch thống nhất như một phần trong nỗ lực phục hồi sinh lực của quốc gia (national rejuvenation).

 

Theo Sách Trắng về Đài Loan công bố vào tháng 8 năm 2022, Trung Quốc sẽ cố gắng thực hiện điều đó bằng biện pháp hòa bình—hay đúng hơn là phi quân sự—tức là ang cả cây gậy và củ cà rốt để thuyết phục chính quyền Đài Loan dưới sự lãnh đạo của Đảng Dân tiến ít nhất phải đồng ý với Đồng thuận 1992, công nhận nguyên tắc ‘một Trung Quốc’. Đồng thuận 1992 đã thành  hình sau cuộc đàm phán giữa ĐCSTQ và Quốc Dân đảng, lúc đó đang cai trị Đài Loan, và được Tổng thống Mã Anh Cửu ủng hộ.

 

Thất bại trong các biện pháp phi quân sự và nhìn thấy triển vọng thống nhất hòa bình ngày càng xa dần (đặc biệt là với thế hệ trẻ của Đài Loan) có thể sẽ khiến Trung Quốc cân nhắc nghiêm túc việc sử dụng các biện pháp quân sự để đạt được sự thống nhất.

 

Nói cách khác, nguyên trạng vô hạn định đối với Đài Loan, điều mà Đài Loan và Mỹ/phương Tây muốn, là không thể chấp nhận được đối với Trung Quốc — một điểm đã được Giang Trạch Dân nhấn mạnh ngay từ những năm 1990. Trong kịch bản này, Trung Quốc sẽ được hưởng một mức độ chủ động chiến lược vì một mình nước này sẽ quyết định thời điểm và cách thức tiến hành các hành động quân sự chống lại Đài Loan.

 

Hơn nữa, các hành động của Đài Loan và Hoa Kỳ nhằm nâng cấp quan hệ kinh tế và quân sự của họ đến một lúc nào đó sẽ khiến Trung Quốc lo sợ chính sách “Một Trung Quốc” của Hoa Kỳ sẽ bị làm rỗng ruột , thay thế bằng cách tiếp cận “Một Trung Quốc, Một Đài Loan” trên thực tế.

 

Điều này sẽ là không thể chấp nhận được đối với Trung Quốc, đặc biệt là kể từ khi Hoa Kỳ tuyên bố rõ ang trong Thông cáo chung Hoa Kỳ-Trung Quốc ngày 17 tháng 8 năm 1982 rằng họ không có ý định theo đuổi chính sách “Hai Trung Quốc” hay “Một Trung Quốc, Một Đài Loan”. Một lần nữa Trung Quốc sẽ phải quyết định cách phản ứng.

 

Tóm lại, diễn tiến tự nhiên của các sự kiện liên quan đến Đài Loan sẽ đẩy hai nước đến những xung đột mà không cuộc họp nào có thể giải quyết được.

 

Ngăn chặn công nghệ

 

Đại hội lần thứ 20 của ĐCSTQ nhấn mạnh sự cần thiết của việc Trung Quốc phải tự chủ về khoa học và công nghệ, thúc đẩy đổi mới nội sinh như một động lực tăng trưởng mới để hiện đại hóa nền kinh tế và quân sự Trung Quốc.

 

Trung Quốc sẽ chú ý và hỗ trợ mạnh hơn lĩnh vực này khi mà Mỹ tiếp tục thắt chặt kiểm soát việc chuyển giao công nghệ tiên tiến cho Trung Quốc, cho đến nay chủ yếu là chip máy tính tiên tiến nhưng có khả năng sẽ được mở rộng sang các lĩnh vực khác, đặc biệt là những lĩnh vực có ứng dụng quân sự hoặc công dụng kép.

 

Cụ thể, các hạn chế của Hoa Kỳ đối với việc chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc đã vượt ra ngoài nỗ lực giảm thiểu sự phụ thuộc vào “đầu vào” từ Trung Quốc trong chuỗi cung ứng vì lý do an ninh quốc gia, mà đã phát triển thành việc ngăn chặn tiến bộ công nghệ của Trung Quốc nhằm củng cố các vị trí lãnh đạo kinh tế và quân sự của Hoa Kỳ.

 

Chính sách ngăn chặn công nghệ này của Mỹ có thể dẫn đến sự khác biệt trong cách tiếp cận của châu Âu đối với Trung Quốc. Bảo vệ chuyến thăm Trung Quốc gần đây của mình, Thủ tướng Scholz nói rằng Đức muốn giảm “sự phụ thuộc một chiều” vào Trung Quốc trong các lĩnh vực quan trọng như khoáng sản và hàng hóa công nghệ cao nhưng không tách rời khỏi TQ.

 

Tiêu biểu cho cách tiếp cận này là các quyết định gần như đồng thời của chính phủ Đức cho phép Công ty Cổ phần Vận tải biển Hải ngoại Trung Quốc (COSCO) mua 24,9% cổ phần —dưới mức có thể cản trở các quyết định quan trọng — tại cảng Hamburg; nhưng ngăn chặn việc các công ty Trung Quốc mua lại hai công ty sản xuất chất bán dẫn của Đức.

 

Dù có những lời chỉ trích về chuyến đi của Scholz—với một phái đoàn doanh nghiệp lớn—đến Trung Quốc, và sự ủng hộ của ông đối với thỏa thuận cảng Hamburg, cả từ bên trong nước Đức và ở nhiều nước đồng minh, bản chất của cách tiếp cận mà ông nêu rõ có thể sẽ được áp dụng bởi nhiều nước châu Âu dựa vào kinh doanh với Trung Quốc để tăng trưởng kinh tế.

Sự khác biệt trong cách nhìn về nguy cơ có thể tạo cơ hội cho Trung Quốc lách luật ngăn chặn công nghệ của Mỹ và khiến chiến lược lược của Mỹ đối với Trung Quốc trở nên kém hiệu quả hơn.

 

Phong tỏa địa chính trị 

 

Trái ngược với cách hành xử đơn phương của cựu Tổng thống Trump, chính quyền Biden đã rất cố gắng và đạt được một số tiến bộ trong việc xây dựng liên minh để đối phó với Trung Quốc.

 

Tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Mỹ đã củng cố Bộ tứ với Nhật Bản, Úc và Ấn Độ; ra mắt AUKUS với Vương quốc Anh và Úc; nâng cấp quan hệ với ASEAN lên tầm Đối tác chiến lược toàn diện (mà Trung Quốc đã thực hiện năm 2021); và triển khai Khung kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) với 14 quốc gia tham gia đàm phán.

 

Đáp lại, Trung Quốc tăng cường triển khai các hiệp định thương mại và đầu tư với các nước trong khu vực, nhất là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); thúc đẩy việc xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); và hồi sinh Hiệp định Thương mại Tự do ba bên được đề xuất với Nhật Bản và Hàn Quốc.

 

Trung Quốc cũng đã phát động một cuộc tấn công quyến rũ nhằm củng cố quan hệ với các nước trong khu vực, tiêu biểu là việc trải thảm đỏ đón Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm Trung Quốc ngay sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ, nơi ông Tập Cận Bình được bầu lại làm Tổng Bí thư nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có.

 

Cuộc cạnh tranh ảnh hưởng của Mỹ và Trung Quốc có thể tạo cơ hội cho các quốc gia trong khu vực cân bằng giữa bên này với bên kia; nhưng cũng có thể thu hẹp không gian hành động đối với nhiều quốc gia không muốn đứng về phía nào trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung. Điều đó phụ thuộc chủ yếu vào việc mỗi quốc gia có thể điều hướng linh hoạt như thế nào trong mối quan hệ phức tạp và đầy sóng gió giữa hai siêu cường.

 

Nói tóm lại, các hành động chính sách xuất phát từ kết quả bầu cử giữa nhiệm kỳ của Hoa Kỳ và Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ làm sự cạnh tranh và đối đầu chiến lược giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ vẫn diễn ra gay gắt, có ý nghĩa quan trọng đối với các quốc gia khác — bất kể những lời lẽ mềm dịu của Biden và Tập tại Hội nghị thượng đỉnh ở Bali.

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats