Wednesday, 14 December 2022

BIDEN VE VÃN CHÂU PHI TRƯỚC ĐÀ TIẾN MẠNH MẼ CỦA NGA và TRUNG QUỐC (Minh Anh / RFI)

 



Biden ve vãn Châu Phi trước đà tiến mạnh mẽ của Nga và Trung Quốc

Minh Anh  -  RFI

Đăng ngày: 13/12/2022 - 14:58

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20221213-biden-ve-v%C3%A3n-ch%C3%A2u-phi-tr%C6%B0%E1...BB%A7a-nga-v%C3%A0-trung-qu%E1%BB%91c

 

Thứ Ba, ngày 13/12/2022, Washington trải thảm đỏ đón 49 nhà lãnh đạo châu Phi và Liên Hiệp Châu Phi đến dự thượng đỉnh Mỹ - Châu Phi, kéo dài trong vòng ba ngày. Cuộc chiến chống khủng bố, chống biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, kinh tế và y tế sẽ là những chủ đề thảo luận trọng tâm. Nhưng Washington cũng ý thức được rằng cần phải làm sống lại mối quan hệ với châu lục trước sự cạnh tranh mạnh mẽ từ Nga và Trung Quốc. 

 

VIDEO :

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu trước buổi khai mạc thượng đỉnh Mỹ - Châu Phi, Washington, ngày 12/12/2022. © Jose Luis Magana / AP

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20221213-biden-ve-v%C3%A3n-ch%C3%A2u-phi-tr%C6%B0%E1%BB%9Bc-%C4%91%C3%A0-ti%E1%BA%BFn-m%E1%BA%A1nh-m%E1%BA%BD-c%E1%BB%A7a-nga-v%C3%A0-trung-qu%E1%BB%91c

 

Đây là thượng đỉnh Hoa Kỳ - châu Phi lần thứ hai, kể từ cuộc họp đầu tiên năm 2014 dưới thời tổng thống Obama. Theo giới quan sát, sự kiện cho thấy Hoa Kỳ vẫn còn quan tâm đến châu Phi và đưa châu lục đen này trở lại trong chính sách đối ngoại của Nhà Trắng.  

 

Theo phân tích của ông Yaya Moussa, kinh tế gia và nhà sáng lập hãng truyền thông Africa Prime, với đài RFI, chiến dịch ve vãn châu Phi này của chính quyền Biden, còn là cách để Mỹ chuộc lại những sai lầm từ người tiền nhiệm Donald Trump, khi đưa ra ba quyết định quan trọng : Tổ chức thượng đỉnh lần hai, cử ngoại trưởng Blinken công du châu Phi đồng thời công bố chiến lược mới của Mỹ đối với châu Phi hồi tháng 8/2022 ; và cuối cùng là ủng hộ Liên Hiệp Châu Phi gia nhập khối G20, một hình thức nhìn nhận tầm quan trọng kinh tế của châu lục trên trường quốc tế. 

 

Một điểm khác cũng được các nhà quan sát đồng chia sẻ : Thượng đỉnh lần này cũng như là chiến lược « châu Phi » mới của Mỹ còn nhằm mục tiêu chống lại đà ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc và Nga.

 

AFP nhắc lại, Trung Quốc, ngoài việc là chủ nợ hàng đầu thế giới đối với các quốc gia nghèo, đang phát triển, đã đầu tư ồ ạt tại châu lục, giầu nguồn tài nguyên thiên nhiên.  

 

Tương tự, nước Nga của ông Vladimir Putin, gia tăng đáng kể sự hiện diện, kể cả trong việc gởi lính đánh thuê Wagner, và xây dựng nhiều mối liên hệ chặt chẽ với một số quốc gia châu Phi, đặc biệt là tại những nước đã quyết định không ủng hộ nghị quyết lên án Nga xâm lược Ukraina trong cuộc bỏ phiếu hồi tháng 3/2022 tại Liên Hiệp Quốc. Đây cũng chính là điểm gây căng thẳng lớn với Hoa Kỳ. 

 

Trọng một cử chỉ thể hiện thiện chí của Mỹ, bất chấp những bất đồng trong hồ sơ Ukraina, chính quyền Biden trước thềm thượng đỉnh thông báo sẵn sàng chi ra « 55 tỷ đô la cho châu Phi trong vòng ba năm ». Nguồn tài trợ này sẽ dành cho y tế và đối phó với biến đổi khí hậu. Điểm nhấn của thông báo này là cam kết của Mỹ sẽ không gắn liền với thái độ của các nước châu Phi trước cuộc chiến tại Ukraina do Nga tiến hành. 

 

Trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị toàn cầu ngày một gay gắt, Hoa Kỳ cũng nhận thức được vai trò ngày càng lớn của châu Phi. Ông Judd Devermont, được mệnh danh là « Ngài châu Phi » trong Hội Đồng An Ninh Quốc Gia của Nhà Trắng, từng khẳng định rằng trong những năm sắp tới châu Phi sẽ có một tiếng nói quan trọng, « quyết định cách thức tái định hình thế giới ». 

 

Chuyên gia kinh tế Yaya Moussa trả lời RFI lưu ý thêm là, ngoài sự hiện diện đông đảo văn hóa châu Phi tại Mỹ, châu lục đen này giờ là « tâm điểm ngoại giao thế giới của mọi quốc gia và do vậy, Hoa Kỳ không là một ngoại lệ. Cũng đừng quên rằng tại Liên Hiệp Quốc, lá phiếu của châu Phi chiếm từ 25-30% ».  

 

Trong chiều ngược lại, các nhà lãnh đạo châu Phi cũng hiểu được những lợi thế mà Hoa Kỳ có thể mang lại cho châu lục, nhất là trong vấn đề an ninh và kinh tế. Cũng theo ông Yaya Moussa, chính quyền Washington, thông qua vai trò của Lầu Năm Góc, đã có đến khoảng 30 căn cứ quân sự thường trực hay bán thường trực tại 15 nước châu Phi. Và nhất là Hoa Kỳ có một sự hiện diện quan trọng tại Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (World Bank – WB). Do vậy, Hoa Kỳ còn là một đối tác hết sức quan trọng cho châu lục này. 

 

Nếu như, sự kiện cho thấy lần đầu tiên Mỹ có một chính sách rõ ràng đối với châu Phi, thì đương nhiên, chiến dịch ve vãn này cũng khiến Trung Quốc không hài lòng. Trả lời AFP, đại sứ Trung Quốc Tần Cương tại Mỹ phát biểu : « Châu Phi phải là một điểm hợp tác quốc tế, chứ không nên là nơi cạnh tranh giữa các siêu cường vì những lợi ích địa chính trị ! » 

 

------------------------------

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

LIÊN HIỆP QUỐC - NẠN ĐÓI

Mỹ, châu Âu, châu Phi ra tuyên bố chung kêu gọi khẩn cấp chống nạn đói

 

MỸ - CHÂU PHI

Ngoại giao Mỹ hoạt động hối hả tại châu Phi nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Nga

 

TRUNG QUỐC - QUYỀN LỰC MỀM

Khi Bắc Kinh "xuất khẩu" trường đảng sang châu Phi





No comments:

Post a Comment

View My Stats