Monday, 12 December 2022

"BÓP MÉO" TIẾNG VIỆT ĐỂ TUYÊN TRUYỀN CHÍNH TRỊ?! (Mai Lan / Việt Nam Thời Báo)

 



“Bóp méo” tiếng Việt để tuyên truyền chính trị?!

Mai Lan  -  Việt Nam Thời Báo 

06-12-2022  9:20

https://vietnamthoibao.org/vntb-tieng-viet-meo-mo-qua-lang-kinh-tuyen-truyen-chinh-tri/

 

(VNTB) – Nên tránh việc tùy tiện trong sử dụng các từ ngữ tiếng Việt dễ đưa đến những so sánh ngộ nhận. 

 

“Việt Nam – Cuba: Mối quan hệ mẫu mực, biểu tượng của thời đại”…

 

Ngày 5-12, tại trụ sở Bộ Quốc phòng, Đại tướng Lương Cường – ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên thường vụ Quân ủy Trung ương, chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam – chủ trì lễ đón Trung tướng Víctor Rojo Ramos – ủy viên Trung ương Đảng, chủ nhiệm chính trị các lực lượng vũ trang cách mạng Cuba – cùng đoàn công tác thăm chính thức Việt Nam.

 

Tướng Lương Cường được báo chí trích dẫn, rằng, “mối quan hệ đặc biệt Việt Nam – Cuba đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Fidel Castro đặt nền móng, dày công xây dựng và luôn được các thế hệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhân dân, quân đội hai nước trân trọng, vun đắp, phát triển, trở thành mối quan hệ mẫu mực mang tính biểu tượng của thời đại”.

 

Không dám luận bàn chuyện đại sự chính trị, ở đây chỉ muốn được góp ý kiến là nên tránh việc tùy tiện trong sử dụng các từ ngữ tiếng Việt dễ đưa đến những so sánh ngộ nhận.

 

Đơn cử, nếu tướng Lương Cường khẳng định mối quan hệ giữa hai quốc gia Việt Nam – Cuba là “mẫu mực mang tính biểu tượng của thời đại”, vậy thì phải chăng nếu các quốc gia khác không có kiểu “vun đắp – phát triển” từ vị nguyên thủ quốc gia rất cụ thể ở đất nước mình với Chủ tịch Cuba Fidel Castro, thì đó là quan hệ không có nền móng; và lẽ ấy nên sẽ thiếu mẫu mực, không thể đạt được tính biểu tượng.

 

Tán rộng hơn, cũng mẫu câu trên, phải chăng còn có thể vận dụng khi mai này tiếp tướng lãnh nào đó của Giải phóng quân Nhân dân Trung Hoa, phía Việt Nam lại viện dẫn Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông cho chuyện “biểu tượng của thời đại”?

 

Nếu phân tích câu từ, thì trước tiên theo giảng dạy ở bậc đại học, “biểu tượng” là khái niệm chỉ một giai đoạn, một hình thức của nhận thức cao hơn cảm giác, cho ta hình ảnh của sự vật còn giữ lại trong đầu óc sau khi tác dộng của sự vật vào giác quan ta đã chấm dứt.

 

Biểu tượng như là thuật ngữ của mỹ học, lý luận văn học và ngôn ngữ học còn được gọi là tượng trưng, nó có nghĩa rộng và nghĩa hẹp.

 

“Biểu tượng”, đó là một phương thức chuyển nghĩa của lời nói, biểu tượng có quan hệ gần gũi với ẩn dụ, hoán dụ. Giống với hoán dụ, ẩn dụ, biểu tượng được hình thành trên cơ sở đối chiếu, so sánh các hiện tượng, đối tượng có những phương diện, khía cạnh, những đặc điểm gần gũi, tương đồng, nhằm làm nổi bật bản chất, tạo ra một ý niệm cụ thể, sáng tỏ về hiện tượng hay đối tượng đó.

 

Ví dụ như các biểu tượng như “mùa xuân” (sức sống và tuổi trẻ), “cây liễu”, “cành liễu” (vẻ đẹp yểu điệu của người con gái), “thuyền” và “bến”, “hoa” và “bướm” (người con trai và người con gái) là những hình thức chuyển nghĩa được hình thành trên cơ sở như thế.

 

Một ví dụ khác. Huyền thoại khai sinh dân tộc Việt Nam được đẩy về một mốc xuất phát là thời Hồng Bàng với người đứng đầu thị tộc là Kinh Dương Vương. Vua lấy con gái Thần Long, sinh ra Lạc Long Quân. Đó là thời thứ nhất còn được ghi sâu đậm trong ký ức truyền đời của dân tộc bằng thành ngữ “con Hồng cháu Lạc”, với một không gian xã hội “nước Văn Lang”.

“Con Hồng cháu Lạc” đã trở thành biểu tượng về nguồn gốc của các tộc Việt. Hãy tạm gác sang bên nhiều thuyết khác nhau khi giải thích tìm hiểu về một thời đã mất trong đêm dài quá khứ, chỉ còn để lại ít nhiều vang vọng trong ký ức tập thể không ngừng năng động, ở đây ta chỉ quan tâm đến gì liên quan tới biểu tượng.

 

Theo cách hiểu đó, “biểu tượng” ở cách ví của tướng Lương Cường được đặt trong bối cảnh khi cả hai quốc gia cùng đeo đuổi chung một thể chế chính trị, một mô hình về độc đảng toàn trị. Như vậy, “biểu tượng” đó chỉ đúng trong giới hạn khung cửa hẹp của đảng cộng sản Việt Nam và đảng cộng sản Cuba.

 

Nếu tiếp tục tán rộng hơn với thói quen so sánh của thị dân đường phố, thì chắc chắn phía Cuba chưa bao giờ nhìn nhận về “mối quan hệ mẫu mực mang tính biểu tượng của thời đại” này, vì hồi Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cất công sang thăm Cuba lúc dịch giã Covid đang hồi căng thẳng, thế nhưng các đồng chí Cuba mặc dù là tác giả của liều vắc-xin phòng Covid, song họ lại không hề “hữu nghị”, mà rất sòng phẳng trong việc xuất bán thu tiền tươi với những đồng chí đến từ Việt Nam…

 

Bè bạn gì mà hoạn nạn lại vậy chứ!

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats